Nguyên tác chữ Nho (*)
Phiên âm
Trầm kha vô xứ mịch y thần,
Ai nhĩ liên miên tật bệnh thân.
Nhất tuế nhượng du Nhan Tử (2) thọ,
Cửu nguyên dĩ phản Tất viên (3) chân.
Thê nhi tiên trục hoàng hùng mộng (4),
Thư kiếm chung mai Bạch Đế (5) trần.
Thê sảng phù quan tòng tổ nhật,
Duy huynh suy điệt đệ triền cân.
Dịch nghĩa: Đau đớn vì con thứ ba Thiên Hóa
Bệnh trầm kha không biết tìm vị thần về nghề thuốc ở đâu,
Thương con thân tật bệnh liên miên.
Còn thua tuổi thọ của Nhan Tử một tuổi,
Chín suối đã trái lại với cái chân của Tất viên.
Vợ con trước theo đuổi cái mộng gấu vàng,
Gươm sách sốt cuộc chôn vùi trong đám bụi thành Bạch Đế.
Đau đớn ngày phù quan về với tổ tiên,
Anh mặc tang phục em đội khăn.
Chú thích
(1): Thiên Hóa: tên con trai thứ ba của Trịnh Hoài Đức.
(2): Nhan Tử: cón có tên Nhan Hồi hay Nhan Uyên, là học trò giỏi của Khổng Tử nhưng chết sớm. Nguyễn Đình Chiểu có câu thơ rằng:
Thương thày Nhan Tử dở dang,
Ba mươi mốt tuổi tách đàng công danh.
(3): Tất viên: chỉ Trang Chu từng làm Tất viên lại.
(4): Hoàng hùng mộng: mộng gấu vàng, do câu Duy hùng huy bi, nam tửu chi tường (Mộng thấy con gấu con bi thì sinh con trai). Câu này ý nói Thiên Hóa vẫn mong có được con trai, nhưng rốt cuộc không có nên câu cuối mới nói ngày phủ quan, anh mặc tang phục, em đội khăn.
(5): Bạch Đế: tích Lưu Bị chết ở thành Bạch Đế.
Hoài Anh dịch thơ
Biết tìm đâu vị thuốc tiên?
Thương con bệnh tật liên miên không rời.
Còn thua tuổi thọ Nhan Hồi,
Suối vàng đã trái với lời Tất viên.
Mộng gấu vàng đã hão huyền,
Đành đem gươm sách chôn miền cỏ hoang.
Đau đớn thay ngày đưa tang,
Anh mặc áo trở, em choàng khăn xô.
(*): Tôi chưa tìm được bản gốc chữ Nho, sẽ bổ sung sau.