Đây nhắc lại từ khi nàng Lệ Thủy vì tai biến bất kỳ nhờ có Hoàng Ngọc Ẩn cứu cấp đến khi nàng từ giã chàng mà đi về. Xe hơi chạy về đến trước cửa ngõ một cái nhà lầu hai từng đồ sộ nguy nga, ngoài có vách tường bằng song ly sắt bao giáp vòng. Tên sốp-phơ bóp hèn ra hiệu lịnh thì có một người đàn ông độ chừng ba mươi tuổi, vóc vạc cao lớn chạy ra mở cửa, xe hơi chạy thẳng vào đến thềm nhà rồi ngừng lại, tên sốp-phơ bước xuống trước và đi ra đàng sau mở cửa xe, thì nàng lệ Thủy bước xuống đi lên thềm, rồi nàng lại nhận một cái nút dựa cửa.
Thoạt nhiên tiếng chuông reo và cửa cái mở ra, nàng đi thẳng vào phòng thì có một đứa tớ gái tuổi chừng mười tám nối gót theo sau. Khi vào đến phòng đứa tớ gái thấy đầu hàng băng bó thì hỏi rằng: “Thưa cô, chẳng hay vì sao mà đầu của cô băng bó như vậy và nặng nhẹ thể nào?”
Lệ Thủy đáp: “Em đi ngủ đi, nay cô buồn lắm, hãy để cô ở một mình trong phòng bằng an.”
Đứa tớ gái nghe Lệ Thủy đáp lời như vậy bèn xây lưng đi ra và nói lầm bầm rằng; “Bấy lâu ta chưa thấy khi nào cô ta buồn, cớ gì đêm nay về mà đầu băng bó như vầy và lại nói rằng buồn như thế. Ối ta chẳng cần rõ làm gì, ta đi ngủ vì khuya rồi.”
Ở trong phòng, Lệ Thủy đi ngay lại một cái tủ kiếng soi mặt một hồi rồi nói với ảnh hình rằng: “Lệ Thủy ôi” Mi có chi sắc nước hương trời để làm cho ngư trầm lạc nhạn, từ ngày mi vào tuần cập kê đến nay gẫm ra chẳng khác vườn xuân ong bướm dập dìu rồi lại vì sắc của mi mà mi hại biết bao nhiêu là con nhà hào hộ, những bực vương tôn công tử tiêu nhà bay cửa và lại lắm kẻ hủy mình vì cái sự bạc tình của min. Ai mà vô tình như mi đến thế. Nghĩ ra chẳng phải mắt ngọc mày hoa của mi mà đủ làm cho già trẻ phải si tình, lợi hại hơn hết là cặp mắt của mi đưa tình cho ai thì nấy cũng đều sa vào bể ái, hay là con mắt của mi có bùa mê hay sao mà hại người phải say phải lụy vì mi đến thế. Đêm nay cũng vì cặp mắt của mi khêu tình mà làm cho Hoàng Ngọc Ẩn đà có lòng trộm ái, thầm yêu mi nhưng mà mi có nên kéo xển Hoàng Ngọc Ẩn nầy mà xô vào bể ái không? Không chẳng nên đâu! Như ai thì chẳng nói chi, chớ Hoàng Ngọc Ẩn đã cứu cấp nhiều cơn nguy biến, lòng nào mi phụ ân người mà còn hại, thế thì người đời cho là “Cứu vật vật trả ơn, cứu nhân thì nhân trả oán” rất trúng lắm đó. Cha chả cái tên tuổi của Hoàng Ngọc Ẩn sao vừa nghe lọt vào tai dường như hồ cầm trổi bực Tần lâu, vừa êm tau mà vừa buồn cho ta đó. Mẹ ôi” Lời mẹ trối với con trong lúc vật mình cỡi hạt, con hằng tạc dạ ghi xương, con đã đánh đổ biết bao nhiêu trận tình, mà hẳn khải hoàn trọn thắng. Con có thề trước giờ nhắm mắt của mẹ, lời thề ấy con chẳng hề khuất lắp đâu.
Như con đây vì ân vì nghĩa thì không nỡ, con cho người gần gũi vì sợ e con thất lời thề với mẹ, còn không thì phải làm cho người khổ não trăm chiều mà còn sợ một nỗi là người hủy mình theo mấy người háo sắc si tình kia chăng?”
Lệ Thủy bước lại ngồi trên ghế mây có gối dựa bằng tố đỏ thêu rồng rất đẹp mà suy nghĩ một hồi rồi nói: “Âu là ta phải mua một chiếc cà rá hột xoàn gởi mà đền ơn vì lòng háo nghĩa của chàng đối với ta cho khỏi mang tiếng phi nghĩa và ta cũng phải viết thơ xin người chớ tưởng đến ta làm gì?”