Lệ Thủy! Nhắc đến tên Lệ Thủy tấc sao chư quí độc giả cũng rõ là một nàng mày hoa mắt ngọc nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành, đôi mắt hữu tình, miệng cười hữu duyên khiến cho trai bước vào tuổi xuân thường tình ái sắc, tường đông nô nức dập dìu, ước mong đoạt cầu cho đặng.
Nàng Lệ Thủy hữu tình cùng Hoàn Ngọc Ẩn, gẫm ra lứa đôi cũng đẹp tài Thôi Trương thật. Bởi vậy từ ngày nàng Lệ Thủy trốn theo Ngọc Ẩn qua đến Pháp quốc và khi đặng lời thệ hải minh sơn, nàng mới chịu trở về, lầm tưởng là chàng vụ chữ công danh sau rồi sẽ cùng nàng loan phụng hòa minh, hay đâu Hoàn Ngọc Ẩn vì tâm sự của nàng đã thố tận can tràng mà chàng phải về Saigon liều mình dụng quyền biến đặng kiếm cho ra số bạc hai triệu đồng lo cho nàng đi qua Hồng Kông lãnh gia tài. Hằng đêm nàng Lệ Thủy gối nghiêng nệm chích nhớ người non nước canh tràng than thở câu: “Nay hoàng hôn đã, lại mai hôn hoàng.”
Thiệt là:
Vầng trăng ai rẽ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
Lệ Thủy thầm thương Hoàn Ngọc Ẩn tưởng chàng vì phận râu mày một gánh tang bồng hồ thủy đang thời nơi khách địa lo việc sách đèn.
Nàng Lệ Thủy thương Hoàn Ngọc Ẩn đến thế nào thì lo lắng trao dồi đức hạnh phỉ phong băng tuyết nàng cầm chữ trinh giá đáng ngàn vàng nguyện ngày sau tặng người châu ngọc. Lệ Thủy xưa kia là một ả mắt hữu tình cười hữu duyên đánh đổ kẻ ái hoa vào bể ái. Lệ Thủy xưa kia chốn phồn hoa náo nhiệt nào chẳng để chơn ghẹo khách hào hoa mà ngày nay là một nàng cổng kín cao tường.
Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặt ai.
Lại nữa Lệ Thủy ngày nay sớm thuốc thang người tật bịnh chiều bố thí kẻ cơ hàn, thế thì Lệ Thủy xưa kia làm cho người hào hộ đổ lệ, ngày nay là sông Lệ để kẻ bần khổ tìm vàng. Cũng cái tên Lệ Thủy mà tiền hung hậu kiết, quí hóa cho tên Lệ Thủy đáng nhớ đáng ghi.
Một hôm kia theo lệ, đúng bảy giờ ban mai tại nhà nàng Lệ Thủy đông nức trong ngoài ròng là kẻ nghèo nàn tật bịnh, đang khi nàng đang đứng giúp một quan lương y Langsa nàng mướn đến khán bịnh cho thuốc, bỗng có Đỗ Hiếu Liêm ngoài ngõ đi vào. Lệ Thủy ngó ra thấy Đỗ Hiếu Liêm đến thì tự nghĩ biết có tin chi đó, song nàng cứ việc ngồi phụ giúp quan lương y băng bó chơn bịnh của một đứa ăn mày.
Đỗ Hiếu Liêm bước lên thềm nhà thấy nàng sốt sắng hai tay áo xăn lên đến cùi chỏ, đang phụ giúp một quan lương y thì đứng ngó mà khen thầm rằng: “Lời thiên hạ nói rùm không sai, nàng Lệ Thủy bây giờ là cô điều dưỡng thí công lại còn thí của.”
Khi Đỗ Hiếu Liêm bước vào nàng Lệ Thủy chào sơ và đợi khi rảnh tay liền đứng dậy mời vào phòng khác. Trước khi tiếp chuyện với Đỗ Hiếu Liêm nàng lấy rượu rửa tay đoạn đi rửa tay lại bằng sà-bông và thay đồ ra ngồi nét mặt hân hoan hỏi Đỗ Hiếu Liêm rằng: “Hèn lâu sao thầy không đến chơi, chẳng hay hôm nay thầy đến thăm tôi hay là có chuyện gì?”
Đỗ Hiếu Liêm đáp: “Tôi đến thăm cô, và có ý mời cô dự đến đám cưới của tôi cùng nàng Đặng Nguyệt Ánh.”
“Ủa thầy và cô tư tính xong và định ngày rồi sao?”
“Dạ phải.”
