Đang khi ngồi tiệc khách sang có trên hai chục người, Trần Vô Cương có ý tìm Hiệp Liệc mà không biết là ai thì lấy làm tức giận lắm, anh ta ngồi ngó nàng Lệ Thủy lườm lườm, ý muốn biết Hiệp Liệc ngồi ở đâu, phòng khi bắn nàng Lệ Thủy rồi thì trở mũi súng mà bắn luôn. Tiệc cơm tây vừa mãn nàng Lệ Thủy bèn mời mấy người dự tiệc sang qua một cái bàn khác đặng uống rượu sâm banh và coi đốt pháo bông.
Khi ấy mấy tên bồi rót rượu giáp vòng, nàng Lệ Thủy bèn đứng dậy thốt lời vắn tắt cám ơn các viên quan Tây – Nam có lòng tưởng đến nàng đến chung vui mà mừng nàng hôm nay đã bước đặng mười chín tuổi xuân. Lệ Thủy dứt lời, thì tiếng vỗ tay lốp bốp, kế đó Đỗ Hiếu Liêm đứng dậy xin phép chúc mừng nàng, ròng những lời tuyệt diệu dường như nhả ngọc phun châu.
Đỗ Hiếu Liêm vừa ngồi xuống, chợt thấy Trần Vô Cương đứng dậy ngó nàng Lệ Thủy chăm bẵm mà cười gay gắt nói rằng: “Còn tôi đêm nay đến dự tiệc mừng giùm nàng sống đặng mười chín tuổi xuân là cùng bước đường đời rồi.”
Trần Vô Cương nói vừa đến đây bèn lạ tay lấy cây súng lục liên ra bắn ngay mặt nàng Lệ Thủy một phát làm cho nàng ngả ngửa ra bất tỉnh, vài người khách ngồi gần thấy vậy liền đỡ nàng đi vào nhà.
Hiệp Liệc thấy vậy liền đứng dậy vỗ ngực nói với Trần Vô Cương rằng: “Còn ta đây là Hiệp Liệc, Trần Vô Cương mi muốn giết thì hãy giết luôn thử ta coi.”
Trần Vô Cương lại thấy Hiệp Liệc đứng ngay trước mặt liền vất mũi súng lên bóp cò. Tiếng súng liền nổ lên một phát, các viên quan dự tiệc thảy đều thất kinh xô ghế mà chạy tứ tán.
*
* *
Nói qua đang khi Hoàn Ngọc Ẩn vào trong nhà nàng Lệ Thủy thì chàng có dạy năm Mạnh và Lục Tặc ở ngoài đàng coi chừng nếu thấy sự gì chẳng lành thì phải lập tức chạy vào nhà báo tin cho chàng hay. Năm Mạnh và Lục Tặc ở trước đàng đi tới đi lui nói chuyện như thường.
Lục Tặc thấy người đi đến rần rộ thì cười và nói với năm Mạnh rằng: “Nầy anh năm đêm nay nàng Lệ Thủy đốt pháo bông thể nào mà người ta đi coi đông không khác nào đi coi đốt pháo bông của bọn hắc quảy xã tri cho vay đặt nợ chặt đầu lột da Annam lấy lời mà lãng phí vậy.”
Năm Mạnh đáp: “Chẳng phải người ta đến đây chủ ý đi coi dốt bóng mà thôi, chính là muốn đi coi hoàn ngọc báu và coi nàng Lệ Thủy thể nào mà tiếng đồn rằng nàng nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành.”
Lục Tặc nói: “Dạ tiếng đồn tưởng không sai phải hông anh?”
“Ừ, nàng Lệ Thủy trên đời nầy mấy ai sánh kịp, bởi vậy biết bao nhiêu là trang hào hộ, nhà quyền quới si mê nàng mà phải chịu gian nan khổ sở.”
Lục Tặc tiếp rằng: “Chẳng nói chi xa đời, chính là thầy hai mình, vì nàng Lệ Thủy mà không biết ngày nào viên đạn súng lục liên khoét ruột, không thôi thời ông thần khám lớn cũng kêu.”
