Dụng sắc giết người – Phần 2

Nói tiếp qua khi Hoàng Ngọc Ẩn bồng nàng tuyệt sắc nầy xuống xe và đem vào nhà, chàng để nàng nằm trên một cái giường sắt rất đẹp, đoạn bấm chuông kêu đứa ở chạy lên dạy việc. Hoàng Ngọc Ẩn thấy trên đầu nàng có một vít rất lớn máu chảy rất nhiều bèn lấy thuốc gòn và đồ dùng theo việc lương y rồi biểu đứa ở đỡ đầu nàng lên mà xức thuốc và băng cho nàng. Khi cho thuốc và băng bó vừa rồi, nàng nầy tỉnh dậy mở mắt ra ngó dáo dác, đoạn rờ đầu và gượng ngồi dậy nghiêng mình tỏ sắc e lệ chào Hoàng Ngọc Ẩn và hỏi rằng: “Thưa thầy chẳng biết vì sao mà em ở chốn này?”

Hoàng Ngọc Ẩn bèn đem hết các việc xảy ra mà thuật hết cho nàng nầy nghe. Nàng châu mày thở ra và nói: “Dạ thưa thầy, ơn thầy quá trọng, biết bao giờ em trả đặng, em thật đa tạ ơn ấy lắm.”

Hoàng Ngọc Ẩn tỏ sắc hân hoan và đáp: “Có chi là trọng, có chi xứng đáng, cho cô thốt lời châu ngọc cảm tạ như vậy. Thật tôi ngại lắm.”

Nàng nói: “Dạ, xin thầy chớ khiêm nhượng quá, em muốn biết danh tính của thầy hầu khắc cốt ghi tâm, chẳng biết có điều chi ngăn trở hay không?”

Hoàng Ngọc Ẩn nói: “Tôi tên họ là Hoàng Ngọc Ẩn học sanh y viện tại Hà Nội, tôi đây cũng muốn rõ quí danh của cô, tiện đây cũng nên cho tôi biết luôn nhà ở nơi đâu.”

Nàng đó suy nghĩ một hồi dường như ngại ngùng, kế đó nàng nói: “Em tên họ là Lệ Thủy. Thầy muốn biết nhà cửa em, xin để sau rồi em sẽ cho biết.” Nói dứt lời nàng Lệ Thủy xuống giường chấp tay lại và nói: “Em xin thầy cho phép em về.”

Hoàng Ngọc Ẩn ngó thấy trên bàn tay nàng có ba chiếc cà rá hột xoàn thì định rằng nàng con nhà phú hộ, hoặc hiền thê của một người sang trọng nào đó.

Hoàng Ngọc Ẩn nói: “Cô về chi gấp xin ở nghỉ một giây lát cho bớt đau rồi sẽ về không muộn, chẳng biết cô có chồng chưa, vây xuân niên cô đặng mấy?”

Lệ Thủy e lệ thưa rằng: “Dạ thưa dang xuân hai chín, mười hai bến nước còn đang lọc lừa. Em muốn về vì đau cũng giảm nhiều, và lại đêm hôm phận gái sẩy chơn lạc bước đến nhà thầy ở lâu e không tiện, xin thầy thứ lỗi.”

Hoàng Ngọc Ẩn không nỡ cầm lại nên nói: “Cô về cũng được, song vít nầy rất nặng, chín mười ngày săn sóc kỹ lưỡng mới thiệt làng, nếu như cô tưởng đến lòng tôi xin ngày mai trở lại, tôi sẽ tận tâm cho thuốc.”

“Dạ, em cảm ơn thầy lắm nhưng không dám làm nhọc lòng thầy, để cho em rước lương y đến nhà điều trị tiện hơn.” Nói dứt lời nàng Lệ Thủy rón rén cúi đầu một lần nữa đoạn trở lưng đi ra xe. Hoàng Ngọc Ẩn nối gót đưa nàng ra đến đường.

Trước khi lên xe, nàng Lệ Thủy nói nhỏ với sốp phơ rằng: “Coi giùm số nhà cho tôi.” Tên sốp phơ trả lời vắn tắt rằng: “Dạ xong.” Xe mở máy nghe rì rì, chạy thẳng đến ngã ba đường Mac-Mahon đoạn quẹo qua tay mặt mà dung ruổi.

Xe chạy khuất dạng Hoàng Ngọc Ẩn đứng ngơ ngẩn một mình, lóng tai nghe tiếng bóp kèn to-to rồi lần lặn mất. Chàng ta thở ra và nói một mình rằng:

“Người đâu gặp gỡ làm chi,

Trăm năm biết có duyên gì hay không?”

