60 – Lá ngón

Tên khác: Co ngón, đoạn trường thảo, thuốc rút ruột.

Tên khoa học: Gelsemium elegans Benth., Họ Mã Tiền (Loganiaceae).

Mô tả

Cây bụi leo. Thân nhỏ có nhiều cành mảnh, gỗ màu vàng. Lá mọc đối. Phiến lá mềm, hình trứng dài 7-12 cm, rộng 2,5-5,5 cm. Đầu lá nhọn. Gốc lá tròn. Thân và lá đều nhẵn. Cụm hoa là một xim ở nách lá hay đầu cành. Cánh hoa màu vàng dài 1-1,5 cm và phần dưới hợp thành ống. Quả nang, dài 1cm, rộng 0,5cm. Hạt có cánh mỏng.

Nơi mọc

Cây mọc hoang khá phổ biến ở vùng rừng núi nước ta, thường ở ven rừng hoặc bãi hoang từ Bắc đến Nam. Ngoài ra, còn thấy ở Lào (Xiêng Khoảng, Savannakhét, Saravan) và Campuchia (Xiêm Riệp, Công Pông Chàm).

Bộ phận độc và chất độc

Toàn cây có alcaloid độc. Các chất chính là gelsemin, koumicin, kouminidin và koumin v.v… Độc nhất là rễ và lá non. Chỉ cần ăn phải 3 lá kèm theo chén rượu là đủ làm chết một người lớn sau vài giờ.

Triệu chứng ngộ độc

Nạn nhân thấy khát nước, sốt, đau rát họng, đau bụng, nôn mửa, tiếp theo là hoa mắt, răng cắn chặt, sủi bọt mép, hạ thân nhiệt, hạ huyết áp, hô hấp chậm rồi chết.

Giải độc và điều trị

Phải cấp tốc loại chất độc ra khỏi cơ thể bằng cách gây nôn ra và rửa dạ dày – ruột.

Theo kinh nghiệm cổ truyền, cho uống thật nhiều nước sắc cam thảo.

Tiêm truyền huyết thanh mặn hay ngọt, giữ ấm cơ thể. Nếu hạ huyết áp thì tiêm ephedrin. Khó thở thì tiêm niketamit, cho thở oxy hoặc làm hô hấp nhân tạo. Đau bụng thì dùng thuốc giảm đau.

Chú thích

Cây này chỉ được dùng với mục đích đầu độc, không dùng làm thuốc. Tránh nhầm lẫn với cây vằng, còn gọi là cây chè vằng (Jasminum subiriplinerve Bl., họ Nhài), có hoa trắng, lá nhỏ hơn, và dày hơn, quả mọng, hạt không có cánh. Theo kinh nghiệm, một số nơi dùng lá chè vằng để nấu nước uống chữa kiết lỵ và dùng cho phụ nữ sau khi đẻ.

error: Content is protected !!