90 – Thuốc phiện

Tên khác: Cây anh túc, a phiến, a phù dung.

Tên khoa học: Papaver somniferum L., Họ Thuốc phiện (Papaveraceae).

Mô tả

Cây thảo, mọc hàng năm, cao khoảng 1m, hay hơn, ít phân cành. Lá mọc so le. Gốc lá ôm lấy thân. Mép lá chia thùy không đều và có khía răng. Lá phía gốc chia thùy nhiều hơn lá phía ngọn. Hoa to, màu trắng, đỏ hay tím, cuống dài, mọc đơn độc ở đầu thân hay cành. Hai lá đài màu xanh, rụng khi hoa nở, 4 cánh hoa nhàu nát. Nhiều nhị. Bầu trên một ô, vòi ngắn. Núm nhụy hình đĩa có những tia tỏa tròn rất đặc biệt. Quả là một nang hình cầu, dài 4-6 cm, đường kính 3-5 cm, nhẵn có khía dọc. Quả xanh có nhựa mủ (chảy ra khi khía rạch vỏ; dùng để chế thuốc phiện). Quả già có những lỗ nhỏ mở ngay dưới núm nhụy để hạt thoát ra ngoài khí chín. Quả có rất nhiều hạt nhỏ hình thận.

Nơi mọc

Cây được trồng ở các vùng núi cao và m1t ở nước ta và nhiều nước khác như Lào, Thái Lan, Myanma, nam Trung Quốc, Ấn Độ., …

Bộ phận độc và chất độc

Toàn cây có chất độc đối với gia súc và người. Trong cây, đặc biệt trong quả có nhiều alcaloid như morphin, codein, narcotin, narcein, papaverin, v.v … Các chất này đều độc và gây nghiện đối với người.

Triệu chứng ngộ độc

 1. Cao thuốc phiện cũng như morphin, nếu dùng quá liều sẽ bị ngộ độc. Ngộ độc cấp tính xuất hiện sau 15 phút hay nửa tiếng. Đầu tiên là giai đoạn kích thích ngắn, Nạn nhân buồn nôn và nôn, người có cảm giác nóng, mạch nhanh. Sau đó buồn ngủ, thở dài rồi ngủ say và không có phản ứng với sự kích thích; mất phản xạ (kể cả phản xạ mắt và nuốt). Thở chậm, nhịp thở không đều, da tím tái, … Nạn nhân chết do ngừng thở trong vòng 2-30 giờ sau khi ngộ độc.

Ngộ độc trường diễn (nghiện) thường gặp ở những người nghiện thuốc phiện hoặc nghiện morphin lâu ngày. Người nghiện suy sụp về sức khỏe, da xám chì, người gầy, mặt hốc hác, đi không vững, nói lung tung, ăn không ngon, tiêu hóa kém, có thể chết do trụy tim.

 2. Gia súc (ngựa, trâu, bò, cừu,…) ăn phải cây này sẽ bị ngộ độc. Bò mẹ bị nhiễm độc thì bò con bú sữa mẹ cũng bị ốm. Triệu chứng ngộ độc xuất hiện sau khi ăn vài giờ. Đầu tiên thấy hưng phấn, sau đó bị ức chế. Ở giai đoạn ức chế, ngựa đứng ủ rũ, nhắm mắt, da khô, thở sâu, giãn đồng tử, đi loạng choạng. Ở động vật có sừng, ngộ độc thường biểu hiện hưng phấn mạnh, hoảng sợ, kêu rống, nghiến răng, co giật từng phần hoặc toàn thân.

Giải độc và điều trị

 1. Đối với gia súc: Rửa dạ dày, dùng chất hấp phụ hoặc kết tủa các alcaloid. Khi có hiện tượng ức chế mạnh thì dùng thuốc kích thích. Nếu khó thở thì dùng atrophin hoặc lobelin. Khi hưng phấn quá thì làm lạnh đầu gia súc.

 2. Đối với người: Khi ngộ độc cấp, cần cho uống than hoạt, hoặc các dung dịch làm cho alcaloid kết tủa như tanin, lugol. CHo uống dung dịch thuốc tím 2 phần ngàn để làm mất tác dụng của morphin. Tiêm tĩnh mạch nalorphin với liều 0,005-0,01 g mỗi lần, không dùng quá 0,04g (để làm mất tác dụng tê liệt của morphin trên hệ hô hấp, là nguyên nhân gây chết trong ngộ độc cấp). Ngoài ra, còn có thể dùng các thuốc kích thích hô hấp như cafein, theophylin, niketamid,…

Nếu cần, cho thở oxy và làm hô hấp nhân tạo.

Đối với người nghiện thì trước hết phải giảm dần lượng hút và đưa đi điều tri75 ở những cơ sở cai nghiện ma túy.

Chú thích

Cao và các hoạt chất của cây thuốc phiện là thuốc độc gây nghiện. Khi dùng phải thận trọng và tuân theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc. Không dùng cho trẻ em dưới 5 tuổi.

error: Content is protected !!