Qua xứ Ấn Độ – Phần 1

Hoàng ngọc sanh trường huyết chiến

Khối tình vẽ mặt anh hùng (1)

Từ ngày lấy được cái xe hơi về, Hoàn Ngọc Ẩn coi lại thì còn có năm ngày nữa sẽ xuống tàu mà sang qua xứ Ấn Độ. Nàng Bạch Tuyết, nàng Hồng Hoa, năm Mạnh hai Danh và Lục Tặc lấy làm phấn chấn khoăn khoái vì sẽ đi được qua xứ lạ du lịch, duy có một mình Hoàn Ngọc Ẩn nát lòng hơn nên chi nét mặt của chàng có vẻ âu sầu, thường lựa nơi vắng vẻ ngồi suy nghĩ.

Nàng Bạch Tuyết thấy vậy hỏi chàng rằng: “Thưa anh hai, sao em coi anh không đặng vui, dường như anh muốn bỏ qua vụ đi qua xứ Ấn Độ lấy hoàng ngọc vậy?”

Hoàn Ngọc Ẩn châu mày thở ra và nói: “Em ôi! EM cũng biết gan ruột của anh bao lớn, thế mà sao anh lấy làm lo sợ hằng ngày dương như anh biết trước sẽ có xảy ra một trường huyết chiến và có một người trong bọn mình phải chết, nếu phải có xảy ra chuyện chẳng lành thì anh không nỡ để như vậy. Bây giờ anh tính đi một mình mà thôi, dầu cho nát gan anh kiệt gởi xương giao xác của anh nơi đất khách anh cũng vui lòng.”

Nàng Bạch Tuyết nghe nói thất sắc ngồi dàu dàu nét mặt nàng suy nghĩ một hồi lâu rồi nói rằng: “Thưa anh hai, anh có đi thì cho em đi với, anh rủi mà vong mạng nơi xứ người, em ở nhà sống được sao? Thưa anh, dầu sanh tử em cũng nguyện theo anh cho đến cùng.”

Ôi! Lời của nàng Bạch Tuyết thốt ra ai nghe không động mối thương tâm. Vì sao mà nói như thế? Tại sao mà nàng là phận nhược chất liễu bồ mà gan ruột dường bấy. Nếu có cái kiếng mầu nhiệm phi thường soi được lòng nàng thì mới rõ cái khối tình xây động trong lòng nàng là bao lớn, mà cái tình luyến ái dầu cho nàng dấu nhẹm đối với lòng son sắt đá của Hoàn Ngọc Ẩn cũng phải thố lộ ra trong câu chuyện, thế mà Hoàn Ngọc Ẩn không hay không biết cũng lạ thật.

Tại sao vậy? Có phải vì chàng vẫn giữ tình cùng nàng Lệ Thủy sức nặng ngàn cân hoằn hoại hay vai của chàng mà chàng không đoái đến chút phận đào thơ liễu yếu là nàng Bạch Tuyết chăng?

Không! Không phải vậy đâu!…

Đã biết rằng Hoàn Ngọc Ẩn vốn là bợm hữu tình, nhưng hữu tình với ai chớ chàng có tấm lòng băng tuyết, sẵn dạ trượng bá, phu đem thói đê tiện thầm yêu trộm tưởng đến nàng Bạch Tuyết là con gái của thầy chàng và từ ngày gặp nàng lưu lạc qua nước Nam Việt, thân gái dặm trường gian truân với thời đợi khốn khổ nầy mà chàng đem về nuôi dưỡng như em ruột sao? Hoàn Ngọc Ẩn nuôi nấng vì tấm lòng hảo hiệp, chớ nào phải tưởng về cuộc gió trăng. Chàng nuôi nàng Bạch Tuyết thì ‘phải’ nếu chàng hữu tình luyến ái với nàng thì ‘quấy’. Thế mà cái phải của chàng đối với nàng nếu ta không cạn nghĩ cùng suy thì cho chàng là một tay sâu sắc nước đời vậy. Nếu xét theo lẽ ấy, nàng Bạch Tuyết hữu tình cùng Hoàn Ngọc Ẩn có nên cho nàng quấy chăng?

Không! Không đâu! Chớ vội trách nàng quấy, thật là tội nghiệp cho phận xoa xuyến lắm. Chẳng phải cao xanh tạo ta ra là một loại kim thạch kia mà rằng vô trí vô giác. Kìa trai tài để mà làm chi? Nọ gái sắc để mà làm chi? Đam một người trai vừa bước vào tuổi xuân, đam một cô gái kia má đào thơ thới đối diện với nhau, tất sao cho khỏi sự e lệ lộ ra ngoài sắc mặt.

Gái e lệ má hồng nở mặt,

Trai động tình mắt ngọc lưng tròng.

