Số là quan chánh sở mật thám trước kia, choán biết tài của Hiệp Liệc, biết tánh tình của Hiệp Liệc không độc ác lại hảo hiệp là khác nên chẳng bao giờ muốn bắt, nhằm lúc ông xáng bịnh nặng nằm dưỡng tại nhà thương Đồn Đất, có một người Langsa khác thế quyền cho ông. Người nầy thấy bài thơ tín của nàng Lệ thủy trong mấy tờ báo quốc âm thì biết chắc sao đêm đó cũng có Hiệp Liệc đến nhà nàng, người muốn lập công và lấy tiếng nên tư lịnh cho hai người Langsa làm giám đốc mật thám và sáu bảy người lính Annam đi theo đến vây nhà nàng Lệ Thủy.
Đến nơi quan chánh sở mật thám mới nầy phân vài người lính theo ông còn vài người chận mấy cửa cái và cửa sổ.
Nói tiếp qua quan chánh sở mật thám mới thấy Hiệp Liệc vô phương tẩu thoát nên không cượng lý thì cả mừng liền dạy hai quan giám đốc lại gần mỗi ông thúc kè năm Mạnh mà dẫn đi.
Khi đi xuống thềm nhà năm Mạnh thừa thế lẹ như chớp rùn mình xuống chàng hãng chơn ra rồi chuyển hết thần lực mà vật hai quan giám đốc vấp chơn phải té nhào, năm Mạnh liền phát chạy, quan chánh sở mật thám bắn một phát súng lục liên song chẳng trúng, ông bèn rượt theo bắn liền tiếp ba phát nữa, rủi đâu một viên đạn trúng nhầm bắp chơn của năm Mạnh làm cho anh ta té quị xuống.
Năm Mạnh bèn ráng đứng dậy nhắt cò cò một chơn ra đến lề đàng rồi thót lên lưng ngựa mà cho sải đi rất mau. Quan chánh sở mật thám bắn một phát súng nữa, viên đạn trúng nhằm đuôi con ngựa nhảy dựng lên thấy năm Mạnh té xuống đàng mà chết giấc. Năm Mạnh chẳng còn biết sự gì nữa nên bị quan chánh sở mật thám đam về giam tại bót.
Năm Mạnh nằm trong phòng giam chẳng bao lâu tỉnh lại, chơn bị đạn rất nhức nhối, và lại thấy bị giam cầm thì than rằng: “Phần thì thầy hai còn ở bên Hồng Kông phần thì bị bịnh như vầy thôi ta hết thời rủi bị bắt rất dễ thế nầy, còn phương thế gì mà tẩu thoát khỏi nữa đâu.”
Cũng trong đêm đó tại nhà nàng Lệ Thủy em gái của năm Mạnh thấy anh bị bắn trúng và hay tin bị bắt thì cầm lòng không đậu khóc òa. Còn nàng Lệ Thủy thấy năm Mạnh thọ nạn thì trách thầy Đỗ Hiếu Liêm mới xảy ra cớ sự. Đỗ Hiếu Liêm lấy làm ăn năn vô cùng nhưng chẳng biết phải làm sao mà cứu.
Chàng nói thầm rằng: “Phải chi với quan chánh sở mật thám cựu thì ta nhờ thân thiết với ông lập thế cứu Hiệp Liệc như trở bàn tay, bây giờ ta chẳng còn dính dấp với sở mật thám, nên ta có được can dự gì đến đâu thôi phải khoanh tay ngồi ngó.”
Nàng Lệ Thủy thương hại cho Hiệp Liệc bao nhiêu thì lấy làm căm hận Đỗ Hiếu Liêm bấy nhiêu, nàng ngồi nghĩ đến ân nghĩa của Hiệp Liệc thì buồn lắm, Đỗ Hiếu Liêm thấy vậy tự nghĩ: “Vì ta mà Hiệp Liệc bị bắt, nàng Lệ Thủy hờn giận ta, song dằn lòng chẳng nói, thế mà ta biết liệu làm sao bây giờ.”
Đỗ Hiếu Liêm đi lại gần nàng Lệ Thủy tỏ sắc buồn bã mà rằng: “Cô hai ôi, tôi biết tội của tôi quá nặng, nhưng tự hối thì muộn rồi. Hiệp Liệc là người đại ân của cô mà vốn là người đại nghĩa của tôi, ân nghĩa của người dầu cho tôi tán mạng, kết cỏ ngậm vành đền cũng không xứng, đến thế nầy tôi nhớ lại Hiệp Liệc cứu tử hườn sanh tôi chẳng biết mấy phen và tôi cũng nhờ người mà thù cha mới trả đặng.”
