Một hôm kia vầng kim ô vừa chen lặn, trời quang gió mát Hoàn Ngọc Ẩn thấy bịnh trong mình đã giảm được nhiều, nên nhắc ghế đem ra một góc vườn nằm mà hứng gió. Gần bên chàng có nàng Bạch Tuyết ngồi trên một cái ghế tập rút chỉ làm một cái khăn hỉ mũi, nàng mặc trên cái áo bà ba bằng hàng trắng, dưới một cái quần lãnh đen láng mướt như huyền, trên hai cườm tay no trong trắng của nàng một bên một chiếc hổ cẩn, còn một bên một chiếc vàng chạm. Nàng ngồi cúi đầu chăm chỉ rút khăn, thế mà lâu lâu nàng ngước mặt lên, trông vào mặt ngọc mày ngài của nàng ai mà không nhận là một ả cực kỳ hoa lệ. Cũng trong mỗi khi nàng ngước mặt lên, nàng trộm lén nghiêng tròng mà nhìn Hoàn Ngọc Ẩn, tròng thu lung lẻo xem rất hữu tình. Nàng hữu tình thì nàng rõ, nàng trộm liếc thì nàng hay, Hoàn Ngọc Ẩn giả không để ý gì khác hơn là chăm chỉ xem một tờ báo Langsa.
Một chập sau chàng chổi dậy tức tốc, liệng tờ báo xuống đất, tỏ sắc giận hầm hầm, nàng Bạch Tuyết nghe động giựt mình ngước mặt lên và ngưng tay hỏi rằng: “Anh hai, có chi mà ra tuồng giận dữ, xin cho em biết với?”
Hoàn Ngọc Ẩn vỗ ghế nói lớn rằng: “Như vầy có tức giận không? Vụ ăn cướp nào đánh dưới Cần Thơ, cắt họng tài gia và lấy số bạc rất to là mười lăm muôn đồng bạc, Đỗ Hiếu Liêm đi lấy ăn-kết mà dám để án cho tôi. Thiệt mà, Đỗ Hiếu Liêm bất tài như thế mà tình nguyện làm lính mật thám làm gì? Chẳng phải Đỗ Hiếu Liêm nói rằng tôi giết quan phủ Đặng Vinh Qui nầy mà thôi chàng lại còn nhắc lại rằng vụ án mạng của Đặng Háo Thắng cũng là tay tôi giết nữa. Trời đất nầy! Một mình mang lấy hai án sát nhơn rất oan, như vầy làm sao gỡ tiếng độc ác cho đặng.”
Nàng Bạch Tuyết ủ mặt ê mày nói rằng: “Anh hai ôi! Em hằng khuyên anh bỏ cái nghề bất lương nầy cho khỏi tiếng thị phi, nhưng sao anh không nghe lời em, lại dùng lời nầy lẽ nọ nói hớt cho qua.”
Hoàn Ngọc Ẩn có ý bất bình nhưng khi day lại thấy nét mặt của nàng Bạch Tuyết âu sầu, hai dòng châu lai láng thì cảm động nói rằng: “Chẳng phải anh không muốn nghe lời của em khuyên giải cho là chánh đáng nhưng vì là việc bí mật của anh. Bây giờ phải lo làm sao mà gỡ tiếng minh oan.”
Nàng Bạch Tuyết nói: “Em tưởng hay hơn là anh viết bài gởi cho các báo minh oan và anh hứa sẽ bắt được đứa sát nhơn, trước là anh được nổi danh sau là làm cho sở Mật thám biết cái lầm to ấy.”
Hoàn Ngọc Ẩn gặc đầu rồi nói: “Em nói nghe được, anh nguyện bắt thằng Thanh Long mà nạp cho sở Mật thám vì chính mình nó đi xuống Cần Thơ đêm hôm trước mà giết quan phủ Đặng Vinh Qui đó. Chớ chi đêm đó không đi khỏi thì nó bị anh nõa tróc nó rồi. Thôi để anh vào nhà viết bài mà gởi đi chớ anh nóng lòng nằm ngồi không đặng.”
Không đầy hai ngày các tờ báo tại Saigon đều có ấn hành bài của Hoàn Ngọc Ẩn gởi đến như vầy:
“Đính chánh bài thông tin của Đỗ Hiếu Liêm
Chư quí độc giả xem bài thông in của M. Đỗ Hiếu Liêm đăng trong các báo cách ít ngày đây sao cũng tin chắc rằng tôi đây là Hiệp Liệc vốn là tay ăn cướp sát nhơn. Điều ấy xin quí vị chớ vội tin mà lầm và gieo một cái án oan cho tôi vậy. Phàm là một người anh dùng việc chi dám làm thì dám chịu, có đâu sợ chi mà giấu? Chư khán quan cũng biết Hiệp Liệc nầy thị ty mật thám bất tài chẳng làm chi tôi nổi. Có lẽ quí vị cũng còn nhớ cách chừng một thán nay tôi tiếp rước Đỗ Hiếu Liêm, quan chánh sở Mật thám và thầy đội Tài thể nào? Một việc đó cũng đủ hiểu tài bộ tôi dường nào rồi.
