Cách ít ngày sau khi xảy ra vụ bắt được Bạch Xà, Hắc Hổ và hai Lăn thì các báo tây nam tại Saigon đăng tin may mắn nầy không sai một mảy, một là bá tánh vui mừng vì Thanh Long từ đây chích vai bai biến, hai là tiếng khen ngợi tài của Đỗ Hiếu Liêm không ngớt miệng kẻ hay đồn, thế mà người đầu lo lắng không biết chàng có mạnh lại đặng chăng.
Một ngày kia chính là ngày chúa nhựt, nàng Đặng Nguyệt Ánh được phép ra trường, nàng bèn đi đến trường Taberd thăm hai đứa em. Đang khi nàng đứng tại phòng khách, cha mẹ và anh em học trò trường nầy sớm mai ngày đó cũng đến thăm chờ chực tại phòng đông đặc. Nàng ngồi giữ nết đằm thắm trên một cái đầu ghế dài, một chập sau có hai thầy mặc đồ âu phục đi vào và nói chuyện rất lớn, cho nên dầu nàng không có tọc mạch trộm nghe câu chuyện mà cũng nghe rõ không sót một lời.
Thầy nầy hỏi thầy kia rằng: “Đon có coi nhựt trình nói về vụ bắt bọn ăn cướp lợi hại trong ba ngày rày chăng?”
‘Có, tôi coi Em-bạt-xan hồi hôm qua. Cha chả thầy Đỗ Hiếu Liêm nào mà tài quá, nhưng rủi cho thầy bị xe hơi đụng mà phải trọng bịnh không thì thằng Thanh Long phải bị thầy bắt rồi.”
“Ủa nói vậy đon không nhớ chừng ba tháng nay thầy Đỗ Hiếu Liêm nầy đá nh ngã Thanh Long, có kẻ kêu là Đơn Hùng Tín cho nên thầy Đỗ Hiếu Liêm mới được cái tên La Thành tái thế đó sao.”
“À há! Phải rồi, thầy nói tôi mới nhớ lại. Đỗ Hiếu Liêm nầy khi đánh với Thanh Long lúc trước có cứu đặng một nàng con gái con của quan đốc phủ sứ nào thất lộc rồi ở tại Trà VInh.”
“Ừ đó đa, mà rồi sau thằng Thanh Long oán thù mới thừa lúc Đỗ Hiếu Liêm đi học ngoài Hà Nội đến đánh phá cướp của và làm nhiều điều tàn bạo nên chi mẹ của Đỗ Hiếu Liêm tức mình tự tử, các nhựt báo quấc âm có đăng tin nầy nữa.”
“Trời ôi! Có vậy sao?”
“Bởi vậy thầy Đỗ Hiếu Liêm mới xin làm tay trinh thám nguyện bắt cho được nội bọn ăn cướp nầy.”
Nàng Đặng Nguyệt Ánh nghe hai thầy nầy nói đến đây thì chưng hửng nàng không biết Đỗ Hiếu Liêm trọng bịnh thể nào và dưỡng bịnh ra sao, không kể phận quần xoa, lật đật đứng dậy chấp tay hỏi hai thầy nầy rằng: “Thưa hai thầy, xin hai thầy cho em biết thầy Đỗ Hiếu Liêm nầy đang dưỡng bịnh tại đâu.”
Một thầy lập tức trả lời rằng: “Trong nhựt trình nói thầy đang dưỡng bịnh tại dưỡng đường Chợ Lớn, kêu là nhà thương Chợ Rẫy.”
“Dạ em rất cám ơn.”
Nàng Đặng Nguyệt Ánh nói dứt lời bỗng thấy người gác cửa trong trường đi ra với hai đứa em nên cúi đầu chào hai thầy thanh niên nầy mà đi ra phòng khác đón hai đứa em và báo tin chẳng lành nầy.
Nàng Đặng Nguyệt Ánh vừa đi ra thì một thầy nói với thầy ngồi gần bên rằng: “Nầy đo, nàng nào hỏi thăm Đỗ Hiếu Liêm mà lịch sự quá vậy? Đon có biết không?”
