Tự đề tựa

Tự đề tựa

(Bản gốc chữ Nho, Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo dịch sang chữ Quốc ngữ)

Tôi, nguyên gốc ở làng Phúc Hồ, huyện Trường Lạc, phủ Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến; cụ tổ xa đời là Hoàn Phổ công, làm đến chức Thượng thư bộ Binh, đến cuối triều Minh thì hưu trí; gia thế vốn nối đời đèn sách nghiệp Nho. Đến đời ông tôi gặp lúc nhà Thanh vào lấy Trung Quốc; không cam chịu đổi cách ăn mặc, cắt tóc, bèn sang nước Nam làm khách, trú ngụ tại xã Thanh Hà, thuộc huyện Bình An, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa, chịu sống cuộc đời dân mất gốc, phiêu bạt. Lúc đầu thử làm nghề gốm da chu, sau nổi tiếng khắp nơi; được coi là tay cự phách ở Lộc Động (tục gọi là Đồng Nai).

Đến đời cha tôi, lúc nhỏ thì theo học Thi thư; lớn lên thông cả lục nghệ; tài viết đại tự (chữ lớn) và đánh cờ cũng được người đời xưng tụng. Xấu hổ thấy đám trẻ tuổi thả sức tán dương, bèn bỏ tiền của mua được chức quan nhỏ trông coi việc thu thóc. Vì để thóc bị chìm, Lê quận công chuyển xuống cho làm lại tốt ở đội Tả phùng dực, ông bèn đến kinh Phú Xuân nộp tiền để nhận áo mũ hàng lục phẩm và nhận chức ở kho phủ Tân Bình, đồng thời mang gia quyến đi theo.

Đến năm Quí Tị, không may qua đời, lúc ấy tôi vừa 10 tuổi. Tôi theo mẹ và anh chị về chỗ ở cũ tại xã Thanh Hà để phụng dưỡng bà nội. Về sau Tây Sơn vào cướp bóc, bốn bể nổi sóng, nhà cửa trở thành đất hoang, tiền như giếng, vàng như nước, đều vào túi bọn giặc cướp.

Mẹ tôi lại đem tôi đến trấn Phiên An, lưu ngụ tại huyện Tân Long, thảy đều nhờ ở nghề canh cửu của người. Bà nghiêm nghị khuyên dạy tôi theo thầy học tập. Nhưng trong thôn xóm trẻ em thiếu thầy dạy, nên chỉ biết tự đọc tự giảng mà thôi. Chợt, bà mẹ Ngô Nhơn Tĩnh đưa anh ta đến, cùng nhau giải bày tình ly biệt nước mắt ròng ròng.

Hai bà vỗ vào hai đứa chúng tôi mà nói:

“Các con ơi! Ông cha các con dòng dõi hào hoa, nổi tiếng giỏi giang ở đời. Chẳng may, gặp lúc sóng to gió lớn, cây ngọc bị đất bụi chôn vùi, thời thế biến đổi mà phải xa quê, lìa bỏ bạn bè, rồi bỏ mình nơi đất khách. Các con gắng noi theo chí người đã khuất, để làm nức tiếng nếp nhà! Đó là điều các mẹ có nhắm mắt cũng yên lòng.”

Bởi vậy, hai chúng tôi xin vâng mệnh, và kết ước cùng nhau làm bạn suốt đời, tôi thấy anh Nhơn Tĩnh hơn tôi bốn tuổi, bèn gỏi là anh; cùng nhau học tập văn trường, gắng công mài giũa; các sách Kinh, Sử, Tử, Tập; Tam giáo, Cửu lưu. Hễ gặp sách nào cùng ưng, thì đều cùng đọc cho hết, chẳng ngại bị cười chê là đọc tạp nham.