Tôi chẳng cần phải nói cho nhiều choáng giấy. Bề sự sát nhơn tại Cần Thơ, Đỗ Hiếu Liêm đi làm ăn-kết, lý đoán thật là hay, tôi đây cũng phục, nhưng phần vì thầy có mắt mà không tròng, dám nhận dấu giày của đứa sát nhơn một kiểu một ni với dấu của giày của tôi. Cũng quả có thật đứa ăn cướp nầy, tức là thằng Thanh Long, dám mạo danh tôi mà giết ông Đặng Vinh Qui, thế đó là muốn lánh tội và làm cho sở Mật thám lạc lầm. Mưu nầy tưởng cho một đứa nhỏ chưa rời vú mạ mới vội tin, hà lý Đỗ Hiếu Liêm là tay tài trí mà lầm như vậy. Hay là Đỗ Hiếu Liêm muốn gieo oan cho tôi chủ ý làm cho tôi tức lý muốn minh oan mà giúp người nõa tróc đứa sát nhơn, chắc có lẽ là vậy.
Tôi xin tỏ thật chẳng phải vì tôi thua trí Đỗ Hiếu Liêm thiết kế nầy, tức là cậy tay tôi đâu. Nghĩ vì Thanh Long là chánh bợm bất lương giết người như sát kiến, chẳng biết đâu là phải đâu là quấy. Tôi đây tính tình háo nghĩa, kiến nghĩa khoanh tay ngồi ngó mà thẹn với lương tâm, yểm tài mà hổ cùng non nước, tôi xin hứa cùng quí vị độc giả trong hai tuần lễ là nhiều, Thanh Long dầu cao phí viễn tẩu tôi cũng bắt đặng mà nạp cho sở Mật thám trước cho Đỗ Hiếu Liêm biết tài tôi, sau quí vị rõ đặng tôi thọ hàm oan là vậy.
Còn vụ giết Đặng Háo Thắng ấy là Thị Nhạn mà lúc trước tôi cũng mang tiếng sát nhơn, nhưng may mới chừng hai ngày đây Đỗ Hiếu Liêm dụng phương thần làm cho nàng khai thật rtõ ràng, có lẽ tin nầy chư quí độc giả trong mươi tỉnh sẽ rõ gốc ngọn, thế mới biết tôi đây là người trọng mạng người vậy.
Trước khi tôi ngưng bút tôi xin quí vị khoan đoán tôi có tội cùng không về vụ án mạng tại Cần Thơ, để đợi ngày nào tôi bắt đặng Thanh Long rồi thì mới rõ.
Hiệp Liệc.”
Từ ngày các báo tây nam đăng bài nầy thì người người đều bàn bàn luận luận, trong phần đông đều công nhận Hiệp Liệc chẳng có can thiệp vào vụ án mạng tại Cần Thơ và ngóng trông Hiệp Liệc bắt Thanh Long thể nào. Hoàn Ngọc Ẩn thì lo lắng nhiều hơn nữa, vì không biết Thanh Long đào tẩu nơi nào mà dám hứa chắc trong hai tuần sẽ bắt đặng. Ngày đêm chàng sai năm Mạnh hai Danh và Lục Tặc đi dọ thám coi có hay tin Thanh Long trú ngụ nơi nào chăng. Đã trên năm ngày mà chẳng có người nào hỏi dọ chi đặng nên chi làm cho Hoàn Ngọc Ẩn lo buồn hơn hết.
Một ngày kia Hoàn Ngọc Ẩn đang ngồi trong nhà tính thôi đà hết kế, bỗng đâu Lục Tặc ngoài ngõ chạy vào thở hào hển sắc mặt hân hoan, Hoàn Ngọc Ẩn đoán ra biết cậu ta gặp điều may mắn nên lật đật hỏi rằng: “Lục Tặc, em dọ được chi không mà chạy về bộ đà mệt ngất mà nét mặt vui cười vậy?”
Lục Tặc cười và nói: “Cha! Mệt thở không kịp hơi … để thở … một giây lâu rồi lên dây cổ lại thì mới nói được.”
Hoàn Ngọc Ẩn nói thầm rằng: “Cái thằng thiệt khó chịu, có sự gì hay nó thường làm bộ.”
