Tên khoa học: Vigna radiata (L.) Wilezek. Họ Đậu (Fabaceae).
Mô tả
Cây thảo, sống hằng năm, cao 30-50 cm. Toàn cây có lông. Lá kép, mọc so le, có 3 lá chét. Có lá kèm. Cụm hoa là một chùm dài 10-15 cm ở nách lá, mang nhiều hoa màu vàng lục ở đỉnh. Đài liền, hình chuông, có 5 răng hình tam giác nhọn, 5 cánh hoa rời, cánh cờ gần hình vuông, cánh thìa có mỏ dài cuộn xoắn ốc. Bầu có lông mịn, núm nhụy nhọn. Quả loại đậu, hình trụ, dài 6-12 cm, rộng 6-8 mm, thường nằm ngang khi ở trên cây. Vỏ quả có lông. Mỗi quả có 10-15 hạt màu xanh, gần hình cầu, dài 4-5 mm, rộng 3,5-4,5 mm.
Nơi mọc
Cây được trồng lâu đời trên thế giới, đặc biệt ở các nước nhiệt đới và á nhiệt đới. Ở nước ta, cũng được trồng khắp nơi để lấy hạt ăn.
Bộ phận làm thuốc.
Hạt và vỏ hạt.
Thành phần hóa học
Trong hạt có 19-25 % protein, 52% glucid, 1,2% lipid và các vitamin A, B1, B2, PP, B6, C …
Vỏ hạt chứa 0,8% flavonoid toàn phần, trong đó có 90% vitexin.
Công dụng
Hạt đậu xanh có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, chữa tả, lỵ, phù thũng. Vỏ hạt có tính hàn, vị ngọt, cũng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chỉ khát, lợi tiểu, tiêu phù thũng.
Để giải độc; Lấy 100g đậu xanh nghiền sống, chế nhiều nước rồi uống, hoặc nhai luôn 1-2 nắm hạt sống, cho uống nhiều nước.
Đậu xanh và gạo nếp nhai kỹ, đắp chỗ phồng rộp do “giời leo” để ngăn chặn phát lở, ngứa.
Có thể lấy cả hạt đun nhừ để ăn. Nếu chỉ có vỏ hạt thì sắc lấy nước uống. Có thể dùng bột đậu xanh khuấy với nước nguội để uống. Hạt đậu xanh dùng giải độc trong mọi trường hợp, đặc biệt khi say sắn và ngộ độc nấm.