72 – Mướp sác

Tên khác: Mướp xát, mướp xác vàng.

Tên khoa học: Cerbera odollam Gaertn., Họ Trúc đào (Apocynaceae).

Mô tả

Cây nhỡ hay to, thường cao 4-6 m. Vỏ thân và cành dày, xù xì, gỗ mềm. Lá mọc so le. Phiến lá hình mũi mác hẹp, dài 15-30 cm, rộng 3-6 cm. Ngọn lá và gốc lá nhọn. Cụm hoa là một xim ở ngọn cành, xòe rộng 4-5 cm, mang nhiều nụ và hoa màu trắng. Hoa có 5 cánh dính liền nhau ở phía dưới tạo thành ống. Mặt trong ống có lông, 5 nhị đính ở gần giữa ống tràng. Họng tràng màu vàng. Quả hạch đơn độc, hình cầu, vỏ quả màu lục nhạt, có 2 ô. Hạt màu xám nhạt, dài 3-3,5 cm, rộng 2-2,5 cm. Toàn cây có nhựa mủ trắng như sữa.

Nơi mọc

Cây mọc hoang theo đường làng vùng ven biển hoặc các kênh, rạch nước lợ. Thường gặp ở miền Trung, miền Nam nước ta và Campuchia. ít gặp ở miền Bắc và Lào. Ngoài ra còn có ở Trung Quốc (Hải Nam), Đài Loan, Ấn Độ và châu Đại Dương.

Bộ phận độc và chất độc

Trong hạt có chứa các glycosid độc đối với tim, chủ yếu là cerberin (khoảng 0,08-0,16%), cerpain, neriifolin, thevetin B … Nhựa mủ có tác dụng tẩy mạnh. Ngoài ra, nhân hạt còn có khoảng 50% chất dầu béo màu vàng tươi, không khô đốt cháy sáng. Lá, nhựa mủ và đặc biệt dầu hạt đều độc và có tác dụng tẩy mạnh.

Triệu chứng ngộ độc

Khi bị ngộ độc do hạt mướp sác cũng có các triệu chứng tương tự như ngộ độc lá trúc đào.

Giải độc và điều trị

Cách giải độc và điều trị cũng tương tự như bị ngộ độc lá trúc đào.

Chú thích

 – Ở Philippin và Tân Caledoni dùng hạt để duốc cá. Tại Myanma người ta dùng dầu hạt nôi chữa ngứa ngoài da. Vỏ cây mướp sác được dùng làm thuốc tẩy, có nơi dùng lá.

 – Thuộc chi này, ở nước ta còn một loài nữa là mướp xác hường (Cerbera manghas L.), cũng độc. Cây này có đặc điểm như sau; chỉ nhị đính gần họng tràng, gốc các thùy của tràng hoa màu đỏ gạch, quả hình trứng.

error: Content is protected !!