Yên chi hổ – Phần 3

Vài tuần sau, Đỗ Hiếu Liêm thiệt mạnh lại như xưa, chàng bèn làm một cái đơn đem đến cho quan chánh sở cảnh sát, ngài gặp mặt thì vui mừng tiếp đãi tử tế.

Chuyện vãn một hồi ông bèn nói với Đỗ Hiếu Liêm rằng: “Vụ năm đứa ăn cướp hôm tháng rồi tra xét chưa ra mối, tôi xin thầy lo thử vụ nầy coi thử thế nào, nếu thầy bắt được nội bọn thì đáng cho thầy đại tài, thầy chớ lo, tôi sẽ làm bong (bon) trả tiền tổn phí của thầy về vụ nầy.”

Đỗ Hiếu Liêm nói: “Tôi chẳng tưởng phải tra ra mối được, nhưng mà để tôi đi dọ thử mới biết.”

“Cha mẹ của thầy từ trần có để lại cho thầy ruộng đất chi không?”

“dạ có, tôi mới bán một sở ruộng được sáu ngàn đồng, tôi còn một sở nữa đáng giá chừng hai ngàn, tôi để lại lo phần hương hỏa.”

Đỗ Hiếu Liêm nói chuyện được một giờ sau rồi từ giã quan chánh sở cảnh sát mà đến nhà ông Ết-mông đặng thăm. Đến nhà Đỗ Hiếu Liêm cũng được tiếp rước tử tế, hàn huyên mọi nỗi vừa xong. Đỗ Hiếu Liêm bèn hỏi ông rằng: “Về vụ mấy đứa ăn cướp chận đường, ông có nghi cho đứa nô bộc nào âm mưu với người ngoài chăng?”

“Không không! Trong nhà của tôi có một người bồi, một người đầu bếp và một người sốp-phơ cả ba tánh tình rất tốt, đủ cho tôi tin cậy. Mấy đứa nó chẳng có lẽ bất trung đến thế, thầy đừng nghi lầm tội nghiệp chúng nó.”

Đỗ Hiếu Liêm nói: “Đã biết như vậy nhưng xin ông cho tôi biết tên họ và quê quán của ba người.”

“Thầy muốn vậy cũng được.”

Ông Ết-mông bèn nói tên mấy người nói đây và chỗ ở, Đỗ Hiếu Liêm ngồi suy nghĩ một hồi rồi hỏi ông Tết-mông rằng: “Theo như câu chuyện của ông nói với tôi khi tôi còn ở trong nhà thương thì ông làm đại lý cho mấy hãng buôn lớn lên bên Pháp quốc, sĩ hàng cho mấy nhà buông bên nầy, mỗi tháng ông đi lãnh tiền một lần, công việc của ông không phải ít chắc là ông cũng có vài người thơ toán thơ ký chi chớ?”

“Phải, tôi có một người làm việc cho tôi luôn về thơ toán và thơ ký, thầy nầy giỏi dắn và lại bặt thiệp lắm, thầy thật thà đáng tin cậy.”

“Xin ông cho tôi biết họ và chỗ ở luôn.”

“Được, thầy nầy tên họ là La Văn Tuyệt ở tại Lương Hữu khách sạn, thầy không vợ không con nên mướn phòng ở tháng cho tiện.”

“Tiền lương của thầy đó mỗi tháng là bao nhiêu?”

“Công việc thầy nầy làm sành sỏi nên tôi cho mỗi tháng là chín chục đồng bạc, tôi tính tháng nầy sẽ cho thẩy ăn thêm lên mười đồng cho đủ một trăm.”

“Nhờ ông cho tôi biết mọi điều cần ích tôi rất cám ơn, vậy xin ông cho tôi về mà lo vụ nầy.”

Đỗ Hiếu Liêm nói dứt lời bèn đứng dậy bắt tay ông Ết-mông mà trở về.

Về đàng Đỗ Hiếu Liêm tính thầm rằng: “Tốt hơn là từ ngày nay về sau ta thuê phòng tháng ở khách sạn mới tiện cho ta lo cái vụ nầy, vì ở tại nhà người bà con của ta thì làm rộn cho người và mất sự tự do. Vụ nầy chẳng khó gì mà tìm không ra mối, xét cho sâu xa thì phải có người trong nhà thông tin cho đứa chánh đảng bọn ăn cướp nầy nên nó mới biết ông Ết-mông đi đêm đó có đem về một số bạc lớn. Đây thì có một mình thầy La Văn Duyệt biết sổ sách tiền bạc của ông mà thôi.”

