Tên khác: Dây bàm, dây tràm, đậu dẹt
Tên khoa học: Entada phaseoloides (L.) Merr. Họ Trinh nữ (Mimosaceae)
Mô tả
Dây leo gỗ, cành xù xì, vặn vẹo. Lá mọc so le, kép hai lần hình lông chim, tận cùng bằng một tua cuốn rẽ đôi. Cuống lá chung dài 10-15 cm. Cụm hoa là một bông dài 15-20 cm đơn độc hay tụ họp ở kẽ lá, mang nhiều hoa trắng xếp sát nhau. Quả dẹt dài tới 1m, rộng 10-11 cm, thắt lại giữa các hạt. Hạt ro hình mắt chim, dày, bóng, màu nâu, đường kính 4-5 cm. Vỏ hạt dày và hóa sừng.
Nơi mọc
Cây mọc hoang phổ biến trong rừng thứ sinh ở khắp nước ta, nhất là ở miền Nam. Ngoài ra cây này còn mọc ở các nước nhiệt đới châu Á như Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, Philippin, Singapore, …
Bộ phận độc và chất độc
Toàn cây chứa saponin, đặc biệt có nhiều trong vỏ và hạt, gọi là Entada-Saponin A và Entada-Saponin B.
Trong vỏ thân và vỏ rễ còn có acid cyanhydric. Có tài liệu cho biết trong hạt có một alcaloid khá độc và 7-12% chất dầu màu vàng, không mùi vị, độc.
Triệu chứng ngộ độc
Khi ăn phải hạt thì gây nhức đầu, nôn mửa, hạ huyết áp đột ngột, hô hấp chậm dần rồi chết.
Giải độc và điều trị
Rửa dạ dày, cho uống dung dịch acid acetic loãng hoặc dung dịch acid tanic 1%.
Nếu hạ huyết áp thì tiêm no-adrenalin hoặc ephedrin 25-50mg. Nếu khó thở, mạch chậm thì dùng thuốc cường tim hoặc thuốc gây hưng phấn. Nếu cần thì cho thở oxy.
Chú thích
Theo kinh nghiệm dân gian, có nơi dùng lá cây bàm bàm (phối hợp với một vài thứ lá khác) giã nhỏ, sát khắp người để chữa nóng sốt, sài giật ở trẻ em. Cần thận trọng khi sử dụng, đặc biệt đối với trẻ em.