Chúng tôi còn ham thơ Đường; thích phong cách vần điệu, nên thường hỏi các bậc thầy đương thời. Không ngại Gia Đình là đất mới, văn chương mới sơ khai, dòng thơ còn hạn hẹp, muốn tìm về nguồn gốc mà chưa có lối ra. Bèn tìm mua sách về phép làm thơ của ba thời kỳ nhà Đường và sách của chư gia, để cùng nhau dùi mài nghiền ngẫm những cái sâu xa, uyên áo về khí cách và thể tài. Khi ngủ, khi ăn đều nghiền ngẫm, dịch chú hay đề tài, từng bước học theo.

Lâu dần về sau, đã thành thục, gặp cảnh sinh tình, đặt bút thành thơ, mà không trái với thể thức khuôn phép. Như thế mới biết mùi vị cốt lõi của thơ Đường vậy. Từ đó, các bậc nổi danh trong làng thơ văn đương thời vui mến kết giao, cho là bạn “vong niên”, các cuộc bình luận văn thơ đều cho tham dự.

Từ đó tôi thung dung cố gắng để tìm ra những nét hay. Vì thế mà cái tên An Tĩnh được truyền rộng qua miệng các văn nhân. Nhưng, cũng có lúc phí sức vào chuyện thay tứ đổi từ, muốn vào phên giậu của cổ học, rút cục vẫn bị rơi vào khuôn sáo của thơ văn đương thời. Không gạt bỏ được những cái hủ lậu cũ thì rơi vào bỉ tục phù phiếm.

Tuy, đặt bút thành thơ, song chỉ là nhấm nháp bề ngoài, chưa có được cái phong nhã và tinh thần cùng cách thức của ba trăm bài kinh Thi. Bởi lẽ sức học còn non, tứ thơ còn cạn, chưa tìm được đạo “Tam muội” của pháp gia vậy.

Lời xưa có nói: Mười năm có thể đi thi được, ba mươi năm không thể trở thành nhà thơ được, điều đó thật không ai.

Ôi! Cách làm thơ khó như vậy sao!

Bèn tập hợp các bạn yêu thơ, lập thành thi xã, lấy tên là Gia Định sơn hội để cùng nhau rèn giũa, trau dồi. Tôi tên là An, lấy hiệu là Chỉ Sơn; anh họ Ngô tên là Tĩnh, lấy hiệu Nhữ Sơn. Các bạn trong hội, đều lấy chữ Sơn đặt tên hiệu; đó là để ghi nhớ nguồn gốc học cách làm thơ vậy.

Thế rồi gặp phải năm mất mùa đói kém, nồi niêu gạo muối chỏng chơ bụi bặm tanh tưởi, không học được Nhan Tử (1) cày ruộng ngoài thành, đành phải bắt chước Tử Cống (2) đi buôn kiếm sống cho khỏi rơi vào cảnh cùng quẫn như Hòa Cầu, để tiếp tục công đèn sách.

Anh Nhữ Lê, có nơi nương tựa, lại được gặp tiên sinh Đặng Cửu Tư (3). Ông hỏi tôi về kinh sử thơ văn đã học thuở bình sinh, nhờ đó tôi mới biết được cương lĩnh chủ yếu cùng những sai lầm tỳ vết của tục học cần gạt bỏ.

Thế rồi vận nước gặp lúc long đong, chiến tranh liên tiếp tôi phải lánh nạn sang Cao Miên, do đã trải qua nhiều gian nan, dấu chân để lại khắp nơi, cho nên tức cảnh mà sinh tình cũng có làm được ít bài.

Đến năm Mậu Thân thời kỳ đầu Trung hưng, các đồng sự không lượng tài đức của tôi, đã trao cho việc soạn thảo chế cáo trong viện Hàn lâm. Năm Kỉ Dậu được trông coi việc trồng trọt mở mang nghề nông.

