Hoàng ngọc mất – Phần 10

Nói tiếp qua quan chánh sở mật thám đi với quan Giám đốc, thầy đội Tài và mấy người lính đến nhà Hiếu Liêm thì gặp quan lương y đang lo ràng rịt và cho thuốc cái vít trên đầu của chàng. Quan chánh sở mật thám thấy Đỗ Hiếu Liêm nằm mê không thế nào nói chuyện được thì đi một vòng quan sát khắp trong nhà đoạn ra về với mấy người đi theo khi nãy.

Nàng Đặng Nguyệt Ánh đến nhà của Đỗ Hiếu Liêm, nói chuyện với quan lương y thì ông dặn dò nàng phải ngồi giữ bịnh Đỗ Hiếu Liêm chẳng nên tời một phút, và khi chàng tỉnh lại thì cho chàng uống thuốc của ông cho toa đi mua. Nàng Đặng Nguyệt Ánh chăm chỉ nghe lời quan lương y dạy bảo, nàng kéo ghế ngồi dựa bên giường, nét mặt ưu sầu dã dượi, ấy là cực cùng chẳng đã vì nàng không dám cãi lời Hoàn Ngọc Ẩn.

Không bao lâu Đỗ Hiếu Liêm tỉnh lại chàng mở mắt ra thấy nàng Đặng Nguyệt Ánh thì cảm động vô hạn. Chàng biết sự lỗi lầm của chàng và cách cư xử gắt gỏng của chàng đối với nàng thì hai hàng giọt lụy rưng rưng chảy theo mí mắt mà rớt xuống gối.

Đỗ Hiếu Liêm tự nghĩ thì thẹn hổ vô cùng, chẳng biết phải lấy lời gì tạ tội với nàng cho cân xứng. Đỗ Hiếu Liêm muốn thốt lời song dường như tắt giọng khao lời chỉ ngó nàng. Đặng Nguyệt Ánh day qua thấy Đỗ Hiếu Liêm tỉnh lại, đôi mắt còn dầm dề lụy đổ thì nàng đoán biết chàng có lòng tự hối thì để ý thương tình. Nàng sực nhớ những lời của quan lương y dạy bảo nên lật đật lấy một thứ thuốc nước mà cho Đỗ Hiếu Liêm uống cho lặn bớt những sự đau đớn.

Chàng uống thuốc rồi nói tấm tức rằng: “Cô tư ôi! Tôi cam chịu lỗi trăm phần … Ôi có ăn năn cũng là muộn.”

Nàng Đặng Nguyệt Ánh nói: “Xin thầy nằm nghỉ, đừng nhớ tưởng mấy sự ấy làm chi. Tôi đến đây phụng sự thầy ấy là Hiệp Liệc bảo tôi đó?”

Đỗ Hiếu Liêm nói: “Thiệt vậy sao? Bây giờ tôi mới rõ cái chí trượng phu của Hiệp Liệc rồi. Thật là một người đáng kính phục, nói cho phải, tôi cũng nên kết nghĩa kim bằng với người mà học đòi cách xử trí của người vậy. Cô tư ôi! Đến nước nầy tôi mới tỉnh ngộ lại được, tôi xin nguyện rằng ngày nào tôi mạnh lại tôi xin từ chức dẹp nghề trinh thám nầy qua một bên mà lo việc khác; thế mới khỏi thẹn mặt với Hiệp Liệc.”

Nói dứt lời Đỗ Hiếu Liêm khóc ngất, nàng Đặng Nguyệt Ánh vui mừng không cùng mới đem hết lời ngoan phủ ủy chàng.

Cách vài giờ sau Đỗ Hiếu Liêm bị vít trên đầu hành nhức nhối khó chịu chàng châu mày nghiến răng và chẳng bao lâu chàng bị nóng hầm nằm mê bất tỉnh.

*

*      *

Hoàn ngọc sanh trường huyết chiến,

Khối tình vẻ mặt anh hùng.

Có lẽ chư quí đọc giả còn nhớ trong câu chuyện của quan Đốc phủ sứ Đặng Nghiêm Huấn thuở còn sanh tiền có thuật cho lịnh ái của ông là nàng Đặng Nguyệt Ánh rõ gốc tích hoàng ngọc điệp mà đang thời nàng Lệ Thủy làm chủ. Trước khi muốn nói qua đoạn nầy, cần nhứt phải dẫn giải sơ lược lại cho quí đọc giả khỏi phải mất thì giờ soạn lại mấy đoạn trước.

