Đây xin nói về chuyện nàng Bạch Tuyết với Hoàn Ngọc Ẩn thuở còn nhỏ.
Nàng Bạch Tuyết thập bát ban võ nghệ cử tinh thông mà nhứt là đường song kiếm tài múa như phụng lộn, còn Hoàn Ngọc Ẩn thiện nghệ cây siêu sức mạnh và lẹ làng. Mỗi khi chàng dượt với nàng Bạch Tuyết dưới trời trăng thì ông thầy trầm trồ khen mà rằng: “Đó là long phụng giỡn trăng.”
Một đêm kia nhằm tiết Trung thu trời thanh mây tạnh thầy Hoàn Ngọc Ẩn tức là thân phụ của nàng Bạch Tuyết mời được vài người khách đến nhà vầy tiệc thưởng trăng, trong khi yến ẩm vui vầy thân sinh của nàng Bạch Tuyết muốn thêm vui với đêm trăng dượt võ cho quí khách xem chơi. Thuở đó Hoàn Ngọc Ẩn mới lên mười lăm tuổi còn nàng Bạch Tuyết vừa bước đến mười ba tuổi chừng đó nên chi hai trẻ tánh lao chao háo thắng lắm.
Hoàn Ngọc Ẩn và nàng Bạch Tuyết dượt được vài hiệp siêu qua kiếm lại, cát dậy bụi bay người xem đều vỗ tay còn miệng khen không ngớt giọng. Dè đâu một việc rủi vô chừng khiến cho Hoàn Ngọc Ẩn tấn một ngọn siêu quá mạnh nàng Bạch Tuyết vừa phi bộ trở ra bỗng đạp nhằm một cái vỏ chuối của một người khách ơ hờ ném giữa sân phải trợt chơn té nhũi vừa khi đó Hoàn Ngọc Ẩn vừa loạn siêu trở lại phải trúng ngay vào ngực của nàng máu chảy dầm dề nhưng không lấy chi làm nặng lắm. Thầy của Hoàn Ngọc Ẩn thấy vậy kinh khủng nhảy ra đỡ con đem vào nhà cứu cấp.
Cuộc vui chưa đặng trót đêm mà xảy ra lở dở vừa khoảng canh ba làm cho những khách phải xin kiếu ra về. Trong đó có một người khách vốn là một tay dị bốc tiên sư mời cha nàng Bạch Tuyết ra sân nói nhỏ rằng: “Việc biến hóa lạ thường làm cho vở tiệc rượu thưởng trăng nầy là một điềm bất thường đó, tôi xin tỏ cho thầy một việc hậu lai là số nàng phải nát trái tim ngày sau về Hoàn Ngọc Ẩn.”
Cha của nàng Bạch Tuyết nghe nói kinh cụ hãi hùng hỏi rằng: “Mà thầy có biết phải làm phương nào tránh khỏi việc gớm ghê ấy chăng?”
Người khách lắc đầu và nói: “Mây huyền vi đà sắp sẵn, dể nào tránh khỏi cho đặng, nhưng dè dặt cũng có khi hay, thầy làm sao cho hai trẻ sẽ phân xa cách kẻ đất Bắc người trời Nam thì mới trông không điều xả biến.”
Khách ra về thầy của Hoàn Ngọc Ẩn lấy làm lo lắng nỗi thương con nỗi thương trò, sự thầm ước Châu trần duyên thắm cho hai trẻ phải đành chìm câu khiển hứng. Thầy của Hoàn Ngọc Ẩn buồn bã ưu sầu trọn mấy đêm mấy ngày cho đến khi nàng Bạch Tuyết mạnh lại mới gởi nàng đi đến tỉnh Sơn Đông ở với một người cô cho đến ngày Hoàn Ngọc Ẩn theo dưỡng phụ cách biệt nước Trung Huê thì nàng trở về ở với thân sinh được ít năm thì ông thất lộc.
Từ đó về sau thân gái nhà suy trôi nổi. Nàng nghe lời một người cô qua Việt Nam được út tháng, kế người cô của nàng lìa trần để nàng linh đinh nơi đất khách. Một nàng sắc nước hương trời, tài hoa tuyệt phẩm như thế phải lâm vào vòng đất phụ trời ganh, thân mỏng mảnh cánh chuồn cảnh khổ tâm đeo đuổi, ấy vì câu tài mạng đa tương đố lẽ thường, tiếng bạc mạng hồng nhan xưa nay vẫn có. Một điều lạ nữa là nàng tuy có sắc lại có tài nhiều tay cửa ngọc nhà vàng muốn sánh duyên mà nàng vẫn ngơ tình chẳng biết thương ai cả; nàng trải thân làm cô đào mà giá trong tiết sạch, khách ái hoa thương nàng, nặng tình với nàng tốn hao với nàng bao nhiêu thì nàng đối lại như tình tri kỷ, nói cho rõ hơn là tình bậu bạn. Thế mà từ ngày nàng sảy chơn vào lưới cáo bẫy chồn bị thuốc mê của một tên khách trú nếu không nhờ Hoàn Ngọc Ẩn cứu kịp thì thôi rồi:
Giá trong tiết sạch khéo gìn,
Mưa bùn một trận thình lình phải nhơ.
Trách hờn thay tơ hồng xe chạ khiến cho ngọc Bắc sang Nam khiến cho lời tiên tri ngày trước dẫu muốn tránh lại không ngừa; ấy là Hoàn Ngọc Ẩn và nàng không rõ đặng.
Hoàn Ngọc Ẩn thương thầy vì ơn thầy như non cao biển rộng, ngày nay thấy nàng Bạch Tuyết linh đinh mới đem về bảo dưỡng, chàng nuôi nàng lấy tình anh em mà đãi. Dè đâu nàng vẫn là một ả vô tình mà lại hữu tình nặng oằn vai. Ôi! Mà có biết ngày sau nàng có được cùng Hoàn Ngọc Ẩn cầm sắc hiệp hòa chăng? Hay là nàng chết vì Hoàn Ngọc Ẩn theo lời tiền đoán đó, thế thì châu nàp về Hiệp Phố đó???