Đây nói qua nàng Lệ Thủy từ khi đất Pháp trở sang về Việt Nam, bóng quang âm thấm thoát, tính lại đã ngoài sáu trăng. Từ khi duyên kỳ ngộ của trai tài gái sắc sinh tình luyến ái, chẳng được bấy nhiêu ngày mà câu ly biệt gieo sầu hoằn hoại. Nàng thương Hoàn Ngọc Ẩn chỉ nhìn xem hình chụp, nhớ đến câu chuyện tâm đầu ý hiệp thì chỉ có đọc mấy lá thơ: Đã cùng nàng trước hoa dưới nguyệt, hẹn biển thề non sao khỏi trông ngày tái ngộ lên dây cầm sắc, cạn chén chung tình. Dầu nàng cách mặt đôi phang, phòng đào dựa mình niệm chích, nhưng mà nàng ít xuất ra khỏi khuê môn, để riêng chịu nỗi thương nỗi nhớ. Trước kia Lệ Thủy, chốn đô hội nào hề vắng dạng, mấy tay công tử thấy mặt thì si tình, mà bấy giờ nàng tuy ở chốn phồn ba mà ít ai thấy mặt được.
Nàng Lệ Thủy ở tại nhà chẳng chịu giao thiệp với ai duy ít bữa thì có nàng Hồng Hoa đến thăm, tâm sự ngổn ngang trăm mối bên lòng của nàng thì chỉ có một mình nàng Hồng Hoa biết được mà thôi. Mỗi khi nàng Lệ Thủy viết thơ gởi cho Hoàn Ngọc Ẩn thì nàng Hồng Hoa xin lãnh đem bỏ giùm, nhờ vậy mà chẳng có một lá thơ nào mà Hoàn Ngọc Ẩn không xem được. Bởi vậy Hoàn Ngọc Ẩn thường khi viết thơ hồi âm cho nàng thì cũng bỏ vào bao niêm phong kỹ lưỡng mà dùng con dấu giả dòng chữ lên rồi biểu hai Danh giả dạng người ở nhà thơ đem đến cho nàng. Gẫm ra duyên chàng nợ thiếp, kẻ đây người đó chẳng bao xa mà dường như cách trở quang san diệu vợi, đoạn đường nơi sâm thương biết mấy.
Một hôm kia, nàng Hồng Hoa là vợ của năm Mạnh đến thăm nàng Lệ Thủy, Hồng Hoa thấy nàng ủ dột mày hoa thì hỏi rằng: “Thưa cô, sao hôm nay xem bộ cô sầu não dữ vậy, hay là cô không đặng mạnh trong mình?”
“Sao mấy ngày rày tôi nhớ thương thầy hai quá, tôi nhứt định trong ít ngày đây tôi sẽ xuống tàu đi qua Pháp quốc mà thăm người, tưởng có lẽ người gặp được tôi thì vui mừng lắm.”
Nàng Hồng Hoa nghe nói thì biến sắc nói rằng: “Ý không nên đâu cô! Xin để thầy hai dẹp tình qua một bên lo học cho mau thành danh. Tôi e sợ cố qua bển rồi thầy bịn rịn cô mà phế việc học hành thì hại lắm.”
Nàng Lệ Thủy nói: “Tôi không sợ sự ấy vì thầy hai có trí ham học lắm. Tôi sợ có một nỗi là thầy xa cách tôi mà buồn bực thì sao khỏi cập xách mấy ả đầm, đến chừng trở về xứ mình đem về một ả thì chắc là tôi chết ghen chớ không sống được.”
Nàng Hồng Hoa cười và nói: “Cô có lo sợ như vầy mà tính chuyện không nên.”
“không lo sao được chị, thiếu chi trai đời bây giờ xuất dương du học chừng trở về có đem theo một cô đầm, cưới nhau thuở còn ở bên tây. Ối có lạ gì, thương nhau thích tình nhau dầu cho cha mẹ cản trở cũng cưới liền khi về dĩ lỡ thì thôi.”
“Cô nói chi những hạng người như vậy, ấy là đồ bất hiếu. Tôi đây cũng thấy nhiều rồi, mừng người ấy trọng vợ hơn là cha mẹ sau biết ăn năn đã muộn rồi. Những người có vợ đầm mà không thuận ý cha mẹ, cả đời phải chịu biết bao nhiêu điều cực trí điên đầu. Không nói thời thôi nói tới tôi nghĩ vợ chồng như thế chẳng khác nào mấy ả bướm chán ong chường xứ mình đổi thế trao thân cho mấy thằng lính sơn đả dị quốc là Mạt-ti-nít đó. Tình gì, đó chẳng qua là chồng đàng vợ sá gần nhau vì thế lực kim tiền đó vậy thôi. Nầy cô, thầy hai tánh tình ít ai có đặng, thầy là người trí thức há không biết đến việc can hệ về sau. Thầy vốn có khí trượng phu, há quên lời minh sơn thệ hải để cho cô yêu ấp khối tình sao.”
Nàng Lệ Thủy nói: “Chị nói tôi nghe rất phải nhưng mà tôi thương nhớ người quá, không sớm thì muộn thì cũng đi chớ ở một mình tương tư như vậy ắt chết.”
Nàng Hồng Hoa muốn thêm lời cản trở nữa nhưng e bất tiện nên bỏ qua nói chuyện khác và tính về sẽ nói lại cho Hoàn Ngọc Ẩn nghe đặng chàng lượng tính dụng phương cản trở. Chuyện vãn đến trưa vì nàng Lệ Thủy cầm lại quá nên nàng Hồng Hoa ở lại dùng cơm trưa với nàng và đến xế mới trở về nhà báo tin cho Hoàn Ngọc Ẩn.