Nàng Lệ Thủy nhớ lại duyên phận mình cùng Hoàn Ngọc Ẩn chưa xong, nàng chẳng dám thố lộ ra ngoài mặt. Nàng lại hỏi tiếp rằng: “Lúc nầy tôi chẳng còn nghe đến tên Hiệp Liệc, không biết nó còn sống hay là chết rồi mà thầy được rảnh rang vậy. Chắc nó chết mất rồi, vậy cũng may bằng không thì thầy cực nhọc đi tầm kiếm quá.”
Đỗ Hiếu Liêm đáp: “Tôi lấy làm quái dị cho một người như vậy. Hiệp Liệc là một tên ăn cướp trứ danh, nhưng gẫm không nên chê cũng không nên khinh. Cô nghĩ thử coi ăn cướp như Hiệp Liệc tưởng trên đời không ai có được. Tôi kính nó, một là chẳng đánh ai giết ai, hai là trộm cướp mà có hậu, ba là giúp sở mật thám diệt trừ những quân trộm cướp tàn bạo sáy nhơn. Cô nghĩ coi nhờ nó mà tôi trả được thù của cha mẹ tôi là thằng Thanh Long, ân ấy biết bao giờ tôi trả đặng.”
Nàng Lệ Thủy hỏi: “Thầy nói Hiệp Liệc ăn cướp có hậu là nghĩa gì?”
“Dạ ăn cướp có hậu là Hiệp Liệc chẳng đoạt tiền ai sạch, có lấy thì một số bạc dư xài còn để nhín lại cho đủ mà xây dùng. Ví dụ như tôi có biết tôi có năm muôn đồng, thì chỉ lấy ba muôn mà thôi, lại còn làm giấy gọi rằng vay trong ít năm trả lại đủ vốn mà lại có lời, nghĩ ra lạ thật. Tôi cũng kính Hiệp Liệc có tánh khí hào kiệt khác thường là chẳng ỷ thế hiếp cô. Tôi biết nó choáng rõ cô giàu có lớn, song nó chẳng đến lấy bạc tiền chi hết. Dạ tôi nhớ lại, cô có bị một thằng ăn cướp lấy hoàng ngọc vô giá, bán cho bọn Chà Và đam về Ấn Độ, nó bị mang tiếng nên giúp sở mật thám bắt thằng đó bây giờ đã bị tòa lên án hai năm tù, tưởng vậy mà thôi lại còn hứa đi qua Ấn Độ mà lấy trả cho nàng. Thiệt Hiệp Liệc là quỉ ma gì nên mới dám hứa như vậy.”
Nàng Lệ Thủy tiếp nói: “Dạ phải, chính mình tôi có được một cái thơ của nó. Ủa mà sao thầy biết đặng?”
Đỗ Hiếu Liêm đáp: “Tôi không giấu chi cô. Số là nàng Đặng Nguyệt Ánh biết mà thôi, tôi hết lời khuyên dỗ nàng nói giùm cho tôi rõ mà nàng không chịu nói ra, vì nàng có thề với Hiệp Liệc chẳng bao giờ nàng chỉ nhà cho ai biết, dầu tôi là người nàng thương yêu hơn hết mà nàng cũng chẳng tỏ ra.”
“Nếu vậy thì cô tư coi Hiệp Liệc trọng hơn thầy sao? CỔ không chịu khai, mà thầy không bất bình sao?”
:Không, tôi nghĩ vì nàng mang ơn Hiệp Liệc cứu tử hườn sanh nên tôi không nỡ buộc nàng nói ra, thành ra nàng phụ ân tái tạo của người nghĩa. Có lẽ cô cũng còn nhớ nếu tôi không nhờ Hiệp Liệc cứu tôi thì tôi chết vì bọn Thanh Long nhiều lần còn nàng Đặng Nguyệt Ánh phải vị thiếm ghẻ thuốc chết rồi.”
Nàng Lệ Thủy cười và nói: “Nếu vậy sao thầy toan bắt Hiệp Liệc mà nạp cho quan.”
Đỗ Hiếu Liêm tỏ sắc mặt ưu sầu và nói: “Ấy là tại nghĩa vụ của một trinh thám gia, lại nữa tôi muốn bắt nó đặng khuyên nó cải dữ về lành. Cô nghĩ coi như Hiệp Liệc trở lại làm một tay mật thám thì còn ai là tài hơn nữa, trộm cướp nào dám ra mặt.”
Nàng Lệ Thủy gặc đầu và nói: “Thầy nói nghe hữu lý, tôi rất phục ngay. Dạ còn lúc nầy sao không nghe tên Hiệp Liệc ở Saigon thì hẳn thật nó đi Ấn Độ không ai.”
