Hoàng ngọc mất – Phần 13

Một ngày kia Hoàn Ngọc Ẩn bịnh mình mười phần giảm đặng sáu, đứng ngồi vừa được, ấy cũng là ngày các báo tây nam đặng vụ bị ăn trộm hoàn ngọc của nàng Lệ Thủy rất tường tất. Hoàn Ngọc Ẩn xem một số báo chữ Pháp kia thấy thuật vụ ăn trộm, dưới lại có nói rằng: “Vụ ăn trộm đã xảy ra thể ấy, gian nhân chưa tìm đặng, chưa biết là ai chớ theo lời thiên hạ đồn thì bổn báo dám chắc rằng nếu gian nhân không phải là Hiệp Liệc thì còn ai đâu khác. Tiếc thay lúc nầy thầy Đỗ Hiếu Liêm vì còn nằm bịnh nên Hiệp Liệc mới biến lộng thể nầy. Ước trông thấy mạnh lại cho mau đặng diệt trừ đứa đạo tặc lợi hại ấy.”

Hoàn Ngọc Ẩn xem dứt bài liền xé to xé nhỏ tờ báo liệng xuống đất và nói lên rằng: “Khá khen đứa đạo tặc dám bạo gan lấy hoàng ngọc, đây nó sẽ coi ta đủ tài mà bắt nó không cho biết!”

Nàng Bạch Tuyết nói: “Việc xảy ra làm cho anh mang tiếng oan, em nghĩ ra cũng uất tức trong lòng lắm. Anh tính bắt gian nhân lấy hoàng ngọc thế ấy minh oan được rồi song rủi thay lúc nầy vít của anh chưa lành đứng đi không vững, và liệu làm sao?”

Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Thật thức tối biết dường nào, bây giờ có một thế nầy … Để tôi sai năm Mạnh đi qua nhà thằng Chà và Xã-tri cho vay ở đường Ohier là thằng gởi thơ mướn tôi đi ăn cướp hoàng ngọc coi nó còn ở đó không cho biết, nếu có nó thì phải bắt sống nó đam về đây khảo nó thì tự nhiên nó phải khai, chừng đó sẽ biết thằng ăn cướp ấy và lấy hoàng ngọc lại được.”

Hoàn Ngọc Ẩn liền kêu năm Mạnh vào phòng bảo lập tức ra đi.

Năm Mạnh vâng lời đi dọ thám trọn hai giờ trở về nói với Hoàn Ngọc Ẩn rằng: “Thưa thầy tôi đi đến nhà thằng Chà ấy hỏi ra mới hay rằng nó đã sang nhà cho thằng Chà khác còn nó thì đã đi chuyến tàu hôm qua mà về Ấn Độ rồi.”

Hoàn Ngọc Ẩn nghe nói chắt lưỡi nghĩ thầm rằng: “Nếu vậy thì nó cùng mấy thằng trong bọn đã đem hoàng ngọc về bên tổ quán của chúng nó rồi còn chi. Tôi không nghe đâu phải theo chúng nó qua bên Ấn Độc mà lấy hoàng ngọc ấy lại kẻo để chúng nó khinh khi tôi lắm. Nếu tôi lấy được hoàng ngọc rồi thì tôi buộc nó mua một triệu đồng bạc thì mới bán như thế nhập với tiền ta đi ăn cướp bấy lâu thì đủ ba triệu bạc, sở nguyện của ta thành rồi.”

Hoàn Ngọc Ẩn có ý mừng thầm nên nói: “Thằng Chà và Xã-tri đi về Ấn Độ rồi thì hoàng ngọc đã dời đi theo, ta cũng phải đi qua bển mà lấy lại.”

Nàng Bạch Tuyết nói: “Anh mắc còn bịnh mà đi sao được, vả lại dầu mà anh có đi được, qua xứ lạ không biết tiếng người thì dể gì mà tìm đặng.”

Hoàn Ngọc Ẩn cười và nói: “Tưởng tiếng gì chớ tiếng Chà và tôi nói như nước chảy.”

Nàng Bạch Tuyết lấy làm lạ nói rằng: “Anh hai, tiếng Pháp, tiếng Quảng Đông, tiếng Cao Mên, tiếng Annam bốn thứ tiếng ấy anh biết em tưởng không lạ, vì anh có ở mấy xứ đó còn tiếng Chà-và anh làm gì biết nói được.”

Lục Tặc tiếp nói: “Bộ thầy hai nói chơi sao chớ, thứ cà ri kia mà thầy ăn nuốt không vô, huống lựa gì lại biết nói tiếng Chà quảnh cà ni nạ ní nẹo dễ nói lắm sao. Phải ăn cà ri cho cay chừng thụt lưỡi rồi đánh lưỡi lia lịa thì nói tiếng Chà mới được.”

Hoàn Ngọc Ẩn bốp tai thằng Lục Tặc một cái và nói: “Con bò con mầy biết giống gì mà xen miệng vô.”

