Nói qua tàu chạy từ 9 giờ tối thứ năm cho đến mười hai giờ trưa mới tới Vĩnh Long. Tàu vừa cập cầu Đỗ Hiếu Liêm thấy đôi cụm thung huyên đã đến đợi chàng tại bến tàu và có một đứa ở đi theo. Ly hương trót một năm trời về đến tổ quán có chi làm cho Đỗ Hiếu Liêm vui bằng, chàng kéo cái rương da rất lớn ra khỏi phòng hạng nhì rồi lật đật chạy lên cầu tàu chào mừng cha mẹ. hàn huyên lắm nỗi ân cần rồi đó chàng dạy thằng ở chạy lên tàu vác rương xuống đem ra xe song mã mà đi về. Trong ngày đó cả nhà vui mừng chuyện vãn cho đến một giờ khuya, Đỗ Hiếu Liêm mới vào phòng an nghỉ.
Ngày thứ, đúng sáu giờ sáng Đỗ Hiếu Liêm thức dậy rửa mặt đoạn lại bàn ăn lót lòng cà phe sữa bánh mì với cha mẹ. Đang khi ngồi bàn cha của Đỗ Hiếu Liêm hỏi chàng rằng: “Nầy con, chuyến nầy con về sao chẳng rủ người bạn của con là Hoàng Ngọc Ẩn xuống chơi, cha thấy nó sao cha thương quá; thật là một đứa khôn ngoan và tánh vui vẻ ham nói chuyện ít ai bằng.”
Đỗ Hiếu Liêm thưa rằng: “Thưa cha, dưỡng phụ của anh Hoàng Ngọc Ẩn mới thất lộc cách bốn tháng nay, kỳ bãi trường nầy ảnh mắc lo vụ xin hưởng gia tài nên không có rảnh mà theo con xuống thăm cha và mẹ, ảnh có dạy con kính gởi lời thăm cha và mẹ đặng sức khỏe.”
“Ủa nói vậy quan lương y Anh-be-lơ-bông (Albert Lebon) chết rồi sao? Tội nghiệp dử không, cha nghe tiếng quan lương y ấy thông thái lắm, bên xứ mình chẳng có quan lương y nào tài bằng.”
“Dạ thưa phải đó cha. Mấy năm trước nhằm lúc bãi trường anh Hoàng Ngọc Ẩn nhờ ông Albert Lebon dạy dỗ nên tài học của ảnh nội trường không ai sánh kịp, thậm chí quan lương y dạy tại trường đều khen ạnh và lại nói rằng sức học của ảnh không thua mấy dông đốc-tờ (docteur en médecine) nữa. Cuối năm tới đây thi ra trường chắc là ảnh đậu cao hơn các bạn học trò.”
“Hoàng Ngọc Ẩn như vậy còn con ra thể nào?”
“Dạ thưa con cũng nhờ ảnh khi giờ rảnh dạy chỉ giùm nên học hơn các chúng bạn cũ. Anh Hoàng Ngọc Ẩn thương con như em ruột, vì có một ngày kia anh Hoàng Ngọc Ẩn đi ngang qua đường Hàng Giấy Hà Nội gặp một đảng du côn hiếp đáp một ả đào. Ảnh lấy lời khuyên can, hay đâu bọn nầy trở lại sỉ nhục ảnh và muốn ỷ chúng hiếp cô nên xúm vây ảnh mà đánh. Anh Hoàng Ngọc Ẩn võ nghệ giỏi lắm, một mình đánh bọn nầy là mười đứa có cầm khí giái như nào là đao, bàn tay sắt, củ chì thun, vân vân. Ảnh đánh một bộ tấn hoặc thối thì có một đứa trong bọn đó ngã ra vẩy tê tê, con đứng coi thì biết ảnh dư sức dẹp yên họa nầy nên chẳng vào tiếp làm gì. Con thầm khen bộ đá của ảnh lắm, ảnh đá con coi không kịp lận. Hay đâu khi ảnh vừa đánh đá ngã rạp bọn nầy thì có một thằng rút trong túi một cây súng lục liên nhắm ảnh mà bắn, ảnh không thấy, nhưng con thấy kịp nên nhảy vào đá cánh tay thằng đó một cái rất mạnh, cây súng vừa nổ và văng lên lên trời chẳng trúng ai cả. Vừa nghe tiếng súng nổ thì có một người lính tuần thành chạy tới, con bèn nói hết cho người lính nghe thì người lính bắt thằng có súng lậu ấy mà dẫn về bót, nếu con không nhảy đá thằng đó thì chắc anh Hoàng Ngọc Ẩn chết vì mũi súng đó rồi. Từ ngày đó về sau anh Hoàng Ngọc Ẩn nhớ ơn con luôn nên thương con lắm và kết làm bạn thiết.”
