Qua xứ Ấn Độ – Phần 3

Sáng ra nàng Bạch Tuyết giữ nét mặt tươi tỉnh luôn luôn trước mặt Hoàn Ngọc Ẩn không tỏ tuồng chi lạ. Tối lại khi dùng bữa rồi Hoàn Ngọc Ẩn rủ nàng Bạch Tuyết ra ngoài hứng gió. Hai người ngồi gần nhau và ngó mông ra biển, kế đó Hoàn Ngọc Ẩn kiếm chuyện nầy chuyện nọ nói cho nàng Bạch Tuyết nghe chủ ý làm cho nàng vui đặng khỏa lấp cơn buồn bã.

Câu chuyện của Hoàn Ngọc Ẩn rất vui vẻ song nàng Bạch Tuyết vì ngẩn gnơ tình nên không chăm chỉ nghe cho lắm. Trong một hai đoạn nàng giả bộ cười mơn, chớ hẳn thật nàng không để ý gì mà hiểu cho sâu xa. Nàng ngồi lần lựa đợi Hoàn Ngọc Ẩn nói dứt câu chuyện đặng mở lời ướm thử lòng chàng. Nhiều lần Hoàn Ngọc Ẩn vừa ngưng lời thì nàng Bạch Tuyết muốn tiếp nói, nhưng mà nàng những ngại ngùng phải để cho Hoàn Ngọc Ẩn nói sang qua chuyện khác. Đêm một khuya hành khách dưới tàu đều trở vào phòng an nghỉ.

Khoảng nầy trời quang mây tạnh, hoàn nguyệt gương trong, ngắm lại cảnh đối với người trong canh vắng rất hữu tình. Bây giờ ở ngoài chỉ còn một mình Hoàn Ngọc Ẩn và nàng Bạch Tuyết. Đối với cảnh, trai tài gái sắc gần nhau tưởng sao cho khỏi cô trăng dì gió khêu tình, cợt quấy cho trai anh hùng cùng gái thuyền quyên giao mặt bắt tay chắc dây luyến ái, như thế thì tình nào sánh đặng.

Nàng Bạch Tuyết đánh liều bạo gan hỏi Hoàn Ngọc Ẩn rằng: “Thưa anh hai em tự nghĩ anh là một người tài ba lội lạc tưởng vấn đề nào anh giải cũng xong, vậy em xin hỏi anh con người khi bước vào tuổi xuân tự nhiên trong lòng xuất hiện ra sự gì quan hệ hơn hết?”

Hoàn Ngọc Ẩn nghe nàng Bạch Tuyết nói dứt lời thì tự nghĩ rằng: “Vì ý gì mà nàng hỏi ta như vậy. Ờ … không biết nàng thiệt tình trong sạch mà hỏi hay là có ý trái mà hỏi … Ta cứ lẽ ngay mà luận, sao mới rõ lòng nàng.”

Hoàn Ngọc Ẩn cười và nói: “Em khéo hỏi thì thôi, anh đâu phải người đa văn quảng kiến cao đàm hùng biện mà luận cho trôi chảy, thế mà anh cũng giải thử hay dở nỏ lo. Nầy em, con người bước vào tuổi xuân, ngũ tạng đều đủ, việc chi ngọt bùi cay đắng đà phân biệt được. Hai chữ xuân tình thì đi cập với nhau vậy bước vào kiếp xuân là vừa bước vào con đường tình, hẳn thật, có trời có ta, tấc có duyên cùng có nợ. Em ôi! Nói đến con đường tình thoản nhiên anh bắt lạnh mình rởn óc, để chơn vào con đàng tình, mấy bước đầu như gặp một cái dốc đi rất yêm cẳng khẻo chơn hai bên đàng cảnh vật rất ngoạn mục tinh thần khoăn khoái, muốn bước hoài. Hay đâu đi đặng một đỗi con đàng chia ra nhiều ngả. Kẻ hữu phước đi nhầm con đàng êm bước người vô đoan lạc rẻo gian truân, gay go nhiều nỗi rốt lại còn sa vào vực thảm. Vì lẽ đó em nghĩ coi một đàng trai vợ xinh vợ lịch, gái chồng ái con yêu, một đàng trai vì tình mà loạn trí cùng tâm, gái vì tình mà trầm luân điên đảo. Nầy em, hữu phước hoặc vô đoan, chẳng qua là tại phần số.”

Nàng Bạch Tuyết nghe Hoàn Ngọc Ẩn luận về tình thì nàng sụt sùi đoài đoạn cúi đầu thở ra.

Hoàn Ngọc Ẩn trộm xem gương mặt nàng thì động lòng hỏi rằng: “Cớ gì em nghe anh luận vì tình mà có đàng ưu sầu như vậy?”

