Tàu ghé hải khẩu Colombo thì Hoàn Ngọc Ẩn, nàng Bạch Tuyết, hai Danh, vợ chồng năm Mạnh và Lục Tặc phải đem đồ lên bờ tìm khách sạn ở nghỉ và chơi trọn một ngày kế gặp tàu khác quá giang lên đo thành Calcutta và sau mới đi qua thành Benarès. Tại Benarès dân sự trồng thẩu rất nhiều để bán đi ngoại quốc nấu ra thuốc phiện. Ngọn song Gange chảy ngang qua thành Benarès và dựa mé sông nầy cũng thuộc về trong châu thành có một cảnh chùa, người trong xứ kêu là chùa vàng, thật là một cảnh chùa nguy nga đồ sộ, ngày ngày thiện nam tín nữ đi lui tới qua lại tấp nập đặng nguyện cầu nhiều việc. Cảnh trạng chùa Bà Đen tại Tây Ninh ngày rằm thể nào thì cảnh chùa Vàng tại thành Benarès hằng ngày cũng vậy.
Hoàn Ngọc Ẩn và nội bọn đến tại thành Benarès thì tạm đỗ trong một cái lữ quán của một người Hồng Mao. Ở được một ngày chàng đi dọ thám thì hay tin thật rằng hoàng ngọc đã tìm được và đã nhận vào tròng mắt tượng Phật rồi. Bá tánh hay đặng tin ấy nên đua nhau đi cúng và tin tưởng rằng Phật trở nên linh thính hơn xưa.
Hoàn Ngọc Ẩn nhắm xem địa thế cảnh chùa thì về nói lại với nàng Bạch Tuyết rằng: “Anh đi giáp vòng thành cảnh chùa nầy nhắm thế khó vào đặng lắm vì chùa làm toàn bằng đá xanh, cửa thì bằng sắt tối lại có nhiều người canh giữ rất nghiêm nhặt. Anh tính như vầy: Phía ngoài anh đã quan sát kỹ lưỡng rồi, bây giờ phải đi theo những thiện nam tín nữ vào chùa quan sát phía trong rồi sẽ tính liệu phương nào khi khác vào chùa rồi trốn ở lại đợi lúc đêm khuya thừa khi vắng người ra vào cạy lấy hoàng ngọc được.”
Hoàn Ngọc Ẩn tính như vậy bèn lấy nón ra đi, chàng đi đến chùa nối chơn theo những người Ấn Độ mà vào, dè đâu khi đến cửa thì có người gác cửa đón chàng lại và nói rằng: “Đến viếng chùa thì người bổn quốc và người ngoại quốc đều được vào duy có thứ người nước da vàng chẳng đặng vô mà thôi.”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe nói lấy làm lạ hỏi rằng: “Duyên cớ tại sao xin nói cho tôi biết, chớ tôi đây vốn là người có lòng thành kỉnh muốn đến cúng Phật đặng khẩn cầu nhiều việc, có lẽ nào không cho tôi vào thiệt là tội nghiệp tôi lắm.”
Người Chà Và gác cửa lỏ cặp mắt tròn vo và rút một lưỡi đao dài lưỡi cong cong đưa ngay vào sóng mũi của Hoàn Ngọc Ẩn và nói: “Đi cho rảnh, ta chẳng cần gì phải nói cho người biết, nếu người đứng nói dang ca thì ta khoét ruột ngươi chết tại đây bây giờ.”
Hoàn Ngọc Ẩn vẫn có tánh cang cường nên khi nghe thằng gác cửa nói xúc phạm đến lá gan anh kiệt liền khoát tay thâu lưỡi đao và đánh ngay vào mặt của thằng Chà một cái rất mạnh làm cho nó té lăn cù sút chăn. Hoàn Ngọc Ẩn liệng lưỡi đao rồi đứng chống nạnh cười ngất bỗng có một thằng Chà khác nhảy tới chém ngay mặt chàng một đao rất mạnh.
Hoàn Ngọc Ẩn lánh mặt qua khỏi rồi tấn tới một bộ nhập bắt ngang lưng thằng Chà một tay giở hỏng lên, một tay vặn tay làm cho nó buông lưỡi đao rớt xuống đất. Cũng trong khi đó Hoàn Ngọc Ẩn thấy thằng Chà bị đánh trước lồm cồm chổi dậy toan làm dữ, chàng bèn ôm thằng chà bị ôm ngang hông giở lên cao rồi nhắm ngay thằng Chà kia mà ném ngay trên mình, hai thằng Chà chạm với nhau rất mạnh nên đều nhào lăn.
