Ngọc nát châu rơi – Phần 16

Đây nói qua nàng Lệ Thủy đi ra Long Hải, nguyên nàng buồn rầu vì ghen lầm Hoàn Ngọc Ẩn có vợ. Hoàn Ngọc Ẩn lấy nàng Bạch Tuyết. Nàng muốn đi đặng lánh mặt Hoàn Ngọc Ẩn và luôn dịp ra ở chơi tại nhà mát của nàng mới mua lại của một người Langsa bán lại là sáu ngàn đồng bạc.

Nàng Lệ Thủy sửa soạn ra đi mà trong lòng không vui, nàng muốn giục lấy mối tình đa mang trong dạ, mà không giây phút nào nàng không tư tưởng đến Hoàn Ngọc Ẩn, dường như bóng hình chàng lẩn quẩn trước mặt nàng luôn.

Đúng bảy giờ sớm mai, nàng Lệ Thủy soạn áo quần bỏ vào một cái rương da lớn bảo sốp-phơ cột ràng sau thùng xe hơi, nàng điểm tâm đoạn dặn dò hai Dõng mọi việc rồi ra trước thềm nhà rồi lên xe hơi của nàng mà dung ruổi. Xe của nàng đã huê mỹ lại sức mạnh đến bốn mươi mã lực, nên gặp đàng trống thì sốp-phơ cho xe chạy rất mau, từ tám chục cây số một giờ luôn luôn.

Xe của nàng Lệ Thủy chạy qua khỏi Biên Hòa chừng được năm cây số, bỗng thấy xa xa xó một người Langsa đứng giữa đàng giơ tay lên xin ngừng lại. Sốp-phơ dòm lại hỏi nàng Lệ Thủy có nên ngừng không thì nàng trả lời rằng: “Hãy ngừng lại coi có chuyện chi.”

Vừa ngừng, nàng Lệ Thủy mở cửa ra và khi gặp người Langsa ấy thì tỏ tuồng mừng rỡ hỏi rằng: “Ông làm gì đứng đây?”

“Ý, mai nầy cô Lệ Thủy, cô đi đâu bây giờ đây?”

“Tôi đi xuống Long Hải.”

“Cha chả là may, xin cô cho tôi quá giang đi xuống Vũng Tàu.”

‘Còn cái xe hơi của ông đó bộ chết máy rồi sao?”

“rủi quá cô à, nó bị hư ma-nhê-tô (magnéto) người sốp-phơ của tôi sửa gần nửa giờ rồi mà sửa không xong, bây giờ phải chịu phép để nó nằm đó. Tôi tính ra Bà Rịa mướn xe kéo nó về sửa lại. Cô làm ơn cho tôi đi hùn xe cô được không?”

“Hại gì, dầu ai lạ đi nữa, rủi lỡ đàng có lẽ nào xin đi mà tôi ngơ lòng hay sao, huống gì ông là một người quen lớn với tôi nhiều. Thôi ông hãy lên đi cho sớm.”

Người Langsa nầy là ai? Ấy là quan lương y Rít-Sa (Richard) là quan lương y có danh tiếng nhứt ở Saigon. Ông quen biết với nàng Lệ Thủy vì một lúc kia nàng mướn ông chửa bịnh thì những kẻ nghèo tại nhà nàng mà làm phước.

Quan lương y xách cái hoa ly da của ông bỏ lên xe hơi rồi bước lên ngồi, nàng Lệ Thủy liền biểu sốp-phơ mở máy cho chạy. Xe chạy chẳng đặng bao lâu và đang khi chạy sức 80 cây số bỗng nghe có tiếng kèn tru của một cái xe hơi phía sau, nàng Lệ Thủy nói với sốp-phơ rằng: “Xả hết máy và chạy nép qua một bên đường, xe sau có giỏi qua được thì qua?”

Sốp-phơ vâng lời đạp máy lần lần, hết chơn thì cái xe của nàng Lệ Thủy chạy như giông, ngó hai bên đường thấy cây cối um sùm mù mịt. Quan lương y Rít-Sa dòm đồng hồ chỉ cây số thì le lưỡi và nói với nàng Lệ Thủy rằng: “Trời ơi, chạy chết hay sao mà chạy dữ như vầy, đồng hồ chỉ một trăm hai chục cây số kia cà.”

Nàng Lệ Thủy cười và nói: ‘Chạy như vầy mới khỏi sợ hứng bụi.”.

“Thôi đi, chết có ngày chớ chẳng khỏi đâu.”

Quan lương y nói dứt lời bỗng nghe tiếng kèu tay bóp lia “to to to to to!”.

