Đỗ Hiếu Liêm ngồi nghe quan chánh sở Mật thám nói cho đến dứt lời thì suy nghĩ một chập rồi nói rằng: “Xin ông để tôi phán đoán thử coi có lý gì hay không. Vụ nầy phải có nội công ngoại kích mới thành sự. Nội công thì có người Minh Hương, vì do theo lời khai của Long Sen cho hay rằng y có giao cái chìa khóa cửa phòng cho người Minh Hương mướn thợ làm thêm một cái nữa, thì tức nhiên nó có đem chìa khóa ấy về nhà. Thửa dịp đó một con tình của thằng Minh Hương ăn cắp ni và kiểu chìa khóa đó, nên dùng một cái chìa khóa làm riêng mà đưa cho bọn ăn cướp đi mở cửa nhà máy đi vào phòng làm việc phá tủ sắt, còn đêm đó các đèn điện trong nhà máy tắt một lượt hai lần, nghiệm ra lần thứ nhứt là kế của bôn gian làm như vậy đặng cho thằng chà không thấy mà chạy vào nhà máy, tuốt lên phòng làm việc mở cửa đi vào, cho cháy lại làm cho tên chà không có ý nghi nan gì. Bọn ăn cướp nầy có đi thì chừng hai đứa giúp nhau dùng một thứ máy mới chế tạo có một ngọn lửa sức nóng làm cho sắt thép phải chảy ra mà khoét tủ sắt, khoan xong và lấy tiền được thì chúng nó làm cho đèn tắt một lần nữa mà trốn đi ra như thế thì thằng chà không thấy chúng nó được.”
Quan chánh sở Mật thám nghe Đỗ Hiếu Liêm nói đến đây thì day lại nói với ông Ết-mông mà rằng: “Hay thật! Lý đoán của thầy chắc không sai chút nào.”
Ông lại day qua hỏi Đỗ Hiếu Liêm rằng: “Còn như thằng Minh Hương tự tử đây, thầy tưởng tại sao vậy?”
Đỗ Hiếu Liêm suy nghĩ một chập rồi nói: “Theo ý tôi độ chắc là thằng Minh Hương nầy sầu tình mà tự tử chớ chẳng chi lạ.”
Quan chánh sở Mật thám nói: “Lý gì mà thầy độ như vậy được? Nó bị giam cầm thì vì nỗi oan phải khai cho mình lẽ, đang hồi bụ nhục nhã mà sầu tình tự tử tôi tưởng không trúng vậy.”
Đỗ Hiếu Liêm cười và nói: “Thằng Minh Hương nó chết đây là nó biết tội lỗi của nó. Có lẽ là khi nó đem cái chìa khóa nầy về nhà, nó không có kín miệng nói hết mọi việc trong nhà máy cho một con tình của nó biết hết. Rủi phần của nó đem tình âu yếm mà ở với con nầy là con giữ lòng mưu độc quyết hại nó mà thôi. Khi xảy ra vụ nầy nó biết tại lỗi của nó rồi lại tức mình vì một con đàn bà hại cho nó phải chịu khốn khổ ở chốn khâm đường, vả chăng nó từng lên xe xuống ngựa đủ cuộc mua vui không thế mà chịu thấu những điều khốn đốn được, phần thì tức mình ví dầu cho nó có khai cho con tình của nó ra thì nó cũng không khỏi tội. Lạ gì mà nó không dám tự tử, xin ông xét thử.”
Quan chánh sở Mật thám nghe Đỗ Hiếu Liêm nói dứt lời thì đứng dậy vỗ vai chàng và nói: “Thầy thật là đại tài thầy phán đoán không sai mà thầy dám quả quyết rằng sẽ bắt đặng bọn ăn cướp nầy phải chăng?”
“Dạ phải, còn vụ ăn cướp đánh ông Ô-giê và ông Trần Văn Bảy ra làm sao, xin ông nói sơ qua cho tôi nghe luôn vì bọn ăn cướp hai ông nầy tôi cũng sẽ bắt đặng cho ông coi.”
“Ông Ô-Giê là một ông quan lương y có danh tiếng nhứt ở Saigon, mỗi một ngày tiền khám bịnh vô cho ổng ít nữa là hai trăm đồng bạc ông ở có một mình với một thằng bồi vì ông không vợ không con, ông lại ăn cơm tháng tại nhà băng Công-ti-năng-tan (Continental).