Tối lại 7 giờ Đỗ Hiếu Liêm đến Lương Hữu khách sạn hỏi phòng mà thuê, rất may cho chàng là có một cái phòng cách vách với phòng của La Văn Tuyệt mới vừa vắng khách hồi hai giờ trưa vì khách sạn nầy tinh khiết, sắp bồi tiếp rước biết phép nên ít khi có phòng trống.

Đỗ Hiếu Liêm đem đồ lên phòng vừa xong thì có một đứa bồi thiếu niên nhậm lẹ đem một bình trà vào rồi tỏ sắc tươi cười mà hỏi Đỗ Hiếu Liêm rằng: “Thưa thầy chắc là thầy ở đâu xa đến nên đem rương hoa-ly hai ba cái?”

Đỗ Hiếu Liêm cũng tỏ sắc vui mà trả lời rằng: “Phải đa em.”

“Dạ thưa em mới nghe chủ em nói rằng thầy mướn phòng ở tháng, và dạy em phải mau mắn nhậm lẹ phụng sự cho thầy, vậy thầy có điều chi dạy bảo xin thầy nói cho em biết.”

Đỗ Hiếu Liêm thấy tên bồi biết lễ phép, nói năng dịu ngọt thì có ý vui, chàng nói: “À, em giỏi dắn dễ sai thì thầy thưởng cho tiền uống nước. Phòng ngủ nầy mỗi đêm có tiếng ồn ào rầy tai không em?”

‘Dạ từ bảy giờ tối cho tới 10 giờ thì đờn địch vui cười được, còn quá giờ đó thì chẳng ai đặng phép làm rầy.”

“Nếu vậy thì quí lắm.”

“Ủa mà thầy nghe tiếng ai ca và cười sằng sặc gần đây vậy?”

“Dạ thưa lạ gì?”

“Khách sạn nào cũng như vậy, mấy con thọa nó ca Hành vân, Vọng cổ hoài lang, Văn thiên tường, vân vân, giúp vui cho hạng người cười huê cợt liễu. Thầy muốn vui chơi như vậy không, em biết có một cô ngon lắm.”

Đỗ Hiếu Liêm cười và nói: “Sao mà gọi rằng ngon? Bánh bao hay là xí mại gì mà ngon. Em đừng nói vậy, thầy không ưa việc đó đâu, thôi em ra để thầy thay đồ rửa mặt đặng nằm nghỉ một chút.”

Khi đứa bồi phòng vừa dạ vừa lui chơn, Đỗ Hiếu Liêm thay âu phục mà bận một bộ đồ pyjama, chàng mở cửa sau thấy gương nga vằng vặc, ánh giọi vào hiên lầu sáng trắng. Đỗ Hiếu Liêm bèn kéo ghế ra ngồi ngoài hiên nhìn trời ngắm cảnh, chàng nhớ đến câu: ‘Trăng trong gió mát khó vô tận. Nước biếc non xanh cảnh hữu tình.’ thì cười mà nói rằng: “Đêm nay trăng thanh gió mát, nhìn trời mà thích cảnh thiên nhiên, tiếc thay khách hữu tình cùng non nước mà nước non đâu tá, cảnh êm đềm là đâu? Kìa trên con đường giăng giăng đèn điện, rầy tai tiếng lạc ngựa, giọng còi ô tô, ồn ào chẳng dứt.”

Thình lình chàng nghe tiếng cầm tranh tiêu tao pha lẫn với giọng phù trầm của mấy ả huê nguyệt phong tình vừa ca vừa giỡn thì chàng chắt lưỡi lắc đầu mà than rằng: “Đời càng văn minh cuộc chơi bời càng thêm lộng, cuộc chơi đầy tháng trận cười suốt đêm hại biết bao nhiêu  trai thanh niên vì đó mà trầm luân nơi bể ái, quên nghĩa vụ đối với nước nhà. Ôi! Bọn thanh niên là rường cột nước nhà mà thanh niên còn mê giấc nam kha, đắm chìm trong bể ái!”

Đỗ Hiếu Liêm than chưa muốn dứt lời, chàng day qua phía tả thấy một chàng đứng khoanh tay, dựa mình nơi lan can mà ngó xuống đường. Chàng nầy tuổi độ chừng hai mươi ba, dung nghi có bề mô phạm. Một chập chàng nầy ngước mặt lên trời nhìn trăng rồi thở dài một cái, nét mặt lộ vẻ âu sầu.

Đỗ Hiếu Liêm nói thầm trong bụng rằng: “Ờ có lẽ thầy nầy tên là La Văn Tuyệt, chàng có tâm sự chi nên đến nỗi buồn lòng mà thở dài thở vắn, độ vào nét mặt của chàng chẳng phải là người bất chánh, chi bằng ta chào hỏi chàng mà làm quen ắt là một dịp may mà dò ra mối về vụ năm đứa ăn cướp.”