Nàng Lệ thủy nghe tiếng kèn giựt mình la lên rằng: “Úy cái xe hơi nào mà sức chạy dữ vậy.”

Nàng vừa day lại đặng coi bỗng thấy một cái xe hai chỗ ngồi, hình dài chạy phớt ngang qua mặt xe nàng rất mau coi không muốn kịp, nàng nói lên rằng: “Úy! Điếu xì gà của Hoàn Ngọc Ẩn.”

Lệ Thủy nói dứt lời bỗng nghe tiếng nổ một cái rầm thì thấy điếu xì gà sàng đít qua một bên và kế nghe nổ thêm một tiếng thứ nhì thì điếu xì gà đảo lộn như con rắn và văng lật xuống hố.

Nàng la lên rằng: “Ôi thôi còn gì là Hoàn Ngọc Ẩn, chắc là chàng theo tôi mới bị hại như vầy.”

Nàng liền nói với sốp-phơ rằng: “Hãy cho xe chạy đến chỗ xe ấy lật rồi ngừng lại.”

Quan lương y nói với nàng Lệ Thủy rằng: “Đó cô có thấy không, vì cho xe chạy mau quá nên chi xe nổ bánh mới bị hại dữ vậy, đây chắc người ngồi xe phải bị tan xương nát thịt mà chết chớ không còn sức gì chịu nổi.”

Sốp-phơ cho xe hơi chạy đến nơi thì quan lương y và nàng Lệ Thủy lật đật nhảy xuống xe và chạy lại miệng hố mà dòm xuống. Nàng Lệ Thủy liền kêu sốp-phơ đồng cùng quan lương y và nàng hiệp lực đỡ điếu xì gà lên đặng đam người bị bịnh nặng ghê gớm mắc kẹt dưới xe lên. Nàng Lệ Thủy thất sắc vì tưởng chắc rằng Hoàn Ngọc Ẩn lâm nạn chớ không ai cả. Khi đỡ hỏng xe lên rồi nàng Lệ Thủy coi lại thì thấy rõ ràng là nàng Bạch Tuyết, nguyên nàng Lệ Thủy vì ghen tuông nên mỗi khi nhớ đến nàng Bạch Tuyết thì đam lòng thù hận, trong cảnh nầy nàng Lệ Thủy vừa đam lòng giận nàng Bạch Tuyết, nhưng thấy nàng bị một vít trên đầu rất lớn máu chảy dầm dề như mội nước trào còn trên lưng lại bị xẻ một đường rất sâu, rách áo bứt ra một hàng và máu tuôn lai láng. Nàng Lệ Thủy thấy nàng Bạch Tuyết nằm ngoẻo đầu, mắt thì nhắm lại, mê man hồn quế thì tưởng là chết rồi thì động tình thương châu mày ngó nàng một cách rất thảm thiết.

Nàng thở ra mà rằng: “Nàng cũng như ta, thân nhược chất liễu bồ, bị tai nạn thể nầy còn gì là vóc ngọc mình vàng.”

Quan lương y đỡ nàng Bạch Tuyết đam lên khỏi hố để nằm trên cỏ ông bắt mạch và khán bịnh rồi nói: “Thương thay một ả sắc lịch dường nầy mà bạc mạng, chắc là nàng phải chết vì một vít trên đầu để hết một miếng xương sọ và động vào óc.”

Nàng Lệ Thủy thở ra mà rằng: “Trời ôi tội nghiệp nàng biết bao nhiêu, xin ông tận tình cứu cấp giùm nàng, nếu nàng sống thì tôi chịu cho ông một ngàn đồng bạc.”

Quan lương y xem vít trên đầu một lần nữa rồi nói: “Tôi tài gì cứu được, chỉ nhờ ơn trên mà thôi.”

Dứt lời quan lương y bèn bảo sốp-phơ chạy lại xe hơi lấy cái hoa ly da của ông đem lại. Ông nói với nàng Lệ Thủy rằng: “Cũng rất may tôi đi có đam một hoa ly đủ các thứ thuốc chữa bịnh ngoài da và đủ đồ nghề tôi có thể cầm máu lại đặng.”

Quan lương y mở hoa ly, lấy một chai rượu mở nút trút ra rửa tay đoạn lấy nào là đồ kẹp cho nhiếp mấy vít lớn lại và ông cho thuốc cầm máu. Vừa rồi ông nói với nàng Lệ Thủy rằng: “Muốn cứu nàng xin chở nàng ra Vũng Tàu, tại nhà thương dưỡng bịnh của tôi lập vừa xong chừng một tháng nay có đủ thứ thuốc thì còn trông cậy cứu nàng được.”

