Hiếu Liêm bắt Hiệp Liệc – Phần 1

Khi Đỗ Hiếu Liêm về đến Saigon, chàng cạn nghĩ nếu tình nguyện làm trinh thám thì không lẽ nể vì Hiệp Liệc là người đại ân giúp chàng trả thù xong cho song thân, bởi vậy ngày kia chàng nói với quan chánh sở Mật thám rằng: “Thưa ông từ ngày tôi tình nguyện làm tay trinh thám đến nay đại ý bắt cho được thằng Thanh Long là một thằng ăn cướp rất đại ác, bây giờ thằng Thanh Long đã bị bắt rồi, sở nguyện của tôi đã xong, tôi tính xin thôi trở về Vĩnh Long lo việc ruộng nương nối nghiệp cho cha mẹ. Danh lợi chốn phiền ba tôi đà chán rồi.”

Quan chánh sở Mật thám vỗ vai Đỗ Hiếu Liêm và nói: “Thầy tính vậy cũng xong, thế mà sở Mật thám còn đang trọng dụng thầy đặng trừ thằng Hiệp Liệc, nỡ nào thầy đành mai danh ẩn tích chốn thôn quê, để cho Hiệp Liệc một ngày một thêm lộng tài, coi sở Mật thám như không người như vậy.”

Đỗ Hiếu Liêm châu mày và nói: “Thôi đi ông, tôi mà tài cán gì, tôi xin chịu thua tài của Hiệp Liệc. Xin ông dụng người khác mà trừ Hiệp Liệc vì nếu bền chí thì một ngày kia giết nó cũng được.”

Quan chánh sở Mật thám khuyên dỗ Đỗ Hiếu Liêm nhiều lời mà chàng nằn nằn quyết một xin thôi về vui thú điền viên rượu sớm cờ trưa và giữ gìn hai ngôi mộ cha mẹ, trước lo cho đạo hiếu để, sau xa lánh Hiệp Liệc.

Ty mật thám người người bấy lâu vẫn thương Đỗ Hiếu Liêm có tánh tình hòa huẫn, biết cư xử với người đồng nghiệp, binh vực phải lẽ, nên khi hay tin Đỗ Hiếu Liêm xin thôi thì lấy làm buồn bực, vì vậy thầy đội Tài xin phép quan chánh sở Mật thám mở cuộc quyên tiền ít nhiều trong ty đặng thiết lập một tiệc đãi chàng, và tính đến tuần sâm-banh sẽ mở lời hùng hồn nghe qua cảm động mà cốt là khiêu khích chàng ở lại mà trừ Hiệp Liệc. Quan chánh sở Mật thám lấy làm vui lòng nên cũng chung đậu mà đãi Đỗ Hiếu Liêm.

Không mấy ngày sau chính là đêm thứ bảy, ty Mật thám có quan chánh sở Mật thám tọa chủ, vài quan giám đốc Langsa và đủ mặt lính mật thám Annam thiết lập một tiệc long trọng đãi Đỗ Hiếu Liêm tại nhà hàng Cửu Long Giang. Đang khi chén thù chén tạm câu chuyện vui vầy, quan chánh sở mật thám nói với Đỗ Hiếu Liêm rằng: “Chẳng có sự chi làm cho các bạn trong ty mật thám nầy tiếc bằng thầy nằn nằn quyết một từ đây cách biệt chúng tôi. Hồi trưa nầy tôi có đi viếng quan Nguyên soái Nam kỳ và có nói cho ngài rõ tài bộ của thầy từ khi tình nguyện làm trinh thám, tra xét nhiều vụ rất minh chánh, trừ được bọn ăn cướp Thanh Long là một bọn lợi hại bấy lâu nay nhiễu hại mạng biết mấy tay giàu có và cướp giựt biết bao nhiêu là tiền bạc. Quan Nguyên soái hứa với tôi trong ít ngày thầy sẽ được một cái măc-đa hai ngàn đồng bạc thưởng công khó nhọc của thầy, ngài có cậy tôi thay lời giùm rằng ngài muốn thầy giúp sở Mật thám mà trừ luôn Hiệp Liệc, nếu thầy bắt sống hoặc giết thác nó tại trận thì sẽ được thưởng một muôn đồng bạc. Tôi tưởng một là vì danh, hai là vì lợi không lẽ thầy từ chối không giúp tôi cho thành việc.”

