Hoàng ngọc mất – Phần 11

Nói qua một hôm kia nàng Lệ Thủy ngồi trong phòng một mình xem sách, nàng lo ra ngó trước xem sau vắng vẻ sực nhớ lại lúc trước tại nhà nàng rần rộ khách hào hộ, tiếng cười cợt om sòm, thường ngày đều có đại yến không thời tiểu yến, song từ ngày đã cùng Hoàn Ngọc Ẩn thề non hẹn biển, tiếng ngựa xe của khách yêu hoa đều bặt tiếng, đàng hoa nguyệt rêu đơm, vì câu tiết phụ nàng ôm lòng khắn. Hôm ấy Lệ Thủy buồn mà cái buồn nầy là vì: đất Á cầm chơn người thủ tiết, trời Tây dõi bước kẻ cầu danh.

Áy là nàng tưởng vậy chớ nào có hay Ngọc Ẩn không xa nàng mấy dặm, gặp nhau nhiều lần, chuyện vãn với nhau có thuở, thế mà nàng không biết được mới thăm cho. Nàng Lệ Thủy ngồi xem sách mà trí vẩn vơ theo gió, trí nào hiểu được câu văn. Ngẫu nhiên có hai người Chà-và ở ngoài bước lên thềm nhà, nghe tiếng giày nàng Lệ Thủy ngó ra thấy dạng người liền xếp sách đứng dậy bước ra chào hỏi rằng: “Hai người đến nhà tôi có chuyện chi?”

Nguyên hai người Chà-và nầy một người là phái viên của hội đi tầm ngọc còn một người là anh Chà cho vay đặt nợ quen biết với Trần Vô Cương đó.

Anh chà Xã-tri cho vay biết tiếng Annam nói với nàng Lệ Thủy rằng: “Tôi nghe nói cô có một cục ngọc rất lớn và tốt đẹp có quả vậy chăng?”

Nàng Lệ Thủy tình thật đáp rằng: “Phải đó, mà anh hỏi làm chi.”

“Xin cô cho phép tôi coi thử rồi tôi sẽ nói chuyện cho cô nghe.”

Nàng Lệ Thủy không rõ chuyện gì nên chịu, nàng muốn biết nên nói: “Được, hai người hãy ngồi chờ tôi đi lấy đem ra.”

Dứt lời nàng Lệ Thủy kêu hai Dõng đem trà cho hai anh chà giải khát và nàng đi vào trong phòng mở một cái tủ sắt giở ngăn kín lấy một cái hộp kiếng đựng hoàng ngọc đem ra cho hai anh Chà-và coi.

Người phái viên xem rất kỹ lưỡng rồi thì mừng rỡ không cùng nên nói với anh Chà cho vay rằng: Phải rồi, hoàng ngọc nầy chính là hoàng ngọc của chùa tôi mất. Vậy anh hãy hỏi nàng mà mua bao nhiêu cũng được.”

Anh Chà cho vay hỏi nàng Lệ Thủy rằng: “Ngọc nầy nguyên ở đâu cô có?”

Nàng Lệ Thủy nói dói mà rằng: “Của ông bà tôi để lại.”

“Cô có biết gốc tích hột ngọc nầy ở đâu không?”

“Không, ngọc nầy truyền lại nhiều đời, tôi nào rõ đặng.”

“Có thế nào cô bán lại cho tôi không?”

“Trong số này anh muốn mua bao nhiêu?”

“Ngọc nầy quí thì có quí, nhưng giá đáng chừng bảy ngàn đồng mà tôi mua giùm cho cô một muôn đồng bạc cô có ưng không.”

Nàng Lệ Thủy nghe hỏi mua đặng giá quá thì mừng rỡ không cùng và muốn bán lắm, hay đâu nàng nhớ lại lúc nàng đi qua Pháp quấc với Hoàn Ngọc Ẩn, nàng có nghe Hoàn Ngọc Ẩn căn dặn nàng phải gìn giữ hoàng ngọc cho kỹ và đừng bán lại cho ai biết, dầu giá nào cũng vậy vì chàng yêu ngọc ấy lắm. Nàng có hứa với chàng sẽ giữ luôn nên khi nàng nghe anh Chà Xã-tri hỏi mua đặng như thế thì nàng không đành bán.

Nàng Lệ Thủy nói: “Tôi có túng thiếu tiền bạc đâu mà bán dầu có muốn mua mấy triệu bạc đi nữa tôi cũng không bán.”