Đến năm Nhâm Tí thi đình được tuyển vào làm Thị giảng Đông cung. Đến mùa thi năm Quí Sửu, được theo hầu Thái tử Cảnh đi trấn giữ thành Diên Khánh; mùa đông năm ấy, quân Tây Sơn bất ngờ bao vây thành, đến mùa xuân năm Giáp Dần quân triều đình ra cứu viện, thừa thắng đuổi quét giặc tới trấn Phú Yên. Vua thân đốc suất quân thủy tiến công cửa biển Thi Nại, sai Đông cung Nguyên súy điều hành các đạo bộ binh từ trên Đồng Thị ra Quân Sơn (tục gọi là núi Cháu) để đánh giáp công thành Qui Nhơn. Tôi cũng được theo đi để trù bị các việc quan trọng như hoãn hay gấp tuyên hành việc tiến hay ngừng.

Tôi là quan văn nhưng do tình thế nên phải tham dự công việc chiến trường. Tiền gạo lúc đó cũng ngặt nghèo, vả giặc đóng chặt cửa thành cố thủ, quân ta thì thiếu lương, đại binh phải triệt hồi giữ hai trấn hiểm yếu là Phú Yên và Bình Hòa. Tôi theo hầu Đông cung Nguyên soái về thành Gia Định. Mùa đông năm ấy được thăng làm Kí lục trấn Định Tường. Lúc bấy giờ các việc binh đao tiền gạo nhất nhất đều trông vào dân; phải làm sao trên có ích cho nước, dưới không hại đến dân, thì thật là khó lắm.

Mùa hạ năm Mậu Ngọ, tôi lại được nhận chỉ cho làm Hữu tham tri bộ Hộ lo cấp việc quân lương. Năm Kỉ Mùi trấn thủ thành Qui Nhơn của giặc là Nguyễn Tuấn dâng thành đầu hàng. Khâm mệnh giữ hậu quân Bình tây Tham thừa đại tướng quân, Tính Quận công là vũ Công Tính và Chu Chính hầu bộ Lễ là Ngô Tòng Chu lưu giữ trấn này. Tôi được khâm mệnh vận chở cấp phát dự chứa lương thực cho đầy đủ. Mùa đông năm ấy, Thiếu phó ngụy là Nguyễn Diệu đem đại quân thủy bộ vào vây thành Qui Nhơn.

Sang mùa hạ năm Canh Thân, quân nhà vua ra cứu viện, quân thủy đóng ở cửa biển Cù Mông, chia đường cùng quân bộ tiến đánh giải vây cho Qui nhơn. Tôi được phụng mệnh làm việc trưng mộ dân phu, tùy nghi chuyển vận tiền gạo, lội khe vượt núi để cung cấp cho các đồn được đầy đủ. Lúc đó quân giặc đông gấp năm quân ta; chúng đắp hai vòng lũy đất, vây hãm bao bọc kiên cố, khiến trong thành và viện binh ở ngoài không hỗ trợ được cho nhau.

Tháng Giêng năm Tân Dậu, đức vua được trời giúp, thân dẫn thủy binh nhân đêm tối công phá cửa biển Thị Nại, đốt hết các chiến hạm của Tây Sơn; lửa cháy sáng rực cả vùng sông núi, bắt được quân, tướng và khí giới của ngụy nhiều vô kể, so với chiến thắng quân ngụy của nhà Hán ở sông xích bích trước đây hơn 1600 năm cũng chẳng khác gì nhau.

Chúa ngụy là Nguyễn Quang Toản nghe tin báo, hoảng hốt vội vàng cho dồn hết quân vào Thuận Hóa cứu viện để đất Bắc Hà trống không. Đức vua ta thấy thành phú Xuân quân ít, phòng bị trống trải, tháng tư năm đó, bèn lưu quan Khâm sai, Chưởng Tiền quân Bình tây đại tướng, Thành Quận công là Nguyễn Văn Thành coi bộ binh, và quan Khâm sai coi tượng quân, Xuyên Quận công là Nguyễn Đức Xuyên đem quân voi tùy cơ đánh giữ để trong thành biết có quân cứu viện.

Đức vua thân đốc suất quân thủy tiến thẳng đến Phú Xuân; quân ta không phải đổ máu mà thu toàn thắng. Nguyễn Quang Toản bị thương thua chạy; kinh thành từ đây được yên ổn.