Sau khi vụ đánh nhà máy Huỳnh Long chừng ba bữa thì xảy ra vụ của ông đây. Một ngày kia theo như thường bữa lối bảy giờ sớm mai thân chủ đến nhà ông xin toa mua thuốc, kẻ đợi người chờ có trên mười người mà cửa nhà ông giờ đó mà còn đóng. Đến bảy giờ rưỡi có một người Langsa nầy nói rằng ông Ô-Giê có mời sớm mai ngày đó đúng bảy giờ rưỡi đến cho ông nói chuyện.
Khi vô đến thềm nhà thì người nầy gặp một con dao to nơi lưỡi dính đầy máu đông đặc, còn trên vách có một cái dấu bàn tay nhuộm huyết đỏ bầm. Người Langsa nầy hoảng hốt liền chạy báo tin cho tôi hay và quan Biện lý cùng nhau đến phá cửa vào phòng của ông. Khi vô phòng ngủ gần cái tủ sắt thì gặp ông nằm sấp ở dưới gạch trên một vũng máu, tôi đỡ ông dậy thỉ thấy nơi ngực ngay vào trái tim có một vít rất sâu.
Cách chổ ông nằm chừng mười thước thì thằng bồi phòng của ông nằm bất tỉnh xem cho kỹ thì trên đầu có bị một vít rất sâu máu chảy rất nhiều, tôi lật đật cho người chở nó vào nhà thương đặng cứu cấp, nhưng mà chở đi dọc đàng thì nó tắt hơi. Tôi và quan Biện lý xét nhà ông thì thấy cái tủ sắt bị khoét như vụ nhà máy Huỳnh Long, tiền bạc bị quân ăn cướp lấy hết chẳng còn dư lại một đồng. Không biết ông bị đánh lay bao nhiêu. hãng Đông Pháp ngân hàng cho hay rằng ông có gởi một số bạc là hai muôn đồng trong khoảng một năm nay.”
Đỗ Hiếu Liêm nói: “Ông Ô-Giê bị bọn ăn cướp độc ác nầy đánh lấy được sáu ngàn đồng bạc.”
“Ờ có lẽ trúng, mà sao thầy biết được?”
Người Langsa là bạn của ông có khai rằng ngày ấy người đến nhà của ông là vì ông Ô-Giê có hứa giao một số bạc năm ngàn bảy trăm đồng đặng hùn vốn mua đất trồng dừa tại tỉnh Mỹ Tho. À phải, có lẽ ông mất số bạc sáu ngàn đồng vì ông tính để lại ba trăm đồng mà xài vặt. Vụ sát nhơn cướp của nầy rất ghê gớm nhưng gần một tháng nay chưa tìm ra mối, nên như thầy bắt đặng bọn nầy thì danh tiếng nổi như cồn đó. À còn vụ ông nghiệp chủ của Trần Văn Bảy để tôi nói luôn cho thầy nghe. Ông Trần Văn Bảy cũng bị giết chết, tủ sắt thì bị khoét bạc tiền bị lấy sạch, vụ nầy cũng tùng tiệm như vụ của ông Ô-Giê. Đang thời người con nuôi của ông Trần Văn Bảy bị giam tại khâm đường chờ ngày tòa lên án.”
Đỗ Hiếu Liêm nghe nói đến đây thì thất sắc chàng hỏi quan chánh sở Mật thám rằng: “Tại sao mà người con nuôi của ông Trần Văn Bảy bị bắt giam như thế, có đủ bằng cớ gì chứng chắc người sát nhơn cướp của chăng?”
“Có chớ! Số là do theo lời khai của vợ ông Trần Văn Bảy thì cách một tuần trước khi xảy ra vụ nầy, người con nuôi của ông Trần Văn Bảy tên là Trần Văn Chương có đến xin ông hai ngàn đồng đặng lập tiệm buôn bán nhưng vì ông thấy tên Chương nầy có thua bài bạc một đôi khi làm cho ông phải trả nợ nên ông có rầy rạt sao đó và tên Chương nầy có nói vài lời vô phép xỉ mạ ông. Tưởng không lạ gì, nếu nó túng tiền bài bạc lại thấy ông không thương đến nó thì tức nhiên không phải cốt nhục gì, nó mới đành giết ông cướp bạc. Khi bắt nó giam lại tôi có cật vấn nhưng nó nằn nằn quyết một không khai, đến chừng tôi giao cho một người lính mật thám Annam tra khảo nó nặng đòn thì lại nó chịu có giết ông đó.”