Đỗ Hiếu Liêm nói đến đây, buồn rầu lắm chàng tiếp rằng: “Hiệp Liệc đối với tôi như thế, cớ gì tôi làm ra nên nỗi người phải bị bắn trọng bịnh còn bị giam cầm. Ôi thôi! Cô trông gì Hiệp Liệc vượt ngục thoát thân được. Tôi nói đây chẳng phải Hiệp Liệc bất tài, song vì Hiệp Liệc bị bắn trọng bịnh, khác nào chim kia gãy cánh. Sức rồng kia, khi nằm khe cạn còn khó vẫy vùng thay, sức mạnh hổ kia lạc chốn chợ đông còn cúi mặt, huống tựa là Hiệp Liệc hôm nay bị bịnh lại bị bắt.”
Đỗ Hiếu Liêm nói dứt lời rồi cắn răng giậm cẳng, nàng Lệ Thủy nói: ‘Bây giờ thầy phải ra đi đặng dọ tin tức thể nào và liệu có phương chi cứu thể nào và liệu có phương chi cứu người chớ không lẽ ngồi khoanh tay mà than. Đỗ Hiếu Liêm liền đứng dậy ra đi.
Đây nói qua em gái của năm Mạnh ở tại nhà nàng Lệ Thủy (Hoàn Ngọc Ẩn bảo) hay tin anh ta bị bắt và bị bắn thì rầu buồn khóc lóc mà rằng: “Anh năm tôi bị bịnh và bị bắt còn trông gì thoát khỏi thân, oan cho người vì người giả mạo Hiệp Liệc đi giùm cho thầy hai mới mang họa. Vả chăng thầy hai còn ở bên Hồng Kông, ta biết phải làm sao cầu cứu, âu là ta, nên nói thật cho cô hai (Lệ Thủy) hay, nhờ cổ đánh điển tín cho thầy hai hay còn trông thẩy về kịp mà cứu người.”
Dứt lời nàng bèn lên nhà trên vừa khóc vừa đi ngay lại trước mặt nàng Lệ Thủy. Nguyên nàng Lệ Thủy có lòng thương yêu em của năm Mạnh lắm, vì tánh nết đằm thắm siêng năng. Lệ Thủy thấy nàng gạt lệ bước đến ngay mặt thì ngạc nhiên hỏi lời dịu ngọt rằng: “Có sự gì mà em khóc.”
“Dạ thưa anh của em bị bắt, em khôn cầm giọt lệ đặng cô ôi!”
“Ủa! Anh của em là Hiệp Liệc sao? Người mới bị bắn đó hả?”
“Dạ thật là anh của em, song chẳng phải chánh danh là Hiệp Liệc.”
“Ủa vậy chớ Hiệp Liệc nào nữa?”
“Dạ Hiệp Liệc chánh còn ở bên Hồng Kông.”
“Úy! Em nói gì lạ vậy?”
“Thưa Hiệp Liệc chính là thầy hai là Hoàn Ngọc Ẩn.”
Nàng Lệ Thủy nghe nói thì kinh ngạc sửng sốt, nàng nắm cánh tay của em năm Mạnh và hỏi: “Thiệt không, chắc như vậy hả?”
“Dạ thưa phải.”
“Đâu hãy cắt nghĩa cho cô nghe cho mau, cô nóng nghe lắm. À, mà sao em biết đặng?”
“Dạ thưa cô, em đây là em của người mới bị bắt đó tên là năm Mạnh. Anh của em thuở trước tận tình giúp đỡ thầy hai còn em đây vâng lịnh thầy hai đến ở nhà cô, trước tận tình đỡ lấy tay chơn, sau có việc gì xảy ra thời cho thầy hai biết. Chắc có lẽ cô cũng còn nhớ đến tên Hồng Hoa.”
“Nhớ lắm, cô thương chị Hồng Hoa, tài sắc gồm đủ và có ở với cô hơn một năm, tình đối với nhau như chị em không khác.”
“Dạ thưa Hồng Hoa vốn là chị dâu của em, người là vợ của năm Mạnh.”
“Trời ôi sao vậy? Hèn chi lúc trước cô có nghe thầy hai nói chị Hồng Hoa vì cô mà bỏ mạng bên xứ Ấn Độ, tội nghiệp quá, cô hay tin cô khóc lóc thương tiếc trọn mấy ngày mấy đê,. Ôi! Còn hôm nay anh năm lại bị bắt nữa, tội nghiệp biết là dường nào!”
“Dạ thưa cô, theo ý em tưởng, muốn cứu anh của em thì xin cô sáng mai nầy đánh điển tín qua Hồng Kông cho thầy hai biết, thì có lẽ trông cậy thẩy về cứu mới đặng cho vì thầy hai tài lắm.”
“Ờ phải đa thế mà rất chậm trễ, vì thầy hai có được tin mà về đến Saigon thì cũng phải trễ tràng có mười bữa nửa tháng, vì có khi không gặp tàu thì phải chờ chớ biết làm sao. Rất may cho cô được hôm nay, em nói giùm không thôi thời nào có hay biết gì đâu.”