Ngâm dứt lời Hoàng Ngọc Ẩn trở vào và chợt nhớ đến Đỗ Hiếu Liêm còn xem hát nên lật đật thay đồ khác vì áo quần đều bị vấy máu nhuộm hồng. Vừa xong, Hoàng Ngọc Ẩn trở ra xe kéo đi xuống nhà hát tây. Xe chạy vừa tới nhà thờ Đức Bà (tục kêu là nhà thờ nhà nước) Hoàng Ngọc Ẩn gặp Đỗ Hiếu Liêm cũng ngồi xe kéo trở về thì hỏi rằng: “Ủa nầy bạn! Sao không xem hát lại trở về, hay là bạn chờ tôi không được, buồn mà trở về chăng? Bạn hãy trở lại với tôi coi kẻo uổng?”

Đỗ Hiếu Liêm nói: “Ối thôi coi chút đủ hiểu, tuồng gì hát tục tiểu và lại mấy cô đào ăn mặc lõa lồ quá.”

Hoàng Ngọc Ẩn cười hì hì rồi nói: “Khéo làm bộ không, coi được tấn tuồng nầy thì khoái con mắt có chi bằng, dại gì bỏ về cho uổng?”

“Hoàng huynh muốn coi thì đi một mình đi, không mấy thuở rủ tôi đi coi hát mà khéo lựa đêm diễn tuồng trái con mắt của tôi quá.”

“Bạn không thích xem thì thôi, tôi cũng trở về luôn cho có bạn. Tôi nói chơi với bạn vậy chớ cũng không thích gì.” Hoàng Ngọc Ẩn liền biểu xe kéo trở lại đi với Đỗ Hiếu Liêm về nhà.

Sau khi cả hai thay đồ âu phục và bận toàn đồ pyjama, Đỗ Hiếu Liêm hỏi Hoàng Ngọc Ẩn rằng: “Hồi nẩy trong nhà hát, tôi vừa nghe một cái rầm, giựt mình day lại thì thấy anh đã qua phòng của nàng và lập tức bồng nàng chạy ra ngoài vậy chớ bồng nàng đem đi đâu đó?”

Hoàng Ngọc Ẩn bèn đem hết các chuyện xảy ra mà thuật hết cho Đỗ Hiếu Liêm nghe và chàng nói: “Bạn nghĩ mà coi, chắc là tôi với nàng có duyên gì đó phải hay không bạn?”

“Duyên gì? Anh sao hễ gặp gái có chút nhan sắc thì bắt động tình rồi lại gọi rằng duyên.”

“Chắc là duyên kỳ ngộ đó bạn à, hi hi hi.”

Đỗ Hiếu Liêm ngồi suy nghĩ một chập đoạn nói với Hoàng Ngọc Ẩn rằng: “Hoàng huynh mới có một đêm nay sao anh đà đổi tánh, si mê vì sắc nên nói ròng những lời hoa nguyệt. Hay là anh không tưởng đến danh phận chưa rõ mặt nam nhi, muốn ngâm câu:

Đất có hoa thơm trời có nguyệt,

Nguyệt hoa, hoa nguyệt mặt tình ta. (1)”

Hoàng Ngọc Ẩn nói: “Không đâu bạn, xin bạn xét lại có trời mà có ta, tất phải có duyên cùng có nợ, loài cầm thú kia còn có duyên nợ với nhau thay! Người đời ai thấy hoa xinh mà không gấm ghé muốn đỡ muốn nâng, nhưng rứa chẳng nên làm cho danh phai giá rữa thì là tốt rồi đó bạn.”

“Tôi cũng biết vậy, song anh em mình còn đang chuyên lo đèn sách, nếu mình không chống trả giặc ba thù của thế lực tình thì tôi e bước đàng công danh mình đi không thấu đa. Đây, mình còn học, chẳng đầy một năm nữa thì ra làm lương y bổn quốc, chừng đó danh rỡ ràng, mình muốn vợ đẹp hầu xinh không thiếu gì, kìa anh nghe kẻ nói nàng nầy, người bàn cô nọ đóng cửa kén chồng, đợi cho được một ông thầy thuốc một ông thừa biện sấp lên, bước đến cầu hôn mới chịu gửi thân. Đời bây giờ cô gái giàu nghèo, lịch sự xấu xa có ảnh hưởng văn minh thì không nghĩ đến phận “nồi nào úp vun nấy” hẳn đèo bòng vói cao, mà nghĩ ra cũng có cô bước lên được cái địa vị cao sang còn có cô phải vì cao mà té nặng. Một là vì kén quá mà không dè hoa tàn xuân biệt rồi lỡ làn duyên phận; hai là vì muốn lên cao, song chiếm cái vị cao sang không xứng đến khi gặp tay xứng ngôi chủ quỉ đánh đổ mà té nhào, chừng đó có khác nào nàng cung phi thuở trước bị đày qua lầu Tần vậy.”

