Ngọc nát châu rơi – Phần 1

Khi năm người bạn của Hoàn Ngọc Ẩn phân tay ra về chàng thốn thức trong tim bèn nói với nàng Bạch Tuyết rằng: “Em ôi! Nhờ hườn linh dược của em mà anh được tỉnh lại đến bây giờ, thế mà sao bịnh trở lại làm cho tức lói trong tim khó ngồi cho vững, anh phải vào phòng an nghỉ mới được cho.”

Nàng Bạch Tuyết nói: “Hoàn huynh hãy đi nghỉ thử coi có bớt chăng và mai nầy sẽ lo thuốc thang điều trị, vì hườn thuốc của em cho anh uống đó là hườn thuốc tuy rất thần hiệu nhưng cứu đỡ được vài giờ mà thôi.”

Hoàn Ngọc Ẩn lui vào phòng nằm một lát kế sổ huyết dầm dề và mê man chẳng còn biết chi cả. Nàng Bạch Tuyết đi vào đứng nhìn Hoàn Ngọc Ẩn một hồi rồi khóc và nói thầm rằng: “Không biết vì sao Hoàn Ngọc Ẩn ôm ta vào lòng mà hôn và khi ta vừa hôn lại thì chàng bứt ta ra làm cho ta uất ức trong lòng dường kim châm dạ. Chàng thật tình thương ta mới hôn một cách nồng nàn, nhưng sao chàng đành như vầy … Trời đất ôi! Bấy lâu ta gần với chàng chẳng có lúc nào ta lại hữu tình với chàng bằng khi đôi mặt giao kề … Trách thầm cao xanh độc địa khéo thêu dệt ta chi cái chữ tình, khéo nắn chi chữ thương mà để cho nặng lòng ta như vầy! Thuở nầy ta mới biết tu là cội phúc còn tình là dây oan.”

Nàng Bạch Tuyết nói dứt lời thì dầm dầm châu sa, nàng bèn kéo ghế ngồi dựa bên giường của Hoàn Ngọc Ẩn mà canh giữ chàng.

Phần thì bị đi đàng xe mệt mỏi, thêm lại ngổn ngang trăm mối bên lòng song nàng Bạch Tuyết nhứt định không ngủ để ngồi than thở vì tình, thế mà chẳng bao lâu nàng dựa mình vào thanh giường ngủ quên. Đang lúc mê giấc huỳnh lương vìa nàng thấy cha già về đến ngay trước mặt hai hàng giọt lụy mà rằng: “Bạch Tuyết con ôi, con không nhớ lại thuở cha bịnh nặng, gần giờ lâm chung cha có trối với con rằng: Cha sợ sau nầy con vì chút phận hường nhan mà trời xanh đam thói ganh kia làm cho thân con phải như hoa trôi bèo dạt, ấy vậy con phải dè dặt, âu là con thì phát dựa chốn thiền môn thì còn có lẽ may nhờ giọt nước nhành dương rửa lấy lòng thời con mới lánh được bước đàng chông gai của con đó.”

Vía nàng Bạch Tuyết nghe nói mấy lời thì thở ra mà rằng: “Cha ôi! Khổ cho con lắm, lời cha trối ấy là lời châu ngọc đáng cho con ghì lấy vào lòng. Thưa cha con cũng nguyện gìn lời cha dặn nhưng mà nhi nữ tình trường, nên ngày nay nửa chừng xuân nầy mà con chưa gởi thân vào cửa Phật, ấy là con chưa lâm vào cảnh ngộ nào mà con phải sầu hoa tủi nguyệt đó cha. Con cũng biết từ cổ chí kim câu tạo vật đố hồng nhan tưởng ở miệng người nhưng mà con có bền lòng thử coi máy tạo, có muộn chi cho con ngày nào thân con như hoa chìm bể khổ thì con sẽ nguyện tương chao mũi lòng, chớ như con đang thuở xuân nầy là kiếp duyên mặn tình nồng mà con đành dựa cửa Phật định niệm chữ nam mô e khi không bền thì có phải là tủi phận dở dang của hoa đào, hương phai phấn lạt đó không cha?”

Nàng Bạch Tuyết nói dứt lời lại nghe vẳng vẳng tiếng của cha mà rằng: “Chết, con sẽ chết đó con à.”

Nàng Bạch Tuyết giựt mình tỉnh giấc thở dài một cái, và lấy làm quái dị cho là giấc chiêm bao, nàng thấy Hoàn Ngọc Ẩn nằm thiêm thiếp thì đứng dậy rờ trán rồi nói thầm rằng: “Không sao, chàng bớt nóng, thôi ta hãy lui đi kiếm chỗ nghỉ an giấc điệp, chớ ngồi nơi ghế, dựa nơi giường cấn mạch máu thấy chiêm bao quái dị lắm. Nói dứt lời nàng bèn trở về phòng năm thao thức giây lâu rồi ngủ mê đến sáng.

