Qua xứ Ấn Độ – Phần 18

“Ừ phải rồi, tôi cũng thấy được cái thẹo ấy. Thôi cứ việc nhập tiệc như thường rồi sẽ hay.”

Khi vào tiệc, nàng Đặng Nguyệt Ánh muốn gặp Hoàn Ngọc Ẩn, nhưng thấy hai người sắc phục đồ khách trú lại có mang mặt nạ nữa nên không nhìn được ai là ai.

Đang khi ăn được nửa bữa, thình lình đèn trong nhà vụt tắt tối đen, và có tiếng nói lớn giữa tiệc rằng: “Bẩm quan chánh sở mật thám trong hai người mặc đồ Quảng Đông ông biết ai là thầy đội Tài không?”

“Tôi biết.”

“Ông dám chắc không, nếu ông nhìn trật thì ông phải thưởng thầy đội Tài vật gì.”

“Một cái đồng hồ vàng hiệu Oméga giá đáng hai trăm đồng bạc của tôi đây.”

“Dạ được, vậy thì ông hãy nhớ lời, còn tôi xin ông hứa nếu biết được Hiệp Liệc thì ông đừng có toan bắt bớ làm gì, e phải vỡ tan đám tân hôn không vui, ông chịu không?”

“Tôi là người đúng đắn không bắt người anh hùng mạo hiểm đâu tôi xin hứa giữ đây.”

“Tôi kính ông lắm, vậy khi đèn cháy lên ông hãy chỉ thầy đội là ai thì đủ rồi, và khi mãn tiệc rồi thì sẽ biết chắc chớ không được khán rõ tức thời.”

Tiếng nói vừa dứt thì đèn điển bực cháy lên như thường, quan chánh sở mật thám liền đứng dậy chỉ người trên bàn mặt có một cái thẹo. Ai nấy cũng đều chăm chăm mắt ngó và trông cho khi mãn tiệc sẽ biết chắc ông chỉ trúng hay là trật.

Đến tuần sâm-banh quan chánh sở mật thám đứng dậy chào Đỗ Hiếu Liêm và nàng Đặng Nguyệt Ánh mà mở lời nói rằng:

“Chào thầy và cô,

Giữa tiệc hoan lạc nầy, tôi xin thay mặt anh em trong ti mật thám thốt ít lời thô kịch chúc mừng đám tân hôn long trọng nầy. Ớ thầy Đỗ Hiếu Liêm yêu dấu, ti mật thám đang thời đặng vẻ vang là nhờ từ ngày thầy có lòng hảo hiệp tình nguyện lãnh một cái thiên chức bắt nhiều đám ăn cướp bí mật, truy tầm đứa gian ngược rất hay, nên chi lóng nầy chẳng còn đứa trộm cướp lợi hại nào dám mọc lên. Thế thì thầy giúp ích cho xã hội rất nhiều, chẳng lấy chi mà thưởng công thầy cho cân xứng được.

Lại nữa, tánh tình thầy thùy mị, bạn đồng nghiệp đều yêu. Thầy là một người bể học thức rộng xa, có trí và lại có tài, mà chẳng ham phú quí vinh hoa, lương cao lộc cả, lại xin làm một tay trinh thám thí công, ghe phen mạng sống như chuông treo chỉ mành, nhọc nhằn lại thêm mạo hiểm, ngoại trừ Thanh Long là một tay sát nhơn trộm cướp thầy đã bắt được rồi, thầy lại còn bắt nhiều đám khác. Chính là ngày nay thầy đã xin từ chức được rồi, thầy toan việc nghi gia nghi thất đặng trở về điền viên vui cùng cảnh vật, thế mà thầy chẳng quên chúng tôi mời đến chia vui tiệc quí trọng nầy mà tỏ ngay ra tình thân thiết với chúng tôi. Vậy trước khi tôi cạn lời thành thật, tỏ hết tấm tình, tôi xin, trước hứa sẽ xin quan nguyên soái chọn khuê bài gì xứng đáng mà ban thưởng cho thầy, đặng khi lui về ruộng rẫy được đẹp ở chốn thôn quê. Còn sau đây tôi ước sao Hiệp Liệc lánh mấy đàng bất chánh mà trở về đàng ngay chính thì ti mật thám chúng tôi rất an ổn và lấy làm hạnh phúc vô ngằn. Ngoài sự ao ước của tôi thì nguyện chúc cho thầy và cô, trai tài gái sắc, hai họ sum vầy trăm năm vĩnh viễn.”