Đỗ Hiếu Liêm tiếp và nói: “Tôi cũng nghi như vậy lắm, song gẫm ra lạ kỳ, nếu Hiệp Liệc không can thiệp gì với cô, thì hà lý nào nó mạo hiểm đi như vậy.”
Nàng Lệ Thủy cũng nói: “Cũng vì lẽ ấy mà tôi nghiệm hoài không ra, tôi cạn nghĩ thì tưởng có khi ngoài việc nghĩa khí, thì Hiệp Liệc còn có ý chi lạ khác, hoặc là va tùng dịp nầu qua Ấn Độ vào chùa trộm cắp ngọc ngà châu báu.”
Đỗ Hiếu Liêm gặc đầu và nói: “Dạ, có lẽ cô đoán trúng đó.”
“À còn thầy tính ngày nào đãi tiệc đám cưới.”
“Dạ, tôi không nhóm họ gì cả, ngày thứ bảy tới đây tôi rước dâu ở Trà Vinh đem lên trên nầy, đãi bà con ít người rồi tối lại thì tôi đãi ít người người quyến thức vui vầy một tiệc thôi. Tiệc tối đúng bảy giờ có quan chánh sở mật thám và quan giám đốc và ít thầy đội thân thiết với tôi dự. Thế nào cô cũng đến dự với tôi cho vui, tôi tưởng cô chẳng phụ lòng hai vợ chồng tôi vậy.”
Nàng Lệ Thủy nói: “Được tôi sẵn lòng lắm, nhưng tôi buồn vì Hoàn Ngọc Ẩn là bạn thiết của thầy còn lo việc sách đèn ở bên Pháp quốc chẳng có mặt mà dự được cho vui.”
Đỗ Hiếu Liêm nghe nói thì dàu dàu nét mặt nói rằng: “Biết làm sao, thôi để tôi gởi thơ cho ảnh hay cũng được, còn cô cũng buồn vì có dè đâu tôi cùng nàng Đặng Nguyệt Ánh sớm vầy duyên loan phụng. Ôi sớm muộn gì miễn xong thì thôi. Dạ tôi quên nói cgo cô hay, nàng Đặng Nguyệt Ánh có nói với tôi rằng nàng có mời Hiệp Liệc đi đám cưới thì va có hứa lời sẽ dự, nhưng vì mắc đi qua xứ Ấn Độ nên nàng định dời ngày lại một tháng, bởi vậy nên tôi muốn cho vừa lòng nàng Đặng Nguyệt Ánh nên đợi đúng một tháng, nhưng nay đã quá tháng rồi không biết Hiệp Liệc có bị sự gì huất trắc xảy ra chăng mà chẳng nghe tin tức. Tôi chẳng biết sao mà chờ nên nhứt định phải lo việc quan trọng nầy cho rồi.”
Nàng Lệ Thủy nói: “Phải chớ, cũng nên tính cho xong, còn Hiệp Liệc chết sống gì trối thây nó, thầy là tay trinh thám hà lý đám cưới lại mời nó nghĩ ra dở lắm.”
Đỗ Hiếu Liêm gặc đầu và nói: “Tôi cũng xét đến nước đó song một là vì vợ tôi muốn, hai là tôi cũng có ý thử coi Hiệp Liệc dám đi dự đám cưới không.”
“Thầy tưởng nó dám đi hay không.”
“Tưởng nó dám lắm chớ, vì bấy lâu nay Hiệp Liệc chẳng khi nào nói sai lời.”
“Cha chả, nó biết có các quan ty mật thám dự tiệc mà đến thật nó khi người lắm.”
Nàng Lệ Thủy nói đến đây bỗng có một người đam thơ và nhựt trình đến, nàng Lệ Thủy gặp một cái thơ có dấu con niêm và đóng dấu ở Calcutta thì lấy làm vui mừng đưa cho Đỗ Hiếu Liêm và nói: “May quá, có cái thơ nầy chắc của Hiệp Liệc gởi về.”
Đỗ Hiếu Liêm cũng mừng rỡ nói rằng: “Xin cô hãy mau xé ra coi cho rõ hung hay là kiết.”
Nàng Lệ Thủy lập tức xé một đầu rút miếng giấy ra thì thấy như vầy:
Calcutta, …
Vì nghĩa anh hùng ghe phen rơi lụy,
Lâm nguy nghĩa sĩ lắm lúc tiêu hồn.
Thảo ít hàng cho rõ kiết hung, kẻo nàng phải nhọc trông tin tức.
