Qua xứ Ấn Độ – Phần 22

Có lẽ chư quí đọc giả muốn rõ nàng Lệ Thủy toan tự tử bằng súng lục liên vì kiêng tài của Hiệp Liệc, ngỏ hầu ngày sau khỏi sợ Hoàn Ngọc Ẩn chết vì lưỡi kiếm. Nàng vừa lấy súng trở mũi vào lổ tai mà bóp cò thì Hiệp Liệc chụp tay kịp làm cho bạt lòng súng lên, nên khi tiếng súng nổ thì viên đạn bay bổng lên trên la phong (plafond) bể một miếng xi măng rớt ngay xuống gạch.

Cũng trong khi ấy Hiệp Liệc giựt cây súng lục liên và nói rằng: “Thưa cô, đến thế nầy tôi biết rõ lòng cô thương Hoàn Ngọc Ẩn thật, nếu vậy thì tôi nỡ lòng nào mà hại Hoàn Ngọc Ẩn cho đành. Thưa cô, trước khi tôi ra về tôi xin hỏi cô một lời chót, như tôi đây,  ai nghe đến tên mà không rùng mình rởn óc, danh tiếng nổi như cồn, phải chi cô chẳng có thề non hẹn biển cùng Hoàn Ngọc Ẩn thì cô có ưng tôi không? Tôi nói thật Hiệp Liệc nầy vì thương cô tận tình, dầu cô muốn làm cho long trời động đất thì Hiệp Liệc cũng làm đặng, nghĩ ra cũng đáng cho cô để chút tình thầm yêu vậy. Cô tưởng thể nào?”

Nàng Lệ Thủy cười và nói: “Nầy Hiệp Liệc, tài của thầy ai cũng phục, thế mà tôi không kính chút nào. Tôi nói thật, dầu mà không có Hoàn Ngọc Ẩn ra đời thì tôi cũng không tưởng đến Hiệp Liệc đâu.”

Hiệp Liệc ngạc nhiên hỏi rằng: “Ý gì cô nói vậy, tôi không hiểu?”

Nàng Lệ Thủy cười và nói: “Gẫm cũng không lạ gì mà không hiểu. Thầy xét lại, nếu Lệ Thủy trọng tài của một người ăn cướp. Lệ Thủy sánh duyên với một người ăn cướp thì cái tên tuổi Lệ Thủy sẽ bẩn thỉu. Người đời nói rằng ‘Lệ Thủy xưa kia biết bao nhiêu hàng vương tôn công tử gấm ghé đoạt cầu mà Lệ Thủy chê không xứng duyên, tưởng Lệ Thủy còn chọn khách nhà vàng cửa ngọc hơn nữa đặng dung cái danh giá tăng tiến lên hơn. Ai dè đâu Lệ Thủy đem thân châu ngọc mà gởi cho một đứa bất lương. Như thế chẳng là tiếng đời chê ngạo lắm! Tôi nói thật dầu mà tôi đem thân nầy mà gá nghĩa phụng loan cùng một người nổi tiếng hiền lương thì người còn nghĩ cùng mà khen ngợi đó. Nói tắt một lời dầu cho Lệ Thủy nát ngọc tan vàng đi nữa thì quyết một chẳng chịu đam thân bìm sắn mà dựa nơi nương cùng cội tùng sâu mọt. Xin thầy hãy nghĩ lấy mà coi đẹp mối tình chẳng bao giờ đắc sở kỳ nguyện.”

Hiệp Liệc nghe nàng Lệ Thủy nói dứt lời thì tối tăm mày mặt sụt ngồi xuống ghế úp mặt vào tay than thở trong bụng mà rằng: “Hiệp Liệc là ai? Ngọc Ẩn là ai? Trời đất hỡi nầy! Lệ Thủy không đành gá nghĩa sắc cầm cùng đứa bất lương. thế thì sau nầy ta e cho nàng Lệ Thủy biết rõ Hoàn Ngọc Ẩn chánh là Hiệp Liệc, Hoàn Ngọc Ẩn chính là đứa trộm cướp, thôi thời duyên sở ước ắt trôi theo giòng nước còn chi (1) chừng đó uổng thay những việc của Hoàn Ngọc Ẩn làm có tiền đặng đủ cho nàng Lệ Thủy chòng lấy gia tài không đặng kết quả. Ôi Hoàn Ngọc Ẩn vào sanh ra tử biết mấy phen vì ai mà câu nầy làm cho thân sơ thất sở. Ta có dè đâu vầy thì …”

Hoàn Ngọc Ẩn than đến đây thì không cầm giọt lệ, nàng Lệ Thủy hai giọt nước mắt Hoàn Ngọc Ẩn nhểu ngay xuống gạch, thương tâm nói rằng: “Hiệp Liệc, thầy là một người anh hùng hào kiệt, coi mạng sống nhẹ tợ lông hồng, thế mà vì việc gì phải rơi châu xuống gạch như vầy.”

