Tên khác: Cây sừng bò, cây sừng trâu hoa vàng.
Tên khoa học: Strophanthus duvaricatus (Lour.) Hook. et Arn. Họ Trúc đào (Apocyanceae).
Mô tả
Cây nhỏ, cao 203 m, phân cành nhiều. Ngọn cành mềm và vươn dài. Thân và cành già màu nâu đen, có nhiều lỗ vỏ trắng nổi rõ. Lá mọc đối. Phiến lá hình thìa, dài 5-9 cm, rộng 2,5-5 cm, hai đầu nhọn. Toàn cây có nhựa mủ trắng. Cụm hoa ở đầu cành, mang 1-3 hoa to màu vàng. Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 5. Đầu các thùy của cánh hoa hẹp lại và kéo dài đến 10cm thành hình sợi đặc biệt. Bội nhụy có 2 lá noãn, rời ở bầu. Quả gồm 2 đại dài chừng 10cm choãi ra như đôi sừng, dính với nhau ở cuống quả, trong chứa nhiều hạt. Mỗi hạt mang ở đầu một chùm lông trắng dài.
Nơi mọc
Cây mọc hoang phổ biến ở các vùng rừng núi nước ta. Có nhiều ở các tỉnh Hà Tây, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.
Bộ phận độc và chất độc
Lá, rễ, hạt và nhựa mủ đều độc. Trong hạt chứa các glycosid có tác động đối với tim là divaricosid (1%) và divostrosid (0,4%). Nếu dùng đúng liều lượng theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc thì có tác dụng điều trị suy tim. Nhưng, dùng quá liều qui định thì độc đối với tim.
Triệu chứng ngộ độc
Buồn nôn và nôn kéo dài, gây mất nước, có khi kèm theo ỉa chảy, rối loạn thị giác và tim. Ngoài ra, còn gây ù tai, chóng mặt, nhức đầu, yếu cơ. Tim đập chậm (40 lần trong một phút), có lúc tim đập nhanh. Các triệu chứng xảy ra 3-4 giờ sau khi bị nhiễm độc và chết trong vòng 48 giờ.
Giải độc và điều trị
Trước hết, loại chất độc bằng cách rửa ruột, cho uống thuốc tẩy. Để nạn nhân nằm nơi yên tĩnh, tránh choáng. Tiêm liều nhỏ các thuốc kích thích tim như long não, cafein, … Tiêm truyền huyết thanh mặn để tránh mất nước. Khi tim đập quá chậm phải tiêm atropin, nhưng cần theo dõi sát. Không dùng adrenalin.
Chú thích
– Trước đây, nhân dân ta cũng như các dân tộc ở châu Phi thường dùng nước sắc đặt hạt cây sừng dê để tẩm tên thuốc độc, dùng trong săn bắn.
– Có thể dùng làm thuốc trừ sâu trong nông nghiệp. Lấy một phần cây đun với 3 phần nước, sau đó pha loãng làm dịch phun. Nếu không dùng ngay thì phơi khô thân và lá, tán bột để giành. Có thể rắc bột vào ruộng (60-120kg/ mẫu), dẫn nước vào ruộng, cho ngập khoảng 5-6 cm. Sau 2-3 ngày nước ruộng có màu lam, mùi rất thối, phần lớn sâu sẽ bị diệt.
– Ở nước ta còn có một số loài Strophanthus khác có hoa màu đỏ. Dạng cây, lá, hoa và quả đều to hơn cây sừng dê, được gọi với tên chung là cây sừng trâu. Trong đó có cây Strophanthus caudatus (Burm.f.) Kurz. Trong cây và đặc biệt là hạt cũng có các chất độc tương tự như ở cây sừng dê và cũng có tác dụng đối với tim. Các cây này đang được nghiên cứu, cần chú ý vì có chất độc.