Quan chánh sở mật thám nói dứt lời, tiếng vỗ tay dậy lên và khi dứt thì một người mặc đồ khách trú đứng dậy cúi đầu rồi nói rằng: “Chào quí ông và quí thầy, tôi tuy là một đứa vô danh dự, biệt hiệu là Hiệp Liệc xin phép nói ót lời cùng Đỗ tiên sanh và Đặng tiểu thơ.”

Hoàn Ngọc Ẩn xây qua cúi đầu chào Đỗ Hiếu Liêm và nàng Đặng Nguyệt Ánh mà rằng:

“Chào thầy và cô,

Có chi làm cho tôi cảm động bằng giữa tiệc tân hôn nầy được cùng quí quan chia vui cùng thầy và cô đã thành hôn. Ấy chẳng qua tôi tuy là một đứa trộm cướp có tài đặc biệt nhưng chẳng mang tiếng sát nhơn cùng hiếp người cô thế. Trộm cướp như tôi chẳng qua là dụng quyền biến vì cảnh ngộ khuẩn bức. Lấy tiền người mà làm giấy, tức nhiên nguyện chắc ngày sau trả lại có vốn có lời. Trộm cướp mà ghét cướp trộm, bấy lâu quyết khử trừ diệt trừ chúng nó là tôi. Tưởng cho câu ‘đạo ố đạo’ cũng là phải. Tôi cảm động thật vì giữa đây Hiệp Liệc nầy đối với quan khác nào nhựt nguyệt hiểm đố, tôi đứng giữa đây khác nào một con dế nằm trong lòng tay của một đứa bé, mạnh tay nhập lại ắt là xương nát thịt tan, thế mà không, quí ông thương tôi khác nào đứa bé kia thấy con dế nhỏ nhoi để túc gáy trong lòng tay mà chơi.

Thầy Đỗ Hiếu Liêm yêu quí, hay tin Châu Trần phối hiệp tôi vội vã nơi khách địa vượt biển trở về, chẳng sợ mà đến dự tiệc quí trọng nầy. Tôi thưa thật, thầy và cô đây chẳng phải bà con thân quyến gì tôi mà tôi có cảm tình đến thế. Nghĩ vì thầy là một người trọng nghĩa khinh tài mà tôi trọng, tôi mến tôi thương.

Hay tin thầy đã xin từ chức hồi hương nối nghiệp ruộng rẫy tổ phụ tôi lấy làm mừng cho thầy bỏ đường hoạn lộ mà tìm chữ nhàn, mừng cho thầy mà tiếc, tiếc một tay trên quan yêu dưới bạn mến. Tôi đây cũng xin hứa.

Hứa chẳng bao giờ lấy bạc của ai. Hứa trong ít tháng trả hết bạc cho tài gia có lời.

Tôi cũng ước. Ước sao nghề nông thầy vững cầm nghiệp tổ. Sau tôi củng chúc nguyện. Nguyện cho đôi tân hôn nầy sắc cầm hảo hiệp.

Trăm năm mai trúc một nhà,

Xướng tùy trọn đạo mới là rằng duyên.

Tôi xin! … Là xin thầy và cô chẳng phụ lòng thảo của tôi nhậm lấy hai vật mọn nầy gọi là oan ương chi nhẫn, mà giữ lấy trăm năm.”

Nói dứt lời Hoàn Ngọc Ẩn bèn lấy trong túi một cái hộp nhỏ rất đẹp, ngoài bao toan da đỏ, trong lót bằng nhung. Hoàn Ngọc Ẩn mở ra mà trao cho Đỗ Hiếu Liêm, tiếp lấy lên coi thì thấy hai chiếc nhẫn bằng bạch kim (platine) chạm hoa khéo đẹp lại có gắn hột xoàn trắng giáp vòng.