Hoàn Ngọc Ẩn ngước mặt lên ngó nàng Lệ Thủy một cách thảm đạm mà rằng: “Tôi khóc, khóc vì tôi với nàng vô duyên đối diện bất tương phùng. Cô nương ôi! Hiệp Liệc mà không đặng sánh duyên cùng người ngọc thì sau nầy cái thân của Hiệp Liệc trôi nổi linh đinh cũng không khác bọt bèo trên giòng nước, phú mặc con sóng ba đào tấp nập rã tan. Ối thôi! Đã rõ như vậy thời phải cam đành chớ biết làm sao cải quá. Bây giờ chưa thấy gì, Hoàn Ngọc Ẩn còn bên Pháp địa, xin nàng cho Hiệp Liệc sớm viếng tối thăm, lấy tình tri kỷ mà giao thiệp với nàng. Hiệp Liệc được như vậy thì xin nguyện đam kiếp sống thừa nầy mà bảo hộ nàng đến chừng Hoàn Ngọc Ẩn về được xứ nầy sánh duyên châu trần cùng nàng rồi thì cái tên tuổi Hiệp Liệc tiêu diệt chẳng còn vẩn vơ nơi chốn phàm trần nữa đâu.  Nàng có khứng cùng chăng?”

Nàng Lệ Thủy suy nghĩ một hồi rồi nói: “Đến thế thì thôi, Nầy Hiệp Liệc, tôi khứng thuận lòng, nghĩ vì thuở kia Lệ Thủy sớm tối lân la cùng phương Tống Ngọc Trường Khanh, song khác nào sen kia mọc chốn bùn lầy mà không chút bợn nhơ vấy vùa, vả lại trước khi Lệ Thủy chẳng có tình cùng ai, chẳng có lời minh sơn thệ hải, huống chi bây giờ đã cùng một người tri kỷ cạn lời thề thốt mà đâu đam dạ bưởi bồng, đam thói nguyệt hoa làm cho nhơ bợn tấm gương trinh bạch hay sao? Hiệp Liệc tôi xin chịu mà tôi xin Hiệp Liệc chớ có gần gũi thường mà để cho ái tình lấn lướt, toan nài hoa ép liễu thì còn gì tên tuổi của thầy ở cõi dinh hoàn nầy.”

Hiệp Liệc đứng dậy vỗ ngực nói rằng: “Tôi xin vâng, nàng chớ nghi ngờ lo sợ.”

Nàng Lệ Thủy bèn nhận nút chuông trên bàn là lịnh riêng, thì hai Dõng lập tức đam một chai rượu sâm banh nhỏ ta và hai cáo ly mà để trên bàn.

Nàng Lệ Thủy cười và nói với Hiệp Liệc rằng: “Nầy là rượu sâm banh, xin thầy dùng cùng tôi một người một ly chứng lời giao kết.”

Hiệp Liệc tỏ sắc tươi cười và nói: “Được lắm, nhưng một mình tôi với cô hẹn nguyền cùng nhau chưa vui và chẳng lấy gì làm chắc, để mời Đỗ Hiếu Liêm ra giữa đây mới quí hóa hơn.”

“Thôi đi thầy, bây giờ đi mời thẩy thì rất lâu và làm rộn cho thẩy.”

Đỗ Hiếu Liêm đang ở trong phòng nghe người ở ngoài nói đến tên thì hồi hộp vô cùng, chợt nghe Hiệp Liệc tiếp nói rằng: “Có cần gì phải đi đâu mà mời cho lâu, tôi đánh tay biết chắc có Đỗ Hiếu Liêm ở trong phòng gần đây, cô chẳng tin bước vào phòng kế đây thì gặp.”

Nàng Lệ Thủy nghe nói thì lấy làm lạ đứng dậy đi vào quả nhiên gặp Đỗ Hiếu Liêm nét mặt sượng sùng, thì cười ngất.

Đỗ Hiếu Liêm liền đi ra ngoài chào Hiệp Liệc mà rằng: “Tôi rất khâm phục Hiệp Liệc quá tài, có phải thật rằng thấy biết đánh tay không?”

Hiệp Liệc chúm chiếm miệng cười đáp rằng: “Tôi nói vậy chớ tài gì mà biết đánh tay, số là khi tôi đi lên xe hơi của cô hai mà qua đây, tôi cẩn thận lắm nên có ngó chừng phía sau, nhờ có tấm kiếng hậu mới thấy được thầy nom đi theo trên một cái xe hơi nhỏ ba chỗ ngồi, còn khi tôi vào phòng nầy tôi nhờ để ý nên thấy bóng của thầy thấp thoáng trong phòng bên kia.”

Đỗ Hiếu Liêm đi lại bắt tay của Hiệp Liệc và nói: “Tôi khen và phục cái ý chỉ của thầy vô cùng, lời thầy phân giải tất là cho tôi một cái bài học có giá trị đó.”