Anh Chà cho vay bèn thông ngôn lại cho anh Chà kia và nói rằng: “Nàng nằn nằn quyết một không bán, bây giờ mình mua bao nhiêu cũng không được, tôi tính có một thế là phải ăn cắp mới xong vậy anh em mình về nhà bàn tính lại.” Nói đến đây hai người Chà-và liền từ giã nàng Lệ Thủy mà đi về.

Ve72 đàng người Chà-và và phái viên nói với anh Chà cho vay rằng: “Tôi xem thế không dể gì ăn cắp hoàng ngọc được vì là một vật châu báu nàng Lệ Thủy gìn giữ kỹ lưỡng, chắc là nàng cất trong tủ sắt.”

Anh Chà cho vay suy nghĩ một chập rồi nói: “Tôi cũng biết vậy, vả chăng mình không phải ăn trộm nghề, làm bướng ắt là mang họa. À phải, may lắm! Nếu mình mướn được Hiệp Liệc là tay ăn cướp trứ danh ở xứ nầy thì có thứ gì hoàng ngọc ấy không về tay mình.”

“Anh chắc mướn nó được không?”

“Tôi không dám chắc, vì thuở nay tôi không quen biết với nó, dầu vậy mặc lòng, tôi có thế giáp mặt và nói chuyện với nó được.”

“Nói vậy anh biết nhà cửa của chúng nó sao?”

“Chẳng bao giờ ai biết đặng, thế mà muốn giáp mặt nói chuyện với nó thì mướn tờ báo nào nhắn nó thì nó ra mặt ngay.”

“Lạ thật, ăn cướp như vậy thiệt là quá tài, chẳng biết kiêng sợ sở mật thám truy tầm ra đặng đáng khen chớ …”

Cách ít ngày sau, Lục Tặc ngồi đọc nhựt trình cho Hoàn Ngọc Ẩn nghe, đến mục thơ tín có một bài tựa đề như vầy:

Gởi cho M. Hiệp Liệc.

Lục Tặc rất mừng lật đật nói với Hoàn Ngọc Ẩn rằng: “Thưa thầy, có ai nhắn tin gì với thầy nên xin đăng trong báo đây.”

Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Em cứ việc đọc cho thầy nghe thử nào!”

Lục Tặc đọc như vầy:

Tôi muốn giáp mặt ông đặng sở cầu một việc. Trong một tuần nhựt trở lại ông muốn đến nhà ngày nào tiện thì đến.

ABDELMOUTAMABARY …

Chủ cho vay bạc Chà số X ở đàng Ohier.

Lục Tặc đọc dứt thơ tín rồi thở ra một cái và nói: “Bác táo chúa nào đây mà tên dài quá, đọc dứt hơi mới hết, may là nó viết tên cô một phần đa. Dạ thưa thầy, bộ bác táo nầy mời thầy đến nhà khoét tủ sắt hay sao mà?”

Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Nầy Lục tặc em hãy bỏ cái tánh lý lắc và nhứt là chớ nói giễu cợt, thầy không ưa chút nào. Một ngày một lớn phải sửa tánh nết lại chớ phải em nhỏ hoài hay sao?”

Lục Tặc lắc đầu và nói: “Thưa thầy, cái đó là tại trời đặt để cho tôi chớ phải tôi muốn sao?”

“Trời đặt để gì nà, khéo nói bá láp. Thôi em đi kêu năm Mạnh vào phòng cho anh nói chuyện.”

Lục Tặc đứng dậy đi ra ngoài nói lầm bầm trong miệng rằng: “Cái miệng người ta nói có duyên quá mà thầy hai ghét làm sao?”

Lục Tặc đi xuống nhà dưới thấy năm Mạnh đang ngồi day lưng lại khảy độc quyền thì nhẹ bước đi lại gần lấy một cọng cỏ đuôi công đụng nhẹ nhẹ trên cổ. Năm Mạnh tưởng con kiến bò nên bỏ đờn lấy tay phủi mà không ngó lại. Mỗi khi năm Mạnh phủi thì Lục Tặc lấy cọng cỏ ra và khi năm Mạnh đờn lại được ít tiếng thì Lục Tặc phá nữa. Năm Mạnh vì mê đờn cứ phủi sơ sơ rồi cứ việc đờn tới, Lục Tặc phá vài lần rồi tức cười nín không được nên cười xòa.

Năm Mạnh nghe tiếng cười day lại thấy Lục Tặc đứng sau lưng, trên tay còn cầm cọng cỏ thì biết cậu phá thì cười và nói rằng: “Cái thằng chết bầm, nãy giờ mầy phá mà tao không biết chớ. À phải thằng hai mầy ngồi lại tao đờn mầy nói thơ Bạch Viên Tôn Các nghe chơi.”

