Tên khác: Cây hột mát, cây duốc cá, mác bát (Thổ).
Tên khoa học: Millettia ichthyochtona Drake, Họ Đậu (Fabaceae).
Mô tả
Cây gỗ cao 5-10 m. Lá kép hình lông chim lẻ, mọc so le, gồm 5-9 lá chét, rụng vào mùa đông. Hoa trắng mọc thành chùm ở kẽ lá và đầu cành. Hoa nở vào mùa xuân trước khi cây ra lá mới. Quả loại đậu, dài 10-14 cm, rộng 2,5-3 cm. Nửa đầu của quả phình to đột ngột làm cho quả có hình lưỡi dao. Giáp với cuống quả có một đoạn cuống giả dài 1-1,5 cm, do phần gốc bầu không phình to mà thành. Mỗi quả chỉ có một hạt hình bầu dục dẹt, dài 17-23 mm, rộng 14-15 mm, màu nâu nhạt.
Nơi mọc
Đây là loài cây đặc hữu của miền Bắc nước ta. Cây thường mọc hoang ở các vùng núi đá vôi như Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, v.v… Một số nơi trồng để lấy bóng mát.
Bộ phận độc và chất độc
Hạt có chứa khoảng 39% dầu béo, và các chất độc như rotenon, sapotoxin. Rotenon rất độc đối với cá.
Chú thích
1 – Nhân dân ta thông thường dùng hạt giã nhỏ, thả xuống nước để duốc cá, hoặc ngâm lấy nước (10-20%) để làm thuốc trừ sâu.
2 – Theo kinh nghiệm dân gian, có nơi dùng hạt giã nhỏ để làm thuốc ghẻ. Cần thận trọng khi sử dụng.
3 – Cùng chi Millettia, ở Việt Nam còn có các loài sau đây cũng độc:
+ Millettia eberhardtii Gagnep. (cây cổ dải, cây bả ruồi, cây dấy). Cây gỗ, cao 7-10 m. Vỏ thân màu xám mốc, sần sùi. Lá kép hình lông chim, có 5-9 lá chét. Lá chét non màu hồng tím, sau xanh lục. Phiến lá chét hình bầu dục, thuôn, dài 5-7 cm, rộng 2-3 cm, cuống ngắn. Hoa màu trắng. Cụm hoa mọc thành chùm, tập trung ở đầu cành. Quả hình dao, đầu nhọn, mặt ngoài có lông màu vàng nâu nhạt.
Cây mọc hoang ở núi đá hay núi đất thuộc các tỉnh Hà Nam (Thanh Liêm), Vĩnh Phúc (Kim Lăng), Tuyên Quang (Chiêm Hóa). Vỏ cây (tươi hay khô) giã nhỏ, trộng với ít nước cơm hoặc cháo loãng, làm thuốc bả ruồi. Ăn phải, ruồi chết nhanh do rotenon.
+ Millettia pachyloba Drake (dây mật). Cây mọc tự nhiên ở Đắk Lắk (Buôn Ma Thuộc). Lá dùng làm thuốc diệt sâu, rệp.
+ Millettia thorelli Gagnep. Vỏ cây có chất độc. Đã có trường hợp bị chết do dùng vỏ cây này để ăn trầu.
4 – Rừng Việt Nam có cây hột mát hay săng mây (Antheroprorum pierrei Gagnep). Hạt cũng dùng duốc cá.