Nàng Đặng Nguyệt Ánh vừa thấy thì tỏ sắc hân hoan, nàng vừa muốn tiếp lấy trên tay của Đỗ Hiếu Liêm mà coi thì Đỗ Hiếu Liêm láy nàng một cái, đoạn đây nắp hộp mà trao lại Hoàn Ngọc Ẩn rồi gương mặt lộ vẻ không vui và nói: “Hiệp Liệc, tôi cảm ơn người lắm, nhưng vợ chồng tôi không thể nhận được. Tại sao, xin tự nghĩ lấy.”

Hoàn Ngọc Ẩn nghe nói thì dường như ruột bứt gan rời, chàng thở ra và nói thầm rằng: “Hay là Đỗ Hiếu Liêm nghi hai vật nầy ta ăn cắp ăn trộm của ai chăng?”

Hoàn Ngọc Ẩn bèn lấy trong túi ra một miếng giấy xếp làm tư mà đưa cho Đỗ Hiếu Liêm. Chàng tiếp giở ra coi thì thấy là một cái giấy bán (facture) hai chiếc nhẫn mầy của tiệm hiệu con Rồng Vàng. Chàng thấy để giá mỗi chiếc là bảy ngàn quan tính theo giá bạc thuở đó là một ngàn đồng một chiếc.

Nàng Đặng Nguyệt Ánh cũng vừa mừng thì lại thấy Đỗ Hiếu Liêm trả lại cho Hoàn Ngọc Ẩn và nói: “Thật giấy nầy chứng chắc hai chiếc nhẫn nầy người mua nhưng tôi cũng chẳng nên nhậm, xin đừng phiền.”

Đỗ Hiếu Liêm nói dứt lời thì nàng Đặng Nguyệt Ánh thấy sắc mặt của Hoàn Ngọc Ẩn ưu sầu thảm đạm. Nàng lấy làm thương xót vô cùng nên nói thầm rằng: “Tội nghiệp thì thôi, đó là hai anh em bạn thân thiết với nhau mà Đỗ Hiếu Liêm chẳng biết lòng. Hiệp Liệc là đâu? Hoàn Ngọc Ẩn là đâu?”

Còn Hoàn Ngọc Ẩn nghe Đỗ Hiếu Liêm nói thì tháo mồ hôi trán, chàng bực mình than thầm rằng: “Đỗ Hiếu Liêm chẳng nhậm, ấy là chàng nghĩ rằng vật ta mua đây bởi tiền ta đi ăn cướp mà có. Ôi! Đỗ Hiếu Liêm bạn ôi! Bạn lầm rồi.”

Hoàn Ngọc Ẩn bèn gượng ngước mặt lên nói rằng: “Thầy hai, tôi biết thầy chẳng khứng nhậm hai vật nầy vì thầy nghi là của hoạnh tài. Thầy chớ tưởng vậy mà lầm, Hiệp Liệc nầy chẳng có dùng của bất phải mà mua vật quí báu nầy mà tặng cho đôi tài tử giai nhân đâu. Thầy chẳng nhớ lúc trước Hiệp Liệc đánh gươm với thằng Ăng-lê tên là Nhiêu-Sôn, Hiệp Liệc giả làm người Nhựt xưng tên là Mã-Siêu. Hiệp Liệc thắng và lảnh được bao nhiêu tiền không?”

Đỗ Hiếu Liêm giựt mình tỉnh lại suy nghĩ một hồi rồi nói: “À phải. Tôi nhớ rồi, Hiệp Liệc đấu gươm trước rửa hận giùm cho hai đây (nàng Lệ Thủy) sau lảnh được một số bạc rất to là ba mươi lăm muôn đồng, có phải vậy chăng?”

Hiệp Liệc cười rồi nhướng đôi mày lên và nói: “Nầy thầy Đỗ Hiếu Liêm, trong số bạc ba mươi lăm muôn đồng ấy có đủ mà mua hai chiếc nhẫn nầy tính chung là mười bốn ngàn quan không?”

