Tên khác: Cây chàm bụi.
Tên khoa học: Indigofera suffruticosa Mill. Họ Đậu (Fabaceae).
Mô tả
Cây bụi nhỏ, sống nhiều năm, cao 1-1,5 m. Thân và cành có cạnh, có nhiều lông trắng. Lá kép hình lông chim lẻ, có 15-19 lá chét mọc đối, mặt dưới có lông. Hoa có cuống ngắn, cong xuống, xếp sít nhau thành chùm ở nách lá. Lá bắc hình dải hẹp. Đài hình chuông, có răng hình tam giác. Tràng màu đỏ. Bao phấn hình cầu. Quả hình dải, nhẵn, dài 14-20 mm, xếp sít nhau, cong lên phía trên thành hình lưỡi câu. Mỗi quả có 5-10 hạt.
Nơi mọc
Cây trồng phổ biến ở châu Mỹ, châu Phi và châu Á để làm thuốc nhuộm. Ở Việt Nam, có trồng nhiều ở miền núi. Một số địa phương, chúng mọc gần như tự nhiên.
Bộ phận độc và chất độc
Toàn cây có chất độc gọi là indican.
Triệu chứng ngộ độc
Ăn phải ít thì bị đau đầu. Ăn phải nhiều sẽ đau họng, nôn mửa mạnh, đau bụng, ỉa chảy, hoa mắt và co giật.
Giải độc và điều trị
Phải rửa dạ dày, gây ỉa chảy. Cho uống nước lòng trắng trứng hoặc than hoạt. Tiêm truyền huyết thanh mặn hay ngọt. Nếu có co giật, phải cho thuốc trấn tĩnh.
Chú thích
– Đây là cây thuốc nhuộm quý, đồng thời là cây phân xanh cho phủ đất ở các vùng đồi núi thấp.
– Ở vùng núi nước ta còn có một cây chàm khác, cũng được trồng để làm thuốc nhuộm:
+ Chàm lá nhỏ (Indigofera tinctoria L.) và 5 loài khác cùng chi.
+ Chàm lá to, chàm mèo (Baphicacanthus cusia (Nees) Bremek, Acanthaceae). Người Dao ở Ba Vì dùng chữa đau bụng.