84 – Thần linh

Tên khoa học: Excoecaria oppositifolia Griff., Họ Thầu Dầu (Euphorbiaceae).

Mô tả

Cây gỗ, cao 4-10 m. Lá mọc đối. Phiến lá hình mũi mác đến bầu dục thuôn, dài 15-25 cm, rộng 5-10 cm. Mép lá có răng cưa. Gân lá hình lông chim với 14 đôi gân bên. Cụm hoa đực là một bông dài 7-16 cm ở nách lá. Hoa đực có 3 đài, 3 nhị. Hoa cái đơn độc ở đầu cành, trên một cuống dài 10-15 mm. Có 3 đài. Bầu hình trứng dài 6mm, có 3 vòi. Quả nang hình cầu, đường kính 4-5 cm, hơi thót lại ở phía trên, có 6 rãnh. Đỉnh quả còn chân vòi tốn tại. Hạt hình cầu, đường kính 12-15 mm.

Nơi mọc

Cây mọc hoang ở các thung lũng núi đá vôi trên khắp nước ta. Thường gặp ở Sơn La (Hát Lót, Mai Sơn) và vùng Đồng Nai (núi Lu, Biên Hòa). Ngoài ra, còn có ở Campuchia, Ấn Độ.

Bộ phận độc và chất độc

Nhựa mủ có chứa chất độc.

Triệu chứng ngộ độc

Khi nhựa dính vào mắt sẽ gây xung huyết mạnh và rất bỏng giác mạc. Nếu bị nặng và không được điều trị kịp thời có thể bị mù hoặc ít nhất cũng bị giảm thị lực.

Giải độc và điều trị

Xử lý như trường hợp bị ngộ độc do nhựa mủ cây giá (xem Cây giá)

Chú thích

 – Cùng chi này, ở miền Nam nước ta còn có cây mặt quỷ hay dị liễu, còn gọi là đơn mặt trời, hay đơn đỏ (E. cochinchinensis Lour.). Cây này được dùng chữa tiêu chảy, lỵ; cũng có nhựa mủ độc, dùng để duốc cá. Chú ý không để nhựa mủ dính vào mắt.

 – Tránh nhầm lẫn cây thành linh với cây mức trâu lá nhỏ hay thần linh lá quế (Kibatalia laurifolia (Ridl.) Woods.), họ Trúc đào. Cây này mọc ở Gia Lai, Kontum, Đắk Lắck, Nha Trang, Quảng Trị. Nhiều nước đang nghiên cứu sử dụng, vì có chứa các alcaloid quý.

 – Cũng tránh nhầm với cây thần linh lá to (Kibatalia macrophylla (Pierre) Woods.), cùng họ Trúc đào, đã gặp ở Thanh Hóa và nhiều nơi khác ở Việt Nam.

error: Content is protected !!