Nàng Bạch Tuyết ngước mặt lên nói rằng: “Em nghe anh giải phân mấy lời rất hay, em nghĩ lại thương hại cho những người đi nhằm con đàng gay trở, em mở con mắt cao xanh ra thấy phận gái như em vì tình tân khổ mà hiếm chi người biết trọng giá gương phải mượn dây oan nghiệt phủi sạch nợ trần còn biết bao nhiêu khách má hồng cũng bì tình mà treo giá lầu xanh, kiếp trầm luân biết bao giờ thoát khỏi.”

Nói đến đây nàng rơi lụy dầm dề, nàng lại ngước mặt lên hỏi Hoàn Ngọc Ẩn rằng: “Anh đã lên thấy rõ như vậy, em xin hỏi những người vô đoan phải chịu trăm ngàn sự khổ tâm như vậy có nên thương xót không, và nếu có thế tế độ những người ấy thì có nên làm không?”

Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Phải thương xót lắm, nếu tế độ được tấc cũng nên.”

Nàng Bạch Tuyết nói: “Vậy mới đáng mặt nghĩa hiệp đứng trong vòng trời đất.”

Nàng Bạch Tuyết ngưng lời suy nghĩ một chập rồi hỏi Hoàn Ngọc Ẩn nữa rằng: “Thưa Hoàn huynh giả sử có người vì yêu ấp khối tình cùng mình hèn lâu, không dám thố lộ phải chịu đêm ngậm sầu ngày nuốt thảm, biết đặng cảnh tình người khổ tâm có nên độ giùm không?”

Hoàn Ngọc Ẩn suy nghĩ rồi nói: “Nếu xứng duyên xứng phận thì phải tính việc tơ tóc cho rồi ấy mới phải. Vả chăng việc ấy là việc quan hệ phải cạn suy rộng xét chớ nên vì tình dục mà làm cho bại hoại luân lý cang thường thì lại còn đắc tội với thuần phong mỹ tục.”

Nàng Bạch Tuyết rơi lụy dầm dề và nói: “Thưa anh hai, nếu nói ra rất nỗi ngại ngùng còn thủ khẩu thì biết bao giờ giải tán được mối đau thương dồn dập …”

Hoàn Ngọc Ẩn nghe nàng Bạch Tuyết nói đến đây thì biến sắc, chàng còn nghĩ ngợi, bỗng nghe nàng tiếp rằng: “Thưa anh hai câu tình thiên hậu hải xưa nay hẳn có, nên khiến cho em phải khổ tâm. Em xin thưa thật, vì hai chữ xuân tình anh mới luận đó mà em riêng chịu tương tư ngẩn ngơ điên đảo.”

Hoàn Ngọc Ẩn ngạc nhiên đón lời mà rằng: “Ủa! Em hữu tình cùng ai vậy, khá thố tận can trường cho anh nghe thử.”

Nàng Bạch Tuyết gạt nước mắt, ngước mặt lên đoanh tròng thu thủy ngó Hoàn Ngọc Ẩn và nói: “Em hữu tình với người anh hùng hào kiệt, với người tài sắc vẹn toàn, với người xứng duyên giai ngẫu. Người đó tức là tri kỷ của em, người đó chính là anh đây.”

Hoàn Ngọc Ẩn nghe nàng Bạch Tuyết nói dứt lời thì sảng sốt vội vã đứng dậy nói rằng: “Thiệt vậy sao em?”

Nàng Bạch Tuyết gặc đầu rồi ngó xuống làm thinh để thử coi Hoàn Ngọc Ẩn đáp lời lại thể nào.

Chợt nghe Hoàn Ngọc Ẩn nói lời khẳng khái rằng: “Sao em tệ lắm vậy, có lẽ nào em không cạn xét mà chống trả cái tình tư dục. Anh không lẽ nói nặng lời với em vì anh choán biết thế lực tình thể nào và cũng rõ tự nhiên nó phát hiện trong lòng của em song anh nói cho em nghĩ lại. Tình là thế, thế luật tình như vậy mà nếu con người không lương tâm không có nghị lực mà đánh đỡ khi lâm vào cảnh trái nhơn đạo thì có khác gì loại cầm thú, chỉ có giác hồn kia vậy. Em để trí độ, anh vì trung ngôn nghịch nhĩ không muốn nói nhiều. Thôi giờ nầy cũng khuya rồi em hãy vào phòng an nghỉ, nhờ khoảng đêm êm đềm mà em sẽ độ được đâu là phải quấy.”

Nói dứt lời Hoàn Ngọc Ẩn bèn bỏ nàng Bạch Tuyết ngồi ngẩn ngơ mà đi tách ra chỗ khác.

