77 – Ô đầu

Tên khác: Củ gấu tàu, củ ấu tàu, củ gấu rừng, phụ tử.

Tên khoa học: Aconitum fortunei Hemsl., Họ Hoàng liên (Ranunculaceae).

Mô tả

Cây thảo, mọc đứng, cao 0,60-1 m, có lông ngắn. Lá cây non có phiến guyên, gần hình tim, méo khía răng cưa thô. Lá cây trưởng thành dài, rộng khoảng 6-7 cm, chia 3 thùy không đều, méo khía răng cưa nhọn. Cụm hoa là một chùm dài 5-15 cm ở ngọn thân, mang nhiều hoa to màu xanh tím, hình dạng đặc biệt. Lá đài sau có bình mũ sắt. Quả gồm 5 đại rời nhau, mỗi đại dài khoảng 20mm. Hạt dài 4mm, rộng 3mm, đên ngoài có vẩy. Dưới gốc có các rễ củ hình con quay màu đen, dài chừng 5cm, rộng 2-3 cm, hợp thành chuỗi.

Nơi mọc

Cây mọc hoang và được trồng ở các vùng núi cao và mát ở các vùng sát biên giới phía Bắc nước ta như Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Nghĩa Lộ, v.v…

Bộ phận độc và chất độc

Tất cả các phần của cây đều có chất độc, đặc biệt là rễ củ. Rễ củ còn được dùng làm thuốc với tên ô đầu (rễ củ chính, chưa chế biến) và phụ tử (rễ củ phụ, hình thành từ rễ con, đã chế biến).

Trong cây có alcaloid chính, rất độc là aconitin (độc Bảng A) với hàm lượng từ 0,17-0,28% và một số chất khác như mesaconitin,hypaconitin, neolin, v.v…

Triệu chứng ngộ độc

Đầu tiên có cảm giác kim châm và kiến bò ở đầu ngón tay, cánh tay và chân, đôi khi co giật ở mặt và bị liệt cơ mặt. Tiếp đò nạn nhân cảm thấy lạnh, nhiệt độ cơ thể hạ, mất cảm giác, có biểu hiện liệt tay chân, khó thở, chóng mặt, ù tai. Phần lớn trường hợp người bị ngộ độc bị viêm dạ dày – ruột. Cuối cùng có các triệu chứng rối loạn nhịp tim và hô hấp, dẫn đến mê man và chết.

Aconitin, với liều 1mg có thể gây độc nặng, liều 2-3 mg đủ làm chết một người lớn.

Động vật bị ngộ độc (như cừu) thì chảy nước dãi, nước mũi, đái và ỉa liên tục, bước đi lọang choạng, rối loạn tuần hoàn và hô hấp, co giật, cuối cùng chết do ngừng thở.

Giải độc và điều trị

Cần loại chất độc ra khỏi cơ thể và phá hủy chất aconitin. Cho uống dung dịch lugol. Sưởi ấm cho nạn nhân và chữa các triệu chứng. Cho nạn nhân thuốc trợ tim, khi cần cho thở oxy và làm hô hấp nhân tạo.

Chống co giật bằng cách cho uống thuốc ngủ barbituric.

 – Ở Trung Quốc, người ta dùng nước ép cây chuối sen cạn (Địa kim liên – Ensete lasiocarpum E.E. Cheesman, họ Chuối) để giải độc ô đầu. Ở Việt Nam có cây chuối hoa sen (Tượng thoái tiêu – Ensete glaucum (Roxb.) E.E. Cheesman), người Mường ở Mai Châu (Hòa Bình) dùng nước ép chữa mẩn ngứa, mụn nhọt. Chưa có tài liệu nói về tác dụng giải độc ô đầu, phụ tử.

Chú thích

 – Ô đầu, phụ tử là vị thuốc được dùng trong y học cổ truyền ở nước ta. Người ta thường dùng rễ củ ngâm rượu để xoa bóp chỗ nhức mỏi, tê bại chân tay, sai khớp. Không được uống. Chai ngâm thuốc này phải dán nhãn cẩn thận để tránh dùng nhầm. Đây là rượu độc. Khi dùng phải hết sức thận trọng.

error: Content is protected !!