Năm Mạnh cười và nói: “Mà cũng ngộ, bấy lâu nay mấy tay công tử tốn hao với nàng tiền muôn bạc vạn, thế mà sao nàng vẫn ngơ tình lại chỉ thương thầy hai mình mà thôi. Đây không sớm thì muộn, bọn Chà chịu chuộc hoàn ngọc lại một triệu bạc thì thầy hai và nàng Lệ Thủy sẽ thành hôn.”
Lục Tặc nói: “Tôi hằng đêm cầu trời khẩn Phật cho thầy hai lo vụ của thẩy cho rồi thì tôi đây, cũng được điều may mắn.”
“May mắn sự gì a Lục Tặc?”
“Cũng có vợ như người ta vậy mà!”
“Mầy tính cưới con nào vậy mậy?”
“Con nào mà cười có hai đồng tiền tum hút nơi gò má thì đó đa.”
Lục Tặc nói rồi thì ngó mặt năm Mạnh mà cười chúm chiếm, năm Mạnh hiểu ý cũng cười và nói: “Cái thằng chết bầm, bộ mầy muốn em tao sao mà?”
“Đó đa! Tôi khen anh lẹ trí hiểu, bộ anh biết bói hay sao anh?”
“Quỉ nà, đừng có ghẹo tao mầy.”
Năm Mạnh nói dứt lời rồi cứ việc đi tới, Lục Tặc cũng đi theo, vừa đó Lục Tặc nắm tay Mạnh lại và nói: “Ý nầy anh năm! Làm gì quan chánh Sở mật thám đi với quan Biện lý, một người Tây và ba thằng Chà ngồi trên hai cái xe hơi đó.”
Năm Mạnh ngó lại thấy hai cái xe đang đậu nối đuôi và mấy người còn ngồi trên đó thì xây lưng đi tránh và nói với Lục Tặc rằng: “Thôi tao hiểu rồi, người Tây mà mầy không biết đó, là lãnh sự Hồng Mao. Chắc là mấy thằng Chà nầy qua cậy quan lãnh sự Hồng Mao kiện lấy hoàn ngọc, nên chỉ có quan Biện lý và quan Chánh sở mật thám đi theo. Thôi Lục Tặc em ở đây để anh lập tức đi vào cho thầy hai rõ.”
Nói dứt lời năm Mạnh liền chạy đi, còn Lục Tặc thì đứng coi chừng xe hơi của quan chánh sở mật thám.
Đây nhắc lại Trần Vô Cương nhắm Hiệp Liệc bắn một phát súng lục liên, vừa rồi thì Đỗ Hiếu Liêm nhảy tới quyết đánh chàng và đoạt súng, bỗng bị Hiệp Liệc nắm tay cản lại mà rằng: “Xin thầy chớ nhọc lòng, dễ gì mà Trần Vô Cương giết tôi đặng?”
Liền đó Trần Vô Cương cất lòng súng lên mà bắn Hiệp Liệc một phát nữa, bỗng bị Hiệp Liệc rút súng bắn lại trúng bàn tay phải buông cây súng rớt ngay xuống bàn. Trần Vô Vương hoảng kinh xô ghế nhắm hướng ra cửa mà chạy.
Bây giờ Đỗ Hiếu Liêm nhớ đến nàng Lệ Thủy không biết nàng bị bịnh thể nào thì định chạy vào nhà thăm, Hiệp Liệc đón lại nói rằng: “Nàng Lệ Thủy chẳng có bị bịnh gì cả, ấy là khi Trần Vô Cương bắn, nàng sảng sốt ngã ra bất tỉnh vậy thôi.”
Đỗ Hiếu Liêm hỏi rằng: “Sao thầy biết đặng?”
Hiệp Liệc lượm cây súng của Trần Vô Cương làm rớt trên bàn và nói: “Thầy hãy coi, cây súng nầy nạp thuốc không chớ chẳng có đạn.”
Hiệp Liệc bèn cắt nghĩa cho Đỗ Hiếu Liêm hay rằng khi chưa nhập tiệc cơm thì có gặp Trần Vô Cương toan giết nàng Lệ Thủy, chàng nổi giận đoạt súng rồi nói chuyện ít lời đoạn trả súng lại, thừa khi đó chàng đổi cây súng của chàng nạp ròng là bì không đạn mà Trần Vô Cương không biết.