Đỗ Hiếu Liêm thở dài một cái và nói: “Thưa ông tôi dám quả quyết rằng Trần Văn Chương nầy vô tội.”
“Nếu vô tội thì dại gì nó lại chịu, thầy cũng biết tội giết người mà nhứt là giết cha nuôi mà cướp của thì án tử hình không dung đặng.”
Đỗ Hiếu Liêm lắc đầu và nói: “Một cái tệ lớn trong sở Mật thám bên Đông Pháp nầy sự tra khảo sái luật, ông nghĩ coi bên các nước Âu Mỹ chẳng có luật gì cho phép tra khảo tội nhơn quá độc mà buộc nó khai tội của chúng nó làm bao giờ.”
Quan chánh sở Mật thám cười và nói: “Phải! Các nước bên Âu Mỹ thì vậy còn ở xứ Nam Kỳ thì không đặng.”
Đỗ Hiếu Liêm nói: “Tưởng ông nói sao chớ nói như vậy tôi bất phục. Ông tưởng dân Annam là dã man chi sao phải chế ra luật tự do ấy. Ví dầu mà một thứ dân nào dã man khác đi nữa cũng chẳng nên tra khảo như thế, ông phải biết có nhiều người vô tội mà bị khảo chịu đau không nổi phải chịu oan.”
“Thầy nói nghe có lý mà nếu không đánh thì dầu cho đứa có tội, dại gì nó khai ngay.”
Đỗ Hiếu Liêm cười và nói: “Có gì đâu, một tay trinh thám có tài khi tìm đủ bằng cớ một đứa có tội thì dầu nó không khai cũng kết án làm tội nó dược.”
Ông Ết-mông nghe Đỗ Hiếu Liêm nói đến đây thì vỗ bàn nói lớn lên rằng: “Chẳng phải tôi muốn binh vực lời lẽ của thầy, Đỗ Hiếu Liêm thầy nói nãy giờ tôi phục lắm. Như vụ ông Trần Văn Bảy nầy thầy dám chắc rằng tên CHương vô tội không?”
Đỗ Hiếu Liêm nói: “Tôi không dám chắc được, nhưng mà tôi xin lo về vụ nầy nữa. Sau đây nếu tôi minh oan cho tên Chương nầy, thì hai ông coi tôi có tra khảo đứa sát nhơn nầy không cho biết.”
Quan chánh sở Mật thám và ông Ết-mông bèn bưng mỗi người một ly rượu lên, cụn ly với Đỗ Hiếu Liêm và chúc nguyện cho chàng mau tìm được bọn ăn cướp lợi hại đó.
Khi để ly rượu xuống, Đỗ Hiếu Liêm nói với ông Ết-mông rằng: “Trong ít ngày nữa đây, nếu như có thằng đày tớ nào của ông xin thôi và có ai xin vào thế thì xin trước ông giả đò từ chối, sau lại cho vì mấy người xin vào giúp việc cho ông là người của tôi sắp đặt ra đó.”
Ông Ết-mông nói: “Được tôi sẵn lòng chìu theo ý thầy muốn.”
Đỗ Hiếu Liêm nói: “Một điều nữa là ông chẳng nên hỏi thăm mấy đứa mới vô ở điều chi cả.”
Quan chánh sở Mật thám nói với Đỗ Hiếu Liêm rằng: “Trong ít ngày nữa quan Nguyên soái sẽ phê đơn của thầy xin và gởi xuống, à, còn thầy muốn dùng súng lục liên hay không, sẵn đây tôi có đem theo một cây súng để tôi viết cho thầy một miếng giấy cho phép thầy dùng tạm?”
Đỗ Hiếu Liêm nói: “Được như vậy thì may lắm.”
Ông Ết-mông hỏi Đỗ Hiếu Liêm rằng: “À còn thầy lên trên nầy ở đậu ở đâu?”
“Tôi ở tại Lương Hữu khách sạn.”
“Ủa nói vậy thầy ở chung một khách sạn với thầy giúp việc với tôi há. Theo ý tôi tưởng vậy bất tiện cho thầy vì muốn làm nghề mật thám, tốt hơn là thầy đến ở một cái nhà riêng của tôi ở con đường lớn Norodom, nhà nầy tôi mới mua lại của một người Ăng-lê mới trở về cố quốc trong có máy nói điển nữa, thế thì rất tiện cho thầy khi có việc chi gấp rút thông tin cho sở Mật thám, vả lại thầy khỏi lo sắm đồ chi vì nhà nầy có bàn ghế tủ giường sẵn hết.”