“Bạn nói nghe hữu lý, thế mà bạn nói chi việc say nầy? Hay là bạn tưởng tôi là phụ nữ chi chăng nên phân giùm cái khổ tâm về sự kén chồng như thế?”

“Nầy Hoàng huynh, chẳng phải vậy đâu. Phàm muốn luận một vấn đề gì phải cần nói mênh mông, rồi vịn lấy cái gương mênh mông đó đem về mà ráp vào thế mới giải quyết ra có ý vị đặng. Gái đời nay vì có ảnh hưởng văn minh sanh chuyện kén chồng, đó nào phải là ngoa lừa lọc trao tơ đáng lứa gieo cầu đáng nơi đâu. Việc bách niên cần phải xứng duyên xứng phận, gái cần phải chọn người trao thân có tài có đức. Tài không chẳng đủ, chồng mà không có “đức nhuận thân” tất có lắm điều gay trở về sau trong việc lương duyên. Thật đáng trách thay những hạng gái kén chồng vì câu “gái chuộng tài, trai tham sắc”. Nói tóm tắt lại Hoàng huynh không lo đến công danh, tôi e ngày sau Hoàng huynh đi nói vợ mấy cô mấy chị họ chê chăng? Vậy thời cái sự háo sắc cho đáng nơi như anh gẫm ra lỗ dở đó anh à.”

“Hay lắm, hay lắm, bạn giải rất phân minh tôi cam phục vô cùng.”

“Hoàng huynh nói tiếng phục, tôi đây rất mừng, vậy tôi xin Hoàng huynh đừng tưởng đến nàng mặt nga mày liễu ấy, đặng gắng chí lo việc học hành, “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, ngày sau công thành danh toại rồi thì dầu châu lạc phương nào cũng về hiệp phố.

Hoàng Ngọc Ẩn thở dài một cái đoạn trả lời rằng: “Xin bạn an lòng, tôi nguyện nghe lời châu ngọc của bạn.”

“Thôi, đêm đà khuya khoắt rồi, tôi muốn đi nghỉ đặng mai dậy sớm mua đồ, trưa về ngủ một giấc, hầu tối xuống tàu quá giang về Vĩnh Long, kẻo thung huyên có lòng dựa cửa ngóng trông, nếu ham vui ở trên nầy chầy ngày thì lỗi đạo thần tỉnh mộ khan, trong lúc bãi trường chẳng đặng.”

“Nói vậy bạn tính về gấp, ý tôi chẳng bằng lòng đa. Hay là bạn giận tôi nên muốn phân tay cách mặt cho sớm?”

“Không không! Hoàng huynh đã có hứa với tôi rằng sẽ nghe lời tôi thì mừng lắm, có đâu mà giận mà phiền.”

Kế đó cả hai đàng vào phòng nghỉ an giấc điệp.

Đêm đó Hoàng Ngọc Ẩn mơ bóng tưởng hình nàng Lệ Thủy luôn luôn, chàng trằn trọc lăn qua lộn lại, lấy làm bức rức trong lòng, chàng muốn bỏ qua không nhớ đến, đặng giữ lời hứa với bạn, song nguyệt lão trớ trêu rải tơ cho chàng vướng cẳng, càng vẩy giụa lại thêm rối nùi. Lần lần khắc lụn canh tàn, phút chút lại nghe kiểng nhà thờ đổ làm lễ hừng đông, gà vịt phía sau chuồng rần rộ, con thời “cạp cạp” con đập cánh gáy ó o. Hoàng Ngọc Ẩn thổn thức trong lòng và ngực thì nhảy thụi thụi. Chàng than rằng:

“Có thấu ai ôi” Một tấm tình?

Dở ngồi dở đứng dở làm thinh,

Ruột tầm đoài đoạn vì ai đó,

Hồn bướm bơ vơ ngán nỗi mình.

In gối đoạn trường trăng nửa mảnh,

Não người ly biệt gió năm canh.

Nước non hai ngả lòng trăm mối!

Có thấu ai ôi! Một tấm tình?

Qua ngày sau vào khoảng 8 giờ tối Hoàng Ngọc Ẩn đi đưa Đỗ Hiếu Liêm xuống tàu Lục tỉnh. Hai người vốn là bạn đồng môn, nhưng thương yêu nhau như niềm cốt nhục; ấy cũng có duyên ly kỳ. Chẳng bao lâu đúng chín giờ, tàu súp-lê inh ỏi, hai đàng bịn rịn phân tay. Hoàng Ngọc Ẩn nói lời sau với Đỗ Hiếu Liêm rằng: “Gần ngày đi tựu trường, bạn hãy lên trước ít bữa chơi với tôi nghe bạn.”

