148 – Sứ bộ xuất Nam Quan hồi quốc khẩu chiếm

Nguyên tác chữ Nho (*)

Phiên âm

Nam Quan (1) vô sự lạc tình đa,

Trung ngoại dân di kích nhưỡng ca. (2)

Chiêu Đức (3) phong thanh nhàn Mạc phủ, (4)

Đồng Đăng (5) trần thiếp tĩnh Mai Pha. (6)

Nùng nhân dạ phát thông hành liễn,

Việt khách (7) triêu thừa hỗ thị la.

Ký ngữ chướng lam kinh tự tích,

Phi diên thiếp thiếp trụy hồng ba. (8)

Dịch nghĩa: Thơ ứng khẩu khi sứ bộ ra khỏi cửa Nam Quan trở về nước

Nam Quan thảnh thơi vô sự, vui vẻ xiết bao,

Nhân dân hai bên Nam Bắc ca hát cảnh thái bình.

Đài Chiêu Đức gió mát, Mạc phủ nhàn hạ,

Phố Đồng Đăng sạch bụi, Mai Pha yên tĩnh.

Người Nùng dong xe tải đi lúc ban đêm,

Khách buôn Quảng cưỡi lừa tới phiên chợ sớm.

Nhắn bảo ai đó: vùng này lam chướng nay chẳng khác xưa,

Chim diều hâu bay liệng chờn vờn, thường bị rơi xuống làn sóng lớn mà chết.

Chú thích

(1): Nam Quan: ải ở biên giới Việt Nam – Trung Quốc, tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Tây.

(2): Kích nhưỡng ca: Đánh vào sênh gỗ mà hát.

(3): Chiêu Đức: tên một cái đài ở Trung Quốc, cách Nam Quan 10 dặm.

(3): Mạc phủ: Cửa quan nhỏ ở Trung Quốc, cách Nam Quan 20 dặm.

(5) và (6): Đồng Đăng và Mai Pha: hai địa danh thuộc tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam.

(7): Việt khách: Khách buôn người Quảng Tây và Quảng Đông.

(8): Tiểu truyện Mã Viện đời Đông Hán, chép rằng: Nước Nam lam chướng rất độc, có khi con diều hâu đương bay trên trời gặp phải chướng khí xông lên liền rơi xuống chết nơi khe suối.

Hoài Anh dịch thơ

Nam Quan dân chúng thảnh thơi,

Bắc Nam ca hát vui chơi thái bình.

Chiêu Đức mát, Mạc phủ thanh,

Đồng Đăng bụi lặng, yên lành Mai Pha.

Người Nùng xe tải đêm qua,

Chợ mai khách Quảng sớm ra, cưỡi lừa.

Vùng này lam chướng tự xưa,

Diều hâu rớt xuống sông to xác vùi.


(*): Tôi chưa tìm được bản gốc chữ Nho, sẽ bổ sung sau.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!