Khâm mệnh Bình tây tướng quân, Lê Văn Duyệt, Duyệt Quận công, đem quân bộ vào giải vây cho Qui Nhơn. Tôi được theo đi trưng thu tô thuế ở hai xứ Quảng Nam, Quảng Ngãi để cung cấp quân lương, quân đóng ở đồn Thanh Hiếu để đánh mé sau lưng địch.

Mùa xuân năm Nhâm Tuất, Nguyễn Diệu bị cùng bức ban đêm phải trốn chạy theo đường núi vùng dân Man ra Bắc Hà. Tháng tư, tôi được triệu về Kinh thăng chức Thượng thư bộ Hộ (triều ta, sáu bộ có chức Thượng thư, bắt đầu từ đây) và sắc cho làm Chánh sứ sang nước Đại Thanh tiến cống (triều ta có sứ bộ sang Trung Quốc, cũng từ tôi là mở đầu), để tạ ơn về việc năm Kỉ Mùi quan quân bị gió bão dạt đến biển Việt được cấp áo quần lương thực và đưa về. Thêm vào đó những sách ấn mà thiên triều ban cho bọn Tây Sơn Nguyễn Quang Bình, Nguyễn Quang Toản thu được, cùng với những tên cướp người nội địa (người Trung Quốc) là: Đông Hải vương Mạc Quan Phù, Thống binh Lương Văn Canh, Phan Văn Tài do quan Khổn thần ở Việt Đông đề đạt cũng áp tải đi. Cùng hai phó sứ Giáp và Ất là Tham tri bộ Binh tước Tĩnh Viễn hầu Ngô Nhơn Tĩnh và Tham tri bộ Hình tước Uẩn Tài hầu Hoàng Ngọc Uẩn.

Đoàn sứ đi trên hai tàu chiến Bạch Yến và Huyền Hạc. Ngày 12 tháng 6 từ cửa biển Thuận An xuất phát; ngày 19 thì qua phủ Tam Châu thuộc vùng biể đất Việt, gặp bão lớn, mặt biển điên đảo, tàu bị gió đánh quay cuồng, sóng cao như núi, cực kì dữ dội; tàu bị xô nghiêng ngả như chiếc lá cải trong chỗ nước xoáy, tình trạng rất nguy ngập, cơ hồ không bảo toàn nổi tính mạng.

Tôi ở tàu Bạch Yến đến trước, đã dậu dạt vào cát Thượng Xuyên. Hai phó sứ ở tàu Huyền Hạc ở ngoài biển không chống đỡ được với gió dữ, cột buồm gãy, tàu bị dạt vào vùng Đại Áo thuộc biển nước Việt.

Đến ngày mồng 1 tháng bảy mới cùng đến Hổ Môn quan thuộc Việt Đông; trình với quan Tổng đốc Lưỡng Quảng là Thượng thư bộ Binh, tước Thái tử Thái bảo, Hiệp biện đại học sĩ của thiên triều là Giác La Cát Khanh; làm tờ tấu dâng.

Tháng mười, được thiên triều ban chỉ chuẩn cho sứ bộ từ tỉnh Quảng Tây gấp lên đường tiến kinh triều yết. Lại tiếp được tin báo vua ta đã thu hồi toàn cõi An Nam. Tiếp đó sai quan Thượng thư bộ Binh tước Mẫn Chính hầu là Lê Quang Định cùng hai phó sứ là Nguyễn Địch Cát, tước Quì Giang hầu, Học sĩ điện Cần Chính, và Lê Chính Lộ, tước Quýnh Giám hầu, Thiêm sự bộ Lễ làm sứ bộ sang thỉnh phong. Lại tiếp được trát của quan Đốc phủ Lưỡng Việt đưa xuống bảo chúng tôi lưu lại tỉnh Quế để chờ sứ bộ đó đến rồi cùng tiến kinh. Song ông ta lấy làm ngại vì trong tờ biểu thỉnh phong có câu xin lấy quốc hiệu là Việt Nam, như thế thì trùng với tên hiệu của tỉnh Việt xưa của Trung Quốc.