Hoàn Ngọc Ẩn day lại nói với nàng Bạch Tuyết rằng: “Tôi biết nói tiếng Chà-và là nhờ thuở tôi còn nhỏ khi theo dưỡng phụ ở bên Pháp quốc có trên bảy năm. Thuở đó dưỡng phụ của tôi có mướn một người Chà và để gác cửa, người ấy thương tôi lắm nên dạy tôi nói rất giỏi nào có phải ăn cà-ri cho cay thụt lưỡi mới nói được như lời của thằng Lục Tặc chết bầm nầy đâu.”

Ai nấy nghe Hoàn Ngọc Ẩn nói thì cười xòa. Chàng tiếp nói rằng: “Bịnh của tôi còn chừng mười lăm ngày nữa thiệt mạnh lại như xưa, mười ngày nữa có một chuyến tàu sang qua Pháp quốc, có ghé xứ Ấn Độ vậy mình đi chuyến tàu ấy. Tàu chạy qua đến xứ Ấn Độ thì tôi thiệt mạnh như xưa.”

Nàng Bạch Tuyết nói: “Anh tính đi qua xứ Ấn Độ một mình hay là có cho ai đi theo?”

Hoàn Ngọc Ẩn suy nghĩ rồi nói: “Trong trí anh tưởng đi qua xứ lạ lấy hoàng ngọc lại không phải dễ, đi một mình tôi bất tiện lắm, cần kíp phải có em, vợ chồng anh Năm và hai Danh theo phòng khi có việc gì uất trắc biến ra, đông tay mới lo thành sự.”

Lục Tặc không nghe Hoàn Ngọc Ẩn nói với tên mình thì thốt lời cùng Hoàn Ngọc Ẩn rằng: “Dạ thưa thầy, có khi thầy quên kể tên Lục Tặc hay sao?”

Hoàn Ngọc Ẩn ngó thằng Lục Tặc và nói: “Em đi theo làm gì, em không đủ sức giúp anh đâu, tốt hơn em ở nhà, đi theo chi cực, lại còn e phải bị khốn khổ nữa đa.”

Lục Tặc tỏ sắc buồn và nói: “Thưa thầy, có thằng tướng dở nó đỡ thằng tướng hay, câu tục điêu nói rất hay. Em tuy bất tài chớ cũng có dịp đỡ tay đỡ chơn thầy được.”

Nàng Bạch Tuyết tiếp nói rằng: “Thầy cho nó đi với có nó theo cũng vui có hại gì.”

Hoàn Ngọc Ẩn gặc đầu và nói: “Em muốn cho nó đi theo thì cũng được, anh sợ có xảy ra trường huyết chiến nó còn nhỏ chết tội nghiệp.”

Lục Tặc nói: “Dạ thưa em tuy nhỏ chớ võ nghệ khá lắm, em nhờ có chị ba dạy em học hai ba tháng nay. Em có gan ruột dầu chết vì thầy em vui lòng lắm.”

Hoàn Ngọc Ẩn gặc đầu và nói: “Thầy khen em đó.”

Hoàn Ngọc Ẩn day lại nói với nàng Bạch Tuyết rằng: “Đến ngày mình xuống tàu ra đi, cần kíp phải đem mỗi người một cây súng lục liên, có bì cho nhiều và lại mỗi người phải sắm sẵn một cây kiếm phòng hờ để hộ thân.”

Năm Mạnh nói với Hoàn Ngọc Ẩn rằng: “Thưa thầy bữa nay cho đến ngày xuống tàu, giờ ngày còn dư rộng, xin thầy tính cách nào bắt đứa ăn trộm hoàng ngọc mà nạp cho quan, đặng gỡ lấy tiếng oan cho thầy.”

Hoàn Ngọc Ẩn ngồi chống tay trên trán suy nghĩ một hồi rồi nói: “Anh phân nghe rất chánh đáng, tôi cầm trí suy nghiệm theo bài thời sự về vụ ăn trộm ấy thời tôi nghi thằng đạo tặc nầy chắt là bọn đồng lõa của Thanh Long nên mới có những đồ nghề một kiểu thức với đồ nghề của Thanh Long đã bị tịch lúc trước. À phải rồi, thuở tôi đi lên Nam Vang bắt Thanh Long thì có tên ba Hảo vì kiến của Thanh Long nó nhờ dịp may mới sẩy khỏi tay tôi. Ba Hảo nầy võ nghệ khá khá, va xảp quyệt. Anh có biết, hoặc là nghe tin ba Hảo khi nào chăng?”

Năm Mạnh đáp: “Thưa thầy có phải thằng nầy có để râu cá chốt, nước da bánh ếch, chơn mày xâm đen, vóc vạc liền lạc mắt sâu mà thỏn chăng?”

Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Phải rồi đó, anh tả sơ cái hình dạng của nó mà không sai một mảy.”

Năm Mạnh nói: “Nếu vậy thì thằng nầy tôi quen biết nhiều lắm.”

