Trên võ đài tại Hồng Kông – Phần 8

Ngày thứ đúng tám giờ năm Mạnh cầm máy xe hơi đưa Hoàn Ngọc Ẩn và quan ba phi công lên sân máy bay. Trên xe có nàng Bạch Tuyết đi theo đặng đưa Hoàn Ngọc Ẩn. Nàng thương Hoàn Ngọc Ẩn bao nhiêu thì lo sợ và khóc bấy nhiêu. Quan ba phi công thấy nàng Bạch Tuyết da trắng, mày ngài, môi son, mắt ngọc thì trộm ngó hoài không chán.

Ông hỏi Hoàn Ngọc Ẩn rằng: “Nàng tuyệt sắc đ itheo bạn đây là chi của bạn?”

“Nó là em của tôi.”

“À phải lắm, bạn lịch sự thế nầy huống gì là em gái mà không lịch sự sao đặng. Cô em đây có nơi nào trao tơ chưa?”

“Chưa, nó còn kén lựa cho được bực anh tài mới chịu trao thân gởi phận.”

Quan ba phi công thấy nàng Bạch Tuyết nhan sắc tuyệt trần thầm ao ước sao được vầy duyên can lệ, nên chi Hoàn Ngọc Ẩn nói mấy lời, thì chiếp để trong lòng, lo thi ân cho chàng rồi ngày sau sẽ phân trần đến việc tóc tơ.

Đến giờ phân rẽ, nàng Bạch Tuyết thu ba dầm dề má đào ửng đỏ, Hoàn Ngọc Ẩn thấy vậy cảm động vô cùng, nên cũng không cầm giọt lệ đặng.

Thợ máy quay chơn vịt, máy dậy ồ ồ, tức thì phi thoàn phát chạy rồi lần lần cất mũi nhắm hướng tây lướt gió rẽ mây, nàng Bạch Tuyết đứng tần ngần sờ sững cho đến khi máy bay biệt dạng nàng mới gạt lệ rồi cùng năm Mạnh ra xe hơi mà trở về nhà.

Năm ngày sau Hoàn Ngọc Ẩn lén đam xác nàng Hồng Hoa và hai Danh về đến Saigon chẳng gặp sự gì gay trở. Quan ba phi công ở Saigon được hai ngày thì từ giã Hoàn Ngọc Ẩn mà ngồi phi thoàn ra Hà Nội và đi luôn qua bên Tàu và Nhựt Bổn.

Hoàn Ngọc Ẩn và nàng Bạch Tuyết lo lắng việc chôn cất thi hài nàng Hồng Hoa và hai Danh rất vẻ bang cho toại lòng người vì hết lòng mà phải bỏ mạng nơi khách địa. Mẹ của hai Danh và năm Mạnh thấy lòng dạ của Hoàn Ngọc Ẩn có nghĩa đến thế thì tuy đau đớn lòng son, song lấy làm cảm tình Hoàn Ngọc Ẩn lắm.

Còn mấy thầy sãi thì đã được Hoàn Ngọc Ẩn thả về xứ từ khi chàng ở xứ Ấn Độ trở về Saigon rồi.

Khi rảnh rang mọi việc, Hoàn Ngọc Ẩn nhớ lại vụ lãnh gia tài của nàng Lệ Thủy thì thầm tính rằng: “Ta lo số bạc hai triệu đồng nay đã đủ rồi, vậy ta phải qua Hông Kông trước rồi sẽ gởi điển tín cho nàng hay mà qua lãnh gia tài, song ta phải làm cách nào cho nàng đừng biết ta thì mới hay.”

Hoàn Ngọc Ẩn bèn kêu nàng Bạch Tuyết lại hỏi rằng: “Nầy em, đã hai năm rồi em cách biệt quê hương, chắc sao em cũng cảm hoài, anh tính trong vài ngày thừa khi rảnh rang sẽ đi với em qua Hồng Kông rồi cho em về thăm xứ sở và vài người bà con, em có vui lòng không?”

Nàng Bạch Tuyết tỏ bụng mừng nói rằng: “Anh tính đi thiệt sao? Có chi làm cho em vui mừng hơn nữa ly hương đã mấy năm chầy, nơi quê lạnh chạnh lòng lữ thứ.”

Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Vậy thì em lo sắp đặt đồ hành lý, phần anh thì đi lo giấy tờ.”

Hoàn Ngọc Ẩn kêu năm Mạnh nói rằng: “Anh năm, tôi tính đi qua Hồng Kông nhưng không biết bao lâu sẽ về đặng tôi cậy anh ở nhà coi chừng giùm nhà cửa tôi, anh giúp đặng chăng?”