Một chập sau Lục Tặc nói rằng: “Hay lắm, hay lắm! Tưởng phải thưởng tôi in cà-la-dánh mới đáng.”
Hoàn Ngọc Ẩn lắc đầu và nói: “Thì mầy hãy nói đi cho mau, nếu hẳn thật là hay thì tao thưởng cho một tấm giấy mỡ gà chớ nói gì một đồng bạc.”
“Dạ, sướng lắm. Tôi có vào một tiệm cà-phe ngồi uống nước nghỉ mệt, thầy phải biết tôi tốn hết một cắc lận à; một tách cà-phe sô-cô-la hết sáu chiêm và xực hai cái tài báo hai u một cái, tài phú gỗ bàn toán lóc cóc một hồi tính ra là một cắc chẵn.”
“Rồi sao nữa hay nói đi, có một cắc mà phải lấy bàn toán mà tính thằng thiệt nhiều chuyện.”
‘Dạ may đâu có hai người đi vào, tới nhắm xem bộ tịch thì biết là lính kín.”
“Sao mầy giỏi vậy hử.”
“Dạ có khó gì mà không biết, một người trên mặc một cái áo xành-tô ka-ki dưới quần lãnh đen chơn mang giày sú-dê trắng, đầu đội nón cách Ăng-lê, một người nữa nón giày cũng vậy quần cũng vậy, duy có cái áo xành-tô cũng vậy mà bằng hàng túc-xo (tussor). Mấy tay lính kín sao ưa mang giày lắm mà thứ nhứt là giày trắng.”
“Hay đa, mầy có cặp mắt tinh thần đáng khen, rồi sao nữa, nói cho mau nghe thử.”
“Dạ khi hai người lính mật thám vào ngồi và biểu phỏ-ky đem một bình trà Đại hồng rồi thì tôi nghe người bận áo kaki nói với người kia rằng:
– Thật đáng khen thầy Đỗ Hiếu Liêm tra vụ thị Nhạn quá. Gẫm ra cũng nên gọi thầy là Bao Công tái thế. Nếu thầy Đỗ Hiếu Liêm không giả làm Đặng Háo Thắng hiện hồn về thì tưởng thế gì làm cho chị ta khai.
– Người bận áo túc-xo nói: Mà thầy Đỗ Hiếu Liêm giả cách nào?
– Người kia đáp: Thẩy dùng thuốc pháo đỏ kêu là băn-gan (Bangal) đốt lên làm như lửa địa ngục mà bao vòng xung quanh mình còn thẩy thì sửa mặt làm cho giống y như Đặng Háo Thắng đang hồi bị thị Nhạn giết lỡ tay vậy. Thị Nhạn đang hồi đau liệt tưởng phải chết nên trong cảnh ngộ nầy tưởng thật hồn xuống dạ đài nên khóc lóc mà kể ra mọi nỗi. Xong rồi thầy Đỗ Hiếu Liêm cho thuốc cô ta mạnh lại như xưa, thầy lấy lời khai mà gởi cho quan biện lý.
– Người mặc áo túc-xo nói: Thầy Đỗ Hiếu Liêm đủ tài đủ trí nhưng mà Hiệp Liệc lại tài hơn nữa, biết bao giờ trừ cho được.”
– Chắc có lẽ một ngày kia hai người tái ngộ, theo ý tôi tưởng nếu thầy Đỗ Hiếu Liêm không bắt sống được Hiệp Liệc thì cũng giết chết chớ không để sẩy tay đâu.
– Tôi cũng tưởng như vậy, à anh có hay rằng hồi hôm thầy Đỗ Hiếu Liêm đi chiếc tàu Louis-Blanchet lên Nam Vang không?
– Không, mà thẩy đi lên trển làm gì?
– Vì thẩy mới được một người anh-đít-ca-tơ (Indicateur) cho hay tin thằng Thanh Long trốn lên Nam Vang được vài ngày rày.
– À còn Hiệp Liệc hứa rằng sẽ bắt thằng Thanh Long giùm cho sở Mật thám không biết nó có đi lên Nam Vang không?
– Ăn cướp mà bắt ăn cướp mới là lạ lắm chớ phải chơi sao?
Khi hai người nói đến đây rồi thì nói sang qua chuyện khác tôi bèn trả tiền cà-phe bánh lập tức trở về đây.”
Hoàn Ngọc Ẩn nghe Lục Tặc thuật hết đầu đuôi thì trong bụng mừng thầm nên lấy tiền thưởng cho Lục Tặc là năm đồng bạc. Lục tặc vui mừng tiếp lấy tiền rồi đi thẳng ra nhà sau.