Nói cho phải, Hoàn Ngọc Ẩn sẵn hữu tình cùng nàng Lệ Thủy riêng để ra Bạch Tuyết là em nuôi, nhờ đó mà cái sắc khuynh thành của nàng Bạch Tuyết đối với chàng như một hoàng ngọc kia, để lấy đôi mắt nhìn xem rồi thôi chớ có gì lạ. Còn nàng Bạch Tuyết tấm lòng băng tuyết, từ thuở cái trâm đến bây giờ nào biết khắc ý thương ai, ngoài ra những hạng người nàng chưa chọn được là một đứng anh hùng, vẹn bề tài sắc, duy có một mình Hoàn Ngọc Ẩn mà thôi. Cái tuổi xuân của nàng nó giục cho nàng phải có tình nên chi nàng không thương Hoàn Ngọc Ẩn thì còn ai đâu khác? Nàng thương Hoàn Ngọc Ẩn bao nhiêu, gần gũi nhiều chừng nào thì trong lòng nàng chan chứa biết bao nhiêu tình? Nghĩ đến nước nầy tấc phải dung chế cho nàng thầm yêu trộm tưởng Hoàn Ngọc Ẩn không chi là bậy, đã vậy còn phải thương phân vô đoan của nàng.

Riêng thương chi phải đoạn trường,

Vui xuân ai toại để nàng tương tư.

Ôi càng suy cho cạn, càng xét cho cùng mới biết thương là phải chịu nằm gai nếm mật (aimeré ést sourffrir).

Nhắc lại Hoàn Ngọc Ẩn nghe nàng Bạch Tuyết nói dứt lời thì ngó nàng một cách thiết yếu mà rằng: “Nầy em, ngày xuân còn dài em à!”

Nàng Bạch Tuyết rưng rưng giọt lệ nên cúi đầu đặng yểm lụy và nói: “Anh hai ôi! Cha mẹ khoãn rồi, bà con không một, duy có anh đây mà thôi, tuy không phải niềm cốt nhục mà cốt nhục thình thêm không dám ví. Anh chết mà em sống đặng sao, xin anh cho em đi với.”

Hoàn Ngọc Ẩn nghe nói rất cảm động nên nói rằng: “Được, em muốn đi thì đi. Nầy em, con người sanh ra có số mạng, nên chi dầu bực vương đế cho đến dân hèn, ai đâu tránh khỏi tay quỉ vô thường đoản mạng. Sống chết là do theo số mạng phải không em?”

Nàng Bạch Tuyết vui mừng không cùng nên nói: “Dạ thưa phải đó anh à.”

Ở ngoài Lục Tặc rình nghe hết câu chuyện của Hoàn Ngọc Ẩn và nàng Bạch Tuyết liền lập tức chạy đi kiếm vợ chồng năm Mạnh và hai Danh mà nói rằng: “Xui, xui lắm! Lắm xui lắm!”

Nàng Hồng Hoa lấy làm lạ hỏi Lục Tặc rằng: “Cái gì mà xui em Tặc.”

Lục Tặc nhướng đôi mày lên và nói: “Ê chị năm! Cái gì muốn hỏi thì để em nói cho mà nghe mà hỏi sao cho tử tế, chị lại kêu em bằng Tặc nầy Tặc kia. Chị phải biết Tặc mà có Lục đứng đầu thì là Lục Tặc, tên tốt lắm, còn tên Tặc đứng trọi trọi một mình đó là đạo Tặc, chị muốn kêu tôi là đạo Tặc hay sao?”

Nàng Hồng Hoa nghe Lục Tặc nói dứt lời thì cười ngất rồi nói: “Cha chả! Lục Tặc nay em sao nhiều chuyện quá, dám bắt lỗi bắt phải chị như vậy?”

“Chị nghĩ coi, mẹ người ta sanh ta ra đặt tên đôi phải quá, chị lại bỏ bớt tên đứng đầu kêu Tặc không, nghe dị ôn không phiền sao? Đều nói mà nghe chớ ai giận chị. Nầy chị năm, anh năm và anh hai, tôi có rình nghe thầy hai nói chuyện với chị ba …”

Năm Mạnh chận lời của Lục Tặc mà rằng: “Sao em tọc mạch đến thế.”

“Dạ tọc mạch tuy là tánh xấu, song cũng nhầm khi có ích lợi to.”

“Sao mà rằng ích lợi to?”

“Dạ nhờ tọc mạch mà em hay rằng thầy hai không cho anh, chị năm, anh hai và em đi theo người qua xứ Ấn Độ.”

“Tại sao vậy, em có biết chăng?”

“Thầy hai sợ mình đi rủi chết oan mạng (Lục Tặc bèn đem câu chuyện của Hoàn Ngọc Ẩn và nàng Bạch Tuyết thuật hết lại.

Năm Mạnh suy nghĩ một hồi rồi nói với nàng Hồng Hoa rằng: “Mình ôi! Mình còn nhớ thuở trước nếu tôi không nhờ thầy hai cứu tôi đem về nhà mổ lấy viên đạn thì ngày nay tôi với mình đâu được sum hiệp như vầy.”

Nàng Hồng Hoa nói: “Phải đó mình à, mình nhờ thầy hai mà sống, cái sống đây gẫm ra có khác nào là sống thừa, ơn ấy sánh tày non bể rộng, vậy vợ chồng mình phải xin theo phụ giúp thầy hai, thế mới phải. Há sụt sè nhát chúa thì có đáng làm người đâu.”