“Không, có lẽ nàng là bà con chi với Đỗ Hiếu Liêm là phải.”
“Ờ hay là nàng nầy khi xưa nhờ Đỗ Hiếu Liêm cứu khỏi tay thằng Thanh Long?”
“Khéo độ bướng thì thôi, nàng đó ở dưới Trà Vinh đi đâu lên trên nầy.”
“Mà thiệt, nàng nầy đúng tay sắc nước hương trời phải không?”
“Ờ … Lịch sự quá há?”
……
Khi hai đứa em của nàng Đặng Nguyệt Ánh hay tin Đỗ Hiếu Liêm trọng bịnh thì đồng nói rằng: “Nầy chị, chị làm sao xin phép cho hai đứa em đi ra trường bữa nay đặng cùng chị đi thăm thầy hai.”
“Không được đâu hai em, luật trường nghiêm nhặt, chị không có thế nào xin phép cho hai em được. Hai em ở lại chúa nhựt tuần sau chị nói với dì bảy vô xin phép thì mới được. Chị thăm hai em một chút rồi đi vô Chợ Lớn thăm người, mai chị sẽ gởi thơ cho hai em biết. À hai em còn tiền xài không?”
Hai đứa nhỏ đồng nói một lượt rằng: “Khô queo chị à, đà ba bữa rồi hai đứa tôi không có nói chuyện đến thằng Xệ. (Xệ đây là tên riêng học sanh trường Taberd kêu thằng Chệt bán bánh, bởi tiếng pátissier). Hai đứa tôi thèm bánh của nó quá, song chỉ nuốt nước miếng mà chịu.”
Nàng Đặng Nguyệt Ánh lấy trong túi ra hai cái giấy một đồng bạc đưa cho hai đứa em và nói: “Hai em lấy hai đồng nầy mà xài. Hai em ôi! Hai em phải nhín nhút má xài vì chú thiếm của chị em mình một ngày một gắt gao, mới đây chị gởi thơ về xin mười đồng mua sách vở để học chú đã chẳng cho lại gởi thơ rầy nói rằng chị xài lớn, hoặc để tiền cho trai. Hai em ôi! Chớ chi nghiêm phụ còn sống thì chị em mình đâu có thiếu thốn. Cũng may cho chị em mình là nhờ chị tiện tặn còn gởi dì bảy hai chục đồng bạc, nhờ có số tiền đó để dùng trong cơn túng ngặt. Vậy thời hai em chớ có xài lớn mà chẳng chị biết phải chạy tiền ở đâu cho có đủ.”
Hai đứa em của nàng Đặng Nguyệt Ánh ứa lụy và nói: “Hai em còn có một mình chị thế quyền cha mẹ, lẽ nào hai em chẳng nghe lời chị hay sao, thôi xin chị đi thăm thầy hai kẻo trưa rồi.”
Nàng Đặng Nguyệt Ánh liền từ giã hai đứa em mà đi ra đàng bước lên xe kéo biểu xa phu kéo xuống ga xe lửa mua giấy đi Chợ Lớn.
Nàng Đặng Nguyệt Ánh đi đến dưỡng đường và gặp một thầy điều dưỡng tuổi chừng hai mươi đang chấp tay sau đít ngó mông ra đàng thì đi ngay lại chào và hỏi rằng: “Thưa thầy, xin thầy làm ơn chỉ giùm phòng thầy Đỗ Hiếu Liêm mới vô dưỡng bịnh chừng ba bốn ngày trong nầy.”
Thầy điều dưỡng sửa sắc mặt tươi tỉnh ngó nàng Đặng Nguyệt Ánh và nói rằng: “Cô muốn thăm thầy Đỗ Hiếu Liêm bị té xe hơi phải không?”
“Dạ thưa phải.”
“Chắc là giờ thầy nầy đang nằm mê, sợ e thầy chịu đau không thấu chết nay chết mai gì đây. Cô muốn thăm xin vào phòng số 5 nhà nầy.”