Đỗ Hiếu Liêm ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói: “Thưa ông, dầu cho quan Nguyên soái hứa thưởng bạc vẹo đi nữa, tôi cũng không giúp ông được, vì tôi đã nhứt định rồi. Bẩm ông, chẳng phải tôi sợ gì thằng Hiệp Liệc, nhưng vì nó giúp tôi trả thù cha mạ của tôi sớm như vầy, câu thọ ân mạc vong tôi là người quân tử, há đành chìm ân ấy ngay giòng nước hay sao. Tôi nghĩ ra chừng nào như búa đập vào tim, dao bầm lên ruột, vì tôi nào có cầu cậy Hiệp Liệc giúp tôi mà nõa tróc Thanh Long bao giờ. Gẫm ra chắc là cái kế của Hiệp Liệc tiêu lòn đó.”

Đỗ Hiếu Liêm nói dứt lời thì nét mặt trông vào ủ dột. Thầy đội Tài đứng dậy xin phép quan chánh Mật thám rồi đưa cho Đỗ Hiếu Liêm một tờ báo quấc âm và nói: “Xin thầy coi bài nầy thì sẽ rõ sự yêu cầu của mấy tay phú hộ ở miệt vườn.”

Đỗ Hiếu Liêm tiếp lấy tờ báo để mắt coi thì thấy có một bài nơi mục thơ tín như vầy:

“Cùng M. Đỗ Hiếu Liêm trinh thám gia.

Từ ngày thầy tình nguyện lảnh vai trinh thám đến nay, lần tay tính chưa được ngoài ba tháng mà thầy bắt được thằng Thanh Long và hai đứa đồng lõa của nó tự xưng là Bạch Xà Hắc Hổ, cả ba là tay độc ác cướp giựt của nơi đâu thảy đều có hại mạng tài gia, sự độc ác của nó nói sao cho cùng được, trong khoảng năm năm trở về đây. Nội bọn của Thanh Long mà lọt vào khám đường chờ ngày phân xử, thì những tay phú hộ trong hai mươi tỉnh nầy mới bớt lo sợ ngày đêm, gẫm ra ơn của thầy trọng lắm.

Bọn Thanh Long vì một tay thầy mà tiêu diệt rồi, cho là an một mối, thế mà một thằng lợi hại bằng mười Thanh Long mới ra đời, tuy là một đức không lòng cường bạo nhưng cũng là tay bất lương, lấy của ngươi như lấy đồ trong túi. Tưởng chẳng cần phải nói tên nó ra thầy cũng choáng rõ; ấy là thằng Hiệp Liệc. Tôi hay tin thầy nhứt định không làm trinh thám nữa, thì lấy làm tiếc vô hạn, ước trông sao thầy diệt trừ Hiệp Liệc thì cái ân đối với xã hội nầy không phải nhỏ. Một nỗi lo sợ ngày nào thầy cách biệt Saigon trở về tổ quán thì Hiệp Liệc tung hoành hơn nữa, thì khổ cho mấy tay giàu có là dường nào xin thầy xét đến?

Sau đây tôi xin hứa nếu thầy trừ được thằng Hiệp Liệc thì tôi sẽ gởi thưởng cho thầy một muôn rưỡi đồng bạc, chừng đó tôi tưởng có nhiều tay ruộng cả ao liền sẽ một lòng như tôi mà trọng thưởng thầy vậy.

Thầy đủ tài đủ trí không lẽ khoanh tay để mặc đứa bất lương tự do cướp đoạt của người, thế thì nghĩa vụ của người tài năng như thầy ở đâu. Xin thầy cạn nghĩ, mong thay!

Cao Hoài Nghĩa.”

Lời tòa  soạn. – Bổn báo ước trông M. Đỗ Hiếu Liêm chẳng phụ lòng yêu cầu của ông Cao Hoài Nghĩa. Trừ được Hiệp Liệc tấc là làm một việc đại nghĩa đối với những tay phú hộ.

Vân Phong.”

Đỗ Hiếu Liêm đọc suốt bài thì nan tính, bỗng đâu có một đứa nhỏ đi vào hỏi tên của Đỗ Hiếu Liêm và đưa một tấm danh thiệp của Hiệp Liệc có mấy hàng chữ như vầy:

Tôi xin khuyên Đỗ Hiếu Liêm chớ xin thôi, nghĩa vụ của phận tu mi là trọng, chớ vì ân nghĩa của tôi làm chi.”