Đỗ Hiếu Liêm đáp: “Được, tôi xin vưng, thôi từ giã bạc ở lại mạnh giỏi.”

“Bạn đi bằng an. Tôi kính gởi lời thăm hai bác ở nhà sức khỏe.” Tàu mở đỏi rút neo dời ra giữa dòng sông đoạn trở nên một vòng rồi nhắm lòng sông dung ruổi. Hoàng Ngọc Ẩn đứng trên cầu tàu ngó tàu lướt sông cho đến khi khuất dạng. Chàng đứng một mình ngùi ngùi tấc dạ, một chập thong thả ra về, nhắm đường Catinat rảo bước.

Khi đi được chừng một trăm thước tây, phút đâu chàng thấy đặng một cái xe hơi phía trên chạy xuống, sanh nghi nên dừng bước dựa lề đón ngó cho tạn mặt. Xe vừa chạy trờ tới chàng thấy rõ trên xe có một nàng đang ngồi với hai gã tuổi chừng bằng chàng ăn mặc rất sang trọng, chuyện cười vui vẻ. Nàng đó trên đầu có trùm một cái khăn choàng bằng hàng thưa và trắng như tuyết và lại có thêu bông chỉ vàng lộn bạc chớp nháng coi đẹp cực kỳ. Hoàng Ngọc Ẩn nhận quả nàng Lệ Thủy, vì chàng xem rất kỹ nên thấy trên đầu nàng còn băng bó, khăn choàng rất mỏng nên để lộ vải băng ra.

Xe cừa trờ tới, nàng Lệ Thủy day qua thấy Hoàng Ngọc Ẩn thì mặt biến sắc nàng lẹ tay nhận một cái nút thì đèn trên xe tắt liền. Hoàng Ngọc Ẩn xem số xe đặng đến sở tạo tác liền hỏi chủ xe đó nhà ở tại đâu nhưng mà đèn lái cũng tắt xem số không đặng, xe hơi chạy xuống gần đến bến tàu Lục tỉnh bèn quẹo qua phía tả nhắm đường vào vườn thú chạy thẳng. Hoàng Ngọc Ẩn đứng ngẩn ngơ nửa say nửa tỉnh, một chập sau chàng châu mày giậm cẳng và nói thầm: “Không xong nàng nầy đã có chồng rồi hoặc vốn là một ả lả lơi ong bướm, ta còn gì mà mơ tưởng.” Hoàng Ngọc Ẩn than dứt lời rồi nhắm đường cứ việc đi tới mà trở về nhà.

Chàng đi mà dường như đang nằm trên đống gai rêm nhức cả mình, còn dạ tê tái nói sao cho xiết. Lâu lâu chàng rút một cái khăn trong túi ra mà lau nước mắt đang rịn nhỏ. Thật đáng cho là một gã hữu tình quá nặng. Hoàng Ngọc Ẩn đi lầm lủi một nước về đến nhà. Chàng vào phòng và bước lại nằm sải tay chơn trên giường chớ không thay đồ, chàng ưu tư sầu não đến khi chàng tự hổ nghĩ ra biết mình là bợm đa tình thì đấm ngực bức tóc và nói thầm rằng: “Tệ nầy cho ta, Hoàng Ngọc Ẩn là bợm đa tình. Hoàng Ngọc Ẩn tệ đến nước nầy. Ôi! Đáng cho là khinh bỉ.”

Hoàng Ngọc Ẩn nói dứt lời đoạn ngồi dậy thay đồ rồi vào phòng để các thứ thuốc trong ve lớn ve nhỏ đủ thứ. Chàng lấy một cái ly để trên chính giữa một cái bàn tròn rồi lấy vài thứ thuốc bỏ lên cân riêng từ thứ, cân rồi chàng bỏ vào một cái ly có gạch đường (những đường nầy chỉ độ lượng từ bực của ly) và đổ nước vào có chừng. Vừa xong Hoàng Ngọc Ẩn lấy một chiếc đũa bằng chai thọc vào ly mà tán và khuấy cho đều kế đó hé miệng vào ly mà uống một hơi hết ráo cạn.

Hoàng Ngọc Ẩn uống ly thuốc vào đến bụng thì thấy tâm thần bải hoải tức tốc đầu của chàng thủng thẳng nặng lần, chàng ráng gượng đi lại giường mà nằm. Phút chút đôi mí mắt của chàng chằng xuống rồi nhắm lại trí chàng đê mê … chẳng còn biết chi cả.

(1) Đây là câu chuyển và câu kết trong bài thi “Hoa nguyệt vấn đáp”.

error: Content is protected !!