Khi La Văn Tuyệt day mặt qua, Đỗ Hiếu Liêm bèn nghiêng mình thi lễ và nói rằng: “Chào thầy, thầy ở phòng nầy là bao lâu rồi?”

La Văn Tuyệt tánh tình vui vẻ, vừa nghe Đỗ Hiếu Liêm chào và hỏi thì cúi đầu đáp lễ sửa nét mặt tươi cười và nói: “Chào thầy, tôi ở phòng nầy trên một tháng rồi, còn thầy mới đến ở đâu nội ngày nay phải không, mà tôi chưa gặp mặt lần nào?”

Đỗ Hiếu Liêm nói: “Phải, tôi mới đến ở đây, chưa được hạnh phúc quen biết ai nên chi buồn bã. Tôi tính mướn phòng nầy ở tháng vì tôi không vợ không con có lẽ giản tiện nhiều bề.”

“Phải đa thầy, tôi đây cũng vậy. Xin mời thầy sang qua phòng tôi đàm đạo chơi, có chi may bằng ở lân cận với nhau mà được tình giao thiệp.”

Đỗ Hiếu Liêm nghe La Văn Tuyệt mời thì bụng mừng nên nói: “Tôi vui lòng lắm, song e qua bên phòng thầy mà làm rộn cho thầy chăng?”

“Không đâu, tôi ở có một mình bên nầy, có ai đâu mà thầy ngại.”

Đỗ Hiếu Liêm nói: “Dạ được, để tôi ra cửa trước khóa cửa phòng rồi sang qua chơi.”

Khi Đỗ Hiếu Liêm qua phòng của La Văn Tuyệt, hai người bắt tay rồi ngồi nói chuyện, La Văn Tuyệt hỏi Đỗ Hiếu Liêm rằng: “Thầy làm việc hãng buôn, hay là làm việc nhà nước?”

Đỗ Hiếu Liêm nói: “Tôi chưa làm việc ở đâu cả, tôi ở Sadec mới lên đây đặng kiếm việc làm.”

“Thầy có cha chú không? Đời bây giờ kiếm được một chỗ làm việc mà không cha chú đỡ đầu thì khó lắm.”

“Phải, tôi cũng biết, trong một sở nào hễ có một người xin thôi thì năm bảy người xin vô. Đời nầy càng ngày càng bẩn chật bề sanh nhai.”

Đỗ Hiếu Liêm và La Văn Tuyệt ngồi chuyện trò chẳng bao lâu mà thích ý nhau lắm, bỗng có một nàng môi son má phấn nhan sắc tuyệt trần bước vào. Đỗ Hiếu Liêm đứng dậy chào thì La Văn Tuyệt nói tiếng tây với chàng rằng: “Nàng nầy là người tình của tôi đa,”

Nàng nầy chào Đỗ Hiếu Liêm rồi nói với La Văn Tuyệt rằng: “Nầy mình, lát nữa có anh hai của em đến thăm mình.”

La Văn Tuyệt nói: “Ảnh đến chơi hay là có chuyện chi?”

“Dạ thưa ảnh đến chơi chớ có chuyện chi đâu.”

Đỗ Hiếu Liêm nghe hai người nói chuyện thì đứng dậy nói với La Văn Tuyệt rằng: “Xin thầy cho tôi kiếu trở về phòng, khi nào thầy rảnh khách tôi sẽ qua chuyện trò chơi cũng được.”

“Thầy ở lại chơi đừng ngại, thầy chưa rõ tánh của tôi thật tình lắm.”

Đỗ Hiếu Liêm thấy La Văn Tuyệt cầm lại thì trong bụng có ý mừng, chàng thấy trên bàn có quyển tiểu thuyết Lang sa nhãn đề Mai-nương Lệ-cốt (Manon Lescaut) thì cầm lên giở ra giả rằng chủ ý xem, nhưng lóng tai nghe La Văn Tuyệt và nàng môi son má phấn đó chuyện vãn.

Nàng nầy tuy chẳng phải chánh tay treo giá lầu xanh cùng phường bướm chường ong chán, song cách đãi đưa, lời trao chuốt nghe qua cũng nhận được là một nàng đôi phen cợt nguyệt khách hữu tình nơi cội liễu.

Nàng hỏi thầy La Văn Tuyệt rằng: “Nầy mình, bữa nay sao em trông vào sắc mặt của mình có vẻ âu sầu ủ dột, có điều chi làm cho mình lo lắng hay chăng xin mình cho em biết.”

error: Content is protected !!