Tên khác: Cây huệ rừng, cây bả chuột, xương quạt, lâm nữ (miền Nam).
Tên khoa học: Dianella ensifolia (L.) DC., Họ Hương Bài (Phormiaceae)
Mô tả
Cây thảo, sống nhiều năm, cao 0,5-1m, có thân rễ nằm ngang. Lá hẹp hình dải, dài 40-70 cm, rộng 1,5-3 cm, mọc so le xếp thành hai dãy như lá cây rẻ quạt. Cụm hoa mang nhiều hoa màu trắng, vàng nhạt hay tím nhạt. Bao hoa có 6 mảnh rời. Lá đài và cánh hoa gần giống nhau, 6 nhị. bầu trên, hình cầu, chia 3 ô. Quả mọng hình cầu, đường kính 1cm. Mỗi ô chứa 1-3 hạt tròn.
Nơi mọc
Cây mọc hoang phổ biến trong rừng ở nước ta. Một số nơi có trồng để lấy rễ làm hương thắp (Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh).
Bộ phận độc và chất độc
Toàn cây. Thân rễ và rễ có tinh dầu mùi thơm nhẹ.
Triệu chứng ngộ độc
Gia súc ăn phải nhiều, sẽ bị ngộ độc. Người ăn phải thường thấy khó thở, đau bụng, có thể chết do ngừng thở.
Giải độc và điều trị
Gây nôn, rửa dạ dày để loại chất độc ra khỏi cơ thể. Áp dụng các phương pháp cấp cứu ngộ độc cấp tính chung (xem phần Đại cương).
Chú thích
– Theo kinh nghiệm dân gian, một số địa phương lấy rễ cây hương bài giã nát, vắt lấy nước tẩm vào gạo, phơi khô. Làm như vậy 3 lần. Sau đó rang gạo thơm để bả chuột (vì vậy mà có tên là cây bả chuột).
– Không nhầm với cỏ hương bài (Vetiveria zizanoides (L.) Nash., họ Lúa (Poaceae). Rễ cây này có tinh dầu thơm, dùng làm thuốc và hương liệu.