Tên khoa học: Nicotiana rustica L., Họ Cà (Solanaceae).
Mô tả
Cây thảo mọc hàng năm, cao chừng 1m. Toàn cây có lông dính. Lá to, mọc so le, cuống dày. Phiến lá hình trứng, đầu nhọn, to và dày hơn lá cây thuốc lá. Cụm hoa là một chùy ở ngọn thân hay cành. Cánh hoa màu vàng, dính liền nhau thành ống ở dưới, phía trên chia thùy tròn, ngắn. Quả nang, hình trứng hoặc gần hình cầu, có đài tồn tại bọc ở ngoài, chứa nhiều hạt nhỏ màu đen.
Nơi mọc
Cây được trồng khắp nơi, lấy lá làm thuốc hút (thuốc lào). Có nhiều ở vùng Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng.
Bộ phận độc và chất độc
Toàn cây, đặc biệt là lá vàng úa. Trong cây có các alcaloid độc, chủ yếu là nicotin (hàm lượng thay đổi từ 2-10%, có thể tới 16%). Ngoài ra, còn có nornicotin, nicotirin, anabasin, v.v…
Triệu chứng ngộ độc
Độc vật có sừng ăn phải cây này sẽ bị ngộ độc (có lẽ vì chúng không sợ mùi hắc của lá nên dễ ăn nhầm một lượng lớn). Biểu hiện ngộ độc xuất hiện sau vài giờ như nôn mửa, chảy nước dãi, ỉa chảy, co giật, run toàn thân, giãn đồng tử, khó thở, rối loạn nhịp tim. Nếu ngộ độc nặng thì chết rất nhanh. Súc vật bị ngộ độc nhẹ cũng ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe, suy nhược toàn thân.
Giải độc và điều trị
Loại chất độc ra khỏi dạ dày. Cho uống tanin hoặc chất có chứa tanin, hoặc chất hấp thụ nicotin. Tiếp theo, điều trị triệu chứng, tùy theo trạng thái ngộ độc và thể trạng của con vật.
Chú thích
– Ở nước ta, cũng như nhiều nước khác, còn trồng nhiều cây thuốc lá (Nicotiana tabacum L., cùng họ). Cây này trông rất giống cây thuốc lào, nhưng lá nhỏ và mỏng hơn, cũng có các chất độc như cây thuốc lào và dùng phổ biến hơn.
– Thụt nước hãm của 15-20 g thuốc là đủ làm chết một người lớn, trẻ em chỉ cần vài gam. Với nicotin, chỉ cần khoảng 60mg có thể gây chết người. Các nhà khoa học đã xác định trong khói thuốc lá có khoảng 600 chất có hại cho cơ thể. Trong đó có những chất nguy hiểm, dễ gây ra bịnh nhồi máu cơ tim và ảnh hưởng không tốt đến tuần hoàn, hô hấp, đường ruột và hệ thống bài tiết. Nếu mỗi ngày hút 20 điếu thuốc lá, thì trong 20 năm người hút thuốc đã đưa vào cơ thể khoảng 6kg bụi khói.
– Theo kinh nghiệm dân gian, thuốc lào, thuốc lá thường dùng để đắp vào các vết thương, đứt tay, chân để cầm máu. Ngoài ra, còn dùng chữa rắn, rết, côn trùng cắn và trừ rệp.
– Trong nông nghiệp, vụn thuốc lào, thuốc lá được ngâm vào nước, lấy nước làm thuốc trừ sâu. Cần chú ý đề phòng ngộ độc cho người sử dụng.