14 – Cây dầu giun

Tên khác: Cỏ hôi, thổ kinh giới (miền Nam), rau muối dại.

Tên khoa học: Chenopodium ambrosioides L. Họ Rau muối (Chenopodiaceae).

Mô tả

Cây thảo, sống hàng năm, cao 50-70 cm, hoặc hơn. Thân tròn, mảnh, có khía dọc. Lá mọc so le, dài 7-8 cm, rộng 1,5-3 cm, mép lá có răng cưa thưa, không đều. Toàn cây vò ra có mùi thơm hắc đặc biệt.

Cụm hoa là một chùy, dài chừng 15-20 cm ở đầu cành hay nách lá, gồm nhiều hoa rất nhỏ (đường kính khoảng 1mm), xếp dày đặc trên trục cụm hoa. Quả bế hình cầu. hạt nhỏ màu đen bóng.

Nơi mọc

Cây mọc hoang ở các bãi đất ven sông, ven đường, nương rẫy và ruộng bỏ hoang ở Việt Nam, Lào và Campuchia.

Bộ phận độc và chất độc

Phần cây trên mặt đất có chứa tinh dầu mùi thơm hắc đặc biệt, dùng để trị giun đũa, gọi là tinh dầu giun (thuốc độc bảng B). Thành phần chủ yếu của tinh dầu giun là ascaridol (tỷ lệ 60-80%). Dùng đúng liều quy định thì không nguy hiểm, nhưng nếu dùng quá liều sẽ gây ngộ độc.

Triệu chứng ngộ độc

Khi bị ngộ độc chất ascaridol, nạn nhân thấy nôn nao, buồn nôn và nôn mửa, mệt mỏi, chóng mặt, tê liệt, nhanh chóng dẫn đến tình trạng mê man. Tiếp đó, có hiện tượng co cứng, thường chỉ thấy ở một bên người. Một triệu chứng ngộ độc khác cũng thường thấy là rối loạn thính giác như ù tai, điếc tạm thời. Nếu ngộ độc nặng thì ảnh hưởng đến hô hấp và nạn nhân chết do ngừng thở.

Nếu qua khỏi được, hiện tượng liệt nhẹ của cơ quan thính giác vẫn còn kéo dài một thời gian nữa.

Súc vật ăn phải cây này cũng bị ngộ độc, biểu hiện là bỏ ăn, trướng bụng, chảy máu trực tràng, miệng và mũi, đi loạng choạng, run rẩy, nhiệt độ cơ thể giảm, …

Giải độc và điều trị

Loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể và điều trị triệu chứng.

Chú thích

Tinh dầu chiết từ cây này dùng để tẩy giun đũa, giun móc, nhưng không có tác dụng với giun kim và sán. Dùng quá liều có thể bị ngộ độc, nguy hiểm. Đặc biệt, không dùng cho người già, người có thể trạng yếu và phụ nữ có thai.

error: Content is protected !!