Tên khác: Mộc thông, tiểu mộc thông, uy linh tiên.
Tên khoa học: Clematis chinesis Retz., Họ Hoàng liên (Ranunculaceae).
Mô tả
Cây bụi có thân hóa gỗ ít nhiều, cành mềm. Lá mọc đối, kép hình lông chim lẻ với 5 lá chét hình trứng. Đầu phiến lá nhọn, gốc lá hơi tròn. Cụm hoa ở kẽ lá, mang các hoa nhỏ với 5 cánh màu vàng. Quả bế hình trứng dẹt, có nhiều lông mịn, tận cùng bằng một vòi dài có nhiều lông.
Nơi mọc
Cây mọc hoang phổ biến ở các cùng núi miền Bắc nước ta, có nhiều ở Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lạng Sơn.
Bộ phận độc và chất độc
Toàn cây có chất độc. Rễ có anemonin, protoanemonin anemonol và clematosid.
Triệu chứng ngộ độc
Nước của thân và lá dính vào da sẽ gây kích ứng, ngứa, phồng đỏ, ăn phải nhiều thì gây nôn mửa, đau bụng ỉa chảy mạnh, có khi ra cả máu, mạch đập chậm dần, khó thở, có thể chết.
Giải độc và điều trị
Rửa dạ dày, cho uống nước lòng trắng trứng hoặc than hoạt. Tiêm truyền huyết thanh mặn hay ngọt. Nếu đau bụng nhiều có thể dùng atropin sulfat. Da và niêm mạc bị viêm thì dùng nước sạch rửa, sau rửa lại bằng dung dịch acid boric hoặc dung dịch acid tanic.
Chú thích
– Có nơi dùng thân và rễ cây này với tên là mộc thông để làm thuốc. Có khi lại dùng lẫn với cây râu ông lão (Clematis vitalba L.) cũng được gọi là mộc thông. Trong thân và lá cũng có chất độc (protoanemonin, saponin, alcaloid) và triệu chứng ngộ độc giống như trên. Cần thận trọng khi dùng.
– Không nhầm lẫn dây ruột gà này với cây ruột gà hoặc ba kích (Morinda officinalis How., Rubiaceae). Đó là một cây thuốc quý, mọc hoang ở nhiều vùng miền núi nước ta.