Đỗ Hiếu Liêm nghe Hiệp Liệc thuật hết thì lắc đầu khen rằng: “Tôi chẳng biết sao mà thầy tài quá.”
Đỗ Hiếu Liêm nói đến đây đoạn đi vào nhà, quả nhiên thấy nàng Lệ Thủy đã tỉnh lại như thường nên đi lại nói chuyện.
Hoàn Ngọc Ẩn đang đứng ở ngoài sân kế gặp năm Mạnh đi vào bước lại gần kề miệng vào tai mà nói nhỏ. Hiệp Liệc suy nghĩ rồi nói: “Anh hãy đi ra và làm như vầy … như vầy …” Năm Mạnh gặc đầu rồi trở gót ra ngoài.
Hiệp Liệc bèn lấy trong bốp phơi một tấm danh thiệp viết ít hàng chữ rồi bỏ lại trong túi mà đi vào nhà. Đỗ Hiếu Liêm chỉ Hiệp Liệc và nói với nàng Lệ Thủy rằng: “Nầy là Hiệp Liệc, nếu không có mặt người tại đây thì cô đã bị Trần Vô Cương giết rồi.”
Nàng Lệ Thủy đứng dậy bắt tay chào Hiệp Liệc và thốt lời cảm tạ. Lần lần những người đi dự tiệc vào nhà chật nứt đặng thăm nàng Lệ Thủy, mấy nhà viết báo nghe nói đến tên Hiệp Liệc thì chen lấn nhau đặng coi mặt cho biết. Chừng đó mới biết Hiệp Liệc là một người thanh niên diện mạo phương phi, hình thù liền lạc, mình mặc một bộ đồ nỉ đen rất đẹp.
Hiệp Liệc tỏ tuồng hớn hở chào hỏi mấy nhà viết báo và đứng chính giữa nói tiếng Pháp rằng: “Đêm nay quí ông được gặp tôi giữa đây mà tiếp chuyện, tưởng có lẽ quí ông không quên mấy vụ tôi lấy tiền người ta, rồi tôi có viết bài lai cáo nói rõ ràng tôi làm cách nào mà lấy bạc dễ như trở tay, như thế Hiệp Liệc nầy là tay phụ bút của các báo Tây, Nam.”
Một nhà viết báo Langsa có danh bước ra nắm tay Hiệp Liệc chào và nói: “Mấy bài lai cáo của thầy có giá trị, các nhà báo đều lấy làm hân hạnh mà được mấy bài ấy đăng vào báo cho độc giả khắp lục châu đều rõ. Còn về vụ thầy qua xứ Ấn Độ đánh lấy hoàn ngọc thể nào, xin làm ơn viết bài thuật chuyện cho tôi đăng vào báo của tôi thì tôi sẽ trả cho thầy một trăm đồng.”
Hoàn Ngọc Ẩn cười và nói: “Số bạc ấy thật nhiều, nhưng tôi chẳng ham đâu. Thôi, trong ba bữa nữa tôi sẽ viết chuyện ấy mà gởi cho không các nhà báo Tây Nam.”
Mấy nhà viết báo nghe Hoàn Ngọc Ẩn nói dứt lời đều tỏ sắc hân hoan, Hoàn Ngọc Ẩn cười và nói: “Đêm nay quí ông gặp mặt tôi đây, tôi xin nói thật chẳng phải là mặt thiệt của tôi đâu, vì là gương mặt tôi khác hẳn hơn nhiều. Tôi cải trang sửa dạng tài lắm, muốn trẻ, già, đen trắng, ốm mập gì đều được cả. Bây giờ tôi xin nàng Lệ Thủy đam hoàn ngọc báu cho quí ông coi, vì một lát nữa có quan chánh sở mật thám đi với hai thầy đội, và có quan Biện lý với quan Lãnh sự Hồng Mao đến lấy hoàn ngọc nầy mà trả cho bọn Chà ở bên xứ Ấn Độ.”
Nàng Lệ Thủy nghe nói thất sắc, Hiệp Liệc day qua cười và nói: “Không sao đâu, xin cô chớ lo sợ, vậy cô hãy đi lấy đam ra giữa đây cho quí khách coi cho thỏa lòng.”
Nàng Lệ Thủy vâng lời đi lấy đam ra để giữa bàn, mấy nhà viết báo vây chung quanh bàn coi và trầm trồ khen là ngọc báu.