Ngày thứ Hoàn Ngọc Ẩn vừa thức dậy, chàng thấy Lục Tặc đi vào phòng thì hỏi rằng: “Lục Tặc, cô ba thức dậy chưa?”

‘Dạ thưa chưa, tôi đi ngang qua phòng của chỉ tôi nghe chỉ ngủ mà ngày om sòm, chắc là chỉ mệt lắm.”

“Vậy mầy có làm việc chi thì nhẹ tay để cho người ngủ nghe không, bây giờ mầy hãy lấy giấy viết mực cho tao viết toa mầy đi mua thuốc giùm cho tao về uống thử coi khá hay không mà bây giờ còn rêm nhức cả và mình khó chịu lắm.”

Lục Tặc vâng lời và bước chơn ra đi thì Hoàn Ngọc Ẩn nhớ sực đến nàng Lệ Thủy thì kêu Lục Tặc trở lại và nói: “Sẵn dịp mầy đến khách sạn chỗ nàng Lệ Thủy ở mầy nói với nàng như vầy, như vầy, mầy cũng khéo liệu nói sao cho khôn nghe không?”

‘Dạ thưa thầy cũng biết Lục Tặc lanh lợi, xin an lòng chớ lo mà thêm bịnh, để Lục Tặc đi về sẽ thuật lại cho thầy nghe.”

Sớm mai ngày đó nàng Lệ Thủy thức dậy tinh thần dã dượi nàng coi đồng hồ thì thấy kim chỉ bảy giờ rưỡi Lệ Thủy giụi mắt thở ra mà rằng: “Đêm nay ta nằm thao thức không an, ấy cũng bởi một sự lạ lùng, ta suy sét không thấu. Ờ … Hoàn Ngọc Ẩn ở bên Pháp quốc chuyên lo sách đèn vụ chữ công danh, còn Hoàn Ngọc Ẩn nào ở tại Hồng Kông nầy, chẳng ra mặt với ta, lãi liều mình vì một số bạc tám vẹo vậy. Việc nầy thật là bí mật, ta muốn truy tầm trong trí não cho ra mối mà lại càng làm cho ta rối trí muốn bưng đầu bưng óc. Ta nghi rằng Trần Phước là Hoàn Ngọc Ẩn cải trang sửa dạng song chưa có bằng cớ gì gọi là chắc, vả chăng Hoàn Ngọc Ẩn ở bên Pháp quốc trở về, đến xứ nầy lo giùm vụ lãnh bạc của ta thì lẽ đâu chàng ẩn mặt dám liều sanh tử lên võ đài mà chẳng cho ta biết. Muốn cho rõ chắc việc mật nhiệm nầy ta cũng ráng đợi Trần Phước đến thì mới rõ sự tình.”

Nàng Lệ Thủy nói đến đây thì bước xuống giường đi rửa mặt và điểm tâm, chừng nửa giờ sau nàng nghe có tiếng gõ cửa thì lên tiếng rằng: “Ai đó, hãy xô cửa đi vào.”

Cửa mở ra nàng cười và thốt lời lớn lên rằng: “Ủa nầy Lục Tặc, em đi đến có việc chi, có thầy em đi không?”

“Dạ thưa cô, cô mạnh giỏi thể nào?”

“Mạnh, em đi đến xứ nầy được bao lâu rồi?”

“Dạ được ít ngày, tôi đi với thầy tôi.”

“Còn sao thầy em không đến đây chơi?”

“Dạ mắc bận việc quá, tôi thừa dịp rảnh trốn qua đây thăm cô vì tôi mến cô lắm.”

“A may dữ hông, ngồi em, cứ việc ngồi nói chuyện cho cô nghe.”

Lục Tặc đi lại ngồi trên ghế tréo ngoảy hai chơn xem bộ tỉnh tuồng như thường và nói: “Thưa cô, thầy tôi làm gì không biết, ở bên Tây bay bổng lên trời về Saigon rồi qua luôn đến Hồng Kông nầy.”

“Mầy nói gì lạ vậy?”

“Dạ thầy tôi ngồi máy bay về Saigon và khi về đến nhà thì hối tôi mau mau lấy áo quần thồn cho một cái hoa ly nhóc ké. Tôi cứ việc vâng lời, kế có xe hơi đam tôi và thầy hai đến sân máy bay. Úy, tôi nói đến đây bắt rởn óc, thầy hai biểu tôi đi lên máy bay đi với thầy, tôi nghe nói run rẩy lập cập, thầy hai xách lổ tai tôi đam lên mây xanh, tôi sợ quá thở khò khè rồi nhắm mắt mà khóc, đoạn trường lắm cô, khóc mà nhắm mắt mới là lạ mà bay qua đến Hồng Kông nầy đáp xuống đất thì tôi mới tưởng là còn sống. Hú hồn hú vía trót nửa giờ.”