Hiệp Liệc đã hứa lời đi lấy hoàng ngọc cho nàng thì Hiệp Liệc chẳng thất ngôn, vì Hiệp Liệc xuất ngôn như phá thạch. Đã biết rằng: Sang đất khách lạ cảnh lạ người, khó toan tính việc gì cho đặng song tôi không nản chí sờn lòng. Dân thành Bénarès ròng là thiện nam tín nữ, quá là tin dị đoạn, Hiệp Liệc có đến chùa vàng tại Bénarès vốn là một cảnh chùa nguy nga đồ sộ xinh đẹp vô cùng. Vì hoàng ngọc mà gây nên một trường huyết chiến, máu chảy trông đến phải rùng mình! Thây nằm ngó qua rởn óc! Hiệp Liệc vẫn một tay lòng như sắt đá vì kẻ tận tâm bỏ mạng nơi chốn chiến trường mà rơi lụy. Mạo hiểm như Hiệp Liệc nhiều khi tưởng phải bỏ thây nơi khách địa. Tuy trãi nhiều cảnh ngộ khó khăn nguy hiểm, song hoàng ngọc đã về tay của Hiệp Liệc rồi. Hiệp Liệc muốn toan trở về cho sớm đặng dự đám cưới của đôi Châu Trần. Khốn thay, vò có giấy tập nõa Hiệp Liệc khắp cùng, không tiện xuống tàu đến Ceylan hầu đợi tàu bên Pháp quốc ghé lại mà về Saigon. Xin nàng nói lại với Đỗ Hiếu Liêm là trinh thám gia đại danh ở Saigon, nếu người muốn Hiệp Liệc dự đám tiệc long trọng nghinh hôn thì ráng chờ trong mười lăm ngày tưởng có khi cũng về đến Saigon.
DướI ký tên: HIỆP LIỆC.
Nàng Lệ Thủy đọc hết bức thơ thì mừng rỡ không cùng, nàng bèn day lại nói với Đỗ Hiếu Liêm rằng: “Hiệp Liệc tài quá, thầy phục chưa?”
Đỗ Hiếu Liêm cũng cười và nói: “Tôi phục lắm, chẳng phải cơ hội nầy mà thôi, tôi phục tài tự bấy lâu nay lận. Còn như hay tin nầy tôi buồn chớ vui không được.”
“Tại sao vậy?”
“Cô nghĩ coi, Hiệp Liệc vì cô mà bán chết bán sống nghĩ cũng nên thương hại va lắm, lại nữa tôi được tin nầy lấy làm bất nhẫn trong lòng muốn dời ngày đám cưới một lần nữa, chủ ý chờ va về dự đám, thế mới gọi là biết ân va đó.”
“Thầy tính dời ngày tôi e bất tiện, vì có lẽ thầy đã in thiệp mời gởi cho người ta rồi.”
“Không, tôi chưa mời ai cả, bây giờ tôi đi mướn xe hơi đi xuống Trà Vinh bàn tính với nàng Đặng Nguyệt Ánh đặng dời ngày lại. Thôi tôi xin kiếu cô tôi về.”
Nói dứt lời Đỗ Hiếu Liêm liền xô ghế đứng dậy, nàng Lệ Thủy cũng đứng dậy đưa chàng ra đến thềm nhà.
Đỗ Hiếu Liêm ra đàng kêu xe kéo bước lên ngồi nghĩ ngợi mà rằng: “Bấy lâu nay ta vẩn nghi hoặc Hiệp Liệc là Hoàn Ngọc Ẩn, và ta lại nghi nan rằng nàng Lệ Thủy biết Hiệp Liệc là ai, ngày nay nghe nàng Lệ Thủy đọc bức thơ của Hiệp Liệc trong đó chẳng một câu nào thố lộ chơn tình gì Hiệp Liệc đối với Lệ Thủy cả. Bây nhiêu đó ta chẳng còn chút gì nghi bậy nghi chạ nữa.”
Còn nàng Lệ Thủy từ khi Đỗ Hiếu Liêm ra về, thì nàng giúp quan lương y trong một giờ và đến khi rảnh việc nàng vào phòng nhớ đến Hoàn Ngọc Ẩn xa cách, thì thở than buồn bực, đến khi nàng nhớ lại bức thơ thì đỗi vui mà nói thầm rằng: “Hoàng ngọc yêu dấu của ta không mất thì hạnh phúc cho ta vô ngằn, vì tình lang yêu quí của ta khi ở Pháp có dặn dò phải giữ kỹ cang sau người trở về sẽ dùng lấy nó mà làm việc chi đó.”