Năm Mạnh đáp: “Dạ thưa thầy, tôi nguyện phù trợ thầy luôn cho đến ngày nào thầy cùng cô hai Lệ Thủy thành hôn rồi thì tôi mới đành rời thầy.”

Hoàn Ngọc Ẩn nghe năm Mạnh nói thì mừng rỡ vô hạn. Lục Tặc ở nhà dưới đi lên hay rằng Hoàn Ngọc Ẩn tính đi qua Hồng Kông thì khoanh tay thưa rằng: “Thưa thầy, xin cho Lục Tặc đi theo giúp đỡ tay chơn, hầu đặng biết Hồng Kông nước tàu thể nào?”

“Có cần gì mầy mà phải đi theo cho cực.”

“Dạ, cực thể nào Lục Tặc cũng chịu được, xin thầy nhậm lời. Khi qua xứ Ấn Độ, Lục Tặc lao khổ biết bao nhiêu, Lục Tặc thấy sự chết trước mắt còn chẳng than van một tiếng, có lẽ nào ngày nay bỉ cực thới lai, thầy đi chơi mà không cho Lục Tặc đi theo thế thì tội nghiệp Lục Tặc lắm.”

Lục Tặc nói dứt lời thì sửa sắc mặt ưu sầu thảm đạm, Hoàn Ngọc Ẩn suy nghĩ một hồi rồi nói rằng: “Lời mầy nói thầy nghe bắt phải thương tình, thôi đừng buồn, thầy nhậm lời, vậy mầy phải lo quần áo cho có đủ đặng ít ngày xuống tàu trẩy sang qua Hồng Kông.”

Lục Tặc nghe nói thì tỏ sắc hân hoan và nói: “Thưa thầy có chi làm cho Lục Tặc vui bằng.”

Khi Hoàn Ngọc Ẩn, nàng Bạch Tuyết và Lục Tặc qua đến Hồng Kông, Hoàn Ngọc Ẩn bèn đến nhà điển tín đánh một cái tin cho nàng Lệ Thủy như vầy:

“Xin nàng hãy qua Hồng Kông lập tức, vì Hoàn Ngọc Ẩn có gởi thơ mượn tôi một số bạc hai triệu đồng, vì mang ơn nặng của người ngày trước, nên tôi nhậm lời cho người mượn giao cho nàng đặng chồng mà lãnh gia tài. Nàng cứ việc xuống tàu qua đến Hồng Kông thì có tôi tiếp rước.

TRẦN PHƯỚC

(đại thương gia)”

Hoàn Ngọc Ẩn gởi điển tín rồi thì tìm mướn được một cái nhà lầu rộng rãi sẵn bàn ghế dọn huê lệ, chàng cùng nàng Bạch Tuyết và Lục Tặc về đó trú ngụ; ở chơi được sáu bữa, Hoàn Ngọc Ẩn thăm viếng những người quen biết đủ mặt, bởi vậy Hoàn Ngọc Ẩn tiếp rước mỗi ngày khách quen nườm nượp. Nàng Bạch Tuyết thương nhớ một người cô ở tại tỉnh Sơn Đông nên xin phép Hoàn Ngọc Ẩn mà đi thăm. Hoàn Ngọc Ẩn nghe nàng nói thì cả mừng vì còn chẳng mấy ngày nữa nàng Lệ Thủy sẽ qua đến Hồng Kông, có nàng Bạch Tuyết thì e lậu chuyện. Nàng Bạch Tuyết hứa đi trong mười lăm ngày thì sẽ trở lại.

Nàng Bạch Tuyết đi đặng hai ngày, thì Lục Tặc đi thám dọ về cho Hoàn Ngọc Ẩn hay rằng nàng Lệ Thủy đã qua đến Hồng Kông và ngụ tại ‘Đào Viên khách sạn’. Hoàn Ngọc Ẩn bèn cải trang sửa dạng ra người nước Quảng Đông sang trọng, tuổi độ chừng 40 mà đi đến khách sạn tìm kiếm nàng Lệ Thủy.

Nàng Lệ Thủy đang ở trong phòng xem sách, bỗng có đứa bồi vào cho hay rằng có một người đến xin ra mắt nàng. Nàng Lệ Thủy nghe nói cả mừng đi ra chào hỏi bằng tiếng tàu rằng: “Có phải ông tên là Trần Phước đánh điển tín cho tôi qua đây chăng?”

“Phải, còn cô đây quí danh là Lệ Thủy há?”

“Dạ phải, ông bảy vào ngồi nói chuyện.”