Chợt đâu có quan chánh sở mật thám, hai thầy đội, quan Lãnh sự Hồng Mao và quan Biện lý bước vào phòng khách, mỗi người đều cầm súng lục liên trên tay và nói: “Xin mấy người dang ra khỏi cái bàn nầy hai thước.”
Người người đều vâng lịnh lui ra cả.
Quan Biện lý nói với nàng Lệ Thủy rằng: “Vì có mấy thầy sãi bên xứ Ấn Độ qua Saigon, cáo rằng hoàn ngọc của chùa vàng tại thành Bénarès bị Hiệp Liệc ăn trộm hoàn ngọc đem về đây và bán cho cô, tuy chưa rõ ngay gian, song tôi xin cô phải để cho tôi lấy hoàn ngọc nầy đem về cất để tra hỏi rồi sẽ hay.”
Nàng Lệ Thủy chẳng muốn cho và muốn thốt lời đối nại, song thấy Hiệp Liệc láy mắt chẳng cho, nên nói với quan Biện lý rằng: “Được, ngài muốn lấy lại thì lấy, song phải làm cho tôi một biên lai chắc.”
Quan Biện lý gặc đầu, đoạn rút cây viết và một miếng giấy trong túi ra rồi định đi ngay lại bàn đặng viết, vừa đó thấy dựa hộp kiếng có tấm danh thiệp bèn lấy lên coi thì thấy dưới tên của Hiệp Liệc có mấy hàng chữ: “Hoàn ngọc thiệt đã bị tôi lấy rồi, còn hoàn ngọc trong hộp kiếng đây là giả, ông muốn lấy đem về chưng chơi cũng được.”
Quan Biện lý coi rồi thì thất sắc vỗ bàn và nói: “Khốn kiếp cái thằng Hiệp Liệc nó lấy hoàn ngọc hồi nào?”
Nàng Lệ Thủy và người người nghe quan Biện lý nói thì đều chưng hững.
Quan chánh sở mật thám nói với quan Biện lý rằng: “Đó ông có thấy không? Tôi có nói với ông rằng thằng Hiệp Liệc tài lắm, nó muốn làm việc chi thì như tà thuật. Thôi bây giờ mình đi về cho rồi, ở đây còn thêm thẹn.”
Quan Biện lý suy nghĩ một hồi rồi nói: “Đã biết rằng hoàng ngọc nầy là giả, nhưng phải lấy đam về làm tang rồi sau sẽ hay.”
Dứt lời quan Biện lý liền biểu nàng Lệ Thủy mở hộp kiếng lấy hoàn ngọc ra, quan Biện lý cầm lên coi và nói: “Ngọc giả mà làm thật là khéo, nếu Hiệp Liệc không nói thì mình có biết đâu, lại nhọc lòng cấp ca cấp củm gìn giữ đam về.” Nói dứt lời quan Biện lý liền bỏ vào túi áo rồi xin kiếu đi ra đàng.
Ông vừa đi vừa nói với quan chánh sở mật thám rằng: “Vầy cho vui lòng quan Lãnh sự một chút.”
Khi đi ra đến ngoài đàng, vừa bước lên xe hơi quan Biện lý nghe mùi bay khét khét thì lấy làm lạ nói rằng: “Cái mùi gì lạ quá vậy, mấy người xem lại thử cái gì cháy.”
Ông nói mà không dè chính là cái túi áo của ông khi nãy bỏ hoàn ngọc bị cháy, ông hoảng kinh phủi lia chữa lửa tắt, coi lại thì thấy túi áo bị cháy một lổ bằng đồng xu còn hoàn ngọc thì rớt hồi nào chẳng có ở trong túi. Quan Biện lý giựt mình khum lưng kiếm dưới đất mà cũng không gặp, ông bèn cậy hai thầy đội lấy đèn điện trong túi hiệp sức kiếm tìm cho đến thềm nhà của nàng Lệ thủy mà không gặp. Chừng đó người người đều chưng hửng không biết sao mà nói, túng thế phải đi về, mấy thầy Chà chờ đợi ở ngoài đàng hay tin thì lắc đầu le lưỡi.
Rốt cuộc ai nấy đều phải phân tay ra về.