Hoàng ngọc nầy ba đời họ Đặng yêu giữ tính lại có bốn mươi năm trời, trong khoảng nầy bên nước Ấn Độ (Inde) những thiện nam tín nữ có lòng tin nguồn Phật linh thinh ở chùa vàng tại bờ sông Gange đều âu sầu vì thấy tượng Phật toàn bằng vàng đúc bị mất một con mắt ở giữa trán bằng hoàng ngọc ấy. Bá tánh có lòng tìm kiếm khắp nơi mà hoàng ngọc ẩn sao biệt tích.

Một năm kia con nước ngọn sông Gange quá lớn dưng lên nổi một trện lụt to, tràn lên đồng trôi nhà cửa, dân sự chết trôi lỉnh nghỉnh nông-nghệ tiêu điều, phú mặt con sông ba đào hủy hoại. Khi trận lụt vừa dứt kế thời trời độc địa hại biết bao nhiêu mạng sanh linh, một ông thầy bói nói vì bá tánh không tận tâm tìm hoàng ngọc điệp là con mắt của Phật mới có tai ách dữ dằn ấy, vậy phải tầm ngọc ở hướng mặt trời mọc.

Bá tánh trong thành hay tin ấy đua nhau quyên tiền góp đặng mười muôn đồng bạc phái người đi qua xứ Đông Pháp mà tìm ngọc vì so sánh địa giới nước Ấn Độ thì cõi Đông Pháp ở về hướng Đông chính là phía mặt trời mọc. Mười người phái viên đi qua xứ Nam kỳ trót một năm hỏi thăm khắp lục châu mà không dọ được tin tức gì cả.

Trần Vô Cương quê quán ở Bạc Liêu vốn là tay hào hộ, lúc trước có giao thiệp với nàng Lệ Thủy, một ngày kia anh ta lên Saigon đánh me gặp vận bỉ thời suy thua có trên bốn muôn đồng bạc chẵn. Trần Vô Cương hết tiền, muốn theo gở số bạc lớn ấy nên đến nhà anh chà Xã-tri quen lớn từ thuở nay mà vay bạc, côn túng ngặt Trần Vô Cương có đến nhà vay bạc nhiều lần của tên chà nầy, mà mỗi khi đều trả lời vốn tử tế.

Thằng chà cho vay gặp mặt Trần Vô Cương thì vui mừng chào hỏi vì đoán chắc gặp mối cho vay lớn không sợ mất. Cho vay bạc xong xuôi anh chà mới hỏi thăm Trần Vô Cương rằng: “Thầy biết ai ở xứ Nam kỳ nầy có một cục ngọc to lớn, nguyên tích bên Ấn Độ lưu lạc không?”

Trần Vô Cương nghe hỏi sực nhớ đến nàng Lệ Thủy có một cục ngọc điệp lớn cực kỳ và trong đẹp trên đời tưởng không ai có thì nói rằng: “Tôi biết một nàng kia có một cục ngọc to lớn lạ thường, nhưng không rõ gốc tích ngọc đó ở đâu mà nàng có.”

Anh chà Xã-tri nghe nói cả mừng hỏi rằng: “Thầy thấy cục ngọc ấy ra làm sao? Có phải chính giữa cục ngọc ấy có một cái huần đỏ như son không?”

Trần Vô Cương nghĩ ngợi rồi đáp: “Phải đó anh bảy, cục ngọc nầy lớn hơn ngón tay cái tôi một tí.”

Thằng chà nghe nói trúng y như lời mấy người phái viên tả cho anh ta nghe thì mừng rỡ vô cùng vì anh ta tự nghĩ rằng: “Nếu ta tìm ra ngọc ấy thì mạt nào ta cũng được tiền thưởng một muôn đồng bạc.”

Nghĩ như vậy nét mặt của lão táo nầy tươi tắn lạ thường anh ta hỏi phăng tới rằng: “Nàng ấy tên chi và nhà cửa ở đâu?”

Trần Vô Cương nói tên của nàng Lệ Thủy và chỉ con đàng và số nhà. Trần Vô Cương nói dứt chuyện rồi gói tiền ra đi.

error: Content is protected !!