Yên chi hổ – Phần 15

Qua ngày sau, đúng mười giờ sớm mai nàng Đặng Nguyệt Ánh vào nhà thương. Nhàng xô cửa vào phòng thấy Đỗ Hiếu Liêm đang hồi tỉnh thì cúi đầu chào và đi ngay lại. Đỗ Hiếu Liêm thấy nàng thì gượng cười chúm chiếm cho vui lòng nàng và hỏi rằng: “Làm sao cô hay tôi dưỡng bịnh trong nầy.”

Nàng Đặng Nguyệt Ánh bèn thuật lại câu chuyện của hai thầy thanh niên ở trong trường Taberd cho Đỗ Hiếu Liêm nghe.

Nàng thuật vừa dứt thì nghe Đỗ Hiếu Liêm châu mày rên nho nhỏ rằng: “Đau chết tôi đi mà thôi.”

Rên dứt lời chàng liền nhắm mắt lại, nàng Đặng Nguyệt Ánh thấy Đỗ Hiếu Liêm mệt, phần thì trưa trời nóng nực vô cùng bèn cầm quạt mà quạt cho chàng nằm nghỉ.

Nhắc lại từ ngày Hoàn Ngọc Ẩn xuống tàu sang qua Pháp quốc du học, vợ chồng năm Mạnh ở nhà với Lục Tặc rất thuận hòa. Thằng Lục Tặc mộ học võ nên trọn hai tháng rưỡi trường ngày nào cũng tháo luyện. Vợ chồng năm Mạnh thấy Lục Tặc dễ dạy khiến nên thương yêu như em ruột.

Một ngày kia Lục Tặc đang mú roi, vợ năm Mạnh đứng coi và khen thầm, một chập sau Lục Tặc buông roi ngó vợ năm Mạnh và nói rằng: “Sao? Chị năm coi em dượt nhuần nhã chưa?”

“Em dượt rất thành thục rồi, chị khen lắm thế mà em dám thử đấu thử với chị chơi vài nét thương không?”

“Thôi đi chị, chị khéo dụ con người ta đặng rồi chị đánh gãy răng sao chớ.”

Vợ năm Mạnh nghe nói cười xòa, kế đó có người phắt-tơ (facteur) vào nhà đưa cho năm Mạnh một cái điển tín và hai số nhựt trình quấc âm là C. I..B. và L. T. T. V năm Mạnh cầm điện tín lên coi và nói lớn lên rằng: “Úy cha chả là may! Có dây thép bên tây đánh qua, chắc của thầy hai (Hoàn Ngọc Ẩn).”

Vợ năm Mạnh và Lục Tặc nghe nói bèn chạy vào, năm Mạnh xé ra coi thấy mấy hàng chữ Pháp thích nghĩa như vầy”

Lệ Thủy về Saigon chuyến tàu Porthos. Hãy đi trước.” – Ngọc Ẩn.

Năm Mạnh coi điển tín rồi nói: “Thật mà! Nàng Lệ Thủy trốn theo thầy hai, hèn chi hai Dõng gặp tôi hôm nọ có tỏ thật. Lục Tặc, em giở tờ báo L. T. T. V. ra coi bữa nào chiếc Porthos đến Saigon.”

Lục Tặc giở ra coi nơi trương thứ ba và nói: “Hai mươi tây tới đây, nay còn ba bữa nữa, may lắm anh năm chị năm và em phải đi rước cô hai theo lời dặn của thầy hai, nhờ đó mình hỏi thăm coi thầy hai đi qua tây ăn học thể nào.”

Rồi đó Lục Tặc thấy nơi mục thời sự có hàng chữ lớn như vầy:

Bạch Xà Hắc Hổ bị bắt

Đỗ Hiếu Liêm trinh thám đại tài trọng bịnh.

…….

Lục Tặc nói lớn với vợ chồng năm Mạnh rằng: “Anh năm và chị năm hãy lóng tai nghe vụ thầy Đỗ Hiếu Liêm bắt đảng ăn cướp lợi hại nầy.”