Khi uống sâm banh Hiệp Liệc giả bộ buồn bực cầm ly rượu đưa ngay lên khỏi trán và nói: “Nầy là ly rượu sâm banh uống đêm nay chứng chiếu lời giao kết của tôi cùng cô Lệ Thủy. Tôi được hân hạnh giao thiệp với cô tùy thích, nhưng chẳng bao giờ đặng phép khêu dậy mối tình. Hiệp Liệc khi nói ra thì vẫn giữ lời luôn, nếu Hiệp Liệc bấy lâu nổi danh trượng phu quân tử mà đánh đổ không được tình luyến ái, toan điều phụng chạ loan chung thì Hiệp Liệc chẳng xứng đáng đứng trong vòng trời đất.”

Đỗ Hiếu Liêm cười và vỗ tay nghe lốp bốp. Kế đó Hiệp Liệc cụn ly với hai người rồi uống đến cạn.

Hiệp Liệc lại đứng dậy nói rằng: “Thôi bấy lời cũng đủ rồi, bây giờ củng đã khuya tôi kiếu đi về đặng cô lo việc riêng.”

Nàng Lệ Thủy nói: “Xin thầy chớ vội đi về sớm. Tôi xin hỏi một việc nầy chẳng rõ thầy làm thể nào mà khi giữa tiệc hồi sớm, đèn điện trong nhà của thầy hai vụt tắt ráo và đang khi đó thầy hỏi quan chánh sở mật thám nhận thầy đội Tài là ai?”

Hiệp Liệc cười và trước khi muốn nói cho nàng Lệ Thủy biết thì day qua hỏi Đỗ Hiếu Liêm rằng: “Cô hai không hiểu tôi làm cách nào, xin thầy cắt nghĩa giùm cho cô rõ.”

Đỗ Hiếu Liêm suy nghĩ một hồi rồi nói: “Cái đó không lấy làm gì khó hiểu, nguyên thường mấy cái nhà tây hoặc phố ở Saigon thì người ta hay để cái đồng hồ điện (Conpteur) ở ngoài, để cho mấy thầy đi lấy số dùng hơi giản tiện. Nhờ vậy nên Hiệp Liệc có cho người (2) đi theo vặn máy (coupe circuit) mấy bóng đèn trong nhà phải tắt một lượt.”

Nàng Lệ Thủy hỏi Hiệp Liệc rằng: “Có phải vậy hay không Hiệp Liệc?”

Hiệp liệc nắm tay Đỗ Hiếu Liêm dặc một cái và nói: “Tôi khen thầy độ ra rất tài.”

Rồi đó Hiệp Liệc day qua nói với nàng Lệ Thủy rằng: “À mắc nói chuyện khào mà tôi quên lửng, để tôi trao hoàng ngọc cho nàng đặng có đi về.”

Hiệp Liệc bèn lấy trong túi một cái hộp nhỏ giở nắp ra mà trao cho nàng Lệ Thủy và tiếp rằng: “XIn nàng cất hoàng ngọc chỗ nào cho kín và phải phòng ngừa bọn Chà bên nước Ấn Độ qua trộm lấy nữa.”

Lệ Thủy tiếp lấy cái hộp nét mặt hân hoan mà rằng: “Ờ hoàng ngọc yêu dấu là vật của tình lang ta căn dặn giữ lấy cho người, tưởng đã mất đâu rồi hay đâu còn trở về ta. Ngày nay ta thấy được thì là mới cổi được mối sầu đó.”

Hiệp Liệc thấy nàng Lệ Thủy nói mấy lời thì giả bộ ưu sầu ủ mặt ê mày mà ngó xuống đất.

Đỗ Hiếu Liêm trộm thấy nói thầm rằng: “Tôi nghiệp cho Hiệp Liệc hữu tình với Lệ Thủy nên chi nghe nàng nhắc nhở đến Hoàn Ngọc Ẩn thì sầu tư thổn thức.”

Kế đó Hiệp Liệc bèn bắt tay Đỗ Hiếu Liêm và nàng Lệ Thủy mà từ giã đi về. Chàng vừa ra khỏi cửa Đỗ Hiếu Liêm nói thầm rằng: “Ta cũng nên trốn theo coi cho biết nhà của Hiệp Liệc ở đâu mà bấy lâu nay ta tìm hoài không được.”

Đỗ Hiếu Liêm đi theo dè đâu bốn bánh xe bị Lục Tặc xả hơi không thế đi được phải ra sức bơm rồi bốn bánh thì Hiệp Liệc đã đi khuất dạng.


(1) Nàng Lệ Thủy chê Hiệp Liệc tấm lòng bất chánh, vì một lời của nàng nói ra đây mà hẳn thật, ngày sau nàng rõ biết Hoàn Ngọc Ẩn là Hiệp Liệc thì khổ cho Hoàn Ngọc Ẩn biết bao nhiêu.

(1) Người nầy chính là năm Mạnh theo làm sốp-phơ cho Hiệp Liệc.

error: Content is protected !!