“Em nói thầy hai và em qua đến đây được mấy ngày?”

“Dạ … hai ngày, nghĩa là đến đây là chiều thứ năm.”

“Ờ … em nói dối đó, em đừng có gạt gẫm cô mà.”

‘Dạ thiệt, tôi dám nói dối đâu.”

Nàng Lệ Thủy cười gằn và nói: “Khá khen em già mồm, cô hỏi thiệt, vậy chớ ai hồi hôm nầy đánh với Đẩu Sơn.”

“Dạ, thưa cô muốn nói ai vậy?”

“Huỳnh Ngọc Bửu không phải thầy của em sao mà em còn hỏi đố?”

“Dạ phải.”

“Ờ, nếu phải thì thầy của em qua đến Hồng Kông nầy trước một tuần vì độ đấu võ nầy đã trước một tuần lận.”

Lục Tặc ngồi suy nghĩ một hồi rồi cười và nói: “Số là cô không rõ để tôi nói hết cho cô nghe. Nếu hẳn thật theo lời cô nói, dám chắc rằng thầy tôi qua đến đây trước một tuần thì thầy tôi chẳng cần gì phải cải trang sửa dạng phải lấy tên Huỳnh Ngọc Bửu làm chi.”

“Nếu em biết mọi việc, thì hãy nói cho cô nghe rồi cô cho tiền.”

“Dạ, tôi mừng lắm. Chuyện gì mà tôi không biết, tôi xin nói hết cho cô nghe, thầy tôi ở bên Tây gởi thơ cho một chú Chệt nào bên nầy mà mượn tiền việc thiếu đủ thể nào không biết mà khi thầy tôi được điển tín thì vội vã tính hồi hương, nhờ có dịp may mới quá giang được máy bay mà đến Hồng Kông nầy.”

‘Em nói nghe có lý rồi sao nữa?”

“Dạ thầy tôi qua đến xứ nầy nghe chú Chệt nói chẳng có tiền mà cho thầy tôi mượn thêm tám vẹo, thầy tôi nóng lòng mới tính cùng Huỳnh Ngọc Bửu để thầy tôi thế anh ta mà đánh với Đẩu Sơn.”

“À … vậy sao? Khá khen thầy hai khéo lập phương hay. Ủa vả chăng việc đấu võ là việc hiểm nghèo, nhứt sanh nhứt tử, hà tất thầy hai chẳng cho tôi biết lại giấu tôi là giấu làm sao?”

Lục Tặc nghe nói thì làm bộ tỉnh tuồng như thường rồi cười và nói: “Thầy hai chẳng cho cô hai biết thì phải lắm, cô nghĩ lại coi, nếu cho hay thì sợ e cô thương thầy tôi mà ngăn cản thì sanh ra việc dở dang, còn cô có ép lòng mà để thầy tôi đi thí võ gặp lúc thầy tôi có hơi bại trận thì sao cô chẳng đau lòng, mà rủi có chuyện gì xảy ra vì cô thì làm sao thầy tôi đánh được. Cô cũng có lẽ còn nhớ khi thầy tôi bị Đẩu Sơn đánh ngã lần đầu, nếu cô biết được thầy tôi thì cô ra thể nào?”

Nàng Lệ Thủy nghe Lục Tặc hỏi thì châu mày ứa lụy rồi đáp: “Nếu như tôi biết thầy hai trước khi thì chắc là tôi chạy lên võ đài xin người chịu thua, nếu không đặng thì ắt là tôi chết giấc.”

“Dạ vì lẽ đó, cô xét coi thầy tôi biết trước nên lén đi thí võ, chớ gẫm ra vì cô mà thầy tôi đánh liều sống thác thật đau lòng lắm chớ.”

“À phải rồi, em nói nghe có lý, để rồi cô thưởng cho em hai chục đồng bạc.”

“Dạ tôi cám ơn cô, song số ấy nhiều quá tôi sợ lắm.”

“Sợ cái gì a Lục Tặc?”

“Dạ sợ run! Run mà cầm không đặng đó cô à.”

Nàng Lệ Thủy cười ngất rồi hỏi rằng: “Bây giờ thầy của em ở đâu, nói giùm cho cô biết đặng đi thăm?”

“Dạ thầy của tôi đi lên tỉnh thành Quảng Đông, rồi người nói đi với Trần Phước có chuyện gì gấp lắm trong năm sáu ngày mới về đặng, chừng đó người sẽ trao cho cô đủ số bạc là hai triệu tám vẹo đồng đặng chồng lãnh gia tài.”