Nói dứt lời Lục Tặc bèn đọc cái tin đó từ đầu chí đuôi cho vợ chồng năm Mạnh nghe, đoạn vỗ tay và nói: “Thầy Đỗ Hiếu Liêm tài quá, nhưng cũng rủi vì xe hơi đụng mà Thanh Long thoát khỏi thầy lại bị trọng bịnh sợ e phải chết.”

Năm Mạnh hỏi vợ rằng: “Thầy hai Đỗ Hiếu Liêm bị té xe hơi đang dưỡng bịnh tại nhà thương Chợ Rẫy, lẽ thì tôi phải đi thăm vì thầy là bạn hữu thân thiết với thầy hai Đỗ Hiếu Liêm vậy mà mình tưởng tôi có cần phải đi thăm hay không.”

Nàng Hồng Hoa nói: “Chẳng phải tôi muốn cản mình đi thăm, nhưng mà cạn xét thầy Đỗ Hiếu Liêm chẳng quen biết chi với mình nhiều và lại thầy đang trọng bịnh có khi mình đi thăm lại làm rộng cho thầy chăng. Tôi xin mình để chừng thầy khá lại rồi đi thăm chẳng muộn.”

Thằng Lục Tặc nói: “Phải đó anh năm, chị năm nói nghe có lý, còn như anh có nóng lòng muốn rõ thầy hai khá lại chưa xin để chiều nay mát trời em đi vô Chợ Lớn hỏi thăm mấy thầy điều dưỡng thì đủ rõ.”

Ba ngày sau lối năm giờ chiều trên bến tàu tại hãng nhà Rồng dập dìu khách tây nam đang đứng chờ chiếc tàu Bọt-tốt (Porthos) bên Pháp quốc qua. Khi nghe tiếng súp-lê tàu gần tới người người đều chộn rộn. Lục Tặc đang đứng chờ với vợ chồng năm Mạnh vừa thấy thấp thoáng dạng tàu lướt sóng phía xa chạy tới thì gương mặt hớn hở nói rằng: “Tàu chạy đúng giờ quá, chớ chi nó thường hay chết máy như mấy cái xe lửa thì mình đứng chờ đây bị mối ăn chơn hết.”

Khi tàu cập cầu vừa xong nàng Lệ Thủy thu xếp đồ đạc rồi bèn đi với hành khách lần xuống cầu tàu. Nàng Lệ Thủy gặp vợ chồng năm Mạnh và Lục Tặc đón rước thì vui mừng không cùng.

Nàng hỏi năm Mạnh rằng: “Làm sao vợ chồng anh hay tôi về chuyến tàu nầy?”

Năm Mạnh đáp rằng: “Thầy hai có đánh điển tín cho tôi hay và dạy phải đón rước cô. Dạ còn thầy hai của tôi mạnh giỏi thể nào và vào trường nào chưa.”

Nàng Lệ Thủy nói: “Tôi trốn theo người tính qua bên Pháp quốc đi du lịch, ai dè đâu tàu chạy gần tới Pord-Said tôi đau nặng, thật rất may nhờ có người cứu cấp mới sống lại đến ngày nay. Khi qua đến Pháp quốc tôi và thầy hai đi lên thành Paris ở chơi đâu được mười bữa. Khi đó thầy hai gặp được một quan lương y là em ruột của dưỡng phụ của thầy. Ông nầy vui vẻ tử tế lắm, ông cũng là một quan lương y có danh tiếng nhứt tại thành Paris. Ông có một cái nhà đồ sộ nguy nga nên mời tôi và thầy hai về ở chung với ông. Trong mười ngày tôi ở tại Paris ông có dẫn tôi đi du lịch khắp nơi xinh đẹp thắng cảnh. Thầy hai tính vào t ường y viện cao đẳng thì ông không muốn, ông biểu thầy ở tại nhà ông nhờ ông dạy riêng có lẽ mau giỏi hơn. Ông có thử tài học của thầy hai và nói trong chừng một năm rưỡi hai năm, thầy hai sẽ đỗ tấn sĩ đặng.”

………

Qua ngày sau nàng Lệ Thủy đi thăm Đỗ Hiếu Liêm, khi bước vào phòng nàng gặp nàng Đặng Nguyệt Ánh thì thầm khen dung nhan thiên kiều bá mị của nàng lắm. Ngày đó Đỗ Hiếu Liêm cũng khá được ít nhiều nên nằm nói chuyện với nàng Lệ Thủy chàng hỏi thăm Hoàn Ngọc Ẩn đi học thể nào thì nàng Lệ Thủy cứ lời thành thật nói hết cho chàng nghe.