“Việc nầy cô đã biết rồi, thôi em hãy giấu nhẹm luôn chớ cho thầy Đổ Hiếu Liêm hay.”
“Dạ thưa cùng thế em mới nói cho cô hay, phòng lo việc cứu cấp anh em, bằng không thì dầu có đưa gươm vào miệng em thời em cũng không bao giờ khai ra.”
Nàng Lệ Thủy đứng dậy đi vào phòng kiếm nàng Đặng Nguyệt Ánh nói rằng: “Nầy cô, cha chả là tệ cho cô biết dường nào.”
“Cô nói gì lạ thế.”
“Ối thôi, tôi mới biết được Hoàn Ngọc Ẩn là Hiệp Liệc.”
Nàng Đặng Nguyệt Ánh cười xòa, nàng Lệ Thủy tiếp nói: “Cô chớ tưởng tôi lầm mà cười, Hiệp Liệc bị bắt đó là Hiệp Liệc giả, ấy là năm Mạnh.”
Nàng Đặng Nguyệt Ánh nghe nói trúng ổ thì ngạc nhiên kế nghe nàng Lệ Thủy tiếp rằng: “Còn Hiệp Liệc thiệt là tình nhân của tôi, là Hoàn Ngọc Ẩn thời còn ở bên Hồng Kông. Có phải vậy không hử?”
Nàng Đặng Nguyệt Ánh nghe Lệ Thủy nói dứt lời thì thở ra và đáp: “Sao cô biết đặng không sai vậy?”
“Ờ nói vậy thì trúng rồi, khá khen cô thật là kín miệng, tôi tưởng trên đời nầy có một mình cô mà thôi.”
Nàng Đặng Nguyệt Ánh cười và nói: “Xin cô chớ phiền tôi tội nghiệp, thầy hai vốn là người có ân tái tạo tôi, bởi vậy người bảo tôi thề một tiếng với người chẳng hề thất tín cùng người mà nói ra, cho ai biết người là Hiệp Liệc. Nầy cô, cô nghĩ mà coi ai là người tôi quí chuộng nhứt trên đời nầy bằng chồng của tôi, thế mà biết mấy lần thừa khi tôi vui người gạn hỏi thế mà tôi vẫn thủ khẩu như bình chẳng hề thưa thốt, xin cô xét lấy cho tôi nhờ.”
Nàng Lệ Thủy nghe nói thì đổi buồn làm vui, rồi nói sang qua chuyện nàng tính thông tin cho Hoàn Ngọc Ẩn hay.
Một chập sau có Đỗ Hiếu Liêm về, nàng Lệ Thủy chạy ra hỏi rằng: “Thầy đi dọ tin tức thể nào?”
Đỗ Hiếu Liêm lắc đầu và nói: “Tôi có đến tại bót mật thám và gặp thầy đội Sen kêu là thầy đội ‘Búa đẻo’ ở tại bót đi ra nói với tôi rằng: Hiệp Liệc còn nằm mê có gở mặt nạ coi thì thấy rõ ràng một người nét mặt oai khí tuổi chừng hai mươi tám, bây giờ mới thấy mặt thiệt đa. Quan chánh mới chẳng chịu cho ai canh giữ cả, ông ngồi phía trong cầm súng lục liên còn ở ngoài thì có thầy đội Tài và bốn người lính ngồi coi chừng. Ông nói để đợi mai sáng đam Hiệp Liệc mà giam vào khám lớn thì mới vững bụng.”
Ngày thứ khắp châu thành Saigon đều rộn rực. Vì có người hay Hiệp Liệc bị bắt, thì chạy cho người nầy sang người nọ biết, một người nói ra ít nữa là mười người biết rồi trong mười người biết đó lại truyền ngôn ra cho muôn vẹo người hay, thậm chí cho đến mấy thằng tửng bán củ năng và mấy thằng bán đậu phộng rang cũng hay tin ấy, nên đi bán rao om sòm.
Thằng thì: “Cái lầy huồi tối Hẹp lẹp bị bắt a! Của lăn lấy! Củ lăn ngọt hà.”
Còn thằng thì gặp ai bất kỳ nói rằng: “Hì cái lầy mua một gói tàu phộng rồi ngộ lói cái chọn hay lắm hà.”
Người nào tọc mạnh, muốn rõ thằng tửng nói cái chi thì ép lòng mua một gói đậu phộng thì nghe nó nói rằng: “Có biết Hẹch-lẹch không? Hà bị bắt ở tù cá là, cái tôi kêu là hết thôi à.”
Mấy viên phóng sự của các báo nghe tin ấy thì chạy lăng xăng đua nhau đến bót mật thám hỏi tin ấy cho thiệt và Hiệp Liệc bị bắt cách nào đặng, thêm nhưn thêm nhị đăng tin vào báo cho kịp, đặng chiều in cho xong, và trẻ nhỏ lãnh chạy cùng đường mà bán.