Lúc nầy những người đi cúng chùa chộn rộn, quyết vây Hoàn Ngọc Ẩn mà đánh. Chàng thấy chuyện hỗn độn thì tự trách rằng: “Bởi ta có tánh nóng nảy háo thắng mới xảy biến việc không lành nầy, chắc rồi đây bể việc, không thế nào lấy hoàng ngọc được. Còn việc nầy đã xảy ra nếu như ta không lấy đởm lực mà kháng cự ắt là ta không thoát khỏi trùng vây.”
Tính như vầy Hoàn Ngọc Ẩn bèn lượm một lưỡi đao của một thằng Chà Và gác cửa lên và nói tiếng Chà Và rổn rảng lên rằng: “Nếu ai toan làm hại tôi thì phải chết về lưỡi đao nầy. Tôi là một người đến ở xứ nầy đã lâu, nay có lòng thành kỉnh Phật chùa nầy nên đến cúng, hà lý hai người gác cửa ỷ thế dùng cường lực mà hùn hiếp tôi. Vì vậy nên tôi phải đánh hai đứa nó đặng tăn chúng nó phải sửa mình, đừng có hung bạo, dường ấy thì không xứng đáng biến mình làm tôi cho Phật.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói dứt lời thì người người đều gặc đầu cho rằng hữu lý nên tách dang ra chừa đàng cho Hoàn Ngọc Ẩn ra về.
Chàng vừa đi vừa nói thầm rằng: “May cho ta biết là dường nào, nếu chúng nó không đếm xỉa đến lời ta thì ắt có đổ máu ngập đàng, nếu như ta chẳng ra tay giết chúng nó thì ta phải bỏ mạng tại đây.”
Hoàn Ngọc Ẩn ra đi đặng một đỗi đàng bỗng gặp một người Chà Và tóc râu bạc phiếu, người Chà ngó sững Hoàn Ngọc Ẩn một hồi rồi đi ngay lại hỏi rằng: “Già cam thất lễ đón hỏi dọc đàng, không biết phải cậu tên là Hoàn Ngọc Ẩn, con nuôi của quan lương y Anh-be không?”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe hỏi ngạc nhiên ngó lão già ấy một hồi rồi đáp rằng: “Dạ thưa phải mà bác làm gì biết tôi.”
Ông già bước lại nắm tay Hoàn Ngọc Ẩn và nói: “Tôi đây là người gác cửa cho quan lương y thuở ông còn ở tại Paris.”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe nói cả mừng nắm tay ông già dặc lia và nói: “Dạ thưa tôi có mắt mà không tròng gặp bác mà không biết. Thật bác khác khi xưa nhiều lắm, phần thuở đó tôi mới có mười hai mười ba tuổi mà cách biệt bác đến bây giờ. Ủa mà sao bác nhìn tôi đặng.”
Ông già đáp: “Nếu như bình thường thì làm sao tôi nhìn đặng, không rõ việc gì mà cậu giận nhờ sự giận của cậu mà tôi mới nhìn được đó.”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe nói lấy lạ hỏi rằng: “Sao vậy ông?”
“Tôi nhớ thuở cậu còn nhỏ, mỗi khi cậu giận có việc gì thì trên trán của cậu có nổi vòng lên ba cái gân đỏ như son, thiệt trên đời ít có ai như vậy. Khi nãy tôi thấy cậu lầm lũi mà đi, trên trán lại có nổi ba cái gân đỏ, sực nhớ lại thuở trước mới đón hỏi thử như vậy.”
Hoàn Ngọc Ẩn cười và nói: “Thật bác nhớ dai quá. Dạ bác đi đâu đây, nhà của bác ở lối nào?”
Lão già chỉ và nói: “Kìa nhà tôi đó, vậy mời cậu vào nhà chơi sau nhờ câu chuyện hàn huyên cho biết việc xưa nay.”
Hoàn Ngọc Ẩn bèn nối gót đi theo ông già vào một cái nhà tuy không đẹp đẽ chớ cũng đứng được vào hạng dư giả. Lão già bèn kêu mấy con ra chỉ Hoàn Ngọc Ẩn và nói rằng: “Người nầy là con của quan lương y mà cha ở gác cửa thuở cha còn trai tráng ở bên Pháp quốc. Thuở đó cha thương người như con vì là một đứa nhỏ tánh nết tốt lành, ngày nay có chi làm cho cha vui hơn là gặp mặt và nhìn được mà rước về đây.”
Mấy người con của ông già nghe nói thì chào hỏi Hoàn Ngọc Ẩn rất tử tế. Hoàn Ngọc Ẩn lấy làm đạp dạ nên cũng ân cần chuyện vãng vui cười.