Đỗ Hiếu Liêm nghe thấy lời của nàng Lệ Thủy nói thì ý vui mừng vì chàng trông cậy chẳng còn mấy năm nữa Hoàn Ngọc Ẩn công thành danh toại trở về xứ Nam Kỳ anh em đoàn tụ. Cũng chính là ngày đó Đỗ Hiếu Liêm khuyên nàng Đặng Nguyệt Ánh trở vào trường chuyên lo đèn sách vì tánh mạnh của chàng qua khỏi hồi nguy rồi.

Bóng quang âm thấp thoáng, nàng Lệ Thủy trở về xứ Nam Kỳ đặng một tháng chẳng có điều chi lạ xảy ra. Đỗ Hiếu Liêm thì còn trọng bịnh chưa ra khỏi dưỡng đường. Một ngày kia năm Mạnh ngồi ở tại nhà bỗng có một người đằng nhà thơ đem lại một cái thơ gắn con niêm ở bên Pháp quốc. Năm Mạnh lật đật xé ra thì thấy viết như vầy:

Lời thăm anh năm chị năm và Lục Tặc đặng sức khỏe.

Tôi ở bên này bình an như thường, việc ăn học tấn phát lạ thường, trong chừng một năm rưỡi thì chắc đặng công thành danh toại. Dầu mà tôi đi cách xa anh rồi tôi tưởng anh chẳng hề lợt lạt tình anh đối đãi cùng tôi, vì ngày trước khi tôi cứu anh thì anh có thề với tôi rằng anh chẳng quên ơn ấy đặng, dầu mà anh có chết vì tôi thì anh rất vui lòng.

Ngày nay vì có việc quan trọng tôi cậy anh giúp giùm tôi một phen, dầu anh có phải chết thì xin anh chớ sụt sè nhát nhúa. Việc tôi cậy anh đây vào sanh ra tử nguy hiểm muôn phần, nhưng mà tôi chọn được có một mình anh đủ trí dõng thế giúp tôi được. Nếu như anh sẵn lòng giúp tôi thì xin viết một cái thơ trả lời lập tức nhưng chẳng nên gởi ngay qua bên Pháp quốc, anh đề ngoài bao như vầy: M. Hiệp Liệt à Cholon (poste rectante) thì có một người thay mặt cho tôi đến tại nhà thơ mà lãnh thơ và trong hai ngày anh sẽ rõ người dạy anh làm nhưng việc gì và anh phải vâng theo như là anh nghe lời tôi vậy.

Ký tên: Hoàn Ngọc Ẩn.”

Năm Mạnh xem thơ rồi lấy làm lạ không hiểu trong thơ Hoàn Ngọc Ẩn muốn cậy mình làm việc gì rất bí mật. Năm Mạnh bèn kêu vợ và Lục Tặc lại coi thơ rồi nói rằng: “Không biết thầy hai viết thơ nói gì rất lạ tôi nghĩ không ra, thầy lại biểu tôi phải gởi thơ trả lời cho tên Hiệp Liệt nào ở trong Chợ Lớn. Tên nầy tôi chưa từng quen đến và cũng không biết mặt.”

Vợ năm Mạnh nói: “Nếu mình tận tình cùng thầy hai thì cứ việc vâng lời và trong chừng ít ngày sẽ biết, chớ có lạ chi.”

Năm Mạnh nói: “Mình nói nghe được, vậy để tôi viết thơ trả lời lập tức.” Nói dứt lời năm Mạnh bèn lấy giấy viết mực viết một cái thơ vắn tắt như vầy:

“Được thơ lấy làm lạ lắm, vì không rõ thầy hai muốn cậy tôi việc chi, thế mà tôi xin tỏ thật, dầu cho tôi có chết vì thầy thì vui lòng chẳng hề nao núng.

Ký tên: Năm Mạnh

Năm Mạnh y theo lời dặn trong thơ của Hoàn Ngọc Ẩn nên đề ngoài bao kỹ lưỡng mà gởi đi.

error: Content is protected !!