Tên khác: Đậu mèo vằn, đậu mèo nằm, đậu móng chó.
Tên khoa học: Mucuna cochinchinensis (Lour.) A. Chev. Họ Đậu (Fabaceae).
Mô tả
Cây thảo leo, sống hàng năm, cao tới 10m. Thân có lông trắng. Lá kép có 3 lá chét. Lá chét giữa hình trái xoan, 2 lá chét bên hình móng chó. Mặt dưới lá có lông trắng. Thân, lá khi khô có màu xám đen. Cụm hoa chùm ở nách lá, mọc thõng xuống, dài tới 30cm, mang nhiều hoa to màu trắng, dài 4-5 cm. Mỗi mấu có 2-3 hoa. Đài hình đấu, có lông trắng mềm. Nhị xếp thành 2 bó. Bầu có lông. Quả tròn mập, hơi cong hình chữ S, dài 10-12 cm, có nhiều lông mềm, khi già, khô mỗi bên quả có 3 ường gân dọc, mang 4-5 hạt hình bầu dục dẹt, màu xám có vần. Rễ có nhiều nốt sần.
Nơi mọc
Có ở các vùng nhiệt đới. Được trồng nhiều ở miền Nam nước Mỹ, châu Đại Dương, nam châu Phi và một số nước châu Á như nam Trung Quốc, Ấn Độ, Sri-Lanka, Myanma,Thái Lan, Philippin, Indonesia, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Ở nước ta, cây này được trồng nhiều ở các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Sơn La, Vĩnh Phú, Bắc Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng.
Bộ phận độc và chất độc
Hạt có chất độc là acid cyanhydric.
Triệu chứng ngộ độc
Đau đầu, nôn mửa, đau bụng, ỉa chảy, bụng trướng, đái dắt, co giật các cơ.
Giải độc và điều trị
Phải kịp thời gây nôn và rửa dạ dày, cho uống nước đường. Truyền huyết thanh, tiêm atropin hoặc uống rượu cà độc dược.
Chú thích
Hạt cây này có thể làm thức ăn cho người và gia súc sau khi đã loại chất độc bằng cách nấu chín kỹ hoặc rang vàng. Canh lá tươi hoặc phơi khô có thể dùng làm thức ăn cho trâu bò, heo.