Đỗ Hiếu Liêm cười và nói: “Ba chục chiếc như vầy mua cũng còn dư.”

Hiệp Liệc tiếp nói: “Vậy thầy có khứng nhậm hai vật nầy mua bởi tiền ấy không?”

Đỗ Hiếu Liêm còn lưỡng lự, nàng Đặng Nguyệt Ánh bực lòng nói rằng: “Thôi còn gì nữa mà chàng chẳng nhận cho rồi.”

Quan chánh sở mật thám thấy vậy láy mắt ra dấu biểu Đỗ Hiếu Liêm lấy nên chàng bèn bắt tay Hiệp Liệc cám ơn, khi đó tiếng vỗ tay ầm lên trông rất vui vẻ.

Hiệp Liệc tiếp nói: “May lắm, nếu vậy xin cho phép tôi đeo hai chiếc nhẫn nầy vào hai ngón tay của đôi vợ chồng mới.”

Đỗ Hiếu Liêm và nàng Đặng Nguyệt Ánh thảy đều vui lòng.

Đang khi Hoàn Ngọc Ẩn đeo hai chiếc nhẫn giùm cho Đỗ Hiếu Liêm và Đặng Nguyệt Ánh, quan chánh sở mật thám ngó bàn tay của Hiệp Liệc mà chẳng thấy cái thẹo thì biết mình nhìn lầm thầy đội Tài là Hiệp Liệc. Kế đó nàng Lệ Thủy đứng dậy thốt lời chúc mừng loan phụng hòa minh và tặng cho nàng Đặng Nguyệt Ánh một sợi dây chuyền gắn đầy những hột soàn giá đáng tám trăm đồng bạc.

Hoàn Ngọc Ẩn thấy vợ chồng Đỗ Hiếu Liêm nét mặt hân hoan, mối tình âu yếm thì chợt nhớ lại người non nước của chàng đang đứng trước mặt chàng mà không biết chàng, để riêng ôm một khối tình và chan chứa mạch sầu. Trong cảnh tình nầy lòng chàng xao xuyến khó đứng khó ngồi, chàng than thầm rằng: “Lệ Thủy ôi! Em đó, anh đây đối diện với nhau nhưng đường cách trở quan sang diệu viễn. Nầy em, em có biết cho lòng qua vì em mà bao nhiêu trận vào sanh ra tử mà vẫn không nao núng sờn lòng. Nầy em! Cảnh ngộ đôi ta thuở nầy khác nào Chức nữ Ngưu lang. Chừng nào sông Ngân mới bắt cầu Ô thước?”

Hoàn Ngọc Ẩn còn đang than thở bỗng nghe nàng Lệ Thủy nói với Đỗ Hiếu Liêm và Đặng Nguyệt Ánh rằng: “Lương duyên thầy và cô ngày nay đã tác thành còn tôi với người yêu của tôi biết chừng nào? Nào rõ Hoàn Ngọc Ẩn hiện thời ở bên Pháp quốc có lo bề công danh và khư khử giữ một mối tình cùng tôi chăng, hay là đã vì mấy ả sắc nước hương trời tại thành Bá-lê (Paris) mà bạc tình cùng tôi chăng?”

Hoàn Ngọc Ẩn nghe nói lấy làm đau lòng không cùng nên thở ra mà rằng: “Đau cha chả là đau! Lệ Thủy ôi! Nàng nói đó, Ngọc Ẩn đứng đây, nàng đâu có biết, thôi ta hãy trốn về ở lâu bất tiện.”

Bỗng nghe Đỗ Hiếu Liêm nói với Lệ Thủy rằng: “Cô hai, xin cô chớ lo buồn, Hoàn Ngọc Ẩn là bạn thiết của tôi, chí khí cang cường, người lòng vàng dạ ngọc, chẳng bao giờ người đam thói bạc tình, người vẫn có chí, nên học sao cũng thành danh.”