Nàng Đặng Nguyệt Ánh nghe thầy điều dưỡng nói mấy lời thì ruột go chín khúc mắt châu đôi mày, trông vào mày ngài ủ dột, mắt ngọc dầm châu thì đủ rõ nàng thương Đỗ Hiếu Liêm là dường nào. Từ ngày nàng nhờ chàng cứu khỏi tay Thanh Long thì đêm ngày nhớ đến chàng luôn, mà nhứt là từ khi nàng gặp chàng trên Saigon tỏ những điều bạc hạnh của chàng thì lại càng làm cho nàng ôm ấp khối tình, thế mà chàng đúng tay hiếu sắc như Liễu Hạ Huệ mà ghe phen chuyện vãn với nàng nhưng mà lòng đối với lòng dường xa thiên lý.
Nàng Đặng Nguyệt Ánh xô cửa vào phòng thấy Đỗ Hiếu Liêm nằm thiêm thiếp đôi mắt nhắm lại, trên đầu thì để một bao nước đá thì rón rén bước lại gần bên giường. Nàng thấy gương mặt của Đỗ Hiếu Liêm xanh xao thì đau lòng vô hạn. Một chập sau Đỗ Hiếu Liêm mở mắt ra ngó nàng một hồi rồi nhắm lại dường như không biết nàng là ai.
Nàng Đặng Nguyệt Ánh biết chàng trọng bịnh thì đôi tròng lưng lẻo dầm dầm châu sa, nàng ráng đứng gượng tay vịn nơi thanh giường không thì phải ngã ra vì nỗi thương tâm.
Nàng Đặng Nguyệt Ánh thấy thằng Bọ đứng gần bên giường thì hỏi rằng: “Thầy hai nằm dưỡng bịnh ba ngày rồi anh có thấy điều gì bớt chăng?”
Thằng Bọ thưa rằng: “Dạ chắc có lẽ cũng bớt, nhưng sao tôi thấy thầy tôi còn khi mê khi tỉnh, giờ nầy thầy tôi nằm mê vì hai đêm rồi thầy tôi châu mày méo mặt không ngủ được, có khi tôi nghe thầy tôi nói nho nhỏ rằng: Thế nầy chắc phải chết chớ chịu đau không thấu.”
Nàng Đặng Nguyệt Ánh nghe nói thở dài và nói thầm rằng: “Ân nhân ta đau nặng như vầy, ta lẽ nào rời người ra đặng. Bấy lâu ta mang ơn người quá trọng chưa gặp dịp nào báo đáp, chi bằng ta trở về nhà dì bảy cậy người vào trường xin phép cho ta ở nhà một tuần lễ vô trong nầy nuôi người thì mới phải.”
Nàng Đặng Nguyệt Ánh tính như vậy bèn nói với thằng Bọ rằng: “Nầy anh, anh cũng biết ngày trước tôi nhờ thầy hai tiếp cứu không thôi thời tôi phải bị thằng Thanh Long nó bắt, ý tôi muốn ở trong nầy một tuần nuôi thầy hai hôm sớm, chẳng biết có tiện cùng chăng?”
Thằng Bọ suy nghĩ một hồi rồi nói: “Dạ thưa cô tính như vậy thì phải lắm. Tôi đây phận tôi tớ cũng tận tình cùng chủ nhưng mà tôi tưởng có cô ở trong nầy cùng thầy tôi thì có lẽ làm cho thầy tôi vui lòng lắm, lúc đau đớn rứt ruột bời gan, có cô ngồi gần bên quạt nồng thì may có chi bằng. Thưa cô, có nhiều khi thầy tôi nhức quá muốn đập đầu mà thác, hầu lánh sự đau đớn, nhưng nghĩ vì thù cha oán mẹ chưa đền thì giòng châu lai láng.”
Nàng Đặng Nguyệt Ánh nghe thằng Bọ nói đến đây thì mủi lòng rơi lụy, nàng lấy khăn mu soa lau nước mắt và nói: “Thôi để tôi về lấy đồ đạc và xin phép ở nhà rồi nội ngày mai tôi sẽ trở vô ở trong nầy với anh mà giúp đỡ thầy hai.”