Những quan sát thực tế và các nghiên cứu độc học so sánh đã chứng minh rằng mức độ nhiễm độc trên người, cũng như ở động vật phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số lượng chất độc vào cơ thể, đặc tính của loài và giới tính, sức đề kháng của từng người, tuổi, trạng thái cơ thể và đặc biệt phụ thuộc vào tình trạng gan, thận và sự quen dùng các chất độc đó.
Khả năng nhạy cảm của một cơ thể đối với chất độc đặc biệt tùy thuộc từng loại, nghĩa là tùy theo chủng loại sinh vật khác nhau. Ví dụ, lá và độc dược độc đối với người nhưng lại không độc đối với thỏ. Đặc biệt, các động vật nhai lại (trâu, bo với kiểu tiêu hóa riêng, không bị nhiễm độc khi ăn phải một số loài cây độc nhất định. Sở dĩ như vậy, vì chính quá trình tiêu hóa đặc biệt trong dạ cỏ của con vật, chất độc đã bị phá hủy, biến đổi và làm mất tác dụng gây độc của chúng.
Khi ăn phải cùng một lượng chất độc như nhau nhưng mức độ ngộ độc lại rất khác nhau tùy thuộc vào trạng thái cơ thể của từng cá thể. Trẻ em dễ bị ngộ độc hơn người lớn. Người ốm yếu, mệt mỏi, người có thai dễ bị ngộ độc hơn người bình thường, khỏe mạnh. Ăn phải chất độc lúc đói dễ bị ngộ độc hơn và nặng hơn so với lúc no. Bởi vì, khi đói dạ dày trống rỗng, chất độc được hấp thụ dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn.
Triệu chứng ngộ độc có thể kéo dài, làm cho người hay súc vật bị mòn mỏi, tiêu hao dần sức khỏe, hoặc xẩy ra kịch liệt trong khoảnh khắc, đe dọa đến tính mạng của nạn nhân.
Biểu hiện ngộ độc bởi cây độc rất đa dạng và phức tạp. Về tính độc, cây độc được phân loại theo ảnh hưởng của chúng trên từng hệ chức năng trong cơ thể người và động vật.
- Cây gây độc đối với hệ thần kinh
- Cây gây độc đối với hệ tiêu hóa
- Cây gây độc đối với hệ tim mạch
- Cây gây độc đối với hệ hô hấp
- Cây gây độc đối với hệ bài tiết
- Cây gây độc đối với da, niêm mạc
Ngoài ra, còn một số cây độc gây ảnh hưởng tới quá trình trao đổi khí trong cơ thể. Điển hình là các cyanoglycosid ở một số cây họ đậu, sắn, măng, … Khi vào cơ thể chúng giải phóng acid cyanhydric, làm ngăn cản sự trao đổi oxy ở hồng cầu, làm cho nạn nhân bị “ngạt”, tím tái và chết do thiếu oxy.
Điều cần đặc biệt lưu ý là một số chất độc được đào thải qua sữa. Vì vậy, khi người mẹ đang cho con bú mà bị nhiễm độc thì đứa trẻ bú sữ mẹ cũng bị nhiễm độc theo. Điều này cũng đúng đối với mọi động vật có vú.