73 – Náng

Tên khác: Cây lá náng, náng hoa trắng, tỏi lơi.

Tên khoa học: Crinum asiaticum L., Họ Thủy tiên (Amaryllidaceae).

Mô tả

Cây thảo, có thân hành to hình trứng dài 12-15 cm, đường kính tới 10cm hoặc hơn. Nhiều lá hình phiến, mọc từ thân hành, dài tới 1m, rộng 5-10 cm. Ngọn lá nhọn. Gân lá song song. Cụm hoa ở đầu một cán to bằng ngón tay, dẹt, dài 40-60 cm, mang nhiều hoa to, trông như một tán. Hoa có mùi thơm, mẫu 3. Lá đài và cánh hoa giống nhau, màu trắng, 6 nhị, chỉ nhị đỏ. Quả nang gần hình cầu.

Nơi mọc

Cây mọc hoang ở những nơi ẩm ướt khắp nước ta. Đồng thời cũng được trồng để làm cảnh.

Bộ phận độc và chất độc

Toàn cây, chủ yếu ở thân hành, có chất lycorin (là một alcaloid, có công thức C16H17NO4) crinamin, crinasiadin và một số hợp chất kiềm có mùi hắc, hôi như tỏi.

Triệu chứng ngộ độc

Người ăn phải thường bị nôn mửa, đau bụng, ỉa chảy, mạch nhanh, hô hấp không đều, sốt cao. Động vật ăn với số lượng ít sẽ bị chảy nước dãi, ăn nhiều sẽ bị tê liệt thần kinh và có thể chết.

Giải độc và điều trị

Rửa dạ dày kịp thời, uống nước trà đặc hoặc dung dịch acid tanic 1-2%. Gây ỉa chảy. Cho uống nước đường, nước muối loãng hoặc tiêm truyền huyết thanh. D)iều trụ triệu chứng bị co giật thì cho thuốc trấn tĩnh: bị ngất thì cho ngửi amoniac, giữ ấm. Theo kinh nghiệm, có nơi cho uống dấm pha nước gừng (tỷ lệ 2:1) để giải độc.

Chú thích

 – Theo kinh nghiệm dân gian, người ta thường dùng lá náng hơ nóng để đắp và bóp chỗ bị bong gân, sưng tấy do ngã hay bị đánh.

 – Có thể dùng nước ép của thân hành làm thuốc gây nôn. Cho uống từng ít một, đến khi nôn được. Chú ý đề phòng ngộ độc.

error: Content is protected !!