Tên khác: Cây sòi trắng, sòi nhuộm.
Tên khoa học: Sapium sebiferum (L.) Roxb., Họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Mô tả
Cây gỗ nhỏ. Cao khoảng 5-7 m. Cành non màu xanh. Lá đơn, mọc so le, có lá kèm nhỏ. Phiến lá hình thoi rộng, đầu lá nhọn, gốc lá gần tròn, dài 3-6 cm, rộng 2-6 cm. Cuống lá mảnh, dài 2,5-4 cm. Gốc phiến lá, nơi giáp với cuống lá, có hai tuyến nhỏ. Hoa đơn tính cùng gốc, tụ họp thành bông dài 6-12 cm ở đầu cành. Hoa đực ở đầu bông, hoa cái ở phía dưới. Quả nang hình cầu, đường kính 12-15 mm, có 3 ô, mỗi ô chứa một hạt màu đen. Trên vỏ hạt có lớp sáp màu trắng.
Nơi mọc
Cây mọc hoang và được trồng khắp nơi trong nước ta, thường ở ven rừng, ven đường và các bãi hoang. Ngoài ra, còn có ở Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.
Bộ phận độc và chất độc
Lá, quả, hạt và nhựa mủ của cây có chất độc. Lá có chất kaempferol, acid galic. Vỏ thân chứa acid sebiferic … Dùng gổ sòi làm thớt thái thức ăn cũng có thể bị ngộ độc. Quanh hạt có một lớp sáp (khoảng 20% khối lượng hạt). Nhân hạt có 20-50% dầu béo.
Triệu chứng ngộ độc
Ăn phải hạt sòi thường bị đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy, khô miệng. Cũng có thể bị đau đầu, hoa mắt, ù tai. Trường hợp nặng thì ho, ngứa họng, ra mồ hôi.
Giải độc và điều trị
Rửa dạ dày. Nếu cần, gây ỉa chảy. Uống than hoạt, nước muối nhạt hoặc tiêm truyền huyết thanh. Điều trị tại chỗ: Dùng thuốc giảm đau (uống 10ml rượu thuốc cà độc dược 5% hoặc atropin), châm các huyệt thượng quản, trung quản, túc tam lý. Nếu hệ tuần hoàn suy kiệt, dùng thuốc hưng phấn.