Năm Mạnh nói: ‘Đáng khen em lắm, có chi làm cho anh vui hơn là được nghe em nói những lời ấy.”

Hai Danh tiếp rồi rằng: “Tôi cũng xin đi theo vì bấy lâu tôi nhờ thầy giúp của nhiều khi mới phụng dưỡng mẹ già ấm no trong tuổi hạc. Ngày nay mẹ của tôi khoãn rồi, vả lại mẹ tôi có trối lời bảo tôi theo thầy hai luôn dầu sống thác chớ rời người.”

Lục Tặc tiếp nói: “Còn tôi đây là Lục Tặc, mẹ cha sớm rủ nhau đi về tây phương viếng Phật, thân côi cút của Lục Tặc nhờ thầy hai đem về ở nuôi dưỡng, thương như em, ơn ấy Lục Tặc chưa báo đáp cho cân xứng vậy tôi cũng xin đi. Dầu mà qua xứ Ấn Độ tôi có bạc phận sớm lìa trần thì tây phương gần đó theo mẹ cha không mỏi cẳng.”

Lục Tặc nói dứt lời rồi cùng vợ chồng năm Mạnh và hai Danh vào phòng xin Hoàn Ngọc Ẩn đi theo qua Ấn Độ.

Chàng thấy người ở hết lòng thì ngùi ngùi tấc dạ mà rằng: “Mấy người có muốn đi theo mà giúp tôi, thì tôi không dám phụ lòng. Thật tôi biết lấy chi mà đền ơn ấy, vậy có đi thì phải ráng luyện tập võ nghệ lại cho nhuần nhã thành thục, phòng khi hữu dụng thì có ích lắm.”

Hoàn Ngọc Ẩn bèn day lại nói với nàng Bạch Tuyết rằng: “Nầy em, em ráng chỉ biểu dạy thêm trường kiếm cho mọi người vì còn có năm ngày nữa sẽ xuống tàu.”

Nàng Bạch Tuyết dạ dạ vưng lời, lập tức biểu vợ chồng năm Mạnh, hai Danh và Lục Tặc mỗi người đi lấy trường kiếm đã rèn sẵn đam lên lầu dọn một gian phòng rộng rãi mà luyện tập.

Nàng Bạch Tuyết dày công truyền nghề cho mọi người trọn ba ngày ba đêm thì xem thế người người tinh thông hơn nhiều; còn có một ngày chót sẽ xuống tàu, Hoàn Ngọc Ẩn bèn biểu mỗi người dượt lại cho chàng coi thì chàng thầm khen vô cùng.

Hoàn Ngọc Ẩn nói thầm rằng: “Nàng Bạch Tuyết tuy mảnh mai cốt cách nhưng vốn giòng nhà võ xuất thân, sức của nàng đáng nổi chừng hai trăm người tay ngang mà có cầm khí giái. Năm Mạnh võ giỏi, sức lại mạnh, đánh nổi chừng một trăm rưỡi, nàng Hồng Hoa võ cũng giỏi nhưng thiếu sức đánh được chừng năm chục người, hai Danh võ sút hơn hết nhưng sức mạnh gần bằng ta, sức chém ra chết có trên năm mạng, nhờ vậy anh ta giết cũng được một trăm. Lục Tặc tuổi có mười tám còn non nớt, giết cao tay chừng mười mạng là nhiều. Có ta đánh nữa thì trong số sáu trăm người không làm chi thắng chúng ta đặng.”

Hoàn Ngọc Ẩn đang đứng coi bỗng có nàng Đặng Nguyệt Ánh đến nhà thấy cuộc dượt võ thì hỏi rằng: “Thưa anh hai làm gì mà người người luyện tập võ nghệ xem rất kịch liệt vậy? Dạ còn anh nay mạnh lại chưa?”

Hoàn Ngọc Ẩn day lại nói rằng: “Vít nay cũng vừa lành nhưng trong mình còn yếu lắm, thầy hai mạnh lại chưa?”

“Dạ cũng gần mạnh lại rồi.”

“Cô qua có chuyện chi?”

“Dạ trước thăm anh sau cho anh hay tin lành.”

“Sao đó cô?”

“Dạ thưa, em nhờ thầy dạy bảo, bây giờ thầy Đỗ Hiếu Liêm biết tự hối ăn năn lại thương em lắm. Thẩy tính chừng mười ngày nữa thiệt mạnh lại rồi sẽ cùng em làm đám hỏi và trong một tháng làm đám cưới.”

‘Chà vui lắm hả?”

Nàng Đặng Nguyệt Ánh tỏ sắc e lệ mà rằng: “Việc nầy nhờ anh mới xảy ra, nếu anh không bảo em qua nuôi dưỡng thầy hai thì chắc là em với thẩy không thuận ý nhau đặng. Thầy hai biểu em qua cho anh hay và sẽ mời anh đi dự đám.”

“Cô nói chơi sao chớ?”

error: Content is protected !!