Qua ngày sau, Đỗ Hiếu Liêm đến thăm nàng Lệ Thủy, hàn huyên niềm nở ân cần vì nàng Lệ Thủy biết Đỗ Hiếu Liêm là bạn hữu thân mật với Hoàn Ngọc Ẩn.
Đỗ Hiếu Liêm hỏi thăm Hoàn Ngọc Ẩn thì nàng Lệ Thủy đem ra một xấp thơ và nói: “Mỗi kỳ tàu bên Pháp qua thì tôi có được thơ của thầy hai và trong những thơ đều có nói việc ăn học tấn phát lạ kỳ, chắc chừng một năm nữa ắt trở về xứ mình được.”
Đỗ Hiếu Liêm chẳng muốn xem thơ vì sợ e nàng nói rằng chàng tọc mạch. Đỗ Hiếu Liêm suy nghĩ một hồi rồi nói dối với nàng Lệ Thủy rằng: “Tôi có góp nhóp để dành những con niêm xứ lạ để coi chơi, cô có được thơ của bạn tôi cũng nhiều, tôi xin cô cho tôi mấy cái bao đặng gỡ ít con niêm có được cùng chăng.”
Nàng Lệ Thủy nói: “Quí báo gì mấy con niêm ấy, thầy muốn thì sẵn đây có sáu bảy cái bao tôi còn để lại, thầy lấy đem về gỡ con niêm và làm chi thì làm.”
Nói dứt lời nàng Lệ Thủy bèn lấy cái thơ ra để riêng và lấy bao mà đưa cho Đỗ Hiếu Liêm. Chàng cầm coi mấy cái thơ thì thấy có đóng dấu rõ ràng ngày tháng khác nhau, Đỗ Hiếu Liêm coi kỹ lưỡng rồi thì nói thầm rằng: “Mấy cái bao thơ nầy chứng chắc rằng Hoàn Ngọc Ẩn còn ở bên tây, thôi ta còn nghi nan gì nữa.”
Đỗ Hiếu Liêm nói với nàng Lệ Thủy rằng: “Tôi lấy làm lạ không rõ sao anh hai rất vô tình, mấy tháng rồi không có gởi thơ cho tôi.”
“Tôi tưởng có gởi chớ nào không, nhưng có khi mấy cái thơ ấy lạc đi chăng vì thầy hai không biết chắc chỗ ở của thầy.”
“Cô nói có khi trúng đó.”
Nàng Lệ Thủy nói: “Nãy giờ tôi quên lửng mà khen ngợi thầy. Tôi có coi nhựt trình thấy những bài khen tặng thầy làm trinh thám đại tài, bắt được bọn ăn cướp Thanh Long. Ủa, sao lại tôi hay tin thầy tính xin thôi đi, thầy không muốn trừ luôn Hiệp Liệc sao? Tôi nhớ đến tên nó tôi bắt rùng mình vì lo sợ một ngày kia nó đến đánh tôi mà cướp của thì còn chi.”
Đỗ Hiếu Liêm nói: “Hiệp Liệc tuy là ăn cướp nhưng chẳng phải ăn cướp tầm bậy. Mấy đám rồi đó nó lấy ròng bạc muôn, trước hết nó đánh một sòng me, kế bọn hội tàu Tiền Giang, con của nhà máy Thanh Phát Thanh Long và sòng me trên Nam Vang tính ra nó lấy hết vẹo bạc rồi. Thằng Hiệp Liệc có nói nó đánh nhà giàu bất nhơn cùng khách ngoại bang mà thôi. Một điều lạ nữa là nó nói nó vay bạc vì có việc cần dùng, sau sẽ trả lại có lời có vốn.”
Nàng Lệ Thủy nói: “Cách hai tháng trước không biết có phải thằng Hiệp Liệc đến nhà của tôi không, nó chưa kịp lấy đồ bị tôi thức dậy bắn nhào, máu chảy dầm dề trong nhà, đến sau nó tởn không dám đến nữa.”
Đỗ Hiếu Liêm nói: “Có lẽ là thằng Thanh Long hơn,”
Đỗ Hiếu Liêm nói chuyện trọn một giờ đồng hồ mới từ giã nàng Lệ Thủy mà đi về, qua bữa sau chàng đi về Vĩnh Long nghỉ một tháng đặng sau trở lên đem hết tài trí mà bắt Hiệp Liệc.
Nhắc lại nàng Hồng Hoa đi thăm nàng Lệ Thủy và khi trở về thuật hết câu chuyện của nàng cho Hoàn Ngọc Ẩn nghe thì chàng nói: “Phải dụng chước chi mà cản trở nàng vì sợ e nàng đi qua Pháp quấc thì hư hết mọi việc.”
Hoàn Ngọc Ẩn suy nghĩ một hồi rồi nói: “Tôi tính ra rồi, mai đây có một chiếc tàu bên tây qua, thế thì mốt nàng sẽ được một cái thơ của tôi, trong đó tôi nói dối rằng tôi đi theo thầy qua bên Huê kỳ mà học trong sáu tháng rồi sang qua xứ khác trước cho đặng biết nhiều nước lạ sau học thêm nhiều việc hay, đến chừng trở nên thiệt giỏi sẽ trở về Nam kỳ.”
Nàng Hồng Hoa nói: “Thầy viết thơ như vậy thì chắc là cô hai hết toan đi tây.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói: “Trong thơ tôi tính gởi đây, tôi chẳng tỏ ý gì tôi hay trước nàng muốn đi tây mà sợ nàng nghi được sự gian dối của tôi.”