Tên khác: Ba đậu nam, dầu lai (miền Nam), đậu cọc rào.
Tên khoa học: Jatropha curcas L. Họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Mô tả
Cây nhỏ, cao 1-5 m, cành mập, nhẵn, có nhiều vết sẹo do lá rụng để lại. Lá đơn, nguyên, mọc so le, dài 10-13 cm, rộng 8-11 cm, có 3-5 thùy nông. Cuống lá dài 7-12 cm. Hoa nhỏ màu vàng, đơn tính cùng gốc, họp thành cụm hoa là một xim hai ngả ở nách lá hay đầu cành. Quả nang, hình trứng, rộng 2,5 cm, có cuống dài, chứa 3 hạt, khi khô mở thành 3 mảnh vỏ. Hạt hình trứng, nhẵn, màu đen nhạt, dài 2cm, rộng 1cm. Toàn cây có nhựa mủ trong.
Nơi mọc
Cây có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ. Hiện nay được trồng ở nhiều nước nhiệt đới, phổ biến ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Ở nước ta, cây được trồng làm hàng rào ở khắp nơi.
Bộ phận độc và chất độc
Độc nhất là hạt, sau đến cành, lá. Trong hạt có 20-50% dầu béo và một chất độc gọi là curcin. Dầu hạt cũng độc.
Triệu chứng ngộ độc
Người lớn ăn phải 3 hạt đã thấy tác dụng tẩy mạnh. Liều cao thì gây độc, có biểu hiện rát bỏng cổ họng và dạ dày, chóng mặt, nôn mửa, ỉa chảy, hôn mê, rồi chết. Ăn phải 25-30 hạt có thể chết người.
Giải độc và điều trị
Theo phương pháp giải độc đối với những cây có protein độc (xem phần Đại cương). Ngoài ra, theo kinh nghiệm, người ta cho uống mật hay nước đường hoặc nước sắc cam thảo. Nếu điều trị kịp thời thì có kết quả tốt.
Chú thích
– Cùng chi với cây dầu mè, ở nước ta có cây san hô (Jatropha multifida L.) còn gọi là cây bạch phụ tử, đỗ trọng nam, dầu lai nhiều khía. Đặc biệt, lá có phiến xẻ sâu hình chân vịt, mỗi phần lá này lại xẻ hình lông chim làm cho phiến lá như bị chia nhỏ. Cụm hoa có nhiều hoa đơn tính màu đỏ, trông như một nhánh san hô đỏ, vì vậy mà có tên là cây san hô. Quả nang, hình trứng ngược, nhẵn, màu vàng. Hạt to bằng hạt thầu dầu. Toàn cây có nhựa mủ. Hạt chứa 28-30 % dầu, có tác dụng tẩy mạnh. Ở Philippin, người ta dùng toàn cây để đánh bả cá. Đây cũng là một cây độc, cần chú ý.
– Ngoài, còn có cây ngô đồng hay dầu lai có củ (Jatropha podagrica Hook.), thường được trồng làm cảnh, cũng rất độc.