Tên khác: Cây trước đào, giáp trúc đào.
Tên khoa học: Nerium oleander L., Họ Trúc đào (Apocynaceae).
Mô tả
Cây nhỡ, thường cao 2-3 m, có thể tới 4-5 m. Cành non có 3 cạnh. Lá đơn mọc vòng, mỗi mấy thường có 3 lá. Mép lá nguyên, phiến lá hình mũi mác hẹp, cứng. Mặt trên lá màu lục thẫm, mặt dưới nhạt hơn. Gân bên xếp song song đều đặn hai bên gân giữa. Toàn cây có nhựa mủ trắng. Cụm hoa ở đầu cành, gồm nhiều hoa màu hồng, đỏ hay trắng, không thơm. Quả gồm hai đại, trong chứa nhiều hạt mang mào lông màu hung ở một đầu.
Nơi mọc
Cây có hoa đẹp nên thường được trồng làm cảnh ở các vườn hoa, công sở, hoặc gia đình.
Bộ phận độc và chất độc
Toàn cây có chất độc. Lá có các glycosid độc với tim, chủ yếu là oleandrin (còn gọi là neriolin) với tử lệ 0,7-1 phần ngàn. Đây là chất có tác động mạnh đối với tim. Nếu dùng đúng liều quy định thì có tác dụng trợ tim, ngược lại, dùng quá liều sẽ gây ngộ độc. Ngoài ra còn neriin, neriantin, …
Triệu chứng ngộ độc
Sau khi chất độc vào cơ thể 10-15 phút thì gây nôn mửa dữ dội, sau đó mệt lã, có khi nhức đầu, chóng mặt, đau bụng. Ngộ độc nặng hơn thì có thể trụy tim mạch, không đo được huyết áp, có khi hôn mê. Đặc biệt có rối loạn nhịp tim nghiêm trọng như ngoại tâm thu, nhịp chậm và không đều. Nếu ngộ độc rất nặng thì có hiện tượng rung thất, nghe tim không thấy có tiếng đập, mạch và huyết áp đều không có, hội chứng thiếu oxy não. Nếu không xử lý kịp thời thì nạn nhân sẽ chết.
Giải độc và điều trị
– Loại bỏ ngay chất độc ra khỏi cơ thể bằng cách rửa hay hút dạ dày.
– Chữa triệu chứng. Tiêm dưới da atropin liều mạnh (0,5-1 mg, tức 4 ống x 0,25mg). Nếu nhịp tim vẫn chậm, có thể tiêm lần thứ hai sau 1-2 giờ (cũng 1mg).
Chú thích
– Theo tài liệu nước ngoài thì bò, ngựa ăn phải lá trúc đào tươi cũng bị ngộ độc. Người ăn thịt súc vật bị chết vì lá trúc đào cũng bị ngộ độc theo.
– Chất độc ở cây trúc đào không bị phá hủy khi đun sôi và cả khi phơi, sấy khô.
– Hoa trúc đào cũng độc, nhưng lượng chất độc thấp hơn so với các bộ phận khác.
– Có nơi dùng lá giã nhỏ, đắp để chữa ghẻ hoặc nấu nước đặc để rữa, nhưng rất nguy hiểm, có thể bị ngộ độc. Không nên dùng lá trúc đào chữa bịnh ngoài da.
– Có nơi dùng bột vỏ thân cây trúc đào để đánh bả chuột, chế thuốc trừ sâu.
– Không trồng cây trúc đào ở cạnh nguồn nước ăn (giếng, bể nước, …) vì lá, hoa trúc đào rụng xuống làm nhiễm độc nước.