Hoàn Ngọc Ẩn bước vào phòng kéo ghế ngồi rồi nói với nàng Lệ Thủy rằng: “Mới đây tôi được thơ của người ân nhân của tôi là Hoàn Ngọc Ẩn gởi thăm, chàng biết tôi nổi danh bá hộ xứ nầy nên chi không ngại tỏ thật rằng nàng là người tình của chàng, đã nặng lời thệ hải minh sơn chữ đồng nắm chặt, phải vậy không?”

Nàng Lệ Thủy nghe nói thì e lệ cúi đầu, má hồng ửng đỏ, nàng gắng gượng đáp rằng: “Dạ phải, rồi sao nữa?”

Hoàn Ngọc Ẩn nói rằng: “Nàng có một phần tiền của thân sinh rất lớn, song khi nào nàng lấy chồng nước Anh hoặc là người Pháp thì mới đặng thọ hưởng, còn như nàng lấy chồng là người Annam thì không đặng, trừ ra người Annam nào có đủ số bạc chồng bằng bạc của thân sinh nàng để lại thì mới đặng lãnh phải chăng?”

“Dạ phải.”

“Ủa tại sao lạ vậy.”

“Thưa cũng có duyên cớ ly kỳ nhưng tôi không nên tỏ thật hết cho ông nghe, duyên cớ ấy can dự về phẩm hạnh của mẹ tôi.”

“Ờ nếu vậy thì tôi cũng chẳng nên biết làm gì. Thôi để tôi trao cho nàng cái xếch để tên nàng đứng là hai triệu đồng cho chẵn, nàng muốn cần dùng thì cứ việc đến ‘Trung Huê ngân hàng’ mà lãnh.”

Hoàn Ngọc Ẩn nói dứt lời bèn lấy cái giấy gởi bạc mà trao cho nàng Lệ Thủy rồi nói: “Còn như nàng có muốn kiếm tôi xin coi tên đường và số nhà trong cái danh thiệp của tôi đây mà đến.”

Nàng Lệ Thủy tiếp lấy tấm danh thiệp mà rằng: “Tôi rất cám tạ ơn ông rất hảo tâm, biết bao giờ trả ơn đặng.”

Hoàn Ngọc Ẩn cười và nói: “Nàng an lòng Hoàn Ngọc Ẩn tuy nhỏ tuổi hơn tôi nhiều nhưng mà tôi kết niềm bằng hữu yêu đương nhau lắm, Chàng có sự cần dùng tiền thì tôi sẵn lòng luôn, tôi đây trọng nghĩ lắm. Thôi xin cô cho tôi xin kiếu đi về.”

Nói dứt lời Hoàn Ngọc Ẩn đứng dậy chào nàng Lệ Thủy mà xây lưng trở gót mà đi về.

Hoàn Ngọc Ẩn ra về nàng Lệ Thủy vui mừng không xiết mà rằng: “Ta có dè đâu tình lang ta ở bên Pháp quốc đang chuyên cần đèn sách mà lo cho ta đủ số bạc to lớn chồng lãnh số bạc của cha ta để lại, à ta nhớ lại rồi, ngày trước khi ta trốn theo Hoàn Ngọc Ẩn qua Pháp quốc mà nhuốm bịnh tương tư quá nặng, tưởng phải gieo mình vào miệng cá giữa biển may đâu nhờ cơn hấp hối gặp mặt tình lang ta nhờ chàng cứu tử rồi đó, tâm sự của ta đã tỏ phân cho chàng biết, thì chàng khuyên dỗ ta chớ có lo lắng ưu sầu, mà rằng: Nghĩa Hiệp dám đoan thệ rằng đến ngày ta đúng tuổi thì Nghĩa Hiệp có đủ số tiền giúp ta chồng mà lãnh số bạc của cha ta để lại. Nếu Nghĩa Hiệp mà lo cho ta số bạc ấy không đặng thì phải chết, chết vì thịt rã xương tan. À chàng lại nói với nữa rằng: Nói là nói vậy, chớ Nghĩa Hiệp nầy, trừ ra làm cho trời nghiêng núi ngã không được mà thôi, chớ việc chi người làm đặng thì Nghĩa Hiệp làm đặng cả. Chàng nói mấy lời khẳng khái với ta dễ gì mà tin được, song ta biết lòng chàng nên ta có lòng trông cậy, bằng không thì ta đã tự ải rồi. Phải? Hoàn Ngọc Ẩn dám nói như vậy là chàng dám chắc sẽ mượn cho ta được số bạc nầy. Thôi ta còn lo chi nữa, lãnh được số bạc của cha ta để lại rồi, thì ngày sau khi chàng danh toại công thành thì sẽ trở về cùng ta sánh duyên giai ngẫu.”

Đêm đó nàng Lệ Thủy vui mừng vô hạn, nên trót đêm nằm lăn, trăn trở trông cho mau sáng mà đi lãnh gia tài.

error: Content is protected !!