Quan đại thần quân cơ của thiên triều quở trách, lệnh cho quan Tần phủ Quảng Tây là Tôn Ngọc Đình bảo phải gửi nguyên tờ biểu đó về đổi theo quốc hiệu cũ là An Nam.

Triều đình ta trả lời: An Nam là quốc hiệu của triều ngụy Tây, nên không thể lấy hiệu đó được. Vì thế, quan Tuần phủ họ Tôn, quan Bố chính Nga, quan Án sát là Thanh An Thái, luôn mời sứ bộ đến biện bạch những khó khăn, dụ sứ bộ làm biểu văn gửi về tâu để sớm xin tuân theo ý của thiên triều.

Chúng tôi biện luận đặt quốc hiệu là do vua định đoạt, đó không phải là việc của người đi ra ngoài nước được tự ý.

Quan Phủ đài họ Tôn càng thêm lo lắng sợ hãi, vội giao cho phủ Thái Bình ở gần quan ải làm văn thư qua lại để chờ mệnh lệnh. Thư từ chậm trễ, thêm nữa việc binh cơ hai nước giặc giã vừa bình xong, ở biên ải chưa hẳn đã yên nên hai bên đều khoa trương thanh thế. Việc đón tiếp sứ bộ, công văn qua lại quân lính phòng giữ chờ đợi đều phải chuẩn bị nghiêm chỉnh.

Việc xin thay quốc hiệu chưa định xong, biện luận rất nhiều, bên kia cố tình còn bên ta không chịu, cho nên có tin đồn rằng: hai sứ bộ đều bị cầm giữ quản thúc. Bởi vậy, quan Tổng trấn Bắc thành sai người đến tỉnh Quế để thăm dò tin tức. Tháng Tư năm Quí Hợi, nhân tờ biểu trình bày: nước ta trước hiệu là Việt Thường, say lấy hiệu là An Nam đó là sự thật. Qua đình nghị thiên triều, chuẩn cho sứ bộ lên đường tiến kinh. (Từ đó được phong là Việt Nam, thực là hài hòa trọn vẹn đôi bề, sự thể tốt đẹp).

Tháng năm khởi hành, từ tỉnh Quế, tháng Tám qua Yên kinh ra Vạn lý trường thành đến cửa khẩu Cổ Bắc qua Hành đại Nhiệt Hà làm lễ bái cận yết (triều đình ta, cử sứ đến Nhiệt Hà, mới từ sứ bộ của tôi là đầu tiên, chứ từ trước chưa có), đều gặp sứ của vua các nước đến cống.

Các sứ bộ được đãi yến Trung thu vui vẻ. Công việc xong, từ Nam Quan về nước (Ngọn ngành việc đi sứ, đều ghi rõ trong “Hoa trình lục”).

Mồng một tết năm Giáp Tí về đến thành Thăng Long làm lễ triều yết, được lưu lại đó để chầu đại lễ nhận sách phong. Đức vua ban dụ rằng: tôi và Tĩnh Viễn hầu biết tiếng Trung Quốc nên ủy cho tôi làm thị giá (theo hầu vua), Tĩnh Viễn hầu tiếp sứ sang làm lễ sách phong là Tề Bố Sâm, Bố chính tỉnh Quảng Tây; đồng thời làm phiên dịch trong khi vấn đáp và trong yến tiệc khoản đãi, khỏi phải dùng người khác kém cỏi, ăn mặc thô kệch, ảnh hưởng đến quốc thể. Lễ xong được theo giá về kinh Phú Xuân hầu trực.

Khi việc nước đã xong, chưa bận rộn việc mới, tôi bèn đem tập Sứ hành quan quang xếp thành từng tập; rồi sưu tầm các bài từ trước phần nhiều đã bị tản mất, cùng những bài mà còn nhớ được trong kí ức và qua sự truyền miệng của bè bạn mà biên lại, song mười phần cũng chỉ được một, hai mà thôi; đặt tên là Thoái thực truy biên xếp thứ tự thời gian, cho rõ thuộc chính hay ngụy triều, vận thuộc lúc cùng hay đạt; và tự chú thích những sự tích của nó; để khi muốn đọc là có vậy.