“Ờ nói vậy thầy hai không có bịnh gì sao?”

“dạ thưa có bịnh gì đâu.”

“Cô thấy thầy hai bị Đẩu Sơn đánh chết lên chết xuống trên võ đài và làm gì như bị đui hai con mắt?”

Lục Tặc cười xòa và nói: “Thật cô lầm đó, cô thử nghĩ mà coi, Đẩu Sơn võ nghệ đã giỏi, lại thêm biết gồng, đánh nó chỗ nào cũng vô hại, duy ngoại trừ hai con mắt mà thôi. Thầy đánh nó giập tròng một con mắt bên hữu thì nó có lòng kiêng nể giữ thế chặt chịa. Thầy tôi nhắm không thế nào đánh trúng một con mắt nữa cho đặng, nên để cho nó đánh trúng lại rồi giả bộ chết giấc. Thầy tôi mà có gồng như nó thì nó dầu đánh trúng mấy chục thôi cũng vô hại.”

“Mà thầy em giả bộ té chi vậy?”

“Cô không thấy sao? Thầy của tôi làm như vậy đặng cho nó lầm tưởng thầy tôi vô phương chống cự chẳng chút đề phòng chững mới bị đánh bể luôn tròng con mắt bên tả. Đó cô có hiểu chưa, ấy là kế mầu của thầy tôi vậy.”

Nàng Lệ Thủy nghe Lục Tặc phân giải ít lời thì cười và nói: “Hay lắm, thôi cô hiểu rồi, còn thầy hai lên tỉnh thành Quảng Đông có chuyện chi em biết không?”

“Dạ thưa tôi không biết được, vì thầy hai chẳng có nói với tôi.”

“Cô cám ơn em lắm, thôi em hãy lấy hai chục đồng bạc nầy mà xài và có rảnh hãy đến nói chuyện chơi với cô vì cô ở đây một mình buồn lắm.”

“Dạ thưa vâng, bây giờ tôi xin kiếu đi chơi ít vòng cho biết Hồng Kông rồi chiều tôi sẽ trở qua.”

“Em ở khách sạn nào, thì chắc là thầy của em cũng ở đó phải chăng?”

“Dạ phải, thầy tôi và tôi mướn phòng ở Lạc Xuân khách sạn, bây giờ thầy của tôi mắc đi xa năm sáu ngày duy còn có một mình tôi ở đó mà thôi.”

“Nầy em, sao thầy hai không kiếm khách sạn nào mà ở, đến đó làm chi, cô nghe nói chỗ đó chẳng phải chính là khách sạn ấy là chốn thanh lâu mà.”

“Dạ phải, nhưng vì hôm mới qua mướn khách sạn nào ở cũng không còn chỗ, nên phải ép lòng đến đó, chớ thật là cực trí thầy hai tôi lắm.”

“Sao vậy, có lẽ thầy hai thích ở đó lắm chớ?”

“Dạ thưa không, cô vẫn biết thầy hai chẳng có tánh háo sắc đa tình mà ở chốn rần rộ khách ái hoa, cuộc vui đầy tháng trận cười suốt đêm, đắm nguyệt say hoa, tiếng cười câu hát thì dễ nào an tâm sao cô.”

:Ờ phải, còn em bữa nay cũng còn ở đó phải không?”

“Dạ thưa còn ở đó.”

“Như em không muốn ở chỗ đó thì hãy đam đồ đến đây, cô mướn cho một cái phòng.”

Lục Tặc nghe Lệ Thủy hỏi thì khó nỗi đáp lời, cậu cười và nói: ‘Cô có lòng tốt tôi rất cám ơn, nhưng mà thôi để tôi ở tại đó chẳng hại gì đâu mà cô phòng lo.”

“Em ngại hay sao?”

“Dạ thưa không, tôi muốn ở tại đó vì là sở thích của tôi đó cô à, đêm những ngày tôi cứ núp lén coi mấy thằng Chệt giỡn với mấy con xẩm.”

“Quỉ nà, em còn nhỏ tuổi chớ ở mấy chỗ như vậy không nên.”

“Dạ nên lắm, vì qua xứ nầy tứ cố vô thân, đất khách quê người buồn lắm, có mấy cái trò như vậy coi mới vui chớ. Thưa cô tôi về.”

Nói dứt lời Lục Tặc bèn xách nón chạy xuống lầu, cậu đi ra khỏi khách sạn thì nói thầm rằng: “Hay cho ta khéo nói láo rằng ở Lạc Xuân khách sạn, phải nói láo như vậy thì nàng Lệ Thủy chẳng dám để chơn đến mà kiếm ta mà sợ lậu sự, bây giờ ta lo đi mua thuốc cho thầy ta kẻo người trông đợi.”

error: Content is protected !!