Nàng Bạch Tuyết không cầm giọt lệ, nghẹn ngào như một vật chi mắc ngang cuống họng. Nàng liếc mắt lên ngó hoàn nguyệt mà nói rằng: “Chị Hằng ôi! Chết em đi mà thôi, như vầy còn mặt mũi nào mà đoái nhìn non nước. Thôi em toan rửa sạch nợ trần tân khổ nầy cho rồi còn hơn.”

Nàng Bạch Tuyết tính gieo mình xuống giòng nước biếc cho rồi, nàng vừa đứng dậy vừa nhắm mắt, đặng có gieo mình, bỗng nghe vẳng vẳng bên tai rằng: “Em ba, em hãy vào phòng an nghỉ, kìa ngọn gió dữ dằn vùn vụt, nọ con sóng ba đào dậy lên, chẳng bao lâu có trận sóng dập gió dồi chớ ở ngoài nguy hiểm.”

Nàng Bạch Tuyết day lại ngó Hoàn Ngọc Ẩn rồi vẫn đứng làm thinh không dây động cũng chẳng thốt lời. Hoàn Ngọc Ẩn thở dài một cái và nói: “Em không nghe lời anh sao, em không thương anh sao?”

Nàng Bạch Tuyết nghe Hoàn Ngọc Ẩn nói dứt lời thì cúi đầu ríu ríu vâng lời xây lưng nhón bước đi chẩm rãi về phòng dương như nửa say nửa tỉnh.

Hoàn Ngọc Ẩn nới bước theo sau, ủ mặt ê mày và nói nho nhỏ một mình rằng: “Tội nghiệp cho khách đào nguyên lạc lối … Tình ôi! Sao mi quá độc.”

Hoàn Ngọc Ẩn và nàng Bạch Tuyết vào phòng rồi thì giông gió dữ dằn phát lên sóng bủa ầm ầm làm cho chiếc tàu rất lớn mà trồi lên hụp xuống như cái trứng vịt giữa giòng sông lớn.

Tưởng cho là:

Thương gái đoạn trường, con sóng dập,

Hận trai nghiêm khắc, gió giông dồi.

Nàng Bạch Tuyết vào phòng lên giường nằm ngậm đắng nuốt cay trót một đêm sáng ra tinh thần dã dượi, nàng nằm thiêm thiếp trọn một ngày, kế nóng vùi rồi phát đau xem thế bịnh rất ngặt. Hoàn Ngọc Ẩn thấy vậy bấn loạn trí não, chàng ân cần thuốc men cho nàng mà không thấy bịnh nàng thuyên giảm chút nào.

Chàng thầm nghĩ rằng: “Vì ta mà nàng mới đau tương tư thế nầy, mạng sống của nàng do nơi ta. Nếu ta chẳng dùng mưu hay chước khéo thì e khi nàng phải chết, chi bằng ta phải chìu theo quyền biến lúc nầy, chừng nàng qua khỏi cơn nguy thì sau ta sẽ giải phân lời hơn thiệt ắt là mới cứu được nàng.”

Hoàn Ngọc Ẩn tính như vậy nên đêm ngày không rời nàng Bạch Tuyết một giây phút nào cả, thừa khi nàng khỏe khoắn tinh thần, Hoàn Ngọc Ẩn nói với nàng rằng: “Em ba ôi! Xin em chớ rầu buồn làm chi, anh rõ đặng tình của em đối với anh thể nào rồi. Anh không tiện tỏ thật cho em biết tâm sự của anh, vì công việc anh toan tính chưa thành, ngày nào anh lo cho đắc cái sở nguyện của anh rồi thì em sẽ rõ tâm sự ngổn ngang của anh đặng. Nầy em anh cũng biết cái tình nó độc địa dường bao nếu anh không chống trả thì làm sao lo cho thành việc đã toan tính trước.”

Lời nói của Hoàn Ngọc Ẩn rất trống trải, hiểu lẽ nào cũng được, nàng Bạch Tuyết vì tình thiệt nghe qua cả mừng và tự nghĩ rằng: “Phải rồi, nếu chàng không thương ta thì còn thương ai nữa đặng, vì ta đây tài sắc vẹn toàn, bấy lâu ta chưa từng thấy ai hơn. Ta cũng nên dẹp sầu gác thảm giúp chàng lấy cho được hoàng ngọc rồi sau sẽ rõ, sớm trưa cùng ta cũng được cùng chàng kết tóc trăm năm, ta đây chẳng nên vội lắm.”

Nàng Bạch Tuyết được tự toại trong lòng nên qua ngày sau căn bịnh của nàng thuyên giảm lạ thường và khi tàu đến xứ Ấn Độ đậu tại hải khẩu Colombo thì nàng mạnh lại như xưa. Hoàn Ngọc Ẩn thấy nàng Bạch Tuyết vui vẻ như thường thì trong lòng mừng rỡ, song chàng hằng bữa lo lắng về sau không rõ duyên phận nàng Bạch Tuyết ra làm sao.

error: Content is protected !!