50 – Găng trâu

Tên khác: Găng ổi, may căng (tiếng Tày), cây găng bọt.

Tên khoa học: Catunaregam spinosa (Thunb.) Tirv. Họ Cà phê (Rubiaceae).

Mô tả

Cây nhỏ, cao 2-4 m, phân cành nhiều và có nhiều gai dài 2-4 cm. Lá nguyên, mọc đối. Phiến lá dài 3-7 cm, rộng 1,5-3,5 cm, thường mọc sát nhau, có lá kèm, thường rụng sớm. Hoa màu vàng lục hay trắng, mọc đơn độc ở kẽ lá. 5 lá đài cùng phát triển với quả. 5 cánh hoa dính liền nhau thành ống ngắn ở dưới, 5 nhị, chỉ nhị rất ngắn đính ở họng tràng. Bầu dưới. Quả hình cầu, đường kính 3-3,5 cm, mang đài tồn tại ở đỉnh, trông tựa như quả ổi (vì vậy mà còn có tên là găng ổi), chứa nhiều hạt nhỏ màu nâu.

Nơi mọc

Cây mọc hoang và được trồng làm hàng rào ở khấp nơi trong nước ta. Ngoài ra còn có ở nhiều nước châu Á và đông Phi nhiệt đới.

Bộ phận độc và chất độc

Quả và rễ có chất độc. Vỏ quả có chứa saponin triterpen (2-3% trong quả tươi, 10% trong quả khô), vì vậy khi vò với nước thì sinh nhiều bọt.

Triệu chứng ngộ độc

Khi ăn phải sẽ gây nhức đầu, nôn, ỉa chảy và đau bụng dữ dội.

Giải độc và điều trị

Theo phương pháp giải độc cấp tính đối với những cây độc chứa saponin (xem phần Đại cương).

Chú thích

Trong nhân dân, thường dùng quả vò với nước để giặt quần áo. Có nơi dùng để duốc cá và làm thuốc gây sẩy thai. Chúng tôi đang kiểm tra lại tác dụng này, bước đầu thấy vỏ quả găng trâu có tác dụng làm tăng co bóp tử cung thỏ và làm sẩy thai ở chuột cống trắng (theo Trần Công Khanh và cộng sự, 1986).

 – Ở Ấn Độ người ta dùng quả khô để gây nôn với liều 2,5g bột quả.

error: Content is protected !!