Đỗ Hiếu Liêm vừa nói dứt lời, thầy đội Tài có lòng trông đợi dứt chuyện đặng có hở môi phân rằng: “Quan chánh sở mật thám nhìn lầm không biết thầy, hầu xin ông thưởng.”

Thầy đội Tài liền đứng dậy gở mặt nạ nói với quan chánh sở mật thám rằng: “Đây ông lại coi phải rằng tôi có dấu đỏ trên bàn tay mặt không, xin ông thưởng tài tôi đi.”

Quan chánh liền lấy cái đồng hồ vàng trao cho thầy đội và nói: “Tôi chẳng quên lời, tôi xin thưởng à, mà sao thầy có cái thẹo nầy?”

Thầy đội Tài cười và thuật chuyện bị Hiệp Liệc bắt về nhà đặng nhắm xem hình dạng cho kỷ mà cải trang và lấy nước màu vẽ một cái thẹo giả.

Thầy đội Tài lại nói: “Tôi có hỏi Hiệp Liệc sao người làm như vầy thì người phân rằng vẽ cái thẹo giả thì mới có dấu tiêng ra hai người phân biệt, tất nhiên thầy Đỗ Hiếu Liêm và quan chánh nghĩ rằng Hiệp Liệc đi qua Ấn Độ bị thương tích nên có thẹo.”

Thầy đội Tài nói dứt lời thì người người đều cười rộ và đồng khen Hiệp Liệc là một người có trí vô cùng. Chừng đó coi lại thì Hiệp Liệc đã đi về hồi nào chẳng còn ở lại đó nữa.

Đỗ Hiếu Liêm nói: “Hồi mình mắc xúm nhau xem bàn tay của thầy đội. Hiệp Liệc thừa dịp ấy mà đi về mất. Thiệt Hiệp Liệc trên đời nầy chẳng ai hơn trí của anh ta đặng.”

Vừa rồi nàng Đặng Nguyệt Ánh ngó lại thấy vắng mặt nàng Lệ Thủy thì nói với Đỗ Hiếu Liêm rằng: “Ủa còn cô hai đi đâu mất rồi.”

Người người đều ngó dáo dác tìm kiếm nhưng không ra thì kinh ngạc.

Đỗ Hiếu Liêm nói: “Không lẽ cô hai ra về mà không kịp nói với chúng ta một hai lời gì hết vậy.”

Quan chánh sở mật thám nói: “Hay là nàng bị Hiệp Liệc bắt đi rồi?”

Đỗ Hiếu Liêm nói rằng: “Không lý vậy, Hiệp Liệc đã tận tâm qua Ấn Độ lấy giùm hoàng ngọc cho nàng thì không nên nghi ngờ Hiệp Liệc toan hại nàng. Ờ hoặc có khi cô hai đi theo Hiệp Liệc mà hỏi lấy hoàng ngọc chăng? Thôi để tôi lập tức chạy ra đàng coi hai người còn đứng nói chuyện không.”

Dứt lời Đỗ Hiếu Liêm liền phát chạy ra ngoài, đến cửa ngõ Đỗ Hiếu Liêm đang thấy Hiệp Liệc đứng nói chuyện với nàng Lệ Thủy. Kế đó Lệ Thủy bước lên xe hơi của nàng, rồi Hiệp Liệc cũng bước lên theo đóng cửa lại thì sốp-phơ mở máy cho xe chạy đi.

Đỗ Hiếu Liêm nói thầm rằng: “Ta phải đi theo cho tường hung kiết nào.”

Bỗng đó thầy đội tài chạy ra, Đỗ Hiếu Liêm nói: “Thầy vào nói với quan chánh rằng tôi mượn xe hơi đi theo dấu Hiệp Liệc và Lệ Thủy, coi cả hai đi làm việc gì và trong một hai giờ sẽ trở lại, xin ông ở chờ hoặc là có khuya rồi ông đi về nghỉ cũng được.”

Thầy đội Tài lật đật chạy trở vô, còn Đỗ Hiếu Liêm chạy ra đường mở máy xe hơi Bugatti sáu máy ba chỗ của quan chánh sở mật thám mà dong ruổi.

error: Content is protected !!