Thuở trước cách dừng ba năm nay ba Hảo nầy là đầu đảng bọn du côn đường mới, chính mình ba Hảo cũng biết tôi nhiều vì nó có đánh lộn với tôi một lần tại rạp hát cô ba Ngọc, duyên cớ như vầy: Một hôm tôi đi coi hát với một người tình nhân của tôi vốn là tay nhan sắc có lắm vẻ nặn nà, ba Hảo ỷ mình em út đông, thế mạnh nên ngang tàng lắm, nó coi tôi chẳng ra gì, nên buông lời ghẹo chọc ả tình của tôi một cách tự diêu tự đắc lắm. Thấy sự trái tai gai mắt không lẽ nhịn được, tôi liền đánh ba Hảo một bốp tai chúi mũi làm cho văng cái nón vành lớn của nó đội trên đầu, tôi liền dẫn ái tình của tôi vào coi hát, tưởng việc xảy ra chẳng quan hệ gì cho lắm, khi vãng hát tôi và con tình của tôi cùng nhau đi ra cửa. Ngó xáng qua, tôi thấy ba Hảo, trên tay có một con dao sắt bì lưỡi bén và sáng giới. Chung quanh ba Hảo thì em út của nó có hai mươi đứa, mỗi đứa đều có đem đồ binh khí nào là bàn tay sắt, củ chì thun, dao mác vân vân … Tôi biết không thế nào tránh khỏi ba Hảo sanh chuyện ấu đả. Tôi nghĩ đến câu ‘Nhứt hổ nan địch quần hò’ thì cũng có ý lo sợ, thế mà không nỡ trốn tránh làm tuồng nhát nhút thì sao cho khỏi thẹn mặt với con tình. Tôi bạo gan đánh liều một trận, dầu chết sống cũng vui lòng, thế mà biết tính làm sao, vì tôi đi chơi không đề phòng, đem vật gì cầm tay để hộ thân. May đâu có một thầy kia đi coi hát mà có đem theo một cây ba-ton cấy trắc lớn bằng cườm tay của tôi và bề dài được một thước tây. Tôi bèn thuật chuyện xảy ra cho thầy đó nghe và mượn cây ba-ton ấy, thầy rất vui lòng, trao ba-ton cho tôi mượn. Tiếp lấy cây ba ton, thấy vừa tay, đã nặng và chắc thì trong bụng rất mừng, tôi liền cầm tay giữ thế đi ra cửa rạp bỗng có trên mười đứa xúm nhau vây chặt tôi mà chém. Tôi huơi cây ba-ton tấn tới đánh một ngọn thì thấy bọn nầy có trên ba đứa té nhào. Ba Hảo thấy việc hỗn độn bèn rút dao nhảy tới chém tôi. Đánh không mấy bộ, ba Hảo bị tôi đánh trúng nhầm cánh tay mặt văng dao, tôi liền nhảy tới đá nó té nhào. Mấy đứa du côn thấy võ nghệ cao cường thì cả thảy có lòng khiếp sợ chẳng dám vây tôi mà đánh nữa. Ba Hảo trổi dậy nhắm thế đánh không lại tôi mới chịu lỗi và xin kết làm anh em. Muốn xử hòa hảo tôi cười và nói: “Anh hãy an lòng, cũng bởi tôi với anh không quen biết nên mới sanh chuyện ấu đả, rày đã biết nhau rồi, chớ lấy sự cừu hờn không tốt. Thưa thầy ba hảo tuy là một đứa du côn chớ cũng biết khôn dại, nhắm thế không làm chi tôi được mới kết làm anh em như vậy đoàn em út không dám khinh nó. Sau tôi có giúp ba Hảo đánh với bọn du côn Bồn Kèn làm cho bọn nầy vỡ mật, tiếng ba Hảo lại thêm lẫy lừng.”

Hoàn Ngọc Ẩn hỏi năm Mạnh rằng: “Thuở ấy anh có giao tiếp với ba Hảo thường không?”

“Dạ thưa không, tôi giúp ba Hảo đánh một trận ấy rồi thôi.”

Hoàn Ngọc Ẩn suy nghĩ một hồi rồi nói: ‘May lắm! May lắm! Anh quen biết với ba Hảo vả lại nó phục anh, tôi tưởng hiện thời nó còn ở tại Saigon nầy, vây anh phải đi tìm kiếm bọn du côn đường mới, có lẽ anh hỏi thăm đặng ba Hảo ở đâu. Anh hãy ra đi lập tức đặng về báo tin cho tôi biết và tôi sẽ lập kế cho anh và hai Danh đi bắt nó.”

Năm Mạnh nói: “Thưa thầy, đi dọ thì tôi xin vâng lời còn bắt ba Hảo thì để cho hai Danh đi bắt cũng đủ, tôi mắc quen biết lại kết làm anh em với nó không lẽ đi bắt, nghĩ ra coi không được.”

Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Phải, anh nói nghe hữu lý, thôi anh hãy đi đi.”

Năm Mạnh vưng lời lấy nón đội lên đầu ra đi rồi thì Lục Tặc nói với Hoàn Ngọc Ẩn rằng: “Thưa thầy, đó rồi một việc, còn điếu xì gà, trước khi đi qua Ấn Độ thầy phải tính làm sao lấy lại không lẽ bỏ qua.”

Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Thầy cũng nghĩ như em rồi, để bắt ba Hảo xong rồi thì sẽ lấy điếu xì gà lại không khó gì mà lo lắm cho nhọc trí.”

error: Content is protected !!