Mùa xuân năm Ất Sửu, tôi được đặc mệnh giữ chức cũ cùng với quan Khâm sai Chưởng trung quân, Bình tây đại tướng, tước Quyền Quận công là Nguyễn Văn Chương làm Tổng trấn thành Gia Định.

Mùa đông năm Mậu Thìn, Quyền Quận công được triệu về kinh, tôi được vâng chiếu cùng với quan Khâm sai Chưởng Chấn vũ quân, tước Nhân Quận công là Nguyễn Văn Nhân làm Tổng trấn thành Gia Định.

Mùa đông năm Tân Mùi, gặp khi đức hoàng hậu Hiếu Khang thăng hà, mùa xuân năm Nhâm Thân, cho tôi đến kinh để chiêm bái đại lễ an táng. Mùa thu năm ấy, vâng chiếu cho tôi làm Thương thư bộ Hình. Tôi dân biểu cố từ, được chuẩn cho, đổi làm Thượng thư bộ Lễ, kiêm quản lý công việc tòa Khâm thiên giám.

Tháng Giêng năm Giáp Tuất, lại được chuyển làm Thượng thư bộ Lại.

Mùa đông năm Bính Tí, phụng mệnh tôi cùng quan Khâm sai Chưởng Tiền quân Bình tây tướng quân, tước Đức Quận công là Nguyễn Huỳnh Đức làm Tổng trấn thành Gia Định. Khi đó, nhân lúc việc công rảnh rỗi, bèn kiểm lại những tập thơ đã làm từ cũ thì hai tập Thoái thực Quan Quang phần lớn đã bị sâu mọt gặm nát.

Không nỡ để những tâm tích thuở bình sinh của mình bị mai một; nếu không sớm lo làm lại, thì sau này toàn bộ các tập ấy không biết tìm ở đâu. Bèn vội biên tập lại, tập đầu đặt tên là Thoái thực truy biên, tập tiếp lấy tên là Quan quang và thu thập những bài từ năm Giáp Tí trở về sau, gồm các bài như ứng chế, đưa tiễn, thăm viếng, tặng đáp … cùng những khi rèn dạy học trò, con cháu và các bạn bè ngâm vịnh đề xướng, cho đến cuối năm Bính Tí, đặt tên là Khả dĩ tập; rồi đóng lại làm một tập, lấy hiệu của mình đặt tên là Cấn trai thi tập.

Mướn được thợ khắc ván in ở Việt Đông, khắn in lưu lại cho con cháu, để biết lí lịch của tôi thuở bình sinh vất vả như vậy, mà giữ gìn cho mai hậu, chứ không dám gọi là trước tác đâu!

Nay được gặp buổi đức vua ta thu phục cơ đồ, đem thanh bình cho cõi Nam, lập kĩ cương, đặt chế độ, dùng bày tôi, vỗ con dân, rạng rỡ triều đình, tiếng vang thịnh trị. Riêng tôi đâu dám đem văn tự mà chiếm lấy danh tiếng ở đời!

Cho nên viết bài tựa này phân rõ việc nước, việc nhà như vậy.

Ngày 20 tháng ba năm Gia Long thứ 18. (4)

Thượng thư bộ Lại, Khâm sai Hiệp tổng trấn thành Gia Định, tước An Toàn hầu: Trịnh Hoài Đức, hiệu Chỉ Sơn thị, đề.


(1): Nhan Hồi, học trò yêu của Khổng Tử, là người “an bần lạc đạo”.

(2): Tử Cống cũng là học trò Khổng Tử.

(3): Tức Đặng Đức Thuật, thầy học của Trịnh Hoài Đức.

(4): Gia Long thứ 18 là năm 1819 dương lịch

Viết một bình luận

error: Content is protected !!