Nàng Lệ Thủy thấy nàng Bạch Tuyết nằm mê man hơi thở dịu dàng thì có lòng lo nên phụ với quan lương y để nàng lên xe và chính mình nàng ôm lấy nàng Bạch Tuyết vào lòng và bảo sốp-phơ cho xe chạy rất mau đi xuống Vũng Tàu.

Xe chạy chẳng đầy ba khắc đồng hồ thì đến tại nhà thương của quan lương y Rít-Sa, thật là một cái nhà không rộng lớn lắm nhưng tráng lệ và cất trên chỗ cao ráo mát mẻ, phải chỗ cho người bịnh hoạn để ở uống thuốc lắm.

Quan lương y nhặm lẹ và có tánh háo nghĩa, vì chính là ông khi xe ngừng thì lật đật đỡ nàng Bạch Tuyết lên trên tay mà đam vào nhà, và đi qua một gian phòng cho thuốc mà để nàng Bạch Tuyết trên một cái bàn mặt đá mà băng bó mấy chỗ bị thương tích lại rất kỹ lưỡng. Nàng Lệ Thủy thấy nàng Bạch Tuyết áo quần rách nát bèn đi ra xe hơi mở rương lấy một bộ đồ mặc bằng hàng trắng mới của nàng đam vào và nàng ra tay lo thay đổi áo quần cho nàng Bạch Tuyết.

Một chập sau quan lương y đam một ly thuốc vào cho nàng Bạch Tuyết uống và nói với nàng Lệ Thủy rằng: “Tôi xem thế bịnh của nàng khó sống lắm, điều cần kíp là phải có người ráng ngồi một bên giường giữ chừng nàng chẳng nên có hở ra một giây phút nào cả. Tôi có một thầy điều dưỡng tôi muốn ở lại đây, vậy có nhờ thẩy giữ bịnh nàng cũng được.”

Nàng Lệ Thủy nói: “Tôi chẳng tin cậy bằng, xin ông dạy bảo tôi coi sóc nàng thể nào thì tôi nguyện sẽ tận tình coi sóc nàng hơn, vì làm ơn thì tôi muốn sao cho trọn vẹn.”

“Vậy thì mệt cô lắm.”

“Không sao ông chớ lo, ông vẫn biết tôi có tánh lo lắng giúp người bịnh hoạn thể nào chớ. Thôi ông bảo thầy điều dưỡng đam nàng sang qua để nàng nghỉ nơi phòng nào cũng được, còn tôi đi thay đồ rồi sẽ đến tại phòng đó mà coi sóc nàng.”

“Cha chả, cô có lòng như vậy tôi rất kính phục. Vậy cô hãy bảo sốp-phơ đam xe vào nhà sau mà để, ra đam đồ của cô mà ở tạm tại nhà của tôi có dư hai ba cái phòng rất tiện, chẳng có sự gì cô ngại. Ở đây tôi cũng có rước khách sang trên Saigon xuống ở chơi hoài.”

Quan lương y Rít-Sa nói dứt lời rồi dẫn nàng Lệ Thủy đi vào coi một cái phòng vừa rộng rãi vừa sạch sẽ nào giường mền mùng gối bàn rửa mặt sẵn sàng lại có một cái tủ đứng hai mặt kiếng cao lớn và rộng.

Nàng Lệ Thủy nói: “Tôi xin mượn cái phòng nầy mà ở tạm một đôi ngày chừng nào nàng ấy qua khỏi cơn nguy rồi thì tôi sẽ đi qua Long Hải. Tôi nguyện ở lại giúp ông mà săn sóc nàng rất tận tâm vì tôi thấy nàng bị bịnh nặng sao tôi thương xót quá đỗi.”

“Thật đàn bà như cô tôi tưởng ít có ai đặng vậy.”

Quan lương y nói dứt lời bèn đi ra ngoài, nàng Lệ Thủy đóng cửa lại rửa mặt mày tay cổ và đi thay một bộ đồ hàng cụt. VỪa xong nàng đi qua bên phòng để nàng Bạch Tuyết mà thăm thì thấy đầu của nàng Bạch Tuyết bị băng bó chỉ còn chừa có một cái mặt mà thôi, và nàng cũng còn nằm mê man thì nhắc ghế lại ngồi gần một bên giường mà canh giữ, kế đó quan lương y Rít-Sa đi vào dặn nàng những điều cần ích phòng khi nàng Bạch Tuyết tỉnh lại phải làm đi gì.

error: Content is protected !!