Cha của Đỗ Hiếu Liêm nói: “Sao con biết chuyện rầy rà không can, để sanh việc ấu đả mà đứng coi, thế thì con quấy lắm.”
“Dạ, thưa khi anh Hoàng Ngọc Ẩn đánh vùi với bọn nầy thì thình lình con đi tới, nhắm thế khó can được và thấy ảnh võ nghệ siêu quần thì con biết chẳng cần gì vào tiếp làm chi.”
“Con có biết Hoàng Ngọc Ẩn học võ nghệ với ai hay không mà cao cường lắm vậy?”
“Dạ thưa con có hỏi thì ảnh nói rằng thuở trước ảnh đi theo dưỡng phụ của ảnh qua bên Tàu trọn bốn năm trường, nhờ khi ở tại bển ảnh có học võ với một người Sơn Đông làm thầy dạy võ có tiếng. Sau khi ở bên Tàu thì dưỡng phụ đem ảnh về ở tại Nam Vian hai năm rồi mới trở về ở Saigon lại. Bây giờ ảnh biết năm thứ tiếng: Tây Chà Chệt, Cao Man và Annam mà tiếng nước nào ảnh nói cũng xuôi như nước chảy.”
“À, vậy chớ võ nghệ của Hoàng Ngọc Ẩn có hơn con chăng?”
“Dạ có lẽ võ nghệ của ảnh lấn hơn nhiều.”
“Thôi nhơn dịp bãi trường nầy cha sẽ trao hết nghề cho con đặng cho con khỏi súc tài của Hoàng Ngọc Ẩn. Năm nay cha xem trong mình yếu nhiều không biết còn sống mấy năm nữa đặng, sợ e sau rồi cha chẳng có dịp may mà dạy hết nghề võ cho con. Thuở xưa cha đi làm việc ngoài Huế cha có nhờ một tay võ cử dày công dạy cha học sáu năm trường đủ thập bát ban võ củ. Lúc cha còn thanh niên cha đi đấu võ tỉnh nầy sang tỉnh nọ và giựt được tiếng Vô địch.”
“Dạ thưa vậy thì may cho con lắm, học võ chẳng phải là đánh lộn gây việc hung dữ, học cho biết trước giữ mình sau gặp việc nghĩa thì ra tay cứu giúp đó mới đáng gọi là người nghĩa hiệp.”
“À con có biết tôn tích của Hoàng Ngọc Ẩn khi xưa thể nào và phúc đâu mà được quan lương y Anh-be-lơ-bông đem về ,àm con nuôi chăng?”
“Dạ theo như lời của ảnh thuật với con thì như vầy: thuở nhỏ trong khi ảnh đặng năm tuổi, ảnh đi với cha của ảnh lên Saigon rồi không biết vì có nào cha ảnh để ảnh đi lạc, ảnh thơ thẩn trọn một ngày. Quan lương y Anh-be-lơ-bông thấy vậy đem ảnh trình tại bót và rao trong các nhựt trình, song trọn ba tháng cha của ảnh không đến nhìn đem về nên quan lương y đó xin đem ảnh về mà nuôi cho đến bây giờ. Quan lương y đó không có vợ con chi nên thương ảnh như con ruột vậy. Con nghe nói ảnh có đi theo quan lương y đó về bên Pháp quốc năm sáu năm rồi mới trở qua xứ mình ở một năm rồi lại đi qua bên Tàu.”
Cách ít ngày sau Đỗ Hiếu Liêm gắng chí luyện tập võ nghệ nên gần đến ngày tựu trường thì chàng học thêm võ nghệ rất tinh thông.