Ông già lại nói rằng: “Tôi còn một đứa con lớn đi tu và đang thời ở tại chùa vàng đêm ngày vì nó mộ đạo Phật lắm.”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe nói thì nghĩ thầm rằng: “Thời ta tới rồi nên mới gặp những việc may mắn nầy.”
Ông già tiếp nói rằng: “Khi dưỡng phụ của chàng lìa Pháp quốc mà qua Nam Việt thì rồi đến ở một người Pháp khác và không mấy ngày tôi trúng số Quấc-trái được một vẽo quan, nhờ số tiền ấy tôi mới trở về tổ quán cưới vợ và lập nghiệp đến ngày nay con cái được ba trai một gái, không thôi thời cái kiếp nô lệ biết bao giờ thoát đặng. À còn quan lương y mạnh giỏi thể nào?”
Hoàn Ngọc Ẩn tỏ sắc buồn và nói: “Dưỡng phụ tôi thất lộc gần hai năm nay.”
“Úy tội nghiệp thì thôi đa. Thiệt tính tình của ông tưởng không có mấy người Pháp được ôn hoàn thuần hậu như vậy. À còn cậu qua xứ nầy bao lâu rồi?”
“Dạ được một năm mà trong khoảng đó tôi mới đến viếng thành nầy chừng hai nhày rày. Khi nãy tôi đến chùa viếng Phật vì nghe đồn linh thính lắm, hay đâu vừa vào cửa người gác cửa nói tôi là người da vàng nên không cho vô lại còn dọa dẫm coi bộ phách lối quá. Tôi nổi giận mới đánh y nên đai ra về còn đang giận hầm hầm mà bác gặp đó.”
Lão già nghe nói thì cười và nói: “Duyên cớ là vầy: Nguyên hoàng ngọc mới tìm lại được lưu lạc bốn năm chục năm trời bên xứ Nam kỳ. Ngọc nầy về tay một nàng giàu có lớn nên chuộc lại không được, mấy người phái viên có mướn một người ăn cướp trứ danh ở Saigon đi ăn cắp giùm, người ăn cướp đã từ chối lại cấm nhặt nếu nàng giàu có ất mất hoàng ngọc thì nó không nghe. Mấy người phái viên bạo gan mướn người khác đi ăn cắp được và đam về đây, lại mới có điển tín của người phóng sự ở Saigon cho hay rằng: Thằng căn cướp lợi hại ấy đã xuống tàu tính đến xứ nầy lấy hoàng ngọc, vì vậy việc canh gác chùa nầy rất nghiêm nhặt không cho người nào da vàng vào chùa vì sợ thằng ăn cướp ấy lắm.”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe nói thì nói thầm rằng: “Hèn chi mà ta vào chùa không đặng là vậy.”
Hoàn Ngọc Ẩn suy nghĩ một hồi rồi nói: “Thưa bác, phải cẩn thận như vậy mới được vì chính mình tôi có xem nhựt báo và có nghe danh thằng ăn cướp lợi hại ở tại Saigon đó. Bấy lâu tôi nghe nói chùa vàng nầy trong chưng dọn có nghi tiết lạ thường và tích trữ đồ châu báu trên đời ít có phải hay không bác. Tôi lại nghe nói có một tượng Phật cao lớn đúc toàn bằng vàng đặc, có ba con mắt, hai con nhận hột thủy xoàn còn một con giữa trán nhận ngọc có thật vậy chăng.”
“Phải đa cậu, không mấy khi cậu qua đến tháng nầy mà không viếng đặng chùa thật là uổng lắm.”
“Dạ vì bất kỳ sở nguyện nên tôi lấy làm buồn vô hạnh. Dạ tôi mới nghe bác nói rằng bác có một người con trưởng nam ở trong chùa có lẽ nhờ bác nói giùm người sẽ đem tôi vào coi cho biết vì tôi hay đi du lịch nhiều xứ chủ ý về làm sách cho nổi danh văn sĩ, bác giúp giùm cho tôi vào chùa được thì ân ấy quá trọng.”
Ông già ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói: “Có lẽ được, tối nay thằng con của tôi ở coi sóc trong chùa, để tôi sai một thằng con nói lại với nó rồi tối nay vào khoảng mười hai giờ cậu đến nhà tôi nhờ nó dẫn đi mấy ngả kín mà vào chùa thì cậu sẽ thấy được tượng Phật.”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe nói cả mừng, chàng coi đồng hồ là mười hai giờ trưa bèn đứng dậy xin kiếu mà trở về lữ quán. Trước khi ra về Hoàn Ngọc Ẩn có hứa nói tám giờ tối sẽ đến nhà nói chuyện chơi và đợi vào khoảng canh ba và đi viếng chùa.