“Thôi đi, anh đờn không sướng ca thất danh đi nà.”

“Cái gì không sướng mậy?”

“Mậu trường canh, Mậu nhịp, ca ló anh à. Trời ôi! Tôi quên lửng thầy hai kêu anh nãy giờ ở trong phòng.”

“Thiệt không? Mầy thiệt là lôi thôi quá, tao vào lâu ắt sao cũng bị rầy.”

Nói dứt lời năm Mạnh liền đứng dậy, lập tức chạy lên nhà trên. Hoàn Ngọc Ẩn vừa thấy năm Mạnh thì nói rằng: “Anh năm anh hãy sửa soạn đi với hai Danh qua nhà thằng Chà Xã-tri tên là Abdelmountamarary nhà số X ở đường Ohier, anh xưng tên là Hiệp Liệc đặng hỏi cói nó sở cầu chi, đặng về nói lại cho tôi rõ. Anh đi với hai Danh phải cẩn thận như vầy … như vầy … Đi cho mau rồi về kẻo tôi trông đợi.”

Năm Mạnh vâng lịnh ra đi trọn một giờ mới trở về nói chuyện lại với Hoàn Ngọc Ẩn rằng: “Tưởng chuyện gì lạ, thằng chà ấy mời tôi vào phòng riêng của nó sẵn có một chục thằng Chà hắc quải da bóng lưỡng ngồi chờ. Bọn nầy cậy mình đi ăn cắp giùm hoàng ngọc của cô Lệ Thủy. Tưởng nó cậy chuyện gì nhà cậy việc ấy ngặt dữ lắm.”

“Rồi anh nói với chúng nó làm sao.”

“Dạ thưa tôi cười và nói: Tưởng mấy anh cậy chuyện gì nhè cậy tôi đi ăn trộm, trong số mấy anh dám mướn tôi bao nhiêu? Mấy anh cũng phải biết, tôi đi ăn cướp bạc muộn bạc vẹo không chớ không phải lối bạc ngàn. Chúng nó nghe tôi nói như vậy liền nói: Chúng tôi cũng biết, ông lấy giùm hoàng ngọc tôi xin chịu cho bốn muôn đồng bạc. Tôi nghe lấy làm quái dị vì hoàng ngọc của cô hai quí báu thì có, nhưng giá không qua một muôn đồng, chừng chúng mới thuật lại gốc tích ngọc báu ấy cho tôi nghe.”

Năm Mạnh bèn nói lại câu chuyện của một tên Chà nói về hoàng ngọc cho Ngọc Ẩn nghe. Chàng gặc đầu và nói: “Hèn chi  chúng nó dám mướn mình tới số bạc to lớn ấy. Ủa! Cớ gì chúng nó không hỏi nàng Lệ Thủy mà mua lại cậy mình đi ăn trộm?”

“Dạ tôi có hỏi thì chúng nó nói có đến nhà cô hai hỏi mua song cô nhứt định không bán, dầu một triệu đồng bạc cũng chẳng chịu.”

Hoàn Ngọc Ẩn suy nghĩ một hồi rồi nói thầm trong bụng rằng: “Phải ta nhớ lại rồi, nàng không chịu bán là tại ta có để lời căn dặn nàng giữ gìn. Thật đáng khen nàng biết giữ lời hứa, biết trọng ý ta mới coi tiền muôn bạc triệu không ra chi vậy.”

Năm Mạnh nói tiếp rằng: “Tôi thấy chúng nó yêu cầu nên muốn gạt nó mà lấy bạc xài chơi quá.”

Hoàn Ngọc Ẩn lắc đầu và nói: “Đừng không nên, cái thói lường gạt như vậy là để cho đứa tiểu nhân, mình chớ làm như vậy thất danh, không thẹn hổ với đời được.”

Năm Mạnh nói: “Thầy nói nghe đáng phục, trước khi tôi đi về tôi có nói với lũ hắc quảy nầy để tôi về tính lại trong ít ngày sẽ cho tin.”

Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Anh hãy viết thơ nói cho chúng nó hay rằng Hiệp Liệc không phải chánh danh là đứa ăn trộm mướn, và phải cho chúng nó hay rằng Hiệp Liệc cấm không cho chúng nó vi phạm đến hoàng ngọc, nếu nó cãi lời thì chớ trách sao Hiệp Liệc ở độc.”

Năm Mạnh vâng lời lo đi viết thơ trả lời cho mấy Chà hay.

error: Content is protected !!