Đỗ Hiếu Liêm đọc hết nấy chữ rồi day lại hỏi thằng nhỏ đem tấm danh thiệp của Hiệp Liệc rằng: “Ai biểu em đem tấm giấy nầy vào đây?”

“Dạ thưa một thầy mặc sắc phục coi sang trọng ngồi trên một cái xe hơi hai chỗ ngồi màu sơn đỏ rất đẹp, cầm máy cho xe hơi chạy ngang qua đây và ngừng lại cách xa chừng ba căn phố gần đây, kêu tôi lại cho một đồng bạc và dạy đem tấm giấy nầy vào nhà hàng nầy hỏi tên thầy hai Liêm mà đưa.”

“Em còn nhớ mặt thầy đó ra thể nào không?”

“Dạ thưa thầy nầy mặt trắng, lịch sự trai lắm.”

“Thầy đó mặc đồ gì.”

“Dạ đồ tây, đầu đội cái nón kết, mình mặc bộ đồ nỉ xám, khi thầy đó đưa tấm giấy nầy cho tôi rồi thì đạp máy cho xe hơi chảy đi mất.”

Đỗ Hiếu Liêm cầm tấm danh thiệp của Hiệp Liệc cuốn tròn trong tay, nét mặt của chàng khi nầy có vẻ áy náy dường như suy nghĩ lung lắm.

Thầy đội Tài thấy vậy trong bụng có ý mừng nên tiếp nói: “Thầy hai, thầy tính lẽ nào xin chớ phụ lòng anh em chúng tôi luôn vậy.”

Một chập sau Đỗ Hiếu Liêm đứng dậy nói rằng: “Việc nầy khó tính thật, song tôi cạn nghĩ suy cùng rồi, tôi xin hứa để cho tôi trở về Vĩnh Long việc nhà trong chừng mười lăm ngày rồi tôi sẽ trở lên đem hết tài trí giúp sở Mật thám trừ cho được Hiệp Liệc một phen sau hết.”

Người người nghe Đỗ Hiếu Liêm nói dứt lời thì tỏ ý vui mừng, chuyện vãn vui cười đến mười hai giờ khuya mới mãn tiệc phân tay ra về.

Đỗ Hiếu Liêm về đến nhà nhớ đến Hiệp Liệc thì xao xuyến không yên, chàng thay đồ lên giường nằm lăn qua lộn lại có trên một giờ mới nghĩ ngợi mà rằng: “Trước ta nghi quyết Hiệp Liệc nầy là Hoàn Ngọc Ẩn, mà từ ngày Hiệp Liệc vào dưỡng đường Chợ Lớn gỡ mặt nạ cho ta coi thì ta chẳng nhìn ra chút nào là giống chàng, nghĩ ra lạ thật. Nếu chằng phải Hoàn Ngọc Ẩn là Hiệp Liệc thì còn ai mà tài tình lắm vậy? Đủ lý cho ta đoán chắc là Hoàn Ngọc Ẩn. mà nếu hẳn thật thì ý gì mà chàng đi ăn cướp, ta phải tìm tòi cho biết việc bí mật nầy. À phải, ta quên lửng đi, mai đây ta đến nhà nàng Lệ Thủy hỏi thăm nàng thì ắt rõ đặng. Nàng với anh Hoàn Ngọc Ẩn có tình âu yếm, tưởng có khi cạn chén đồng tâm lắm đêm dưới nguyệt. Oan ương đang thời cách bứt, kẻ lo vụ chữ công danh, người bền lòng thủ tiết, ấy chẳng qua là việc cực cùng chẳng đã mà thôi. Non nước rẽ phân người tình nặng, gẫm ra cho khỏi đêm nhớ ngày thương, thơ từ qua lại ấy ắt thường … Nếu nàng Lệ Thủy không đặng tin nhàn của Hoàn Ngọc Ẩn thì hẳn thật chàng đã trở về đây rồi. Vậy đến nhà nàng ta giả hỏi thăm chỗ ngụ của Hoàn Ngọc Ẩn gởi thơ thăm viếng, chắc không lẽ nào nàng giấu ta và luôn dịp ta hỏi thử coi nàng có được tin tức gì của anh Hoàn Ngọc Ẩn chăng?”

Tính như vậy Đỗ Hiếu Liêm lấy làm hay nên trong lòng hớn hở và chàng mới ngủ an giấc.

error: Content is protected !!