55 – Hồi núi

Tên khác: Hồi đá vôi, mubu (Hmông).

Tên khoa học: Illicium difengpi B.N. Chang. Họ Hồi (Illiciaceae).

Mô tả

Cây gỗ cao 8-15 m. Lá nguyên, hình mác, dài khoảng 8cm, rộng khoảng 3cm, nhẵn và da, mọc so le, nhưng thường tập trung 4-5 lá ở đầu cành trông giống như mọc vòng. Cuống lá dài 8-10 mm. Hoa màu hồng đỏ, mọc đơn độc ở kẽ lá. Quả gồm 10-13 đại được hình thành từ các lá noãn rời, mọc tỏa tròn theo hình nan hoa bánh xe. Đầu mỗi đại có một mỏ nhọn, cong về phía đỉnh quả như lưỡi liềm.

Nơi mọc

Cây mọc hoang ở các vùng rừng núi nước ta (Lạng Sơn, Hòa Bình, Tây Bắc, …) và một số nước khác như Malaysia, Ấn Độ, Myanma, Lào, Trung Quốc.

Bộ phận độc và chất độc

Quả và tinh dầu của quả có chất độc (chưa được xác định). Mùi tinh dầu này không giống mùi hồi dùng làm thuốc (I.verum).

Triệu chứng ngộ độc

Nôn mửa, chảy nước dãi, rát họng, đau bụng, lạnh chân tay, …

Giải độc và điều trị

Theo phương pháp giải độc cấp tính chung.

Chú thích

 – Quả hồi làm thuốc (của cây Illicium verum Hook. f.) thường có 8 đại, do đó còn được gọi là bát giác hồi hương hay đại hồi. Tuy vậy, cũng có 1-8% số quả có 11-13 đại, nhưng đầu các đại này không có mỏ nhọn cong hình lưỡi liềm. Cần chú ý phân biệt.

 – Ở Việt Nam còn một số loài “hồi núi” khác như:

  • I. majus Hook. f et Thoms. (hồi lớn) có ở Fanxipan, quả có 14-15 đại;
  • I. parviflorum Merr. có ở Vườn quốc gia Bạch Mã;
  • I. peninsulare A.C. Smith có ở Yên Bái, Quảng Nam, Kon Tum.

error: Content is protected !!